Vì sao có ngày giỗ Tổ nghề sân khấu?
Nhiều nghệ sĩ thừa nhận không biết rõ nguồn gốc của ngày giỗ Tổ nghề. Nhưng mỗi năm, cứ dịp 12/8 Âm lịch, dù bận đến mấy, họ cũng sắp xếp công việc để dâng hương cúng Tổ.
Có mặt tại đền thờ Tâm linh Việt do Hoài Linh xây dựng vào dịp giỗ Tổ ngành sân khấu năm nay, Zing.vn đã đặt thắc mắc với một số người dân tham dự về ý nghĩa của ngày 12/8 Âm lịch. Phần lớn những người được hỏi thành thật rằng họ không thực sự hiểu nguồn gốc của ngày sân khấu, cũng không rõ vị thánh được thờ trong đền là ai.
Thực tế, không chỉ số đông người dân mà nhiều nghệ sĩ, kể cả nghệ sĩ gạo cội trong nghề cũng thẳng thắn cho biết họ không nắm rõ lịch sử của ngày giỗ Tổ. “Tôi cũng không tường tận được hết về các giai thoại, nguồn gốc của ngày 12/8. Các vị tiền bối đi trước truyền lại, chúng tôi làm theo, uống nước nhớ nguồn. Nhưng ngày giỗ Tổ rất linh thiêng với các nghệ sĩ”, Minh Nhí chia sẻ với Zing.vn.
Danh hài Hoài Linh làm lễ tại đền thờ Tâm linh Việt do chính anh xây dựng. Ảnh: Lê Quân.
Nhiều giai thoại khác nhau về ngày giỗ Tổ
PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái, người có nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực sân khấu cho biết có rất nhiều giai thoại về ngày giỗ Tổ của ngành sân khấu.
“Có giai thoại chính và có cả các giai thoại bổ sung vẫn được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Nhưng dù giai thoại nào, có thể chưa thống nhất thì vẫn phải khẳng định đó là một ngày truyền thống, ý nghĩa của giới sân khấu”, bà Thái nhấn mạnh.
Một trong những giai thoại được nhiều người tin nhất là chuyện về một vị vua lên ngôi đã lâu nhưng mãi vẫn không có con. Vua tìm mọi cách cúng tế cầu mong trời Phật, mỗi lần làm lễ lại cho người đóng vai thần tiên múa hát. Lòng thành được chứng giám, hoàng hậu mang thai và hạ sinh hai cậu con trai.
Hai hoàng tử lớn lên ham mê ca hát đến nỗi quên ăn quên ngủ, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng, vua cha vì vậy mà cấm con xem hát. Trong một lần vì quá mê xem hát nên hai hoàng tử quyết định chui vào bộng cây vông để trốn theo gánh hát nhưng không may xảy ra hỏa hoạn, hai hoàng tử chết cháy bên trong cây vông nam. Đó là ngày 12/8 Âm lịch.
Theo NSND Đinh Bằng Phi, người có nhiều năm nghiên cứu về hát bội, tuy đã về suối vàng nhưng hoàng tử vẫn hay hiện về để xem đào kép ca diễn. Do vậy, giới nghệ sĩ quyết định lập bàn thờ phụng kính là Tổ nghiệp. Từ đó người ta lấy gỗ vông khắc thành những tượng nhỏ như búp bê để làm tượng Tổ.
Nhưng như PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ, đó không phải giai thoại duy nhất. Bởi lẽ, còn nhiều giai thoại khác. Nhiều nghệ sĩ tin rằng Tổ của ngành sân khấu gồm ba vị là Tiên sư, Tổ sư và Thánh sư, gọi chung là Tam vị Thánh Tổ. Tiên sư là vị khai sáng ra nghề, Tổ sư là người tiếp nối, lưu truyền nghề và Thánh sư là vị soạn giả có tài văn chương.
Lễ dâng hương, lễ đầu tiên trong dịp giỗ Tổ nghề, diễn ra vào ngày 11/8 Âm lịch tại đền thờ của Hoài Linh. Ảnh: Lê Quân.
Nhưng cũng lại có giai thoại khác cho rằng Tổ nghề sân khấu bao gồm ba ông: ông vua, ông ăn mày và ông ăn cướp. Đó là lý do thời xưa, có nghệ sĩ kỵ cho tiền người ăn mày, và cũng có người tin kẻ cướp sẽ không cướp của các đoàn hát.
Một nghệ sĩ chia sẻ: “Kể cả giai thoại đó là thật cũng không có ảnh hưởng gì. Nghề sân khấu xét cho cùng phải học từ nhiều ngành, nhiều nghề, phải quan sát, học hỏi, kể cả học hỏi từ ăn mày, ăn cướp. Nghệ sĩ là tôn trọng và biết ơn mọi người”.
Một trong những địa điểm hiếm hoi hiện nay mô tả giai thoại dân gian về Tổ nghiệp ngành sân khấu thông qua kiến trúc và cách bày trí tượng là đền thờ Tâm linh Việt của Hoài Linh. Đền thờ Tâm linh Việt có kiến trúc hình chữ Đinh, gồm bái đường 5 gian và chính điện.
Trong chính điện, có tôn tượng của Tam vị Thánh Tổ. Bên dưới Tam vị Thánh Tổ có tôn tượng nhỏ đặt trong tủ kính được cho là tôn tượng của hai hoàng tử trong giai thoại về tổ nghiệp của ngành sân khấu.
Một trong những điểm nhấn ở đền thờ Tâm linh Việt là Hoài Linh còn thờ bách gia trăm họ, khán giả ân nhân với ý nghĩa khán giả, người dân chính là ân nhân, những người yêu thương và nuôi sống các nghệ sĩ.
Lễ giỗ Tổ xưa và nay thay đổi như thế nào?
Năm 2011, Thủ tướng đã ký và ban hành quyết định số 13/QĐ-TTg lấy ngày 12/8 âm lịch làm ngày Sân khấu Việt Nam.
Từ đó đến nay, ngày giỗ Tổ sân khấu được tổ chức hoành tráng trên khắp cả nước và đặc biệt sôi động ở TP.HCM. Cách thức tổ chức cũng đã có nhiều thay đổi để phù hợp hơn với thời đại nhưng vẫn giữ được sự thiêng liêng của ngày Tổ và tinh thần của nghệ thuật.
Nhiều chuyên gia, học giả từng khẳng định ngày 12/8 vốn chỉ là ngày giỗ Tổ nghề của tuồng (hát bội), cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Nhưng cùng với sự phát triển của ngành sân khấu, từ lâu kịch nói, vốn du nhập từ phương Tây cũng đã chọn ngày 12/8 Âm lịch là ngày tưởng nhớ Tổ nghiệp.
Kim Chi chủ trì lễ cúng Tổ nghề tại sân khấu.
Hiện nay, giới âm nhạc (ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc), thậm chí cả MC, người mẫu,… cũng lấy ngày này để tôn vinh nghề. 12/8 Âm lịch trở thành ngày chung của giới sân khấu, tức của toàn thể những người hoạt động biểu diễn.
Ngày giỗ Tổ nghiệp, các nghệ sĩ thường trở về những nhà hát, sân khấu, đoàn thể mình đã trưởng thành. Ở Hà Nội, giới sân khấu quy tụ về Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam…
Ở TP.HCM, giới kịch nói quy tụ về các sân khấu như Sân khấu Hồng Vân, Sân khấu Trịnh Kim Chi, 5B Võ Văn Tần. Các nghệ sĩ cải lương gạo cội như Minh Vương, Thanh Tuấn, Kim Cương,… lại có chương trình riêng. Trong khi các nghệ sĩ tự do, ca sĩ, nhạc sĩ, người mẫu thường dâng hương, cúng tổ tại đền thờ Tâm linh Việt của Hoài Linh.
Ở các sân khấu, ngày giỗ Tổ thường chỉ có phần dâng hương, làm lễ. Người đóng vai trò chủ tế thường là các nghệ sĩ tên tuổi hoặc trưởng đoàn, giám đốc như Minh Nhí, Trịnh Kim Chi.
Một nhóm nhạc ăn mặc trẻ trung hát hầu tổ tại đền thờ của Hoài Linh chiều 12/8 Âm lịch. Ảnh: Lê Quân.
Riêng ở đền thờ của Hoài Linh, lễ giỗ Tổ được tổ chức nghiêm trang, cầu kỳ và hoành tráng, bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ có rước kiệu và dâng hương, NSƯT Thoại Mỹ làm chủ tế. Phần hội, tức hát cúng tổ được tổ chức sau dâng hương với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ trẻ. Trước đó, vào ngày 11/8 Âm lịch, Hoài Linh có lễ dâng hương.
Trong khi nhiều sân khấu kịch nói kết thúc sau phần lễ, đền thờ của Hoài Linh có lẽ là nơi hiếm hoi vẫn còn giữ được lệ hát cúng tổ. Theo truyền thống đây là thời điểm để các nghệ sĩ hát hầu, tri ân khán giả, đồng thời cũng là cơ hội để các đào kép chưa nổi tiếng thể hiện sự tiến bộ.
Trong ngày 12/8 Âm lịch vừa qua, nhiều nghệ sĩ trẻ, còn chưa quen mặt với số đông đã đến với đền thờ do Hoài Linh xây dựng. Họ không ngại khoe khả năng, giọng hát và nhận được sự tán thưởng từ người thưởng thức. Hoài Linh ra song ca với con nuôi, sau khi khán giả đề nghị hát thêm, anh chia sẻ thật lòng: “Xin dành thời gian cho các nghệ sĩ khác vì còn nhiều nghệ sĩ đang chờ”.
Nói về sự thay đổi cũng không thể không nhắc đến trang phục. NSND Kim Cương, người được mệnh danh là “kỳ nữ” của làng cải lương, chia sẻ ngày xưa trong lễ giỗ Tổ, chủ tế thường mặc áo dài đỏ uy nghiêm, các đào kép trong đoàn cũng mặc áo dài, nam một hàng, nữ một hàng.
Ngày nay, các nghệ sĩ thoải mái hơn trong ăn mặc. Nhiều nghệ sĩ diện trang phục giản dị, đời thường khi đến dâng hương. Không cầu kỳ trong ăn mặc nhưng cũng không diện trang phục truyền thống, nghiêm trang để đi lễ. Tại đền thờ Tâm linh Việt ngày chính lễ, nhiều nghệ sĩ đến dâng hương với áo phông. Trừ Hoài Linh và dàn quan viên giai tế, Thanh Hằng là nghệ sĩ hiếm hoi mặc áo dài truyền thống.
Đại diện của một ca sĩ đến dâng hương tại đền thờ của Hoài Linh cho biết: “Tôi nghĩ mặc sao cho lịch sự là được. Quan trọng nhất vẫn là lòng thành”.
“Ngày giỗ Tổ vừa linh thiêng vừa là dịp sum vầy”
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng việc lễ giỗ Tổ ngành sân khấu ngày càng được giới nghệ sĩ coi trọng là một “tín hiệu mừng”, thể hiện sự trân trọng, say mê với nghề nghiệp của mình.
“ Trong bối cảnh khó khăn của sân khấu truyền thống và kịch nói, ngày giỗ Tổ càng trở nên quan trọng về mặt tinh thần”, nhà phê bình nêu quan điểm.
Bày tỏ với Zing.vn, nghệ sĩ Minh Nhí cảm thấy việc cúng Tổ nghề đem lại niềm tin và may mắn mỗi khi bước ra sân khấu, nhận vai diễn mới. Nam danh hài tiết lộ anh đã lập bàn thờ Tổ nghề ở nhà từ năm 25 tuổi.
“Lúc đó, nhiều người khuyên tôi không được làm điều đó vì còn quá trẻ. Tôi có niềm tin lớn vào Tổ nghề. Nhờ niềm tin ấy, sự cố gắng nên tôi sớm được khán giả yêu mến”, Minh Nhí kể.
Trong khi đó, nữ diễn viên hài Thúy Nga chia sẻ: “Trước bàn thờ Tổ, người nổi tiếng hay chưa nổi tiếng đều cùng một tâm nguyện xin được Tổ yêu thương cho theo đuổi nghề”.
Nhiều nghệ sĩ chia sẻ lễ giỗ Tổ còn là dịp để hàn huyên, sum vầy thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè. Ảnh: Bá Ngọc.
Nghệ sĩ Tấn Beo nhấn mạnh ngày giỗ Tổ không chỉ linh thiêng mà còn là dịp thắt chặt tình cảm nghệ sĩ. “Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, hỏi thăm, chia sẻ với nhau công việc, cuộc sống. Tôi mừng khi thế hệ đàn em ngày càng thành công, năng động và hết mình với nghề”, nam diễn viên cho hay.
Nhiều nghệ sĩ có mặt tại nhà thờ của Hoài Linh trong ngày giỗ Tổ nghề
Theo Zing
Khi Hoài Linh nói với kẻ gian ở ngày giỗ Tổ: 'Thôi tha cho bà con đi'
Biết có kẻ gian trà trộn trong dòng người đến đền thờ Tổ, Hoài Linh nhắn gửi: "Tha cho bà con đi, lâu mới có một ngày". Chia sẻ của danh hài khiến ai cũng bật cười.
Cô Tư (50 tuổi), người miền Tây, cách Sài Gòn tới 100 km lận nhưng 8h sáng đã có mặt ở đền thờ Tâm linh Việt của Hoài Linh. Cô đi cùng chị gái, ông xã và vợ chồng con trai lớn, cả thảy 5 người.
Người phụ nữ thành thật bản thân không biết ý nghĩa của ngày 12/8 Âm lịch nhưng từ lâu đã nghe nói có một đền thờ "bự lắm" do Hoài Linh xây dựng, giữa Sài Gòn.
"Thiệt là dì không có biết đền thờ ai nhưng chắc chắn phải là người có công, có đức nên gia đình dì đến thắp hương. Dì cũng muốn đến để gặp Hoài Linh, dì mê lắm", cô Tư mở lời.
Dòng người về nhà thờ tổ của Hoài Linh trong ngày 10/9.
Khi Hoài Linh cuộn chiếu, chỉnh áo cho chủ tế
Cùng với gia đình cô Tư là dòng người nườm nượp đến nhà thờ Tổ của Hoài Linh. Họ đến từ nhiều nơi, có người sống ở ngay nội thành nay dành một ngày để ra phía đông thành phố, nơi vẫn còn không khí miệt vườn, đầm sen và những rặng dừa. Trong khi, không ít người dân khác lại đến từ các tỉnh miền Tây, vượt cả trăm km, thậm chí cũng có người đến từ miền Trung, đi ôtô từ tờ mờ sáng.
Hơn 9h, hai bên sân đều chật cứng người, chỉ còn khoảng trống lớn ở giữa - nơi mà các nghệ sĩ chuẩn bị có màn rước kiệu và lễ tổ. Phần nghi lễ năm nay diễn ra sớm hơn so với mọi năm. Điều này khiến nhiều nghệ sĩ Việt đến dâng hương khi đã qua phần lễ, chỉ còn phần hội.
NSƯT Thoại Mỹ - "oanh vàng" của làng cải lương - đóng vai trò chủ tế với áo dài đỏ, đầu đội mấn lộng lẫy. Hỗ trợ nữ nghệ sĩ là dàn quan viên giai tế gần 20 người, trong đó có Nam Thư. Dàn nữ quan diện trang phục màu vàng và hồng, tùy theo cấp bậc.
NSƯT Thoại Mỹ đóng vai trò chủ tế tại nhà thờ Tổ của Hoài Linh.
Cách tế theo đúng nghi thức truyền thống, tức dâng hoa đăng từ ngoài vào trong chính điện, mỗi nhịp trống là một bước chân. Dàn nữ quan chia thành bên tả, bên hữu. Chủ tế vốn đứng giữa hai hàng quan viên nhưng khi bước vào chính điện thì đi theo bên hữu.
Hoa đăng, tức nến và hoa hồng tươi được đặt nghiêm trang ở chính điện. Dàn nữ quan sau đó chậm bước ra ngoài, chủ tế quỳ lễ trước khi lần dâng hoa đăng tiếp theo bắt đầu. Buổi lễ chỉ kết thúc khi hoa đăng đã được dâng hết.
Do quan viên là nữ nên Hoài Linh không đứng ngôi chủ tế. Thay vào đó, danh hài đóng vai trò như một người phục vụ dù diện áo dài đỏ. Anh chỉnh áo cho chủ tế Thoại Mỹ, nhắc nhở khi quan viên chưa đứng đúng vị trí và cũng không ngại cuộn chiếu khi lễ chính đã kết thúc.
Dù không đóng vai trò dâng tế trong ngày chính hội, Hoài Linh đi ra đi vào, lo toan mọi việc. Sau phần lễ, anh cũng thay mặt chủ tế là NSƯT Thoại Mỹ và quan viên giai tế gửi lời cảm ơn đến bà con gần xa, không quản đường xá về với đền thờ trong ngày riêng của ngành sân khấu.
Cô Tư đứng không xa Hoài Linh, người phụ nữ miền Tây tóc đã điểm bạc vỗ tay trước những chia sẻ của danh hài. Cô nói với phóng viên: "Chưa bao giờ được gần nhiều nghệ sĩ đến thế".
Ngày Tết của giới nghệ sĩ
Nhà thờ Tổ do Hoài Linh xây dựng chỉ là một trong những địa điểm tổ chức ngày giỗ Tổ ngành sân khấu. Mỗi sân khấu ở TP.HCM như sân khấu Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, 5B Võ Văn Tần của Mỹ Uyên,... đều có không gian tổ chức của riêng mình. Ở Hà Nội, các nhà hát như Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam,... cũng có chương trình riêng.
Trong ngày giỗ Tổ nghề, các nghệ sĩ sân khấu thường quy tụ ở những nơi mà mình đã trưởng thành, như Thúy Nga đã đến dâng hương ở sân khấu Hồng Vân vì chị trưởng thành ở nơi này.
Giới nhạc sĩ, ca sĩ và những nghệ sĩ tự do, không sinh hoạt ở nhà hát, đoàn thể thường chọn đến với nhà thờ Tâm linh Việt do Hoài Linh xây dựng. Nơi đây trở thành ngày hội quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Thanh Hà, Hồ Ngọc Hà, Trấn Thành, Lê Giang, Ngô Kiến Huy, Khổng Tú Quỳnh, Thu Trang, Tiến Luật, Dương Khắc Linh,...
Nhiều nghệ sĩ 9X cũng đến dâng hương trong ngày truyền thống của nghề như Hoài Lâm, Hoàng Rob, Jack, K-ICM, Hoàng Yến Chibi, Tiêu Châu Như Quỳnh... Một vài MC, người mẫu, ca sĩ chuyên trị hát hội chợ, hiện tượng mạng cũng có mặt.
Hoài Linh mặc áo bà ba, chân trần hát tri ân khán giả ngay tại sân đền.
Phần đông nghệ sĩ diện trang phục giản dị, đời thường. Không cầu kỳ trong ăn mặc nhưng cũng không diện trang phục truyền thống, nghiêm trang để đi lễ. Nghệ sĩ hiếm hoi mặc áo dài là Thanh Hằng - một giọng ca cải lương gạo cội. Nữ nghệ sĩ cũng là một trong những người nhiệt tình nhất trong phần hội sau đó.
Phần hội được tổ chức sau thời gian dâng hương. Theo truyền thống, phần hội còn được gọi là hát cúng tổ. Đây là thời điểm để các nghệ sĩ hát hầu tổ, và cũng là cơ hội để các đào kép chưa nổi tiếng thể hiện trước đoàn, chứng tỏ sự tiến bộ.
Nhà thờ tổ của Hoài Linh phần nào giữ được tinh thần đó. Trong phần hội, các nghệ sĩ say sưa hát cúng tổ và tri ân khán giả. Nhiều nghệ sĩ vẫn còn chưa quen mặt với số đông nhưng không ngại khoe khả năng, giọng hát và nhận được sự tán thưởng từ người thưởng thức.
Khán giả được chìm đắm trong không khí vui tươi, thân thiện mà các nghệ sĩ mang lại, đặc biệt là sự xuất hiện của Hoài Linh. Anh song ca với con trai nuôi Hoài Sơn một chùm ca khúc quen thuộc. Anh vừa múa, vừa hát, đồng thời cũng không quên bắt tay, chụp ảnh với khán giả xung quanh.
Danh hài còn khiến những người có mặt phải bật cười với nhắn nhủ "có một không hai".
Chuyện là khi biết có những kẻ gian trà trộn vào dòng người, danh hài cầm micro nhắc nhở hài hước: "Thôi, các anh tha cho bà con, lâu lâu mới có một ngày mà". Danh hài nói trong khi khán giả vỗ tay không ngớt. Trước đó, anh cũng dặn khán giả đừng chen lấn, xô đẩy vì vô tình tạo điều kiện cho kẻ xấu "hành nghề".
Cô Tư thi thoảng lại mở điện thoại quay tiết mục của thần tượng về làm kỷ niệm. "Lần đầu dì được gặp Hoài Linh ngoài đời, thấy ổng thân thiện, hài hước, quan tâm người có tuổi. Dì vốn không có ghế nên phải đứng, nhưng sau đó ổng bảo chung: 'Ai tre trẻ mà đang ngồi ghế có thể nhường cho người lớn tuổi được không?' Mấy bạn trẻ sau đó vui vẻ đứng dậy và dì được ngồi ngay hàng đầu, coi đã quá trời", cô Tư chia sẻ trước khi lên xe, trở về nhà.
Hoài Linh nhún nhảy khi hát cùng con trai nuôi tại lễ giỗ Tổ nghề
Theo Zing
Thoại Mỹ: Cuộc đời nhiều đau khổ, 50 tuổi không chồng không con Ông trời hào phóng với Thoại Mỹ về sự nghiệp, danh tiếng bao nhiêu thì lại hà khắc với chị về đường tình duyên bấy nhiêu. Thoại Mỹ có lẽ là người chịu nhiều khổ đau nhất trong giới showbiz. Tuổi thơ đói nghèo cùng cực. Khi thành danh, chị lại gặp bao nhiêu thất bại trong tình yêu tưởng chừng không thể...