Vì sao doanh nghiệp Việt đang nhỏ dần?
Việt Nam đang trong giai đoạn cải cách thể chế, hoàn thiện nền kinh tế thị trường và tái cấu trúc thực tế nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2015, sáng 1/12 tại Hà Nội.
Theo VCCI, doanh nghiệp Việt Nam đang dựa quá nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng.
Theo Bộ trưởng, mặc dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhưng khâu thực thi còn nhiều tồn tại, yếu kém.
Với chủ đề của diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế” Bộ trưởng Vinh cho biết sẽ có 10 nhóm vấn đề liên quan đến đất đai, ngân hàng, cơ sở hạ tầng… sẽ được tập trung thảo luận và đây là những vấn đề Việt Nam rất quan tâm.
Càng thành công, càng bị kiểm tra nhiều
Thông điệp chính của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến lộc tại diễn đàn: Thúc đẩy kinh tế tư nhân trong nước lớn mạnh cần phải là trọng tâm chính sách thời hội nhập.
Đây là VBF đầu tiên được tổ chức sau khi Việt Nam vừa kết thúc đàm phán với các quốc gia trong TPP và cơ bản hoàn tất đàm phán FTA với EU và một số đối tác thương mại quan trọng khác, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo ông Lộc, kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng doanh nghiệp của VCCI cho thấy ghi nhận tích cực của doanh nghiệp về những chuyển động mạch lạc và đúng hướng đang được bắt đầu ở một số bộ ngành và địa phương. Nhưng sự phối hợp và tính đồng bộ, nhất quán giữa các bộ ngành, địa phương và các cấp hành chính vẫn chưa đạt yêu cầu, đang là các điểm nghẽn cần được giải tỏa.
VCCI cũng nhìn nhận, cải cách thể chế, nhìn chung đã đạt được kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.
Nghịch lý được Chủ tịch VCCI nêu rõ là qua các cuộc khảo sát gần đây về cải cách thủ tục hành chính nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan cho thấy một tín hiệu đáng lo ngại là doanh nghiệp tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều.
“Đây là một lực cản đáng kể để các doanh nghiệp không lớn lên được và quy mô bình quân của doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ dần đi theo các số liệu thống kê công bố gần đây”, ông Lộc phát biểu.
Những tín hiệu không tốt
Nhấn mạnh quan niệm một môi trường kinh doanh lành mạnh không phải chỉ là môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn là một môi trường kinh doanh an toàn, Chủ tịch VCCI cho rằng sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay.
Video đang HOT
Sự chậm trễ, hiện tượng oan sai trong xét xử, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm, hiện tượng không công nhận và toà án huỷ các phán quyết trọng tài khá tùy tiện… đang phát đi những tín hiệu không tốt về môi trường kinh doanh lành mạnh.
Do vậy, song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới, ông Lộc đề nghị.
Điểm nghẽn đáng quan ngại nhất của phát triển, theo Chủ tịch VCCI lại là khu vực giữ vai trò động lực – khu vực tư nhân trong nước.
“Nói một cách hình ảnh, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, nhưng khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn cô đơn. Chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này vẫn chưa đủ mạnh”, Chủ tịch VCCI quan ngại.
Theo VCCI, Cùng với sự gia tăng chi phí nhân công, chi phí về vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đang là vấn đề lớn. Doanh nghiệp Việt Nam đang dựa quá nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng và lãi suất thực của vốn vay quá cao trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác đang hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Việc tái cấu trúc lại cơ cấu vốn của các doanh nghiệp và giảm lãi suất cho vay, tuy rất khó khăn, nhưng đang là nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp và là thách thức lớn cần tập trung giải quyết đối với chính sách tiền tệ và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng trong những năm tới, Chủ tịch VCCI nhìn nhận.
Theo VnEconomy
Siêu thị Việt "chật" hàng ngoại, hàng nội đi đâu về đâu?
Dù chưa phải là thời điểm Việt Nam mở cửa hoàn toàn đối với hàng hoá nước ngoài theo khuôn khổ các hiệp định tự do hóa toàn cầu và khu vực nhưng ngay lúc này hàng ngoại đã đổ bộ và hiện diện ở mọi nơi. Đặc biệt, tại các siêu thị lớn, hàng ngoại đang chiếm áp đảo.
Mặc dù TPP chưa được ký kết chính thức, AEC chưa thiết lập đầy đủ và các FTA giữa Việt Nam và các đối tác lớn còn từ 5 - 10 năm nữa mới mở cửa hoàn toàn, nhưng lúc này tại các siêu thị, hàng ngoại đang chiếm áp đảo trên các kệ, lấn át hoàn toàn hàng nội.
Khảo sát của PV Dân Trí tại một số siêu thị lớn, nhỏ tại Hà Nội cho thấy, số lượng hàng ngoại rất phong phú và đa dạng. "Gi gỉ gì gi cái gì cũng có" từ những đồ công nghệ cao đắt tiền cho đến những thứ nhỏ lẻ như cái tăm, que kem, kẹo bánh, đồ đóng hộp... Thậm chí cả hoa quả tươi như vải, nhãn, chôm chôm...vốn là những đặc sản của Việt Nam cũng đang bị hàng ngoại chèn ép.
Theo một số chủ cửa hàng, sở dĩ hàng ngoại chiếm lĩnh ngày càng nhiều là bởi hàng ngoại dễ bán hơn vì có hình thức bắt mắt, mẫu mã đa dạng, nhiều khung giá và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng Việt.
Tại gian hàng kem lạnh của một siêu thị trên đường Phạm Văn Đồng (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), các sản phẩm kem Thái Lan, New Zealand hay Hàn Quốc chiếm đến 90% diện tích trưng bày của 4 ngăn lạnh. Dù các sản phẩm kem ngoại này có giá khá cao, song được rất đông người tiêu dùng lựa chọn. Xu hướng sính ngoại đang diễn ra ngay cả ở những mặt hàng tiêu dùng bình dân nhất.
Không chỉ ở các siêu thị lớn, có yếu tố ngoại, hàng ngoại cũng chen chân tại vào cả các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hoá, thậm chí có mặt tại các sạp ở chợ.
Theo giải thích của một nhà cung ứng, chính chi phí quảng cáo cao, hiệu quả bán hàng thấp, sản phẩm kém đa dạng, hình thức không phong phú và bắt mắt khiến các sản phẩm Việt tại kênh bán lẻ khó cạnh tranh, không hấp dẫn người tiêu dùng. Sản phẩm trưng bày nhiều song doanh thu thấp, tiêu thụ kém, khiến hàng Việt bị "bật bãi" trước nhiều đối thủ ngoại.
Các chuyên gia lo ngại, nếu không chấn chỉnh ngay từ bây giờ thì khi các hiệp định tự do song phương và đa phương khác...có hiệu lực, hàng ngoại sẽ càng lấn sâu vào thị trường nội địa, hàng nội sẽ khó trụ vững trên chính sân nhà mình.
Hiện theo thống kê của Bộ Công Thương, thị phần bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại...) dù mới chỉ chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ của Việt Nam, nhưng tại các đô thị lớn, doanh thu từ bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 75% doanh thu bán lẻ của thị trường.
"Tiêu dùng siêu thị không chỉ là thói quen hiện tại mà còn là xu hướng trong tương lai. Sự hiện diện tại đây không chỉ có bán mà còn có giá trị marketing, tiếp thị vô cùng tốt với người tiêu dùng. Hàng tiêu dùng ngoại có giá cả từ hợp lý đến khá cao, nhưng chất lượng cũng tương tự so với hàng Việt Nam. Cái họ hơn chúng ta là bao bì đẹp với thông tin rõ ràng, nhiều kích cỡ nhằm cạnh tranh ở nhiều phân khúc giá", bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương phân tích.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam, ngay cả các DN lớn chứ chưa nói đến các hợp tác xã, làng nghề truyền thống... đang phải chịu áp lực cạnh tranh về thị trường, giá và quảng cáo rất lớn từ nước ngoài. DN ngoại chỉ cần quảng cáo nhiều ở truyền hình, áp phích, báo điện tử hay mạng xã hội cũng có thể giết chết các sản phẩm tiêu dùng được sản xuất trong nước.
Bà Lan phân tích thêm, các DN sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm ngoại từ Thái, Hàn Quốc hay Nhật Bản thường đi theo đoàn, hội để "đánh" thị trường nước tiếp cận. Họ tập hợp các DN lớn nhất, sản phẩm mạnh nhất để lên kế hoạch "bóp chết" sản phẩm cùng loại. Nếu là DN độc lập thì họ cũng là DN rất lớn, đa ngành, đa sản phẩm. Khi đưa hàng hóa sang Việt Nam, họ sẽ đưa ồ ạt, thực hiện các chiến dịch quảng cáo, PR và hiện diện rầm rộ... khiến DN Việt choáng váng còn người tiêu dùng Việt thích thú với những sản phẩm mới và mạnh tay chi tiền.
Hình ảnh hàng ngoại nhập chen chật siêu thị được PV Dân Trí ghi nhận tại một số siêu thị lớn tại Hà Nội:
Kem ngoại có xuất xứ từ New Zealand
Vải, nhãn và chôm chôm đóng hộp của Thái Lan
Thịt hộp ngoại thiết kế đẹp, bắt mắt người mua
Sản phẩm kẹo của Singapore
Kem ngoại phổ biến tại các siêu thị
Kẹo Hàn quốc xuất hiện khá nhiều
Hoa quả ngoại chiếm ưu thế tại nhiều siêu thị
Sữa tươi ngoại cạnh tranh trực tiếp với sữa tươi nội
Một loại bánh Việt đóng bao cực kỳ đơn giản
Thực phẩm ngoại bắt mắt và đa dạng
Nguyễn Tuyền
Theo Dantri
Việt Nam đứng thứ 90 về môi trường thân thiện với kinh doanh Ngân hàng thế giới (WB) hôm nay (28.10) cho biết, với 5 cải cách đạt được, Việt Nam đã đứng thứ 90 về môi trường thân thiện với kinh doanh trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh hàng năm của WB. Thứ hạng các nền kinh tế lớn trong khu vực như sau: Trung Quốc (84), Indonesia (109), Nhật Bản (34),...