Vì sao dự án thu phí không dừng cứ mãi “lừng khừng”?
Đại diện Bộ GTVT cho hay đơn vị này vừa có báo cáo về tình hình triển khai dự án thu phí không dừng (ETC).
Theo đó, dự án được triển khai từ năm 2015 và Chính phủ yêu cầu hoàn thành trên toàn quốc vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, đến nay các dự án thành phần vẫn dở dang.
Nhiều ý kiến cho rằng nhà đầu tư BOT thích thu phí thủ công, vì nó kém minh bạch hơn thu phí tự động
Bộ GTVT nhận lỗi
Dự án ETC giai đoạn một (BOO1) do Công ty VETC đầu tư, cần lắp đặt hệ thống thu phí không dừng tại 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây Nguyên), 18 trạm trên các cao tốc và các quốc lộ khác. Đến nay 40/44 trạm đã vận hành, còn một số trạm trên các tuyến cao tốc chưa triển khai do thiếu vốn.
Dự án ETC giai đoạn 2 (BOO2) gồm 33 trạm. Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi và lựa chọn liên danh nhà đầu tư. Tuy nhiên, dự án này đang gặp khó khăn do vướng quy định và liên danh các nhà đầu tư chưa thống nhất tỉ lệ góp vốn, không thành lập được DN dự án.
Đối với các trạm BOT do địa phương quản lý, hiện 7/19 trạm chưa hoàn thành.
Video đang HOT
Vừa qua Bộ đã tổ chức 3 cuộc họp rà soát, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc chậm tiến độ triển khai hệ thống ETC. Theo đó, Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đều tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm; 30 cá nhân khác kiểm điểm trách nhiệm liên quan.
Lý giải việc chậm trễ, Bộ GTVT cho rằng hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các hợp đồng BOT đã ký trước đây với DN (đầu tư đường cao tốc) không có chủ trương áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng, nên để triển khai ETC thì các hợp đồng này cần ký thêm phụ lục. Quá trình đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng phát sinh nhiều vướng mắc; quy trình chọn nhà đầu tư dự án thu phí phức tạp, riêng việc đấu thầu chọn nhà đầu tư BOO2 mất 10 tháng.
Trong khi đó, nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính, dẫn đến doanh thu của hạng mục thu phí không dừng cũng không đạt.
Nguyên nhân chủ quan được đề cập là cơ quan quản lý nhà nước chưa có kinh nghiệm thực tế, nên quá trình tham mưu ban hành chính sách còn thiếu sót. Các cá nhân tham gia thực hiện, quản lý, giám sát dự án cũng thiếu kinh nghiệm, làm ảnh hưởng tiến độ.
Vì sao nhà đầu tư “thích” thu phí thủ công?
Thực tế, các bên trong dự án thu phí không dừng đều đổ lỗi cho nhau. Không ít nhà đầu tư dự án BOT không đồng tình với cách triển khai của Bộ GTVT khi cho rằng, họ không có quyền lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động (chỉ 1 đơn vị cung cấp độc quyền); không được quản lý trạm thu phí (phải bàn giao trạm cho đơn vị thu phí tự động).
Về phía chuyên gia giao thông và chủ phương tiện, không ít ý kiến cho rằng nhà đầu tư BOT thích thu phí thủ công, vì nó kém minh bạch hơn thu phí tự động…
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, việc triển khai dự án thu phí không dừng vướng mắc do xung đột lợi ích giữa các bên liên quan, gồm DN dự án BOT giao thông và nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng. DN BOT cho rằng mức phí họ phải trả cho phía cung cấp dịch vụ là cao và chưa có căn cứ; hơn nữa tiền thu phí bị đọng tại đơn vị ETC nên DN BOT không mặn mà triển khai, thời gian đàm phán kéo dài.
Lợi ích của các DN vận tải sử dụng dịch vụ cũng chưa đảm bảo. Nhiều DN có hàng trăm xe phản ánh lo ngại bị đọng vốn, vì phải nộp số tiền hàng chục triệu đồng cho mỗi xe vào tài khoản thu phí không dừng trước khi lăn bánh. Do đó, ông Quyền đề nghị Bộ GTVT đưa ra biện pháp giảm phí hoặc tính lãi với số tiền này.
“Bộ GTVT phải có cơ chế rõ ràng, giải quyết được bài toán hài hòa lợi ích giữa các bên thì mới đẩy nhanh tiến độ dự án ETC”, ông Quyền nói.
Về phía nhà đầu tư BOT, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc BQL bảo trì và khai thác QL5, cho hay đơn vị triển khai dự án ETC đề nghị trích lại doanh thu cho việc lắp đặt dịch vụ trên doanh thu của toàn trạm QL5. “Chúng tôi cho rằng chỉ nên trích doanh thu tại làn không dừng, vì đơn vị lắp đặt dịch vụ trên làn nào thì được hưởng doanh thu làn đó. Nếu phải trích lại nhiều cho nhà cung cấp dịch vụ, phương án tài chính của toàn dự án BOT sẽ bị ảnh hưởng”, ông Huỳnh nói.
Gỡ vướng bằng cách nào?
Để gỡ vướng những vấn đề trên, Bộ GTVT cho hay, đã đề xuất các giải pháp về mặt pháp lý để tháo gỡ. Trong đó, Bộ GTVT tập trung vào đề xuất sửa đổi Quyết định 07/2017 của Thủ tướng, dự thảo này vừa được đưa ra lấy ý kiến. Theo đó, đề xuất các trạm thu phí đang hoạt động phải vận hành thu phí tự động sau 1 năm kể từ ngày chọn được đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động. Với trạm thu phí mới, chỉ được thu phí khi đã triển khai thu phí tự động. Trạm thu phí nào chậm triển khai sẽ bị dừng thu phí.
Bộ GTVT đề xuất cho phép nhà đầu tư dự án BOT và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động thoả thuận về đơn vị quản lý trạm thu phí (thay vì nhà đầu tư dự án BOT bắt buộc phải chuyển giao quyền quản lý, vận hành trạm thu phí cho đơn vị thu phí tự động như đã nêu trong Quyết định 07). Ngoài ra, chủ phương tiện có thể nộp tiền vào tài khoản thu phí qua hình thức nộp tiền vào ví điện tử, hoặc theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Dự thảo cũng bổ sung quy định nộp phí theo tháng, quý. Chủ phương tiện cũng được sử dụng dịch vụ thu phí tự động khi chưa nộp tiền vào tài khoản giao thông, đơn vị thu phí sẽ ghi nợ và thông báo với chủ phương tiện; tối đa 10 ngày từ khi nhận thông báo, chủ phương tiện phải chuyển tiền trả phí. Trường hợp chủ phương tiện không nộp, đơn vị thu phí có quyền khởi kiện đòi nợ.
Dịch vụ thu phí tự động đường bộ áp dụng công nghệ RFID để nhận diện ôtô gắn thẻ E Tag định danh, được dán lên kính hoặc đèn xe. Từ đó, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí sẽ trừ tiền của chủ xe. Chủ xe có thể nạp tiền vào tài khoản bằng tiền mặt, Internet banking…
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ôtô bị phạt 1-2 triệu đồng nếu không dán thẻ E tag nhưng vẫn đi vào làn thu phí không dừng (ETC).
Hiện mới có hơn 800.000 xe trong tổng số gần 4 triệu ôtô trên toàn quốc dán thẻ E Tag, nhiều xe dán thẻ song không có tiền trong tài khoản nên số xe thực sự sử dụng dịch vụ ETC không nhiều.
Tiền Giang: Xây dựng thêm trạm thu phí BOT Cai Lậy thứ 2
Ngày 25/2, đại diện Bộ GTVT cho biết đã có quyết định chính thức về việc xây thêm trạm thu phí BOT thứ 2 của dự án BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).
Song song với trạm thu phí BOT hiện hữu nằm trên quốc lộ 1A hiện nay, chủ đầu tư sẽ xây thêm 1 trạm thu phí BOT Cai Lậy nằm trên tuyến đường tránh đi qua thị xã Cai Lậy. Theo đó, trạm BOT trên quốc lộ 1A sẽ có nhiệm vụ thu phí hoàn vốn cho phần sửa chữa đường quốc lộ 1A qua tỉnh Tiền Giang. Trạm BOT chuẩn bị xây sẽ thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng tuyến đường tránh.
Dự án BOT Cai Lậy có tổng chi phí đầu tư hơn 1.380 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng tuyến đường tránh là trên 680 tỉ đồng và phần sửa chữa mặt đường quốc lộ 1A là trên 379 tỉ đồng, chi phí xây trạm thu phí trên 100 tỉ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng hơn 219 tỉ đồng.
Đoàn Xá
Theo ĐĐK
VETC muốn trả dự án thu phí tự động: Không dễ VETC phải thực hiện các thỏa thuận đã cam kết trong hợp đồng. Trong quá trình triển khai gặp khó khăn, vướng mắc, các bên cùng bàn bạc, tháo gỡ. Đó là nhận xét của TS Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Ban Công tác đại biểu của Ủy ban...