Vì sao dịch “tấn công” nhiều chợ đầu mối ở Hà Nội?
Những ngày gần đây, hàng loạt khu chợ đầu mối ở Hà Nội bị phong tỏa, tạm dừng hoạt động do xuất hiện các trường hợp nghi mắc Covid-19. Hà Nội cần làm gì để “bảo vệ” các khu chợ đầu mối, siêu thị?
Khi dịch xuất hiện ngoài cộng đồng, chợ và siêu thị là nơi rất dễ bị “tấn công” vì lượng người đến giao thương hàng ngày rất lớn và phức tạp.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, chợ, siêu thị… là những khu vực nguy cơ cao bị dịch “tấn công”. Bởi vì khi dịch đã xuất hiện trong cộng đồng, chợ, siêu thị vẫn có số người ra vào lớn.
Ở Hà Nội, việc lây nhiễm chéo trong các khu chợ chưa nhiều, chủ yếu là do các trường hợp dương tính từ nơi khác đi đến nơi này. Theo ông Trần Đắc Phu, Hà Nội là một trong số các địa phương đã thực hiện tương đối tốt các biện pháp phòng, chống dịch ở các khu chợ.
Cụ thể, các khu chợ ở nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã tiến hành căng dây tại khu vực bán hàng; không đưa trực tiếp mà để hàng hóa ở mặt bàn; lắp vách ngăn, kính chắn phòng dịch…
Tuy nhiên, Hà Nội cần nghiên cứu để có các biện pháp phòng, chống dịch tốt hơn nữa. Bởi lẽ, các khu chợ là nơi giao lưu nhiều; là nơi người dân tứ xứ tập trung để giao thương. Đông người đến chợ như vậy, đồng nghĩa với việc khó thực hiện, tuân thủ triệt để các biện pháp phòng dịch.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, các khu chợ phải thực hiện đặc biệt tốt quy tắc “5K”; sắp xếp lại các gian hàng, lối ra vào riêng rẽ để hạn chế tối đa việc người dân gặp nhau, tiếp xúc… Đồng thời, cần nghiên cứu áp dụng khai báo y tế quét mã QR code mới ở thẻ BHYT hoặc căn cước công tại các khu chợ, siêu thị… để tiện cho việc truy vết khi cần thiết.
Video đang HOT
“Nên hạn chế việc đi chợ của người dân trong thời gian đang thực hiện giãn cách xã hội. Tôi thấy có nơi phát phiếu đi chợ 2 ngày/lần thì nên rút xuống chỉ còn 2 lần/tuần. Trừ trường hợp không có tủ lạnh để bảo quản thức ăn thì đi nhiều hơn” – ông Phu khuyến cáo.
Khu vực chợ đầu mối phía Nam, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) bị tạm phong tỏa do có ca nghi mắc Covid-19 (Ảnh: Văn Lê).
Trước đó, ngày 1/8, chính quyền sở tại đã phong tỏa chợ đầu mối Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), chợ Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) do liên quan các ca nghi mắc Covid-19.
Tại chợ Minh Khai, ngành y tế xác định một ca nghi nhiễm là hộ kinh doanh tại đây. Riêng ca nghi nhiễm ở chợ Phùng Khoang là nữ, 39 tuổi, trú tại xã Tân Minh (huyện Thường Tín). Hàng ngày, chị này lấy rau tại chợ Vồi (huyện Thường Tín) lên bán tại chợ Phùng Khoang.
Cùng trong ngày 1/8, Sở Y tế Hà Nội đã thông tin về một trường hợp mắc Covid-19 thuộc chùm sàng lọc ho, sốt trong cộng đồng. Người này tên là N.T.C., nữ, 40 tuổi, ở xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì); là người bán hàng tôm, cá thường xuyên lấy hàng tại chợ Tam Hiệp và Long Biên.
Ngay sau đó, UBND quận Ba Đình đã tiến hành khử khuẩn khu vực kinh doanh hải sản và toàn bộ chợ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả những người có liên quan tại chợ Long Biên, gồm 260 mẫu. Đồng thời, khu vực kinh doanh hải sản chợ Long Biên cũng đã được phong tỏa.
Ngày 28/7 vừa qua, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng phát sinh một ca mắc Covid-19, là người bán trứng tại chợ đầu mối phía Nam (hay gọi là chợ Đền Lừ). Toàn khu chợ đầu mối đã được phong tỏa, dừng hoạt động để khử khuẩn và truy vết.
Đề nghị tất cả người dân có biểu hiện ho, sốt liên hệ y tế
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng đề nghị tất cả người dân trên địa bàn khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường/xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc Covid-19.
Hà Nội lên phương án sẵn sàng khi chợ đầu mối phải đóng cửa
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đã chỉ đạo rà soát diện tích đất trống, sẵn sàng hoạt động khi các chợ dân sinh, chợ đầu mối phải đóng cửa.
Tại buổi họp trực tuyến giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với TP Hà Nội diễn ra sáng nay (31/7), bà Nguyễn Phương Lan - quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo rà soát diện tích đất trống sẵn sàng hoạt động khi các chợ dân sinh, chợ đầu mối phải đóng cửa. Đồng thời chia nhỏ các điểm tập kết, bán hàng để không đứt gãy nguồn cung thực phẩm.
Cũng theo bà Lan, dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng đến nay không xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ. Dù sức mua tăng khoảng 30% nhưng hàng hóa vẫn đảm bảo đủ cho người dân.
Sở Công Thương lên phương án sẵn sàng khi chợ đầu mối đóng cửa.
Tuy nhiên, trong tình huống xấu, số lượng F0 tăng cao, các địa phương cung ứng thực phẩm cũng phải giãn cách thì việc vận chuyển nông sản từ các địa phương về Hà Nội có thể gặp khó khăn.
Do đó, Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tập kết hàng hóa về các kho ở Hà Nội để chủ động hàng hóa, đồng thời giao cho các quận, huyện chủ động nguồn hàng hóa theo phương châm 4 tại chỗ.
Trước đó, liên quan đến việc chợ đầu mối phía Nam xuất hiện ca F0, bà Lan cho biết, trường hợp chợ truyền thống phát hiện ca nhiễm, sẽ phải đóng cửa tạm thời và thực hiện ngay việc xử lý dịch tễ, khoanh vùng dập dịch. Đến khi chợ đảm bảo an toàn thì cho mở lại.
Nếu chưa đảm bảo các yếu tố dịch tễ thì chợ chưa được phép mở cửa, thay vào đó, thành phố sẽ bố trí các điểm bán hàng lưu động.
Theo bà Lan, do các phương án phòng dịch tại chợ được kích hoạt nên khi có một chợ đóng cửa, việc phân luồng hàng hoá vẫn đảm bảo, nguồn cung hàng vẫn đầy đủ.
" Hà Nội đã chủ động, sẵn sàng nguồn cung của các hệ thống hệ thống phân phối từ nhiều tháng nay. Khi có biến động, Hà Nội vẫn đáp ứng được đầy đủ nhu cầu cho người dân ", bà Lan khẳng định.
Theo bà Lan, Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 3 cấp độ. Khi dịch bệnh tăng cao, nhu cầu mua sắm tăng mạnh, hàng hóa có khả năng thiếu cục bộ, hoặc khó khăn trong vấn đề lưu thông, TP Hà Nội sẽ tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 lần.
Đồng thời, huy động tổng lực vận chuyển hàng hoá từ các kho hàng ngoài thành phố vào trong thành phố; sẵn sàng nhân lực chở hàng xuyên đêm vào nội thành, tăng giờ mở cửa. Nếu cần biện pháp cao hơn nữa sẽ kích hoạt gần 2.000 điểm bán hàng lưu động.
Diễn biến dịch 24/5: Bắc Giang vượt 1000 ca, chùm ca bệnh ở Hà Nội phức tạp Trong 24h qua, Việt Nam có thêm 187 ca Covid-19 gồm 3 ca nhập cảnh và 184 ca trong nước. Như vậy, tính từ 27/4 đến nay, nước ta đã có đến 2.349 ca lây nhiễm trong cộng đồng, xuất hiện ở 30 tỉnh thành. Sau 28 ngày, tổng số ca nhiễm của đợt dịch thứ 4 đến nay cao gấp 2,85 lần...