Vì sao đề nghị mời Chủ tịch ĐN Huỳnh Đức Thơ tới tòa vụ Vũ “nhôm”?
Sáng nay (2/1), tại phần thủ tục phiên tòa sơ thẩm vụ Vũ “nhôm”, 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng và 18 bị cáo, luật sư (LS) đã có đề nghị triệu tập thêm một số người liên quan.
Ông Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch Đà Nẵng tai phần làm thủ tục vào tòa sáng nay (ảnh PV).
Cụ thể, LS Trần Quang Sơn (bào chữa cho bị cáo Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) cho biết: Vừa qua ông đã có kiến nghị tòa đề nghị triệu tập ông Hoàng Tuấn Anh, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng để làm rõ 2 dự án đất và mời ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng để làm rõ 1 dự án đất khác ở Bạch Đằng, Đà Nẵng.
LS Trần Việt Hùng, người bào chữa bị cáo Văn Hữu Chiến cho biết đã có văn bản kiến nghị HĐXX triệu tập đại diện Bộ TN&MT vì một số tài liệu có liên quan đến cách đánh giá của Bộ này. Ngoài ra, hồ sơ vụ án có một số tài liệu mật và tuyệt mật, có thể là chứng cứ để bào chữa cho bị cáo, đề nghị HĐXX có hướng dẫn để sử dụng những tài liệu này.
LS Hùng đề nghị thêm, trong số các bị cáo hầu tòa, có nhiều người cao tuổi, sức khỏe yếu, hơn nữa bản cáo trạng dài nên đề nghị HĐXX khi Viện KS công bố thì xem xét cho phép bị cáo được ngồi nghe cáo trạng hoặc ngồi trả lời thẩm phấn.
LS Nguyễn Hữu Trạch, người bào chữa cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ cho biết, trước đó đã gửi kiến nghị tới HĐXX về việc ngoài tư cách bị cáo thì đề nghị đưa Vũ “nhôm” tham gia phiên tòa thêm tư cách của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tại hai Công ty 79 và Công ty Bắc Nam 79, để đảm bảo phần tài sản của mình cũng như công ty trong quá trình thi hành án.
LS Trạch cũng đề nghị giải mã một số văn bản mật cũng như hướng dẫn phương thức sử dụng các tài liệu này…
Sau phần đề nghị của các LS, HĐXX vào hội ý. Sau khi hội ý, HĐXX cho biết, ghi nhận những đề nghị của các luật sư tại tòa. Đối với trường hợp ông Huỳnh Đức Thơ, ông Hoàng Tuấn Anh và một số người liên quan khác nếu trong quá trình xét xử thấy cần thiết sẽ triệu tập tới tòa.
Liên quan đến tài liệu mật trong vụ án mà phía LS đề nghị, thẩm phán chủ toạ phiên tòa Lưu Ngọc Cảnh khẳng định các tài liệu mật sẽ “không được công khai tại toà”. Nội dung các tài liệu đã được thể hiện trong kết luận điều tra, cáo trạng.
Theo danviet.vn
Xử Vũ "nhôm", 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng: Điều ít gặp trong các đại án
Sáng mai (2/1), TAND thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm"), 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng cùng 18 bị cáo khác. Phiên tòa dự kiến kéo dài từ ngày 2 đến 15/1.
Hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh (trái) và Văn Hữu Chiến (ảnh IT).
Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, theo dõi. Trong vụ án này có 21 bị cáo bị truy tố. Tất cả các bị cáo đều có hộ khẩu thường trú và sinh sống ở TP. Đà Nẵng; hành vi phạm tội của họ cũng xảy ra ở Đà Nẵng. Thông thường tội phạm xảy ra ở đâu thì xét xử tại đó, tuy nhiên vụ án này Viện KSND Tối cao đã truy tố các bị cáo ra trước TAND thành phố Hà Nội và phân công Viện KSND thành phố Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa.
Trao đổi với PV Dân Việt, một thẩm phán của TAND thành phố Hà Nội cho biết, việc tội phạm xảy ra ở địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, các cơ quan tiến hành tố tụng của Trung ương điều tra, truy tố và giao cho TAND thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm là việc rất hiếm khi diễn ra. Tuy nhiên đây là điều bình thường, bởi cơ quan tố tụng của Trung ương có quyền giao việc xét xử cho Tòa án cấp dưới.
Trong vụ án này cũng có một điều cũng rất hiếm gặp so với những đại án kinh tế trước đây, theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, trong số 21 bị cáo, có tới 18 người được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (hay gọi là được tại ngoại). Bị cáo Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch TP. Đà Nẵng, cựu Ủy viên Trung ương Đảng (đã bị khai trừ khỏi Đảng) bị khởi tố và bắt tạm giam từ tháng 4/2018, đến tháng 8/2019, ông được thay thế bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch Đà Nẵng được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú khi bị khởi tố.
Trong 3 bị cáo bị tạm giam có Phan Văn Anh Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng 79; Công ty cổ phần Bắc Nam 79; Công ty TNHH I.V.C; Công ty cổ phần đầu tư Nhất Gia Phúc. Vũ "nhôm" từng là đảng viên đã bị Ban Thường vụ Tổng cục V- Bộ Công an khai trừ.
Tính từ năm 2018, Vũ "nhôm" đã phải ra tòa nhiều lần trong các vụ án khác nhau. Ở vụ thứ nhất (2 lần ra tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm), Vũ "nhôm" bị tuyên phạt 8 năm tù về tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; Ở vụ án thứ hai (cũng 2 lần ra tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm), Vũ "nhôm" bị tuyên phạt 17 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Vụ án thứ ba, Vũ "nhôm" hầu tòa cùng 2 cựu Thứ trưởng và 2 cựu sỹ quan Công an (cũng xử sơ thẩm và phúc thẩm), Vũ bị tuyên phạt 15 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Vũ "nhôm" hiện đang bị tạm giam tại trại tạm giam T16 Bộ Công an.
Phan Văn Anh Vũ trong một lần ra tòa ở vụ án xét xử trước (ảnh IT).
Để chuẩn bị cho phiên tòa ngày mai, Hội đồng xét xử của TAND thành phố Hà Nội đã triệu tập 37 người và tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong đó đại diện UBND thành phố Đà Nẵng đến phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự
Hội đồng xét xử cũng đã triệu tập 5 điều tra viên; giám định viên của các cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng định giá Trung ương đến phiên tòa.
Có tổng số 26 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó bị cáo Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đều có 2 luật sư bào chữa, Vũ "nhôm" có 1 luật sư bào chữa...
Hai bị cáo Huỳnh Tấn Lộc và Phan Ngọc Thạch không mời luật sư bào chữa nhưng do hai bị cáo bị Viện KSND Tối cao truy tố ở tội có khung hình phạt lên đến 20 năm tù, theo quy định bắt buộc phải có người bào chữa nên Hội đồng xét xử đã chỉ định luật sư bào chữa cho 2 bị cáo này. Trong số các bị cáo, duy nhất bị cáo Nguyễn Viết Vĩnh không có luật sư bào chữa.
Theo cáo trạng, bị cáo Trần Văn Minh và các đồng phạm đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, các quy định về quản lý đất đai trong thời gian dài từ năm 2006 đến năm 2014 giúp cho Phan Văn Anh Vũ thu lợi bất chính đặc biệt lớn thông qua việc nhận nhiều đất dự án, mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước.
Hậu quả, số tiền Nhà nước bị thiệt hại tại 22 nhà đất công sản là trên 2.400 tỷ đồng; tại 7 dự án là trên 19.600 tỷ đồng. Tổng số tiền nhà nước bị thiệt hại là hơn 22.000 tỷ đồng.
Theo danviet.vn
Không công bố tài liệu mật ở phiên xử 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng Sau đề nghị của luật sư bào chữa cho bị cáo Văn Hữu Chiến, chủ tọa cho biết theo quy định, các tài liệu ở dạng mật và tuyệt mật sẽ không được công bố công khai tại tòa. Vũ 'Nhôm' và 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng hầu tòa Hai cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng bị cáo buộc giúp Vũ "Nhôm"...