Vì sao đổi tên ‘trạm thu giá’ thành ‘trạm thu tiền’?
Bộ GTVT cho rằng việc lấy tên “ trạm thu tiền” là để phù hợp tinh thần Luật Giá. Tuy nhiên, việc đổi tên này đang gặp nhiều ý kiến trái chiều.
Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo thông tư về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ để thay thế cho Thông tư 49/2016 về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Điểm đáng chú ý theo dự thảo thông tư mới “trạm thu giá” được đổi thành “trạm thu tiền”.
Sẽ lắng nghe các ý kiến
Ngày 8-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT), cho rằng Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 đã đổi tên phí sử dụng đường bộ thành giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Vì vậy, giá dịch vụ sử dụng đường bộ được điều chỉnh bởi các quy định của Luật Giá.
“Mặc dù trạm thu phí là tên gọi quen thuộc nhưng khi soạn văn bản phải tuân thủ văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, phải sử dụng văn viết chứ không thể sử dụng văn nói và cái quan trọng nhất là nội hàm thông tư. Ví dụ, một đứa trẻ khi sinh ra được gia đình gọi tên là Tý nhưng lớn lên đi học phải dùng đúng tên theo giấy khai sinh cho phù hợp nhưng vẫn là đứa trẻ ấy…” – vị lãnh đạo giải thích.
Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông cũng cho rằng việc sử dụng tên “trạm thu tiền” sẽ không ảnh hưởng đến doanh nghiệp hay các văn bản pháp luật liên quan. Tuy nhiên, đây mới là dự thảo nên Bộ GTVT đưa ra tên gọi “trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ” để lấy ý kiến của các bộ, ngành, tổ chức, người dân nhằm có tên gọi phù hợp, đúng văn bản quy phạm pháp luật.
“Trong quá trình dự thảo chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến của người dân và mong tiếp tục nhận được những đóng góp cả tên gọi lẫn toàn bộ nội dung thông tư để chúng tôi hoàn thiện và sớm ban hành…” – vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
Video đang HOT
Bộ GTVT đang muốn tìm một tên gọi phù hợp với Luật Giá. Ảnh: V.LONG
Lòng vòng cách chọn tên
Luật sư (LS) Trương Thanh Đức, Đoàn LS TP Hà Nội, cho rằng năm 2018, Bộ GTVT đã làm người dân “tăng xông” khi đổi từ “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” thì nay lại muốn đổi thành “trạm thu tiền” với lý giải phí giao thông không có trong Luật Phí và lệ phí năm 2015.
“Phí dịch vụ, phí môi giới, bưu phí, học phí, viện phí, phí dịch vụ ngân hàng,… trong hàng chục đạo luật vẫn duy trì bình thường cho đến nay. Trong khi đó, Bộ GTVT cứ muốn đổi tên trạm thu phí là vì sao?” – LS Trương Thanh Đức đặt câu hỏi và khẳng định không luật nào cấm dùng từ phí hoặc bắt đổi tên thành “trạm thu tiền”… nên Bộ GTVT cứ để yên như tên gọi hiện nay bởi về bản chất, người dân phải nộp tiền khi qua trạm.
Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế – tài chính, cho rằng thời gian qua có nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi của trạm thu phí BOT, đó là trạm thu tiền; trạm trả tiền; trạm thu giá… Tuy nhiên, tên gọi “trạm thu tiền” là đúng với Luật Giá hơn, bởi bản chất nhà đầu tư đã bỏ tiền ra để đầu tư đường, thu lại tiền của phương tiện lưu thông nhằm hoàn vốn dự án và trạm là nơi để thu tiền.”Do người dân đã quen với tên gọi “trạm thu phí” nên nay Bộ GTVT đề xuất đổi về đúng bản chất là “trạm thu tiền” thì lạ tai, không quen nên có sự phản ứng mạnh. Còn trước đó đổi thành “trạm thu giá” thì tối nghĩa…” – PGS-TS Ngô Trí Long cho hay.
Theo vị chuyên gia này, vấn đề tên gọi của các trạm thu phí BOT chỉ là một nội dung cần nghiên cứu sửa đổi. Điều quan trọng hơn đối với hoạt động đầu tư BOT để tạo được sự đồng thuận trong xã hội là việc đưa ra những biện pháp khắc phục, sửa ngay những tồn tại, bất cập mà các cơ quan chức năng đã chỉ ra.
“Không nên thay đổi làm gì”
Đó là ý kiến của LS Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam. Theo LS Hậu, trước đây Bộ GTVT đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá là vì trongLuật Phí và lệ phí có nêu 17 loại phí được chuyển sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá, trong đó có giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.Thực hiện Nghị định 149/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ quản lý.
Cũng theo Thông tư 35/2016, tên gọi trạm thu phí được chuyển thành trạm thu giá nhưng do dư luận phản ứng nên Bộ bỏ cách gọi này.
Nay Bộ GTVT lại đề xuất đổi tên trạm thu phí thành trạm thu tiền. Về bản chất thì việc thu tiền hay thu giá không khác thu phí trước đây vì mức thu đều dựa trên phương án tài chính của dự án và cập nhật các yếu tố biến động để điều chỉnh phù hợp. Chỉ khác ở chỗ Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng đường bộ khi có các yếu tố biến động, thay vì Bộ Tài chính như trước đó.
Nguyên nhân sâu xa có thể Bộ GTVT muốn đưa ra giải pháp xoa dịu tâm lý, tránh từ “phí” vì sợ người dân “sợ” phí chồng phí. Tuy nhiên, trạm thu phí đúng nghĩa, đúng bản chất, người dân đã quen, đã hiểu thì không nên thay đổi làm gì.
Theo PLO
QUANG HUY
Dân có đồng tình với cái tên mới: Trạm thu tiền?
Dân bức xúc vì BOT đặt sai vị trí; BOT "thảm một đoạn đường rồi chặn thu toàn tuyến"; BOT gian lận doanh thu... Nếu không giải quyết được những vấn đề chưa bao giờ thôi nóng này, chuyện cái tên "thu giá", "thu phí" hay "thu tiền" chỉ là cái cớ nhân lên sự bức xúc mà thôi.
Trạm Bắc Thăng Long- Nội Bài, 1 trong 17 BOT đặt sai vị trí mà Hà Nội đã 3 lần đề nghị dỡ bỏ.
Cái tên "Trạm thu phí" đồng loạt biến mất "sau một đêm", để thay bằng "Trạm thu giá". Bị phản đối, bị chất vấn, rồi đến một đêm, "Trạm thu giá" cũng lại biến mất để trở lại thành "Trạm thu phí"... Và rồi hôm qua, một lần nữa, Bộ GTVT lại muốn đổi tên "Trạm thu phí" bằng cái tên mới "Trạm thu tiền" theo Dự thảo Thông tư về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thay thế cho Thông tư 49/2016 về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Còn nhớ trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 2.6 năm ngoái, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã báo cáo về vấn đề dư luận quan tâm là tên gọi của các trạm thu phí giao thông BOT. Theo đó, Bộ GTVT "xin được nghiên cứu tiếp để đưa ra tên gọi phù hợp".
Và dù chuyện cái tên gọi này đã được đưa ra Quốc hội với phát biểu kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, rằng: Chỉ cần đưa về đúng tên gọi cũ là "Trạm thu phí", thì hóa ra, Bộ GTVT vẫn đang loay hoay với chuyện cái tên gọi, chắc là với mong muốn né chữ phí - vì phí giao thông đường bộ đã được quy định trong Luật Phí và lệ phí, chắc là bởi muốn có một cái tên "phù hợp".
Nhưng thật ra, điều khiến người dân bức xúc không phải là cái tên trạm là gì, có phù hợp không, mà ở sự không phù hợp của những trạm thu BOT.
17 trạm BOT "đặt nhầm vị trí". Sai, vô lý đến mức chính quyền, chẳng hạn như Hà Nội ít nhất 3 lần yêu cầu dỡ bỏ những sự phi lý này nhưng cũng không nổi.
Gian lận đến mức, chỉ qua kiểm toán 27 dự án cầu đường đầu tư theo hình thức BOT giai đoạn 2011-2016, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị giảm thời gian thu phí đến hàng chục năm.
Gian dối đến độ mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật để che giấu doanh thu số phí và trốn thuế, xảy ra ngay tại trạm BOT trọng điểm huyết mạch TPHCM- Trung Lương.
Và những tỉnh nghèo có tới 3 trạm thu chỉ trên một quãng đường 60km như ở Bình Phước, hay 4 trạm với 100km quốc lộ như ở Bình Định.
Thưa với Bộ trưởng Bộ GTVT, Trạm thu phí, Trạm thu giá hay Trạm thu tiền thì bản chất vẫn là hình thức thu tiền dịch vụ BOT và điều người dân mong muốn, đòi hỏi, là ở sự phù hợp của vị trí những cái trạm, là ở sự minh bạch trong đấu thầu, trong kiểm soát thu, chứ không phải là ở cái tên đâu.
ANH ĐÀO
Theo Laodong
Hết "trạm thu giá" đến "trạm thu tiền", Bộ GTVT làm trái chủ trương của Quốc hội? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng yêu cầu Bộ GTVT sửa tên "trạm thu giá" về đúng tên gọi cũ là trạm thu phí. Tuy nhiên, Bộ GTVT lại tiếp tục dự thảo Thông tư quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ muốn đổi tên trạm thu...