Vì sao đường sắt đô thị Cát Linh Hà Đông phải uốn lượn?
PGS.TS Phạm Văn Ký cho rằng, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) uốn lượn mấp mô là hoàn toàn bình thường nhằm tiết kiệm năng lượng.
Việc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) uốn lượn mấp mô để tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đang nhận được những ý kiến trái chiều, ngay trong giới chuyên gia. PGS.TS Phạm Văn Ký cho rằng, điều đó là hoàn toàn bình thường trên thế giới nhằm tiết kiệm năng lượng.
Giải thích chưa thuyết phục
Ban Quản lý dự án (PMU) đường sắt (Bộ GTVT) lý giải tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông lên cao xuống thấp là để đảm bảo tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đoàn tàu về mặt công năng, tiêu hao năng lượng, trắc dọc được thiết kế với nguyên tắc tàu vào ga lên dốc, ra khỏi ga xuống dốc. Giải thích này có thuyết phục ông không?
Sinh viên làm đồ án tốt nghiệp cũng thiết kế trắc dọc như thế. Đây là đầu máy điện nên khi chạy xuống dốc, nó không cần cấp điện vào máy vì tắt động cơ chạy theo quán tính, nhưng quá trình chạy còn sinh ra điện (cơ năng biến thành điện năng). Khi vào ga không cần dùng lực hãm lớn để dừng tàu, không cần làm đường an toàn trong ga (đề phòng tàu hãm phanh rồi vẫn chạy quá đà, khi đó cho tàu đi vào đường an toàn), không lo điều khiển tàu đỗ dừng đúng vị trí khách chờ vì mỗi ga tàu chỉ dừng đón khách 30 giây. Khi ra ga không cần lực kéo lớn như đường bằng và lên dốc.
Đáng tiếc là điều quan trọng này lại không được người có trách nhiệm giải thích đầy đủ nên gây ra mối hồ nghi trong dư luận.
Nhiều người phản đối vì cho rằng, ngay cả các nước có công nghệ hiện đại như Mỹ, Nhật… cũng không làm đường tàu uốn lượn lên cao xuống thấp như thế?
Nước nào cũng thế cả chứ không riêng gì công nghệ của Trung Quốc. Nhật Bản lại càng tận dụng triệt để thiết kế dốc tiết kiệm năng lượng kiểu này. Tiêu chuẩn thiết kế của Tây Ban Nha còn quy định là tàu điện đi trên đường phải tự tạo ra 50% số điện cần tiêu thụ cho đoàn tàu. Như vậy, cách làm ở đây là hoàn toàn phù hợp. Chúng tôi đã từng tham quan phòng đặt máy thu điện do tàu điện chạy xuống dốc và trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài về vấn đề này. Điều kiện cho phép, làm có lợi thì tại sao không làm!
Ngay trong tuyến đường sắt này thì cũng có chỗ lên cao xuống thấp, chỗ lại tương đối bằng phẳng. Vậy điều gì khiến cho việc xây dựng khác nhau như thế?
Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà trước hết là khổ tĩnh không phương tiện đi dưới đường sắt, đường đi trên cao che ánh sáng của đường bên dưới và sự xuất hiện tuyến trên cao ở cao độ nào thì hài hòa với các khối kiến trúc xung quanh. Nên nhớ, về mặt pháp lý thì tất cả cao độ của các đường ga phải được hội đồng kiến trúc sư thành phố bỏ phiếu phê duyệt trước xây dựng, chứ không phải tự nhà đầu tư làm, ban quản lý nghĩ ra.
PGS.TS Phạm Văn Ký, Tổ trưởng Tổ Chuyên gia, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước nói về đường sắt trên cao uốn lượn mấp mô.
Lĩnh vực hẹp nên gây hồ nghi
Dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13,05km, khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); trang bị 13 đoàn tàu, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc bình quân 35km/giờ.
Việc chủ đầu tư giải thích đã gây ra ý kiến trái chiều trong chính những người làm về giao thông như ông. Ông nghĩ sao?
Trong bất cứ hoạt động nào, việc có những ý kiến phản biện là rất cần thiết song vẫn có sự phản biện chưa xác đáng. Trong trường hợp này, tôi nghĩ đây là lĩnh vực chuyên môn hẹp có nhiều đặc thù riêng, nếu đúng chuyên môn sâu, có điều kiện được tiếp cận vấn đề mới thì sẽ nắm rõ thôi; còn không sẽ có sự hồ nghi.
Video đang HOT
Nghĩa là có sự phản đối ngay trong chính giới chuyên gia bởi không phải ai cũng rành về thiết kế đường sắt trên cao?
Tôi không có ý phủ định sự phản biện của giới chuyên gia. Tôi là người đã theo dõi tuyến đường sắt này từ lâu và thấy chúng ta đã từng có sự phản biện khi xây dựng tuyến tàu điện này vượt lên đường vành đai ba. Khi đó, nhiều nhà khoa học phản đối, cho rằng đi khắp thế giới chả có nước nào mà đường sắt đi trên đường ô tô cả, chỉ thấy đường ô tô đi trên đường sắt vì dốc của đường sắt thấp. Chúng ta thử tưởng tượng đưa toàn bộ đường vành đai ba rộng hơn 30m lên trên tầng 3, còn đường tàu điện có mặt cắt ngang 13m xuống tầng 2, tàu nhẹ (không phải tàu nặng như tàu chở hàng, không lên được dốc lớn) thì sẽ thế nào? Tàu điện của đường sắt đô thị chỉ có 4 toa chở khách tương đương 4 cái xe buýt thì việc lên cao so với cầu đường vành đai ba là hoàn toàn hợp lý. Thế mà người ta phản đối dữ lắm dù thực ra nó là hợp lý.
Khi ấy, việc thuyết phục để đưa đường sắt lên cao, đi trên đường cầu bộ được tiến hành như thế nào?
Lúc đó, tôi cùng với các đồng nghiệp Tổ Chuyên gia của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đưa ra các bức ảnh chụp đường sắt đô thị ở nước ngoài có cách làm như thế, để mọi người cùng thấy rằng cách làm đó đã được vận dụng rồi.
Cần chủ động thông tin
Ông đánh giá thế nào về cách giải quyết khủng hoảng truyền thông trong trường hợp mà chúng ta đang bàn tới?
Tôi cho rằng, những người có trách nhiệm cũng đã có sự giải thích kịp thời với công luận, song nếu ta truyền thông trước những vấn đề mới của tuyến thì không phải giải thích là tốt nhất. Ở đây như tôi nói lúc đầu thì sự giải thích ấy chưa triệt để (trên báo chí), dẫn đến vẫn còn sự hồ nghi. Đó là điều cần rút kinh nghiệm.
Việc không chỉ giới chuyên gia mà ngay cả người dân nghi ngờ thiết kế đường sắt trên cao uốn lượn mấp mô dĩ nhiên không phải không có cơ sở?
Đúng vậy. Tôi nghĩ không phải vô cớ để người ta nghi ngại, phản đối cách làm có vẻ lạ lẫm này. Bởi lẽ trước đây, cũng trong việc thi công tuyến đường này đã xảy ra những sự cố, thậm chí tai nạn gây chết người khiến cho lòng tin trong dân chúng bị lung lay. Điều này cũng dễ hiểu song cần tách bạch giữa chuyện đơn vị thi công trên cao không đảm bảo an toàn cho tham gia giao thông đi bên dưới với việc thiết kế đã được hội đồng có chuyên môn, trách nhiệm phê duyệt và việc phải thi công công trình đảm bảo đúng theo thiết kế.
Theo ông, sự việc ở tuyến đường sắt trên cao này sẽ để lại bài học gì cho các nhà đầu tư, ban quản lý dự án ở Việt Nam?
Rất nhiều bài học cần phải được rút ra từ trong chính sự việc ở tuyến đường này. Trước hết, đó phải là công tác truyền thông hiệu quả, đưa thông tin đến người dân chủ động và kịp thời để tránh mối hồ nghi không nên có. Tức là trước khi thi công, cần thông tin những khó khăn sẽ gặp phải như bản thiết kế sẽ thế này, chúng tôi sẽ làm thế nọ, vì sao lại làm thế, các nước họ làm ra sao… Trong khâu thi công nhà ga trên cao, phải có giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giao thông bên dưới. Những điều đó cần phải xuất phát từ căn nguyên là sự tôn trọng cộng đồng, tôn trọng sức khỏe, trên hết là tính mạng của người lao động và người tham gia giao thông.
Trân trọng cảm ơn ông!
“Mặt cắt dọc kiểu ga ở trên cao giữa 2 ga ở dưới thấp được giới chuyên môn gọi là trắc dọc tiết kiệm năng lượng. Thêm nữa, việc chạy đầu máy điện trên đó theo chiều xuống dốc còn sinh ra điện. Dòng điện đó được thu về máy tích điện đặt ở trong nhà ga. Chúng tôi đã so sánh 2 trường hợp: không dùng và có dùng trắc dọc tiết kiệm năng lượng thì thấy rằng trắc dọc tiết kiệm năng lượng tốn ít hơn 35% lượng điện tiêu thụ, chưa kể lượng điện được tạo ra”.
PGS.TS Phạm Văn Ký
Theo Kiến Thức
Đường sắt trên cao uốn lượn mấp mô: Bộ GTVT trả lời vẫn còn thiếu?
Đó là nhận định của ông Đỗ Thụy Đằng (nguyên giảng viên Xây dựng ngầm và mỏ - Đại học Mỏ địa chất Hà Nội) với phóng viên báo Người Đưa Tin
Đủ điều kiện mới đưa vào khai thác
Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng công trình đưa ra những ý kiến, phản biện đa chiều về Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được thiết kế uốn lượn mấp mô "bất thường", nhiều người lo lắng về mức độ an toàn...
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông uốn lượn mấp mô
Thông tin mới nhất, ngày 3/7, Bộ Giao thông vận tải đã phát đi văn bản trả lời về việc này. Theo đó, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến trên cao Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc. Dự án được thực hiện theo hợp đồng EPC (Engineering - Procurement - Construction). Được Chính phủ giao, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3136/QĐ-BGTVT ngày 15/10/2008.
Theo hình thức hợp đồng EPC, dự án được Tổng thầu thực hiện các công việc từ thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ đến thi công xây dựng công trình, vận hành khai thác thử bàn giao Chủ đầu tư đảm bảo chất lượng yêu cầu kỹ thuật. Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát do Bên tài trợ vốn chỉ định.
Trên cơ sở dự án đầu tư đã được duyệt, hồ sơ thiết kế do Tư vấn của Tổng thầu EPC lập (Công ty TNHH Tổng viện nghiên cứu thiết kế xây dựng đô thị Bắc Kinh lập), báo cáo kết quả thẩm tra của Tư vấn thẩm tra (Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải - TEDI) và Chủ đầu tư tổ chức phê duyệt hồ sơ thiết kế.
Trong đó, văn bản nêu rõ: "Dự án được thiết kế theo quy phạm thiết kế METRO GB50157 của Trung Quốc trong đó quy định trắc dọc có độ dốc cho phép từ 0%o đến 30%o. Đối với dự án này, trắc dọc thiết kế đi qua 12 nhà ga có độ dốc đường ra - vào ga tối đa 23%o (23 phần nghìn) phù hợp với quy trình và việc thiết kế đã xem xét các điểm khống chế như tại vị trí vượt đường đô thị, đường dân sinh cắt ngang qua tuyến như đường vành đai, các đường phố thuộc các Quận Hà Đông, Thanh Xuân, Đống Đa, các cầu dân sinh để đảm bảo tĩnh không. Như vậy, việc thiết kế cao độ tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã xem xét đầy đủ các yếu tố, thiết kế tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo an toàn sau khi đưa vào vận hành khai thác."
Tin liên quan>> Đường sắt trên cao Hà Nội uốn lượn>> Đường sắt trên cao Hà Nội mấp mô theo tiêu chuẩn
Và Bộ GTVT khẳng định rằng: "Dự án có gói thầu tư vấn xem xét để cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống trước khi đưa vào khai thác phù hợp về Chứng nhận an toàn hệ thống đường sắt đô thị Quốc tế. Đủ điều kiện mới được phép đưa vào khai thác".
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, ông Đỗ Thụy Đằng (nguyên giảng viên Xây dựng Ngầm và Mỏ - Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội) cho biết: Bộ GTVT trả lời về dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đúng, nhưng chưa đủ và chưa giải đáp hết thắc mắc của nhiều người về mức an toàn khi: Đường tương đối bằng, nhưng được trang bị tự động hóa, kết hợp sử dụng con người điều khiển lành nghề. Sự khác nhau về độ bằng phẳng giữa các phân đoạn đường sắt đô thị trên cao khác ở Hà nội như phân đoạn đường sắt đô thị trên cao đoạn Ga Hà Nội - Nhổn.
Ông Đỗ Thụy Đằng (nguyên giảng viên Xây dựng Ngầm và Mỏ - Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội)
"Như trước đó tôi đã có trao đổi trên báo Người Đưa Tin, với đặc thù đường sắt trên cao trong đô thị, quy hoạch sao cho dễ vận hành an toàn đoàn tầu, có thể tự động hóa và chi phí vận hành kinh tế nhất," ông Đằng chia sẻ.
Nếu cùng mức sẽ tốn kém chi phí, ảnh hưởng mỹ quan đô thị
Theo ông Đỗ Thụy Đằng, bình đồ của tuyến cần phù hợp với bình đồ mặt bằng xây dựng có được (nhất là khi xây chen theo đường bộ đô thị sẵn có). Tuy nhiên, nếu điều kiện hiện trường và yêu cầu khai thác cho phép, bình đồ tuyến càng ít uốn lượn càng tốt và bán kính cong lượn càng lớn càng tốt.
Như vậy, trên thực tế, bình đồ của tuyến luôn phải uốn lượn mềm mại theo những độ cong cho phép, tùy thuộc vào vị trí các điểm đi và điểm đến (các bến) trên bình đồ, cùng với các không gian chướng ngại trên đường.
Trắc đồ dọc của tuyến có dạng hình sin vừa tương ứng với khoảng cách giữa 2 điểm đón trả khách (bến) liên tiếp, các không gian chướng ngại trên đường (thí dụ không gian cần thiết của các đường giao thông có bình đồ giao cắt với bình đồ của tuyến đường sắt đô thị đang nghiên cứu), tốc độ chạy tầu, tốc độ an toàn khi ra vào bến, chi phí năng lượng, chi phí dừng hãm trong quá trình vận hành chung và khả năng hỗ trợ an toàn trong quá trình vận hành đoàn tầu ra vào bến.
Nếu trắc đồ dọc của tuyến đường gần như cùng mức: Khi toàn tuyến gần như có cùng độ cao đủ vượt qua không gian chướng ngại cao nhất; một mặt, chi phí xây dựng các trụ cầu cạn cùng với đường lên xuống các bến sẽ tăng lên đáng kể; mặt khác, độ che khuất các công trình kiến trúc lân cận sẽ tăng lên, vừa làm ảnh hưởng đến mỹ quan chung, vừa làm tăng mức ảnh hưởng không tốt đến các chỉ tiêu vi khí hậu và môi trường sinh thái tại đây.
Như vậy, trắc đồ dọc của tuyến đường trước hết cần phải lên xuống mềm mại theo những độ dốc và độ cong đứng cho phép, tùy thuộc vào tương quan giữa độ cao cơ sở của cung đường và độ cao không gian chướng ngại mà cung đường đó cần vượt qua.
Khi toàn tuyến gần như cùng mức: Sự tăng tốc của đoàn tầu vừa rời bến phải dựa hoàn toàn vào năng lượng điện cung cấp cho tầu, cùng với sự điêu luyện của người điều khiển; hoặc chế độ tự động ổn định. Sự giảm tốc của đoàn tầu gần đến bến phải dựa hoàn toàn vào khả năng làm việc của hệ thống phanh hãm của tầu, cùng với sự điêu luyện của người điều khiển; hoặc chế độ tự động ổn định
Tin liên quan>> Cảnh đường sắt trên cao hoen gỉ khiến người Hà Nội sợ>> Tai nạn đường sắt trên cao: Tội đồ... chiếc cần cẩu
Trường hợp phanh tốt, cộng với người điều khiển tỉnh táo và điêu luyện; hoặc chế độ tự động hóa hoạt động bình thường; mọi việc sẽ suôn sẻ. Còn lại, khi hãm dừng tại bến, đoàn tầu có thể gặp nguy cơ dừng không đúng chỗ, phải điều chỉnh mất thời gian, tốn năng lượng và hại phanh; thậm chí, trong 1 số trường hợp, có thể gây mất an toàn do chạy quá đà 1 quãng dài.
Do khoảng cách giữa 2 bến liên tiếp không dài, khối lượng đoàn tầu lớn, quán tính đoàn tầu lớn, không thể tăng tốc đột ngột, cũng không thể hãm phanh đột ngột; do đó, với mỗi cung đường giữa 2 bến liên tiếp, tỷ lệ đoạn đường điều khiển động cơ tăng tốc sau khi rời bến, cùng với tỷ lệ đoạn đường điều khiển hãm phanh trước khi đến bến so với tổng độ dài toàn cung đường đều là quá lớn; làm cho người điều khiển đoàn tầu dễ bị căng thẳng và giảm độ tinh nhậy chính xác; có thể dẫn đến khả năng kém, thậm chí mất an toàn cho đoàn tầu; hoặc làm cho chương trình tự động phải hoạt động quá nhiều, dẫn đến nhanh chóng giảm tuổi thọ, thậm chí dễ bị trục trặc trong vận hành.
Như vậy, trong trường hợp này, quá trình vận hành vừa tốn năng lượng, vừa tốn phanh; mà khả năng mất an toàn vẫn dễ xảy ra (do cả yếu tố con người điều khiển và do chất lượng phanh hãm, cùng đặc tính mặt ray tại thời điểm đó). Nói khác đi, trong trường hợp này, các chỉ tiêu đánh giá cả về kinh tế chung, kỹ thuật vận hành và an toàn giao thông đều chưa tốt.
Để khắc phục những nhược điểm do trắc đồ dọc có dạng đường bằng gây ra; kết hợp tăng chất lượng kinh tế kỹ thuật và an toàn khi vận hành đoàn tầu; tốt nhất là đảm bảo: trắc đồ dọc đường tầu có dạng uốn hình sin không tuần hoàn, phụ thuộc vào tốc độ bình quân, khoảng cách giữa các bến và độ cao không gian cần tránh ở phía dưới. Cụ thể hơn: Độ dốc dọc lớn nhất của mỗi đoạn đường nối 2 bến liên tiếp cần tỷ lệ thuận với tốc độ bình quân chạy tầu và tỷ lệ nghịch độ dài trên bình đồ của 2 bến này.
Độ dốc dọc mỗi cung đường nối 2 bến liên tiếp phải đảm bảo: Mỗi bến là một nơi cao nhất cục bộ (tạm ví như điểm lồi ở mức đỉnh cung hình sin); còn điểm đoàn tầu đạt tốc độ tối đa trên cung đường đến bến tiếp theo cần là nơi thấp nhất cục bộ (tạm ví như ở điểm lõm mức đáy cung hình sin); nhờ đó, đảm bảo khi đoàn tầu rời bến là xuống dốc cùng với sự biến đổi thế năng thành động năng cần thiết, góp phần giảm chi phí năng lượng điện để tăng tốc cho đoàn tầu và tăng độ bền của động cơ; còn đoàn tầu trước khi vào bến là lên dốc cùng với sự tăng thế năng và giảm động năng cần thiết, góp phần giảm chi phí hãm phanh cùng với sự giảm mức độ ảnh hưởng bất thường của người điều khiển, có thể gây mất an toàn cho đoàn tầu; nói khác đi là làm tăng độ tiết kiệm cùng với độ an toàn trong quá trình vận hành đoàn tầu.
Tầu đường sắt chưa hiện đại bằng máy bay!
"Theo ý kiến của tôi, con người luôn mong muốn hoạt động hợp với quy luật tự nhiên. Mọi máy móc và phần mềm tin học do con người làm ra, đều mong thực hiện đúng quy luật tự nhiên nào đó. Nhưng con người điều khiển vẫn có thể sai sót và máy móc vẫn có thể trục trặc ngay sau khi kiểm tra kỹ lưỡng. Thí dụ, máy bay Đài Loan rơi vừa qua, một phần do máy móc có trục trặc; phần khác (chủ yếu) do lỗi người điều khiển (máy bay Đài Loan rơi do phi công tắt nhầm động cơ)", ông Đằng nói.
Ông Đỗ Thụy Đẳng cho biết thêm: "Tầu đường sắt trên cao đô thị chưa hiện đại bằng máy bay nên để an toàn càng cần dựa vào nguyên lý hoạt động tự nhiên: Xuống dốc thế năng giảm dần, còn động năng tăng dần; cho nên mọi tác động tăng tốc nhân tạo đều được hỗ trợ tích cực (vừa nhanh, vừa đỡ tốn năng lượng; thậm chí người điều khiển có sơ ý, tầu vẫn hoạt động bình thường).
Lên dốc thế năng tăng dần, còn động năng giảm dần (tự hãm); cho nên mức an toàn tự nhiên khi vào bến là rất cao; hơn nữa lại đỡ chi phí vật tư và năng lượng giảm tốc nhân tạo; đặc biệt là tránh được sai sót do điều khiển của người mất phản xạ tự nhiên".
Theo Người đưa tin
Chuẩn bị mua lô tàu Trung Quốc cho đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông sẽ tiến hành mua sắm 13 đoàn tàu, loại tàu B1 của Trung Quốc với cấu hình mỗi đoàn tàu gồm 4 toa xe, thân tàu sử dụng vật liệu thép không gỉ. Mô hình đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông Ban Quản lý dự án đường sắt vừa có...