Vì sao đám cháy rừng ở Hà Tĩnh kéo dài 3 ngày?
Địa hình núi dốc, đường băng cản lửa không được quy hoạch từ trước… là những nguyên nhân khiến đám cháy ở núi Hồng Lĩnh kéo dài.
Đám cháy ở núi Hồng Lĩnh nhìn từ trên cao. Ảnh: Sách Nguyễn
Đám cháy rừng ở tiểu khu 92A thuộc xã Xuân Hồng và thị trấn Xuân An (núi Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) kéo dài từ trưa 28/6 đến chiều 30/6 với 5 lần ngọn lửa được khống chế và bùng phát trở lại.
Đây là lần đầu tiên ở Hà Tĩnh xảy ra đám cháy kéo dài dù địa phương đã huy động hàng nghìn người tham gia dập lửa. Giải thích việc này, ông Nguyễn Công Tố, Phó chi cục trưởng Kiểm lâm Hà Tĩnh nói, núi Hồng Lĩnh chủ yếu là rừng thông, loại cây dễ bén lửa, lớp thực bì dày. Trước đó, qua nhiều năm bão lũ, hàng loạt cành khô gãy còn mắc trên ngọn, khi xảy ra cháy, gió thổi rơi xuống lớp thực bì làm tàn tro bùng lên và lửa cháy to hơn.
“Phải nhìn nhận là quá trình chữa cháy thiếu dụng cụ cần thiết, máy bơm nước và xe cứu hỏa lại không thể lên đến đỉnh núi. Do vậy, tuy đông người tham gia cứu hỏa nhưng hiệu quả không cao”, ông Tố nói.
Thượng tá Võ Đăng Khoa (Phó phòng cảnh sát chữa cháy Công an Hà Tĩnh) thông tin thêm, vùng cháy rất rộng trong khi khu vực núi Hồng Lĩnh địa hình mái dốc, nhiều chỗ lực lượng cứu hỏa không thể tiếp cận trực tiếp nơi ngọn lửa bốc lên.
Ngoài ra, thượng tá Khoa cho hay, khu vực xảy ra cháy có nhiều tổ mối, tổ kiến ẩn dưới đất, khi bị cháy thì các tổ đó chứa tàn lửa âm ỉ, gặp lúc gió trên núi thổi mạnh sẽ đưa tàn lửa bay đi nơi khác.
“Có lúc chúng tôi đến sát ngọn lửa thì đám cháy cũ đã tắt, lan sang đám mới. Thậm chí đang chữa cháy thì lửa bùng lên sát người, anh em phải nhảy ra hai bên để né tránh”, ông Khoa nói.
Núi Hồng Lĩnh nhiều dốc cao, việc tiếp cận đám cháy rất khó khăn. Ảnh: Đức Hùng
Video đang HOT
Thiếu tá Đậu Ngọc Linh (Công an huyện Nghi Xuân) chia sẻ, trời nắng nóng 40 độ, lao vào chữa cháy là đối mặt với ngọn lửa bỏng rát song “mọi người đều rất nhiệt tình, kể cả thức trắng đêm dập lửa”.
“Có những người dân như ông Đậu Văn Tiến (trú xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân), nhà cách núi Hồng Lĩnh 12 km vẫn tình nguyện tham gia chữa cháy. Ba ngày chỉ ăn tạm vài ổ bánh mì rồi uống nước, ông Tiến đã dùng cưa đốn hàng trăm gốc cây để tạo đường băng cản lửa”, ông Linh kể.
Tuy nhiên, theo thiếu tá Linh, dù lực lượng chữa cháy không ai nề hà vất vả, nhưng lượng mùn ở vùng cháy rất dày, khi dập lửa xong, nước được tưới vào để dập tàn tro thì bụi mùn bốc lên mù mịt. “Lúc đó ở hiện trường mọi người thở không được, ho liên tục, dù chúng tôi động viên nhau cố gắng nhưng thực tế đó cũng phần nào ảnh hưởng đến quá trình chữa cháy”, ông Linh nói.
Thiếu tá Linh ướt sũng người khi tham gia chữa cháy. Ảnh: Đức Hùng
Chi cục trưởng Kiểm lâm Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn thừa nhận, “nhìn ra được nhiều bất cập từ các vụ cháy liên tiếp trên địa bàn cuối tuần qua và nhất là vụ cháy ở núi Hồng Lĩnh”.
“Ngân sách cho việc phòng, chống cháy rừng chưa có, đang giao cho từng địa phương tự lo nên kinh phí đầu tư, mua sắm trang thiết bị cho các đơn vị liên quan chưa đáp ứng được nhu cầu”, ông Huấn nói.
Lãnh đạo Cục Kiểm lâm Hà Tĩnh phân tích thêm, núi Hồng Lĩnh có 2.900 ha rừng, trong đó một số diện tích do dân tự trồng để khai thác. “Nguồn thu từ rừng không nhiều, chủ rừng không thể tự đầu tư kinh phí làm các công trình phòng chống cháy, cần có ngân sách hỗ trợ cho việc này”, ông Huấn kiến nghị.
Thượng tá Võ Đăng Khoa thì đề xuất, với rừng trên núi, chính quyền nên quy hoạch làm đường băng cản lửa giữa các khoảnh rừng khác nhau. “Trên núi Hồng Lĩnh không có đường băng từ trước, khi xảy ra cháy mới làm thì rất mất thời gian, nhiều lúc làm xong đường băng thì lửa đã lan ra khoảnh khác”, ông Khoa nói.
Dãy núi Hồng Lĩnh có diện tích 9.700 ha, được phân theo quy hoạch 3 loại rừng gồm rừng tự nhiên, phòng hộ và sản xuất. Thực vật tại rừng có 559 loài thuộc 466 chi, 105 họ. Động vật có 657 loài, 171 họ và 47 bộ.
Trong ba ngày xảy ra cháy, từ núi Hồng Lĩnh, lửa khói bốc lên nghi ngút, lan ra cả quốc lộ 1A. Trời nắng và gió to, hàng nghìn người được huy động cứu hỏa nhưng bất thành. Khoảng 50 ha rừng thông, keo, bạch đàn đã bị thiêu rụi.
Theo Đức Hùng (VNE)
Lãnh đạo Hà Tĩnh chỉ đạo quyết liệt chữa cháy rừng và khắc phục hậu quả
Từ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, nhiều đám cháy nhanh chóng được dập tắt, đặc biệt không có người thương vong.
Trong hàng chục năm qua, chưa bao giờ tỉnh Hà Tĩnh lại liên tiếp xảy ra cháy rừng trên diện rộng với mức độ tàn phá khủng khiếp như những ngày qua.
Do nắng nóng kéo dài kết hợp gió Lào thổi mạnh nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn
Vụ cháy kinh hoàng nhất là cháy rừng thông trên núi Hồng Lĩnh tại xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân) xảy ra lúc 13h ngày 28/6. Ngọn lửa lan nhanh sang các khu rừng thuộc thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân.
Ngay sau khi xảy ra cháy, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh huy động lực lượng tham gia dập lửa. Tuy nhiên, do trời khô hanh, gió Lào thổi mạnh nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Đến cuối giờ chiều ngày 28/6 lửa lan nhanh hướng về khu vực nhà dân ở dưới chân núi Hồng Lĩnh.
Lãnh đạo Hà Tĩnh trực tiếp tham gia chỉ đạo chữa cháy tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh
Ngay lúc này, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo, huy động hơn 1.000 người tham gia chữa cháy. Trong đó, lực lượng chức năng hỗ trợ di dời tài sản của 80 hộ dân sống dưới chân núi đến nơi an toàn.
Đến 19h cùng ngày, vụ cháy ngày càng trở nên phức tạp, khó lường. Ngoài việc huy động các phương tiện trong tỉnh, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chủ động liên hệ với tỉnh Nghệ An đề nghị hỗ trợ thêm phương tiện chữa cháy hiện đại giúp Hà Tĩnh ứng cứu. Có những thời điểm đám cháy áp sát nhà nhiều hộ dân ở thị trấn Xuân An, thậm chí chỉ cách nhiều nhà chừng 50m.
Đến sáng 30/6, ngọn lửa trên núi Hồng Lĩnh được dập tắt hoàn toàn. Vụ cháy không gây thương vong về người.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tại địa điểm cháy ở Đức Thọ, Hà Tĩnh
Ngày 30/6, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi thị sát những nơi xảy ra cháy rừng. Tại đây, lãnh đạo cũng đánh giá cao sự nỗ lực của các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, lực lượng cứu hỏa và nhân dân trong ứng phó kịp thời, linh động phương án dập lửa nhằm giảm thiểu thiệt hại, song cũng lưu ý các lực lượng phải tập trung làm đường băng cản lửa, ngăn lửa rừng lan ra diện rộng.
Ngay sau khi các đám cháy rừng được dập tắt, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh ra công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Rừng thông trên núi Hồng Lĩnh bị cháy.
Các lực lượng chức năng phối hợp tốt để chủ động chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống cháy rừng, ứng cứu kịp thời, nhanh nhất các tình huống khẩn cấp.
Lực lượng chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây cháy.
Theo VTC
Từ vụ cháy rừng Hồng Lĩnh : Đừng đốt nhà bằng thói quen này Dọn nhà, sân bãi rồi gom rác ra đốt, ai dè cháy luôn cả nhà mình, cháy lan sang nhà hàng xóm. Chiều 30-6, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết đang tạm giữ hình sự anh Phan Đình Thành (46 tuổi, trú xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) do liên quan đến vụ cháy rừng hàng chục...