Vì sao cứ lấy tích Tàu?
Đoàn Nghệ thuật Ánh Dương Bạch Long sẽ công diễn vở cải lương thiếu nhi Na Tra đại náo thủy cung tại Nhà thiếu nhi Tân Bình, bắt đầu từ ngày 21/7.
Nội dung vở diễn dựa trên câu chuyện thần thoại của Trung Quốc về nhân vật NaTra giỏi phép thuật nhưng tính tình nóng nảy ương ngạnh. Trong nổ lực biến tác phẩm gốc thành vở diễn có thông điệp giáo dục đẹp gần gũi với Việt Nam, nghệ sỹ Bạch Long đã xây dựng hình ảnh Na Tra thành một chàng trai hết lòng vì bạn bè, sẵn sàng trừng trị kẻ mạnh ức hiếp người cô thế. Tuy nhiên, vở diễn vẫn còn đậm màu sắc tuồng “Tàu” trong trang phục, điệu hát Hồ Quãng và vũ đạo.
Không dám hư cấu sử Việt
Theo nghệ sỹ Bạch Long, khi thành lập đoàn cải lương nhắm đến khán giả thiếu nhi, anh luôn tâm niệm sẽ khai thác sậu những đề tài liên quan đến lịch sử Việt Nam. Qua điều này anh muốn thế hệ tương lai hiểu và tự hào về thế hệ cha anh. Vì vậy, vở đầu tiên khai trương sân khấu anh đã dựng Tiểu anh hùng Nam quốc kể về tinh thần bất khuất của anh hùng thiếu nhi Trần Quốc Toản. Nhưng sang vở thứ hai anh buộc phải dựng Hầu nhi cứu chủ dựa vào nhân vật Tề Thiên và vở thứ ba lấy tích Na Tra. Bạch Long cho biết: “lịch sử Việt Nam có nhiều nhân vật anh hùng rất đẹp và nhiều thần thoại rất hấp dẫn. Dù vậy, khi dựng tuồng lịch sử Việt Nam các đạo diễn không dám hư cấu nhằm tăng phần sinh động cho tính cách nhân vật. Trong khi đó, khi dựng vở có xuất xứ từ tích Tàu đạo diễn mặc sức “tung chiêu”, vì vậy tạo được nhiều kịch tính và tình tiết lôi cuốn”.
Video đang HOT
Một cảnh trong vở Na Tra đại náo thủy cung mang đậm màu sắc tuồng Tàu. Ảnh: Nguyễn Huy
Nhìn sang các vở cải lương lịch sử dành cho người lớn, cho đến hiện tại, hầu hết các vở tuồng ăn khách cũng có gốc “Tàu”. Nhiều người lý giải rằng, cải lương bắt nguồn từ hát bội mà phần lớn các vở của hát bội đều được dựng trên cốt truyện Tàu như Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Triệu Tử Long phò A Đẩu, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Điêu Thuyền Lữ Bố, Bao Công xử án Quách Hòe, Ngưu Lang Chức Nữ… Thế hệ đầu của cải lương trong đó có NSND Phùng Há đã quá thành công trong các vở tuồng ấy nên vô hình chung “tuồng Tàu” trở thành chuẩn mực và kinh điển trong giới nghệ thuật cải lương tuồng cổ.
Sau năm 1975, một loạt các vở cải lương khai thác đề tài lịch sử dân tộc như Thái hậu Dương Vân Nga, Câu thơ yên ngựa, Tâm sự Ngọc Hân, Má hồng soi kiếm bạc, Bức ngôn đồ Đại Việt… thành công rực rỡ trên sân khấu cải lương. Nhưng cho đến hiện tại, sau gần 30 năm, chưa có một kịch bản cải lương lịch sử Việt Nam nào khác ra đời. Vì vậy, các ngôi sao cải lương khi dựng tuồng mang màu sắc kiếm hiệp “hương xa” buộc phải hát đi hát lại các tuồng có cốt truyện Tàu. NSUT Kim Tử Long bộc bạch :” Là một nghệ sỹ chúng tôi luôn thăng hoa khi hát các vở tuồng về lịch sử hào hùng của dân tộc. Nhưng hiện nay còn quá ít tác giả đủ sức viết một kịch bản cải lương lịch sử Việt Nam. Tôi nghĩ, bên cạnh sự hạn chế về kỹ năng viết, tâm lý e ngại bị chỉ trích nếu dám hư cấu, thì việc thù lao quá ít ỏi đã khiến nhiều tác giả chán nản không bận tâm đến đề tài này”.
Vẫn nặng lòng với sử Việt
Vừa qua, đoàn nghệ thuật cải lương của Kim Tử Long đã tái diễn vở Má hồng soi kiếm bạc tại ba địa điểm rạp Thủ Đô, nhà hát Bến Thành, và Nhà hát Thành phố. Vở diễn đã thành công nhờ nội dung hay, tập hợp lực lượng diễn viên hùng hậu, cảnh trí và phục trang đẹp mắt. Điều này cho thấy nghệ sỹ Việt rất tâm đắc với sử Việt và khán giả yêu thích và tự hào khi được xem khí phách hiên ngang bất khuất của các anh hùng dân tộc. Được biết, sắp tới đây, NSƯT Kim Tử Long sẽ tái dựng một vở cải lương có liên quan đến lịch sử dân tộc.
Trong khi đó, nghệ sỹ Bạch Long đang chấp bút viết một vở cải lương thiếu nhi mới về nhân vật Bùi Thị Xuân. Được biết anh xây dựng hình ảnh Bùi Thị Xuân vừa oai dũng nhưng lại rất gần gũi giới trẻ em. Cách làm này sẽ giúp cho lịch sử bớt “khô cứng” nhằm dễ tiếp cận với khán giả nhí. Dùng nghệ thuật để dạy về lịch sử luôn được xem là một phương pháp hữu hiệu. Hy vọng qua cách làm này, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ biết sử Việt nhiều hơn.
Theo Đất Việt
Vị đắng cần thiết...
Nhìn từ hàng ghế khán giả, vở diễn "Mong gió đừng đổi chiều" đúng là một hiện tượng của cải lương Hà Nội: Hầu hết các đêm diễn đều không còn ghế trống, hôm ra mắt, ghế phụ được huy động cũng không đủ, nhiều người phải đứng xem đến cảnh cuối...
Đắng lòng chuyện hậu đô thị hóa
Vở cải lương "Mong gió đừng đổi chiều" được tác giả Chí Trung cảm tác theo tác phẩm "Sám hối" của PGS.TS. Phạm Quang Long, ThS. Triệu Trung Kiên chuyển thể, NSƯT Trần Quang Hùng đạo diễn. Đây là một câu chuyện mang tính phổ biến về hệ lụy của cơn lốc đô thị hóa, khi đất đai trở thành một thứ tài sản có giá trị quá lớn, và truyền thống gia đình bị xem nhẹ. Khái quát là thế, nhưng khi đi vào mỗi gia đình, câu chuyện ấy hiện hữu bằng những rạn vỡ, trả giá bằng nước mắt, nỗi xót xa, thậm chí cả mạng sống.
" Mong gió đừng đổi chiều" lấy bối cảnh duy nhất là ngôi nhà cổ của ông Mưu - người cha đơn thân sở hữu một khu đất rộng lớn với 5 người con đã trưởng thành. Khi quyết định bán đi một phần đất để mua vàng chia cho các con, chỉ giữ lại ngôi nhà cổ với cái giếng thơi, ông Mưu những tưởng mình đã có thể yên tâm sống với góc riêng đầy kỷ niệm. Nhưng đó lại là sự khởi đầu của bi kịch. Người con trai thứ vì thua cá độ giả mắc bệnh nan y để được chia thêm tiền, cô con gái út cậy nhà nhiều đất lao vào chứng khoán như một con thiêu thân, những người khác thì tranh giành, nghi kỵ lẫn nhau bởi nghĩ bố chia của không đều và ép ông bán nốt ngôi nhà cổ. Người cha chua chát trong nỗi đau bị con cái dày vò vì tiền bạc, trong suy nghĩ "quạt rách không làm nên gió", ông đã đồng ý bán đi phần "hồn" của mình. Người anh cả muốn giúp cha giữ nhà, bèn bày ra màn kịch ăn cắp vàng của chính mình. Nhưng lương tri không được đánh thức một cách dễ dàng bằng nhận thức về sự tan vỡ của một đại gia đình, mà nó còn là sự trả giá của mỗi cá nhân: người con giả bệnh ngã bệnh thật, người anh cả bị tai biến... "Mong gió đừng đổi chiều" đưa đến một cái kết mở khá bất ngờ: người cha tỉnh dậy và biết rằng những thứ ông vừa trải qua chỉ là một cơn ác mộng, nhưng cùng lúc đó, các con ông lại đưa ra đề nghị... bán nhà! Vở diễn kết thúc với cảnh người cha đập vào những chiếc mặt nạ từ trên nóc sân khấu rơi xuống - những chiếc mặt nạ mà các con ông vẫn đeo nhưng giờ ông mới nhận ra - cùng với tiếng chuông cảnh tỉnh về đạo làm con, làm người, cảnh tỉnh về sự cần thiết phải giữ gìn giá trị truyền thống.
Đổi mới cải lương để gần với khán giả
Đi xem vở diễn, nhiều người quen ngạc nhiên khi thấy đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng lặng lẽ ngồi lẫn vào hàng ghế khán giả. Thì ra, với vở nào của Nhà hát, anh cũng cố tình làm vậy để lắng nghe được những phản hồi thật nhất từ người xem. Sau một số buổi diễn, đạo diễn này đã có thể thở phào sung sướng vì tác phẩm đã được người xem đồng cảm, hứng thú. Anh tâm sự: "Thành công nhất của tôi với vở diễn này là đã kéo được khán giả đến xem, bàn luận và suy ngẫm khi ra về. Sân khấu đã nói được tiếng nói của họ, đề cập đến vấn đề họ quan tâm và tác động đến nhận thức, hành động của người xem - điều rất cần với một vở diễn về đề tài hiện đại".
Không chỉ gây ấn tượng bởi đề cập đến một vấn đề nóng bỏng và nhạy cảm là mối quan hệ gia đình, cách đối xử với các giá trị truyền thống trước vòng xoáy đô thị hóa, vở diễn còn khơi gợi hứng thú với nghệ thuật cải lương ở nhiều thế hệ khán giả nhờ một lối dàn dựng hiện đại, giàu chất điện ảnh. Cách kết mở gợi nhiều suy ngẫm nơi người xem và cũng chứng tỏ đạo diễn rất dụng công trong việc tìm hiểu tâm lý xã hội và khắc họa chúng trên sân khấu. Người xem từng thưởng thức những vở do Trần Quang Hùng đạo diễn như " Luận anh hùng", " Lễ mở xiêm áo", " Mẹ của chúng con", " Yêu là thoát tội", " Khi hoa nở trái mùa"... sẽ dễ dàng nhận thấy phong cách dựng của anh: một lối dựng chính kịch sâu sắc với nhiều tầng ý nghĩa, thể hiện thông điệp bằng nhiều hình ảnh có tính biểu trưng cao.
Nhà biên kịch, phê bình sân khấu Lê Quý Hiền nhận xét: " Mong gió đừng đổi chiều" là một vở diễn đặc sắc, thể hiện sự tinh tế của đạo diễn khi chọn đề tài hiện đại, thời sự nhưng cũng rất giầu tính nhân văn. Đạo diễn đã đưa lên sân khấu nhiều mảng miếng có tính biểu tượng, giàu triết lý, những tình huống hết sức bất ngờ với người xem và thể hiện vở diễn một cách mạch lạc. Một vở diễn đảm bảo được cả yếu tố nghe và xem, đúng chất cải lương mà vẫn rất hấp dẫn với khán giả hiện nay".
Theo Hà nội mới
Đất đai, cá độ, chứng khoán... cùng 'bước' vào cải lương Bi kịch của lòng tham Dựa trên kịch bản của tác giả Lê Chí Trung,ạo diễn Trần Quang Hùng cùng các nghệ sỹ Nhà hát Cải Lương Hà Nội mangến cho những người yêu mến nghệ thuật sân khu một vở diễnầy xungột và kịch tính. Không lựa chọn lối vào vở gây kịch tính ngay t giây phút mở màn, vở diễn...