Vì sao diễn viên gốc Á vẫn bị phân biệt đối xử ở Hollywood?
Nếu như người da màu đang dần nhận được sự tôn trọng và chú ý của Hollywood thì người gốc Á gần như vẫn bị ngó lơ, chỉ là công cụ kiếm tiền ở thị trường châu Á.
Mới đây, vụ hai diễn viên gốc Á là Daniel Dae Kim và Grace Park tuyên bố rút khỏi series truyền hình nổi tiếng của đài CBS là Hawaii Five-0 một lần nữa thổi bùng lên những bất bình với tình trạng phân biệt sắc tộc ở Hollywood, đặc biệt là với người gốc Á.
Hai diễn viên gốc Hàn rút khỏi mùa 8 Hawaii Five-0 do CBS trả cát xê không công bằng. Daniel và Grace đòi mức thù lao bằng với hai diễn viên da trắng là Alex O’Loughlin và Scott Caan nhưng không được chấp thuận.
Khoản tiền mà Daniel và Grace nhận được thấp hơn Alex O’Loughlin và Scott Caan từ 10% đến 15%. Ngoài ra, hai diễn viên da trắng còn được chia phần trăm lợi nhuận sau mỗi mùa phim.
Không bình luận nhiều, nam diễn viên Daniel Dae Kim nói một cách đơn giản: “Con đường tìm đến sự bình đẳng chưa bao giờ là dễ dàng”.
Hai diễn viên chính trong phim là Daniel Dae Kim và Grace Park rút khỏi series Hawaii Five-0 vì thù lao không công bằng. Ảnh: CBS.
Hệ thống phân cấp chủng tộc từ lâu đời
Tại Hollywood, tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn rất nghiêm trọng. “Hệ thống phân cấp chủng tộc ở Hollywood đã được hình thành từ những năm 1970-1980 và vẫn được giữ nguyên vẹn cho đến nay”, Hollywood Reporterdẫn lời ông Guy Aoki, chủ tịch Mạng lưới Truyền thông hành động vì người Mỹ gốc Á.
“Với Hawaii Five-0, đó là hệ thống thứ bậc rõ ràng. Hai ngôi sao da trắng trên hàng đầu, hai ngôi sao châu Á ở dưới”, ông Guy Aoki nhận định.
Theo nghiên cứu mới nhất của USC về ngành giải trí, diễn viên gốc Á chỉ chiếm 5,1% các vai diễn có thoại trên màn bạc và truyền hình vào năm 2014.
Video đang HOT
Trên phim trường, hệ thống phân cấp này thể hiện rõ nhất. Điển hình như trường hợp của tài tử Lee Byung Hun, một trong những ngôi sao Hàn Quốc “đem chuông đi đánh xứ người” thành công.
Là người góp mặt trong khá nhiều bom tấn của Hollywood, Lee Byung Hun nhiều lần cay đắng kể rằng dù là ngôi sao ở quê nhà, sang Mỹ anh vẫn chỉ như diễn viên hạng bét và hoàn toàn bị khinh thường.
“Bộ phim G.I.Joe có khá nhiều ngôi sao, trong số đó có nhiều người tôi không được quyền gọi tên họ. Thậm chí, phía sau máy quay, họ cũng chẳng thèm nhìn trực diện vào tôi. Tôi cố gắng tự giới thiệu bản thân và bắt tay với họ, nhưng họ hoàn toàn làm ngơ rồi đi ngang qua mặt tôi”, Lee Byung Hun tiết lộ.
“Tôi đã quá quen với nạn phân biệt chủng tộc ở đây. Tôi luôn cảm thấy có một khoảng cách với người da trắng. Tôi từng nghĩ điện ảnh sẽ góp phần xóa dần khoảng cách ấy, nhưng chắc là tôi đã lầm”, Lee Byung Hun kết luận.
Sau nhiều năm hoạt động ở Hollywood, tài tử Lee Byung Hun vẫn chưa được tôn trọng. Ảnh: Telegraph.
Quan niệm đã ăn sâu của Hollywood
“Đài CBS đã phạm phải một sai lầm ngu ngốc. Sự phẫn nộ đang dâng cao”, đạo diễn Chris Tashima – người từng giành giải Oscar năm 1998 – bình luận sau vụ việc hai diễn viên gốc Á rời khỏi Hawaii Five-0.
Ông cho rằng chính sự cố chấp và bảo thủ của nhiều hãng phim đã khiến Hollywood đánh mất sự đa dạng văn hóa trong phim ảnh. Mà đây điều lẽ ra thủ phủ điện ảnh thế giới phải đi tiên phong.
Chuyên gia tâm lý học đa văn hóa Jeffery Mio cho rằng các ông chủ trong ngành công nghiệp làm phim ở Hollywood thuê những diễn viên quen thuộc, từng làm việc với họ để cảm thấy thoải mái và có cảm giác “như người một nhà”.
“Diễn viên da trắng vẫn được việc và an toàn hơn diễn viên châu Á”. Đó là tư duy quen thuộc, đã ăn sâu vào trong tâm trí của họ. Hollywood luôn cho rằng những ngôi sao da trắng mới là thỏi nam châm hút khách và đảm bảo doanh thu cao, ít nhất là ở thị trường Bắc Mỹ.
Đạo diễn lừng danh Ridley Scott từng phát biểu thẳng thừng khi ra mắt bộ phim Exodus: Gods and Kings: “Tôi không thể làm một bộ phim với kinh phí gần 150 triệu USD mà lại để một anh chàng Muhammad nào đó, chẳng ai biết đến, đóng vai chính”.
Năm 2014, nhà biên kịch từng đoạt giải Oscar Aaron Sorkin bình luận trong một email: “Hollywood không hề có ngôi sao điện ảnh là người gốc Á”. Khi giải thích việc chọn diễn viên da rắng cho Ghost in the Shell, biên kịch Max Landis khẳng định: “Không một nữ diễn viên gốc Á nào được xếp hạng A trên trường quốc tế”.
Các nhà làm phim Hollywood lý giải phim truyền hình là mảnh đất dành cho người bản địa, nên sự chênh lệch là điều phải chấp nhận. Vì chẳng có bà nội trợ Mỹ nào muốn nhìn thấy toàn những gương mặt da vàng lạ lẫm.
Còn giới làm phim điện ảnh khẳng định đây không phải vấn đề chủng tộc mà là về tài năng và thành tích phòng vé. Các diễn viên châu Á không được trọng dụng là do họ không nổi trội cũng không thể đem về nhiều tiền.
Thoạt nghe thì có vẻ đây là một lý do hợp lý. Nhưng điều đó chưa chắc đã đúng khi mà Fast and Furious – một trong những loạt phim có doanh thu cao nhất thế giới – lại hội tụ một dàn diễn viên đa chủng tộc.
Sao châu Á chỉ có giữ vai phụ nhưng Fast and Furious là minh chứng cho thành công của phim có dàn diễn viên đa sắc tộc. Ảnh: Universal.
Mồi câu doanh thu ở châu Á
Tình thế đang thay đổi từ khoảng 5 năm qua, khi Trung Quốc dần trở thành thị trường phim ảnh lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Hollywood bắt đầu một chiến lược mới.
Đó là nhét một hoặc hai diễn viên châu Á vào phim bom tấn, dù chỉ là vai nhỏ xíu, để thu hút khán giả Trung Quốc và châu Á. Và rất nhiều phim đã được thị trường Trung Quốc “giải cứu” nhờ chiêu thức này.
Có thể kể đến Kong: Skull Island (Cảnh Điềm), Now You See Me (Châu Kiệt Luân), xXx: Return Of Xander Cage (Chân Tử Đan, Ngô Diệc Phàm), Transformers: Age of Extinction (Lý Băng Băng), Independence Day 2 (Angelababy)…
Chính vì vậy, nếu nói diễn viên châu Á không có đất sống ở Hollywood thì hoàn toàn không đúng. Bởi trong 10 bom tấn ra rạp thì đã hơn nửa số có sự xuất hiện của người da màu hay người gốc Á.
Tuy nhiên, diễn viên gốc Á chỉ có cơ hội đóng những vai…làm nền. Đó là những nhân vật hèn nhát, nhu nhược, xã hội đen, ngớ ngẩn, thiếu vải, lẳng lơ, sát nhân và đặc biệt là dễ hy sinh.
Đó là những kẻ xuất hiện chỉ để nhân vật chính da trắng làm bàn đạp hay bị…hạ đo ván. Họ chỉ không có “may mắn” trở thành người hùng đích thực trên màn ảnh Hollywood.
Sự thật không thay đổi
“Đây là vấn đề mà chúng ta phải đấu tranh. Tôi đang trông chờ một vụ kiện tập thể về vấn nạn phân biệt chủng tộc bởi vì điều đó quá hiển nhiên rồi”, nữ diễn viên Constance Wu bày tỏ.
Rất nhiều các ngôi sao lớn ở Trung Quốc được “mời” vào bom tấn Hollywood chỉ để câu khách tại nước này. Ảnh: Sina.
Tuy nhiên sự phản ứng còn khá yếu ớt. Năm ngoái, khi kiều nữ Emma Stone vào vai Allison Ng, người Hawaii gốc Hoa trong Aloha, phim đã bị chế nhạo và chỉ trích kịch liệt, dẫn tới thất bại doanh thu thảm hại. Tuy nhiên những trường hợp như vậy quá ít.
Các chuyên gia cho rằng cái cớ “an toàn” mà Hollywood đưa ra nhiều khi chỉ là ngụy biện. “Đó chỉ là cái cớ hèn nhát. Disney và Universal còn dám chọn Chris Pratt đóng chính trong Guardians of the Galaxy và Jurassic World khi anh ấy mới chỉ là diễn viên quèn với ngoại hình chẳng mấy bắt mắtcơ mà”, nhà biên kịch Alan Yang phân tích.
Theo Hollywood Reporter, vấn đề là sự thay đổi phải xuất phát từ gốc rễ. Khi mà các nhà sản xuất, biên kịch và đạo diễn ở Hollywood vẫn chủ yếu là người da trắng, những sản phẩm họ làm ra vẫn sẽ tiếp tục mang tính chất phân biệt như những năm qua.
Theo Zing