Vì sao FLC đầu tư lớn vào Quảng Ninh?
Ngoài FLC Hạ Long, Tập đoàn FLC dự định sẽ đầu tư thêm nhiều dự án khác tại Tp Hạ Long, trong đó có tháp đôi 50 tầng như một biểu tượng của thành phố. Bà Hương Trần Kiều Dung – Tổng giám đốc Tập đoàn FLC đã chia sẻ với báo chí về lý do tại sao FLC lại quyết định đầu tư lớn vào thành phố du lịch này.
Lãnh đạo Tập đoàn FLC đi thị sát dự án FLC Hạ Long ngày 16/8/2016
FLC được biết đến là “người đánh thức các vùng đất tiềm năng” bằng những dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng tại Thanh Hóa, Quy Nhơn, Quảng Bình. Còn với Quảng Ninh thì sao, bởi nơi đây đã có mặt rất nhiều “đại gia” như Vingroup, Sun Group, BIM Group…?
Đơn giản thôi. Ở Hạ Long, Quảng Ninh, có thể chúng tôi không phải là “người đánh thức”, nhưng nơi đây còn rất nhiều dư địa để chúng tôi đầu tư. Mặc dù Hạ Long đã có sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư lớn với những dự án lớn, nhưng chừng đó vẫn chưa ăn thua gì so với tiềm năng của một thành phố sở hữu kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Bạn cứ thử nghĩ xem. Có người Việt Nam nào không muốn đến thăm Vịnh Hạ Long ít nhất một lần trong đời? Như thế có nghĩa: chỉ tính riêng thị trường nội địa, Hạ Long đã có một lượng khách tiềm năng rất lớn rồi.
Còn với thị trường quốc tế, Hạ Long đã nổi tiếng Thế giới. Vị trí của Vịnh lại cực kỳ thuận tiện cho du khách đến từ khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Đây cũng là một thị trường khổng lồ, chưa kể các khu vực khác trên Thế giới.
Những năm gần đây, Hạ Long đón tiếp hàng triệu lượt du khách quốc tế mỗi năm, nhưng phần lớn trong số họ là khách bình dân và chỉ lưu trú ngắn ngày. Hạ Long còn thiếu rất nhiều về hạ tầng để thu hút du khách hạng sang đến lưu trú dài ngày, kích thích họ chi tiêu. Đó cũng là lý do FLC quyết định đầu tư vào đây và vào phân khúc cao cấp này.
Nhưng các doanh nghiệp lớn đến Hạ Long trước FLC cũng đầu tư vào phân khúc này. Phải chăng FLC chấp nhận thua thiệt về cạnh tranh khi là “kẻ” đến sau?
Tại sao bạn không nghĩ đó là thuận lợi nhỉ? Thế này nhé. Giống như khi chúng tôi đầu tư tiên phong vào Thanh Hóa, Bình Định hay Quảng Bình, Vĩnh Phúc, thì song song với việc đầu tư cơ sở vật chất, chúng tôi cũng phải đầu tư cho việc quảng bá thương hiệu du lịch địa phương. Ở Quảng Ninh, tất cả các nhà đầu tư đều tham gia vào việc này và thế là chúng tôi được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, sự tập trung các thương hiệu lớn sẽ cùng giúp cho Hạ Long nâng được vị thế trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Du khách hạng sang trên khắp Thế giới sẽ biết rằng, đến Hạ Long bây giờ, ngoài du ngắm Vịnh thì còn rất nhiều lựa chọn khác, không lo thiếu chỗ nghỉ, chỗ chơi… Khách sẽ đến Hạ Long nhiều hơn và tất cả cùng có lợi.
Tuy vậy, các sản phẩm của FLC tại Hạ Long vẫn có sự khác biệt, tạo lợi thế cạnh tranh riêng. Ví dụ, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long nằm ở vị trí trung tâm và cao nhất của thành phố Hạ Long. Từ đây bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố và phóng tầm mắt bao quát vịnh Hạ Long. Sân golf FLC Hạ Long thuộc quần thể vì thế được đánh giá là một trong những sân golf có view ấn tượng nhất Thế giới.
Sân golf FLC Hạ Long được đánh giá là một trong những sân golf có view ấn tượng nhất Thế giới.
Video đang HOT
Khi quyết định đầu tư các quần thể du lịch lớn như FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn, FLC Quảng Bình hay FLC Vĩnh Phúc, Tập đoàn thường chia sẻ một trong những lý do là địa phương có môi trường đầu tư thuận lợi. Quảng Ninh thì sao, thưa bà?
Quảng Ninh cũng vậy. Đối với các nhà đầu tư như FLC chúng tôi thì môi trường đầu tư thuận lợi, trong đó có thủ tục hành chính nhanh gọn, sự ủng hộ của các cấp chính quyền và người dân địa phương là yếu tố đặc biệt quan trọng. Chúng tôi sợ nhất là đang đầu tư dở dang thì bị đình lại hoặc kéo dài thời gian bởi những vướng mắc về vấn đề thủ tục hoặc xảy ra tranh chấp.
Quảng Ninh đã chứng minh là một trong những địa phương có môi trường đầu tư tốt nhất cả nước. Lãnh đạo và chính quyền các cấp của tỉnh rất quyết tâm trong mời gọi đầu tư; sát cánh, đồng hành cùng nhà đầu tư. Những điều này chúng tôi cảm nhận được qua nhiều lần tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo tỉnh cũng như trong quá trình triển khai dự án FLC Hạ Long. Trước khi FLC quyết định đầu tư dự án này, lãnh đạo tỉnh thậm chí đã nhiều lần ra thăm và làm việc tại trụ sở của Tập đoàn, thuyết phục chúng tôi đầu tư tại tỉnh.
Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ra thăm và làm việc tại Tập đoàn FLC
Không riêng FLC, tôi tin là các doanh nghiệp khác cũng nhận thấy điều đó và là một trong những lý do để họ quyết định đầu tư. Thực tế, vị trí của Quảng Ninh trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh PCI đã liên tục thăng tiến trong những năm gần đây.
Theo bảng xếp hạng PCI 2015, với số điểm 65,75, xếp vị trí thứ 3 trong nhóm điều hành rất tốt so với các tỉnh, thành trên cả nước, Quảng Ninh được đánh giá có nhiều sáng kiến cải cách hành chính và đổi mới chất lượng điều hành. Năm 2015, Quảng Ninh chỉ đứng sau Đà Nẵng và Đồng Tháp. Trước đó 8 năm, tỉnh chỉ xếp thứ 27.
Và đó cũng là lý do FLC quyết định mở rộng đầu tư tại Quảng Ninh?
Có thể nói đó là điều kiện đủ. Điều kiện cần vẫn là tiềm năng du lịch của Hạ Long. Khi đặt chân đến Quảng Ninh triển khai dự án FLC Hạ Long, chúng tôi càng thấy nơi đây còn rất nhiều thứ mà chúng tôi cần phải đầu tư. Tiềm năng của Hạ Long là vô cùng lớn.
Theo_Hà Nội Mới
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát: "Một nghề thì sống..."
Đề nghị nói ít về hoạt động chăn nuôi của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), song ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn lại say sưa nói về thép và khẳng định, đây luôn là lĩnh vực trọng tâm của Công ty. Tới đây, HPG sẽ tiếp tục đầu tư lớn vào ngành thép, không để tuột mất vị trí dẫn đầu thị trường.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HPG
6 tháng đầu năm 2016, nhiều DN ngành thép báo lãi lớn, HPG cũng đạt lợi nhuận cao kỷ lục. Ông nghĩ sao về ý kiến các DN ngành thép đã hưởng lợi ích lớn từ việc áp thuế tự vệ chính thức với phôi thép và thép dài nhập khẩu?
Tại bất kỳ lĩnh vực nào, chỉ có tối ưu hóa chi phí mới có thể mang lại lợi nhuận cao. Lợi nhuận của chúng tôi đến từ đầu tư chiều sâu, từ tối ưu hóa chi phí sản xuất. Chẳng hạn, chúng tôi tính toán được nhu cầu sử dụng quặng, dùng biện pháp kỹ thuật như mua hedging (bảo đảm) để có giá tốt.
Hiện tại, giá nguyên liệu trên thị trường là 55-56 USD/tấn, chúng tôi chỉ mua với giá 40 USD/tấn, trong khi đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định. Càng ngày HPG càng thành thạo, chuyên nghiệp hơn. Trong bối cảnh làm thực, bỏ công sức thực như vậy, chúng tôi chỉ mong muốn một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch.
Có nhiều doanh nghiệp phản đối việc áp thuế tự vệ chính thức. Tuy nhiên, đây là động thái cho thấy, Nhà nước tôn trọng doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, các doanh nghiệp này xứng đáng hoạt động hiệu quả hơn so với các công ty "hớt váng". Tác động tài chính từ việc áp thuế chính thức không nhiều, nhưng đây là chính sách rất giá trị, bởi nó như chiếc khiên chắn bảo vệ, là hàng rào tốt cho ngành thép Việt Nam.
Theo số liệu thống kê ban đầu, sau khi áp thuế tự vệ, lượng phôi và thép xây dựng của Trung Quốc nhập vào Việt Nam giảm. Giá bán thép hiện giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Giá thép tăng trong tháng 4 sau khi áp thuế tự vệ tạm thời, nhưng đã quay đầu giảm vào tháng 5, tháng 6.
Thị trường thép đang trong trạng thái dư cung. Vậy mà mới đây, Hòa Phát đưa lò cao số 3 vào hoạt động, gia tăng công suất, ông có lo bị ế hàng không?
Sau nhiều khó khăn, Hòa Phát đã hoàn thành việc đầu tư lò cao số 3 và đưa lò đi vào hoạt động từ tháng 4/2016, sang năm sẽ chạy hết công suất với sản lượng trên 2 triệu tấn/năm. Hiện giờ, thách thức lớn nhất với chúng tôi là hoạt động tiêu thụ. Năm 2015, toàn thị trường tiêu thụ 6,7 - 7 triệu tấn thép, tăng 10%. Đến năm 2020, dung lượng thị trường sẽ vào khoảng 8,5 - 10 triệu tấn thép xây dựng.
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Kinh Môn, Hải Dương
Tôi đã đặt mục tiêu cho đội bán hàng năm nay phải tiêu thụ được 1,6 triệu tấn. Thị phần tăng hay giảm cũng phải bán hết lượng đó. Tôi nghĩ năm 2017, mức tiêu thụ khoảng 1,8 triệu tấn là thực tế và đã giao nhiệm vụ cho bộ phận bán hàng. Trong ngắn hạn 1-2 năm tới, chúng tôi cần làm tốt công tác thị trường để tiêu thụ hết lượng sản phẩm.
Nhắc đến thị phần, Hòa Phát đã dẫn đầu thị trường thép và vượt khá xa các đối thủ khác, các ông có tự tin về vị trí số 1 của mình?
Sau 6 tháng đầu năm, thị phần ngành thép của Hòa Phát đạt 20,5%, giảm so với mức 22,5% hồi đầu năm. HPG chú trọng thị trường xây dựng dân dụng, hệ thống đại lý đều tập trung bán hàng tại thị trường này. Ngoài ra, thị trường dự án, đặc biệt là các công trình lớn cũng rất chuộng thép HPG do sử dụng công nghệ lò cao (thép ít tạp chất).
Tôi đã quán triệt trong Tập đoàn, dù sao vẫn phải giữ được thị phần, có sản lượng bán hàng tốt; có doanh thu, lợi nhuận lâu dài. Nhưng có tài giỏi cỡ nào, doanh nghiệp cũng phải theo diễn biến chung của thị trường. Chẳng hạn, tháng 6 nhu cầu thép giảm 27%, mình cũng chịu ảnh hưởng.
Vụ việc của Formosa khiến nhiều người cảm thấy nghi ngại khi nhà máy thép được đặt ở khu vực cư dân sinh sống. Là Chủ tịch Hòa Phát, ông nhận xét gì về điều này?
Chưa bao giờ ngành thép có nhiều vấn đề như vậy sau vụ Formosa, đặc biệt là về vấn đề môi trường. Tuy nhiên, tôi tin rằng, với doanh nghiệp làm việc thực chất, càng làm, chúng tôi càng hoàn thiện hơn nữa quy trình, gây tác động tối thiểu tới môi trường. Khu liên hợp thép Hưng Yên của Hòa Phát qua 8 năm vẫn hoạt động tốt, rất nhịp nhàng.
Cũng may, bởi hồi đầu triển khai dự án, chúng tôi đi tham quan có rất nhiều công nghệ luyện than cốc. Có công nghệ tạo ra chất thải độc hại vì họ luyện cốc làm thép đồng thời còn bán được cả phụ phẩm của cốc, rất quý. Chúng tôi đã chọn công nghệ đốt hoàn toàn lấy khí phát điện. Ngày đó chưa nghĩ được hết cho môi trường, cứ lựa chọn công nghệ, giờ mới thấy may mắn. Có một điều chắc chắn là giờ doanh nghiệp xin làm thép sẽ khó vì bị chú ý rất lớn vấn đề môi trường.
Khó làm dự án mới, Công ty có tính chuyện M&A, chẳng hạn mua lại dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên?
Chúng tôi không thiết tha với M&A. Chẳng hạn, với Dự án Gang thép Thái Nguyên, cũng đã có gợi ý cho chúng tôi nghiên cứu xem xét cơ hội mua lại, nhưng chưa có tài liệu chính thức. Hơn nữa, theo chúng tôi, bản thân nhà máy này không còn nhiều lợi thế. Trước đây, nhà máy chủ động nguồn than cốc, nay đã hết và phải nhập khẩu nhiều, trong khi vị trí nhà máy lại xa cảng biển.
Các dự án mới Hòa Phát làm phải có quy mô trên 2 triệu tấn thép/năm, chúng tôi đang xem xét địa điểm tại Dung Quất, Bình Thuận, Bà Rịa -Vũng Tàu và một số nước trong khu vực.
Ngoài thép, các ông còn đầu tư mạnh cho tôn mạ màu. Trên thị trường đã có nhiều đại gia về lĩnh vực này, điển hình là Hoa Sen. Có phải Hòa Phát cũng chạy theo phong trào?
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, tôn mạ màu là dự án mới của Hòa Phát. Thực tế, dự án này chúng tôi đã nghiên cứu từ năm 1998, trước khi chúng tôi làm thép xây dựng. Hiện tại, khi đã làm thép tốt rồi, có kinh nghiệm, có tiềm lực, chúng tôi quay trở lại với dự án tôn mạ màu, bởi nhu cầu thị trường với sản phẩm này đang tăng rất nhanh.
Trước đây, Hòa Phát làm thép xây dựng, ống thép, hiện giờ là tôn mạ màu. Chúng tôi sẽ bám sát nhu cầu tiêu thụ của thị trường và sản phẩm tôn mạ màu sẽ song hành với ống thép bởi chúng tôi đã có hệ thống đại lý trên toàn quốc.
Như vậy đây không phải đầu tư theo phong trào. Giai đoạn một nhà máy tôn mạ màu có công suất 400 nghìn tấn/năm, đặt tại Hưng Yên. Hiện chúng tôi đã kết thúc đàm phán với nhà đầu tư nước ngoài về việc cung cấp thiết bị. HPG sẽ bán tôn mạ màu tại nhóm sản phẩm giá cao, chất lượng tốt, phấn đấu thị phần ngang bằng thép, tối ưu hóa chi phí sản xuất để có giá thành tốt nhất. Công ty sẽ bán hàng trên toàn quốc, sau đó xuất khẩu.
Ngoài ra, chúng tôi có thể xây dựng nhà máy thứ hai tại Bà Rịa Vũng Tàu với quy mô 400 nghìn tấn/năm.
Ngoài tôn mạ màu, Hòa Phát còn lấn sân sang mảng chăn nuôi và thêm cả bất động sản. Với bất động sản, các ông có kế hoạch thâu tóm quỹ đất mới hay không?
Chúng tôi xác định sản xuất công nghiệp là chính, mũi nhọn của chúng tôi là sản xuất thép. Với bất động sản, chúng tôi đã quyết định không đầu tư lớn, chỉ làm hết quỹ đất cũ. Sau thời gian dài thực hiện thủ tục hành chính, hiện chúng tôi đang triển khai Dự án Madarin Garden 2. Với bất động sản, HPG sẽ tập trung mạnh vào khu công nghiệp, còn các khu đô thị, tôi nhắc lại, Công ty sẽ hoàn thiện thủ tục để thực hiện nốt khu đất đang có.
Tập đoàn nào cũng có đường đi của mình. Chiến lược của Hòa Phát đã lựa chọn là ngành thép. Năm ngoái, lĩnh vực này chiếm 80% nguồn thu và lợi nhuận, 6 tháng đầu năm nay chiếm tới 85%.
Trần Hà - Thủy Nguyễn
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Doanh nghiệp đòi được kinh doanh Nhiều quy định của các luật về doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh đang trong tình trạng "ông chằng, bà chuộc". Vừa qua các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xe hơi đã căng biểu ngữ trước Bộ Công Thương với nội dung: "Vì lợi ích người tiêu dùng, ủng hộ Thủ tướng bãi bỏ Thông tư 20/2011. Tạo môi trường...