Vì sao ghế Phó Chủ tịch tài chính VFF nhiều áp lực?
So với nhiều vị trí khác, vị trí Phó chủ tịch (PCT) phụ trách tài chính và vận động tài trợ của VFF là một trong những vị trí nhiều áp lực nhất. Các đội tuyển Việt Nam càng thành công, càng tham dự nhiều giải quốc tế, thì PCT phụ trách tài chính càng… nhiều việc.
Bởi lẽ, các đội tuyển Việt Nam càng thành công, càng tham dự nhiều giải quốc tế, thì VFF càng tốn nhiều tiền. Ngay danh xưng “phụ trách tài chính và vận động tài trợ” cũng đã chỉ ra nhiệm vụ nặng nề của PCT VFF phụ trách mảng này, phải là người chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc tìm nguồn tiền cho VFF, cho hoạt động của các đội tuyển, nhất là các hoạt động quốc tế.
Chính vì thế, với người trong ngôi nhà VFF, hoặc từng ở trong ngôi nhà của VFF, họ thừa hiểu áp lực dành cho PCT phụ trách tài chính nặng nề như thế nào.
Khi các đội tuyển thành công, người ta thường khen khâu chuyên môn, chứ ít ai nhớ đến khâu tài chính. Rồi so với người đồng cấp ở vị trí phụ trách truyền thông, khối lượng công việc và áp lực dành cho PCT phụ trách tài chính cũng nặng nề hơn.
Bầu Đức và ông Lê Hùng Dũng khi còn tại vị ở VFF không chỉ là những “doanh nhân nghìn tỷ”, mà còn là những người có địa vị xã hội, có tiếng nói tại chính VFF
Thành ra mới tồn tại thực tế rằng, những nhân vật giữ vị trí PCT phụ trách tài chính VFF trong 3 nhiệm kỳ gần nhất đều là những ông chủ, hoặc CEO cỡ bự của các doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế lớn. Đó là ông Lê Hùng Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Eximbank, PCT tài chính VFF nhiệm kỳ 5 và 6) và ông Đoàn Nguyên Đức (ông chủ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, PCT tài chính VFF nhiệm kỳ 7).
Hai nhân vật này không chỉ đã hoặc đang là những “doanh nhân nghìn tỷ”, mà còn có địa vị xã hội cao, tức là có tiếng nói nhất định ở một số lĩnh vực.
Video đang HOT
Có thời điểm, thực quyền của ông Lê Hùng Dũng tại VFF được đồn rằng còn lớn hơn cả tiếng nói của nguyên chủ tịch tổ chức này Nguyễn Trọng Hỷ, nhất là trong những năm cuối cùng của nhiệm kỳ 6, thời điểm mà ông Hỷ đã về hưu.
Với bầu Đức, thời còn tại vị, ông Đức dù ít xuất hiện tại trụ sở VFF, nhưng khi ông Đức lên tiếng, bộ máy VFF khi đó ít dám phản ứng, vì sợ ảnh hưởng của bầu Đức với dư luận.
Phải là những nhân vật cỡ đó mới trụ nổi ở vị trí PCT phụ trách tài chính của VFF vốn nhiều áp lực và lắm trách nhiệm.
Cũng thành ra, khi tìm người ngồi vào ghế PCT phụ trách tài chính và vận động tài trợ của VFF tới đây, bóng đá Việt Nam có lẽ cũng phải tìm đến nhân vật có tầm ảnh hưởng cỡ bầu Đức hay ông Lê Hùng Dũng ngày nào.
Những nhân vật mà người ở trong nhìn ra thấy được cái uy của họ, để đồng lòng vì họ. Còn người ngoài nhìn vào thấy được rằng những nhân vật này đủ giàu để tin rằng họ đến với bóng đá vì bóng đá, chứ không phải làm bóng đá để trục lợi từ bóng đá, trước khi niềm tin ấy tạo nên sự chung tay cho VFF và cho bóng đá Việt Nam.
Vấn đề là, tìm một nhân vật cỡ đó chắc chắn không phải dễ!
Theo Dân Trí
Ứng cử viên Phó chủ tịch VFF: Bầu Đức là số 1?
Ông chủ của HAGL Đoàn Nguyên Đức được cho là ứng cử viên sáng giá nhất thay thế ông Cấn Văn Nghĩa, giữ chức Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính.
Sau khi ông Cấn Văn Nghĩa xin nghỉ, chức vụ Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính đang bỏ trống. Tuy nhiên, VFF sẽ phải sớm tìm người đảm nhiệm vì vấn đề tiền lương của HLV Park Hang-seo đang gặp trở lại. Vậy những ai đủ khả năng gánh vác trọng trách mang về nguồn tài trợ dồi dào và giữ chân ông Park?
Bầu Đức thân thiết với HLV Park Hang-seo.
Có 4 ứng cử viên sáng giá có thể đảm nhiệm vị trí của ông Cấn Văn Nghĩa để lại gồm ông Đoàn Nguyên Đức, Trần Văn Liêng, Nguyễn Hoài Nam và Trần Anh Tú. Trong số này, bầu Đức được coi là người có lợi thế nhất khi ông là người tiền nhiệm của ông Nghĩa, hơn nữa lại có công lao lớn đưa HLV Park Hang-seo về Việt Nam.
Nói về tâm huyết với bóng đá nước nhà, bầu Đức cũng được đánh giá rất cao. Việc bỏ tiền túi trả lương cho HLV Park là một ví dụ. Ngoài ra, ông chủ của đội bóng phố Núi cũng là người kịch liệt chỉ trích ông Nghĩa khi không làm tốt nhiệm vụ mang về hợp đồng tài trợ cho VFF.
Ứng cử viên Nguyễn Hoài Nam
Ông Nguyễn Hoài Nam.
Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam, là chủ sở hữu CLB Sarajevo vừa vô địch giải quốc nội Bosnia & Herzegovina. Năm 2018, ông từng tranh cử vào vị trí Phó chủ tịch VFF nhưng không thành công dù từng tuyên bố có thể mang đến khoản tài trợ cao hơn 30% mức cao nhất của VFF năm 2017. Ông Nam từng chia sẻ hoài bão của mình muốn đưa bóng đá Việt Nam bước ra thế giới
Ứng cử viên Trần Anh Tú
Ông Trần Anh Tú.
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, hiện giữ chức Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.HCM. Ông Tú có nhiều đóng góp đặc biệt cho futsal và bóng đá nữ Việt Nam. Chính doanh nhân sinh năm 1963 này là người đứng sau tấm vé World Cup lịch sử của futsal Việt Nam, đồng thời giúp bóng đá TP.HCM phát triển lại mạnh mẽ trong vài năm qua.
Ứng cử viên Trần Văn Liêng
Ông Trần Văn Liêng.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinacacao. Ông Liêng từng được Phó chủ tịch VFF Cao Văn Chóng giới thiệu vào chiếc ghế Phó chủ tịch tài chính VFF khóa VIII. Dù chưa có kinh nghiệm trong bóng đá, ông Liêng vẫn tự tin mang tới luồng gió mới cho VFF vì tình yêu với bóng đá và đội tuyển Việt Nam.
Theo Dân Việt
HLV Park Hang Seo: 'Tôi có trách nhiệm đền đáp tình cảm của NHM Việt Nam' Nhà cầm quân người Hàn Quốc tái khẳng định làm việc tại Việt Nam là ưu tiên số 1 bởi ông muốn tri ân tình cảm mà người hâm mộ ở dải đất hình chữ S dành cho mình. Sau những thành công rực rỡ với bóng đá Việt Nam thời gian qua, mà gần đây nhất là ngôi vị Á quân King"s...