Vì sao cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ thất bại?
Với sự chia rẽ trong quân đội, nhóm đảo chính không thể thành công trước một tổng thống Erdogan được đông đảo dân chúng ủng hộ.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ bao vây xe tăng của nhóm đảo chính. Ảnh: Reuters
Ngày 16.7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ chính phủ của ông vào đêm qua đã bị đánh bại, và thề sẽ trừng phạt nghiêm khắc những người đứng sau kế hoạch này. Theo giới phân tích, thất bại của cuộc đảo chính là điều đã được dự đoán trước, bởi ảnh hưởng quá yếu của phe đảo chính cũng như sự ủng hộ quá lớn dành cho ông Erdogan.
Chuyên trang phân tích tình báo toàn cầu Stratfor cho rằng nhóm sĩ quan, binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức cuộc đảo chính đêm 15.7 có một ưu thế lớn là sự bất ngờ. Họ ra quân đúng thời điểm Tổng thống Erdogan đang đi nghỉ mát, bao vây, chiếm giữ các địa điểm chiến lược ở thủ đô và thành phố Istanbul lúc gần nửa đêm, thời gian các lực lượng an ninh ít phòng bị nhất.
Tốc độ triển khai của các nhóm binh sĩ đảo chính tiến chiếm các vị trí quyền lực quan trọng ở các thành phố lớn cho thấy trình đổ tổ chức và hiệu suất làm việc rất cao của họ. Tuy nhiên, ngoài những lợi thế đó, họ lại thiếu đi những yếu tố mà theo các chuyên gia phân tích là đóng vai trò quyết định cho thành bại của một cuộc đảo chính.
Yếu tố đầu tiên là sự đoàn kết, nhất trí trong quân đội. Có nhiều dấu hiệu cho thấy các chỉ huy dẫn dắt cuộc đảo chính này là những người ủng hộ phong trào Gulen và có ảnh hưởng nhất định trong quân đội. Nhưng điều quan trọng là phong trào Gulen chỉ biết khai thác sự chia rẽ trong quân đội, chứ không phải đoàn kết các tướng lĩnh.
Phong trào Gulen là một phong trào Hồi giáo xuyên quốc gia hình thành và lan tỏa ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thập niên 1980, dưới sự dẫn dắt của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người hiện sống lưu vong tại Mỹ. Những người thuộc phong trào này bắt đầu xâm nhập vào lực lượng hiến binh, nơi việc kiểm tra lý lịch tương đối lỏng lẻo, và sau đó dần dần “chui sâu, leo cao” vào hàng ngũ chỉ huy trong quân đội.
Còn có tên gọi khác là phong trào Hizmet (Phụng sự), phong trào này thu hút sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền, kể cả các cảnh sát trưởng và công tố viên phụ trách những cuộc điều tra chống tham nhũng. Tổng thống Erdogan dần dần nhận ra rằng phong trào Gulen đã trở nên quá mạnh, trở thành một “nhà nước trong nhà nước” theo cách gọi của ông.
Bắt đầu từ năm 2014, ông Erdogan đã bắt đầu chiến dịch thanh lọc những người ủng hộ phong trào Gulen trong bộ máy chính phủ và truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của phe Gulen trong quân đội không bị loại bỏ hoàn toàn. Theo các chuyên gia của Stratfor, rất có thể phe Gulen đã nắm được một số bí mật của các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội và gây sức ép để buộc họ không loại bỏ mình.
Khi nhóm đảo chính tuyên bố nắm chính quyền trên truyền hình, lập tức các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án hành động của họ và bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Erdogan. Điều này cho thấy nhóm đảo chính đã không thể đoàn kết, tập hợp được toàn bộ lực lượng quân đội để thực hiện hành động phiêu lưu của mình, giới quan sát nhận xét.
Người dân chất vấn các binh sĩ thực hiện vụ đảo chính. Ảnh: Reuters
Theo nhà khoa học chính trị Naunihal Singh, yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thống nhất của đảo chính quân sự là việc các binh sĩ khác có cho rằng cuộc đảo chính sẽ thành công hay không. Nếu lãnh đạo nhóm đảo chính có thể thuyết phục được mọi người rằng chính phủ chắc chắn sẽ sụp đổ và khả năng kháng cự là rất nhỏ, có thể phần còn lại của quân đội sẽ ngả theo phe họ.
Video đang HOT
Nhưng nếu như lãnh đạo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lên án cuộc đảo chính, đó là dấu hiệu cho thấy hành động phiêu lưu này không nhận được sự ủng hộ rộng rãi, và chắc chắn sẽ thất bại.
Quyền lực của Erdogan
Là nhà lãnh đạo lên nắm quyền từ năm 2003, ông Erdogan được mô tả là con người “quyết liệt”, nắm trong tay rất nhiều quyền lực, và đã nhiều lần dẹp tan sức ép đến từ phe quân đội.
Năm 2013, ông Erdogan đã giành thắng lợi ngoạn mục trước các tướng lĩnh quân đội, khi tống giam 17 người, trong đó có các quan chức quân đội cấp cao, với cáo buộc âm mưu lật đổ đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền trong vụ việc được gọi là “Ergenekon”.
Năm 2011, ông đã chỉ đạo một đợt truy lùng, bắt bớ, truy tố lớn khác trong vụ “Chiến dịch Búa tạ”, xét xử hàng trăm sĩ quan quân đội, nhà báo và các chính trị gia thế tục với cáo buộc tương tự. Trước biến cố này, tư lệnh lục quân, hải quân và không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin từ chức đồng loạt để phản đối.
Các nhà phê bình cáo buộc ông Erdogan lợi dụng quyền lực trong hệ thống tư pháp để bịt miệng các đối thủ chính trị, và cho rằng nhiều sĩ quan quân đội, chính trị gia bị vu khống. Thế nhưng những người ủng hộ ông lại hoan nghênh chính sách này, vì đã “sờ gáy” cả những quan chức trước đây được coi là “bất khả xâm phạm”, những người tự coi mình là rường cột quốc gia.
Các chuyên gia phân tích cho rằng cuộc đảo chính vừa diễn ra chỉ là hành động bột phát của một nhóm nhỏ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, không nhận được sự ủng hộ của các chính trị gia thế tục, các tướng lĩnh quân đội khác và cả dân chúng.
Điều đó lý giải việc người dân đổ ra đường chặn xe tăng, mạt sát chỉ huy đảo chính, và thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với ông Erdogan. Một đoạn video được đăng trên Twitter cho thấy dân thường đã tràn vào văn phòng CNN ở Thổ Nhĩ Kỳ, bắt giữ và đánh đập các binh sĩ tham gia đảo chính.
Tổng thống Erdogan phát biểu sau cuộc đảo chính. Ảnh: Reuters
Dĩ nhiên, chính sách đối ngoại và đối nội của ông Erdogan vấp phải sự phản đối của nhiều chính trị gia theo đường lối thế tục và ôn hòa, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ ủng hộ một cuộc đảo chính chống lại tổng thống được dân bầu. Nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa quên thời kỳ bất ổn về chính trị và kinh tế sau những cuộc đảo chính quân sự trước đây, và họ không hề muốn điều đó lặp lại.
“Cuộc đảo chính này chỉ là sản phẩm của sự chia rẽ Hồi giáo bên trong quân đội, và việc lợi dụng chia rẽ đó không phải là yếu tố đảm bảo sự thành công của một cuộc đảo chính”, Stratfor nhấn mạnh.
Theo Trí Dũng (VNE)
Tiềm lực quân đội đông thứ 6 thế giới của Thổ Nhĩ Kỳ
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có tiềm lực đứng thứ hai trong NATO và thứ 6 trên thế giới xét về quân số.
Hiện nay, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá nằm trong số các lực lượng mạnh nhất tại khu vực Trung Cận Đông. Đến đầu năm 2015, quân số của các lực lượng vũ trang nước này (không tính lực lượng dự bị) vào khoảng 410.000 binh sĩ, trong đó có khoảng 45.000 người được triển khai ở nước ngoài, đông thứ hai trong NATO (sau Mỹ), và đứng hàng 6 trên thế giới, theo Les cles Du Moyent-Orient.
Về cơ cấu tổ chức, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm 5 lực lượng là lục quân, không quân, hải quân, hiến binh và lực lượng phòng thủ bờ biển. Tuy nhiên, sức mạnh tác chiến của Ankara nằm ở ba lực lượng chính là hải, lục, không quân vốn được ưu tiên hiện đại hóa trong nhiều năm qua.
Lục quân
Xe tăng Leopard 2A4 của lục quân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Military
Lục quân là lực lượng có quân số đông nhất trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (chiếm khoảng 80% quân số). Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ gồm 2 tập đoàn quân dã chiến, 9 quân đoàn (trong 9 quân đoàn này có 7 quân đoàn trực thuộc các tập đoàn quân lục quân) và 3 bộ tư lệnh (Bộ tư lệnh huấn luyện, Bộ tư lệnh không quân lục quân và Bộ tư lệnh hậu cần), với quân số khoảng 280.000- 300.000 người.
Sức mạnh tấn công chính của lục quân Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở lực lượng tăng thiết giáp, gồm gần 3.000 xe tăng, trong đó có hơn 1.200 tăng M48 của Mỹ đã tương đối lạc hậu, 339 tăng Leopard 2A4, 329 tăng Leopard 1 của Đức và hơn 1.000 xe tăng M60 của Mỹ với nhiều biến thể.
Bên cạnh đó, lục quân Thổ Nhĩ Kỳ còn có hơn 4.500 xe bọc thép bánh xích và bánh lốp bao gồm các mẫu M113, M59 của Mỹ và một số mẫu nước này tự sản xuất.
Về các loại vũ khí khác, lục quân Thổ Nhĩ Kỳ là lực lượng NATO thứ hai (sau Bulgaria) sở hữu tên lửa chiến dịch - chiến thuật. Đó là 72 tổ hợp ATACMS do Mỹ sản xuất và không ít hơn 100 tên lửa chiến dịch - chiến thuật J-600T tự sản xuất (sao chép B-611 của Trung Quốc). Các tên lửa khác gồm 1900 quả Stinger, Igla, Red-eye.
Ngoài ra, lục quân Thổ Nhĩ Kỳ còn sở hữu 1.200 hệ thống pháo tự hành và 1.900 hệ thống pháo kéo, gần 10.000 súng cối, 12 hệ thống pháo phản lực phóng loạt MLRS, 80 hệ thống T-300 (WS-1 302 ly của Trung Quốc), 130 T-122, hơn 100 hệ thống T-197 (Type 63 cũ của Trung Quốc, 107 ly) và 24 hệ thống phản lực phóng loạt xe kéo RA7040 do Thổ Nhĩ Kỳ tự sản xuất.
Không quân
Tiêm kích đa năng F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Airlines.net
Lực lượng tác chiến chủ yếu của không quân Thổ Nhĩ Kỳ là 168 tiêm kích đa năng F-16C và 40 máy bay huấn luyện F-16D. Ngoài ra, trong trang bị của không quân còn có gần 40 tiêm kích NF-5 do Canada sản xuất, 180 máy bay huấn luyện, 7 máy bay tiếp dầu KC-135R, 2 máy bay radar cảnh báo sớm Boeing -737 và 95 máy bay vận tải.
Lực lượng phòng không mặt đất có các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung MIM-14 Nike-Hercules (72 đơn vị phóng), 48 hệ thống tên lửa phòng không tầm trung "Hawk-21" do Mỹ sản xuất, 84 tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần "Rapier" mua của Anh.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ rất chú trọng đến việc hiện đại hóa không quân bằng các kế hoạch thay thế các máy bay chiến đấu cũ. Nước này có khả năng ký hợp đồng mua máy bay tiêm kích thế hệ 5 F- 35A của Mỹ để thay thế toàn bộ tiêm kích NF-5 và F-16. 2 chiếc F-35A đầu tiên sẽ được đưa vào trang bị của không quân Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2018.
Hải quân
Tàu khu trục lớp Oliver Hazard Perry của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Military.
Về tổ chức, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ có 4 bộ tư lệnh gồm: Bộ tư lệnh hải quân các khu vực biển phía Bắc (Biển Đen), Bộ tư lệnh hải quân các khu vực biển phía Nam (Biển Địa Trung Hải), Bộ tư lệnh hạm đội và Bộ tư lệnh huấn luyện.
Lực lượng tấn công chủ yếu của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ gồm 16 tàu khu trục và 8 tàu hộ tống. Trong số 16 tàu khu trục có có 8 tàu lớp Oliver Hazard Perry do Mỹ chuyển giao, 4 chiếc lớp Yavuz và 4 chiếc thuộc lớp Barbaross.
Lực lượng tàu ngầm gồm có 14 chiếc do Đức sản xuất, trong đó có 8 chiếc hiện đại thuộc dự án 209/1400 Preveza và 6 chiếc dự án 209/1200 Atylai. Đây là những kiểu tàu ngầm được xuất khẩu nhiều nhất trên thế giới, hiện có trong trang bị của hải quân 13 nước.
Trong biên chế của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ còn có một lữ đoàn lính thủy đánh bộ -đặc nhiệm gồm đội SAS số 5 (người nhái chống biệt kích) và đội SAT số 9 (người nhái tác chiến - biệt kích).
Ngoài ra, không quân của hải quân có 10 máy bay tuần tiễu do Tây Ban Nha sản xuất CN-235, 24 máy bay chống ngầm S-70B, 29 máy bay lên thẳng đa năng và 9 máy bay vận tải.
So sánh quân số của Thổ Nhĩ Kỳ với một số thành viên NATO (đơn vị: nghìn người). Đồ họa: WP
Ngày 15/7, một nhóm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã điều xe tăng, xe bọc thép, trực thăng vũ trang chiếm giữ các vị trí chiến lược ở thủ đô Ankara và thành phố Istanbul nhằm thực hiện cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Tuy nhiên, cuộc đảo chính đã bị đập tan khi vấp phải sự phản đối của các tướng lĩnh quân đội khác cùng đông đảo người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Vì sao cuộc đảo chính của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thất bại Với sự chia rẽ trong quân đội, nhóm đảo chính không thể thành công trước một tổng thống Erdogan được đông đảo dân chúng ủng hộ. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ bao vây xe tăng của nhóm đảo chính. Ảnh: Reuters Ngày 16/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ chính phủ...