Vì sao cô dâu phải khóc trong ngày cưới?
Có cô dâu “bật mí” sự khóc ngày cưới lại ôm bụng cười, nhưng có cô dâu nhớ về lần khóc ngày cưới vẫn hoảng sợ
Đám cưới là ngày vui hạnh phúc nhất đời của các cô gái, nhưng vì sao khi khoác lên mình bộ áo cô dâu và bước chân ra khỏi nhà bố mẹ đẻ thì nhiều cô dâu đã bật khóc nức nở. Và đã có những pha tức cười, trở thành kỷ niệm không bao giờ quên.
Khóc là tục lệ
Tục cô dâu khóc trong ngày cưới bắt nguồn từ một truyền thuyết thời Chiến Quốc (từ năm 475 đến năm 221 trước Công nguyên), phổ biến nhất vào đầu thế kỷ thứ 17, và tiếp tục duy trì rộng rãi cho đến khi triều đại nhà Thanh sụp đổ năm 1911.
Theo ghi chép lịch sử, một công chúa của Trung Quốc phải xuất giá đi lấy chồng ở xứ khác. Trước khi công chúa khởi hành về nhà chồng, mẹ công chúa khóc lóc thảm thiết đến nỗi không thể đứng dậy, nhưng vẫn cố nhắn nhủ con gái yêu cố gắng về thăm nhà sớm nhất.
Có lẽ tục khóc trong đám cưới được bắt đầu từ đấy và truyền tới ngày nay dù nhiều nơi đã mai một.
Cô dâu Tujia khóc khi bước chân ra khỏi nhà mẹ đẻ. Ảnh Internet.
Không than khóc có thể bị đánh
Nhưng đặc biệt cộng đồng người Tujia ở Tứ Xuyên (miền Tây Nam Trung Quốc) vẫn duy trì thành tục lệ cưới xin lạ lùng. Bất cứ cô dâu nào trước khi về nhà chồng đều phải khóc 1 giờ trong phòng riêng khoảng 1 tháng trước lễ cưới. Khoảng 10 ngày trước hôn lễ, mẹ cô dâu sẽ vào phòng và hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở. Trước hôn lễ 1 ngày, các chị em gái, cô dì của cô dâu cũng vào phòng và cùng khóc lóc.
Video đang HOT
Nếu cô dâu nào không khóc sẽ bị xóm giềng cho là không hiếu thuận, thiếu tình cảm và chê cười cả nhà. Nếu cô dâu không khóc được trong ngày cưới thì mẹ đẻ sẽ phải đánh để cô dâu phải khóc (tuy trường hợp này rất hiếm khi xảy ra). Lý do khóc là vì xưa kia các cô gái không có quyền định đoạn hôn nhân của mình, mà do sự áp đặt của cha mẹ và bà mối. Họ không biết gì về người chồng cũng như cuộc sống hôn nhân phía trước, và khóc thương cho số phận của chính mình.
Khóc vẫn vui vì được lấy chồng
Ở Việt Nam, người dân tộc Ngái vẫn còn giữ tục khóc trong đám cưới. Lễ cưới của người Ngái khá nặng về lễ vật, ngoài tiền mặt, thịt, rượu, gạo, chè, thuốc… và phải sắm đủ chăn màn, quần áo cho con dâu trước khi về nhà chồng. Đặc biệt nhất là ở tục… cô dâu khóc trước khi về nhà chồng.
Sau ngày ăn hỏi (sau khi đã nhận đủ những lễ vật của nhà trai), các cô gái Ngái thường lo lắng cho cuộc sống mới, cộng với tâm lý sắp phải xa bố mẹ, xa người thân nên không kìm nén được cảm xúc, nên cô nào cũng
Phong tục của người Ngái là phải khóc, nhưng khóc mà vui, khóc như là hát, vì lo lắng, vì thương nhớ cha mẹ, khóc để dặn dò, dạy bảo con gái trước khi về nhà chồng. Vì thế tiếng khóc trước khi cô dâu về nhà chồng của người Ngái như lời dặn dò, như lời hát. Trong tiếng khóc vẫn vui vì được đi lấy chồng.
Ngày nay các cô dâu Ngái vẫn khóc trong ngày cưới, nhưng khóc chỉ còn buổi tối trước ngày cưới, hoặc khi rước dâu bước ra cửa nhà mình.
Các cô dâu hiện đại ngày nay cũng không thể kìm lòng khi bịn rịn chia tay cha mẹ và người thân để về nhà chồng.
Không ít cô dâu bịn rịn chia tay bố mẹ về nhà chồng (Ảnh minh họa)
Những sự cố cười ra nước mắt
Nhiều cô dâu nghe hỏi “vì sao khóc trong ngày cưới” đã trả lời rằng “tự dưng bật khóc, không hiểu vì sao”. Nhưng lúc đó trong lòng các cô dâu ngổn ngang vui buồn, khó tả lắm. Có cô dâu “bật mí” sự khóc ngày cưới lại ôm bụng cười, nhưng có cô dâu nhớ về lần khóc ngày cưới vẫn hoảng sợ.
Những cô dâu không may phải cưới hai lần… với cùng một chú rể là cực nhất, bởi họ không may bị thầy phán là “cao số”, vợ chồng không hợp tuổi, hoặc đường con cái không thông… nên phải “né” bằng cách cưới hai lần gây bao chuyện dở khóc, dở cười.
Chị Thu Hiền (Vĩnh Phúc) là gái đứng chữ “Nhâm”, đã phải cưới hai lần vì “thầy phán thế”. Nhà chồng xa 300 km, nên trước ngày cưới cô thấp thỏm chuyện “phải trốn về nhà mẹ” bằng cách nào.
Đêm tân hôn “giả” Hiền gần như thức trắng để chờ giờ âm thầm “trốn” khỏi nhà chồng. Từ Thanh Hóa về Vĩnh Phúc xa xôi, xe chạy lúc 4h sáng. Dù chồng đã đặt chỗ trước, nhưng khi “trốn khỏi nhà chồng” trời mùa đông vẫn tối đen như mực, gió lạnh buốt xương, bước thấp bước cao trên đường làng lạ lẫm tới 3km mới ra đường nhựa nên cô ngã giúi giụi. Khi chồng gọi điện hỏi vợ xem đã đi tới đâu thì cô bưng mặt thụp xuống vệ đường khóc nức nở. Chồng xót xa đòi ra đưa về thì cô nhất định không chịu bởi sợ “không phải phép, hoặc nhỡ mất lòng mẹ chồng”.
Lên xe ô tô, Hiền mới thở hắt ra, mệt mỏi với quãng đường gần 300 cây số ngược về nhà mẹ đẻ. Mỗi lần nhớ lại ngày cưới với trận khóc nhớ đời vẫn làm Hiền không quên được cảm giác sợ hãi, tủi thân của cái đêm bơ vơ nơi đất lạ tìm đường về nhà mẹ.
Cô dâu Thu Hòa (Bắc Ninh) tâm sự, khi chuẩn bị lên xe hoa, tự nhiên cô thương và nhớ mẹ kinh khủng và không thể kìm được nước mắt. Khóc từ nhà tới nhà chồng, rồi khóc cả buổi tối mà đầu không tìm được cách thoát ra khỏi tình trạng khóc. Suốt thời gian khóc lúc nào cô cũng nghĩ đến mẹ. Mặc dù nhà chồng cũng động viên em, nhưng em không thể nguôi ngoai tí nào.
Cô dâu Lê Thanh (Hải Dương) chia sẻ, lạ là mình đang cười hớn hở lúc chú rể đến đón, chụp ảnh… rồi lên xe ô tô… thế mà tự dưng khóc hu hu không nín được. Về tới nhà chồng lại càng khóc hơn nữa. Mọi người bảo “dở hơi à, mẹ chồng đang nhìn kìa, nín đi”, nhưng vẫn không nín được mà lại càng khóc to hơn nữa. Giờ nghĩ lại thấy cũng dở, bởi bao khách khứa nhìn mình lúc ấy. Khóc sưng cả mắt, khiến bộ ảnh chụp ở nhà chồng mắt sưng húp như kiểu bị ép duyên.
Ngượng chín người vì… sự cố
Nhiều cô dâu lại khóc vì những sự cố hài hước trong ngày cưới khiến họ hàng cười nghiêng ngả, còn các cô vẫn ngượng chín mặt.
Sự cố làm cô dâu Phương Anh (Hà Nội) khóc trong ngày trọng đại xảy ra đúng thời điểm MC giới thiệu hai họ lên sân khấu. Đêm trước đám cưới Phương Anh đã cẩn thận kiểm tra lại kịch bản và rất ưng ý. Thế mà đúng lúc tiệc cưới ở phần quan trọng nhất, MC mời cô dâu chú rể lên rót rượu, cắt bánh cưới thì tự nhiên Phương Anh đau bụng, mà vẫn phải cố bước lên. Cơn đau bụng càng dữ dội, mồ hôi túa ra đầy mặt và làm Phương Anh mất hết sức lực và… bật khóc.
“Lúc ấy mình cứ bấm tay chồng đòi vào nhà WC, chồng thì bảo em cố cắt xong bánh và trao nhẫn đã”. Phương Anh đã phải dồn hết sức run run cắt bánh cưới rồi biến mất nửa giờ, khiến bố mẹ hai bên và quan khách không hiểu vì sao. Lý do cô khóc lúc cắt bánh là bởi khi ngồi make up, cô dâu xơi cả đĩa xoài xanh chấm đường… Tới giờ chồng Phương Anh vẫn chọc cô dâu “tội tham ăn, bỏ việc quan ngây ngất đòi vào nhà WC”.
Cô dâu Vũ Hà (Hà Nội) dậy từ 5h sáng để trang điểm sao cho 7 giờ sáng là nhà trai đón dâu. Lên xe hoa rồi cô dâu mới phát hiện ra bó hoa cưới là hoa cài đầu xe ô tô. Té ra chồng đoảng, bỏ quên hoa cưới ở nhà. Gần tới nhà cô dâu mới phát hiện ra, nhưng các cụ kiêng, không cho xe đi đón dâu quay lại, và sớm quá nên cũng không kịp mua hoa mới. Thế là đành phải lấy hoa trên xe cô dâu thay hoa cưới trao cho cô dâu. Ôm bó hoa cưới đầy bụi đường xa mà cô dâu… bật khóc.
Cô dâu Hải An (Hải Phòng) chia sẻ, khi nhà gái lục tục về hết, lẽ ra phải cùng mọi người đãi khách thì cô đã chạy lên phòng khóc… ngon lành. Chị chồng vô tình vào, tưởng em dâu nhớ nhà nên ra sức an ủi. Chị cũng gọi luôn chồng vào. Chồng Hải An cũng tưởng vợ nhớ nhà nên càng vỗ về. “Nhưng lúc đó mình khóc đâu phải vì nhớ nhà, mà khóc vì.. đói quá mà không dám nói với ai. Mãi khi khách vãn, mình mới bảo với chồng là đói”. Thế là chồng kéo xuống ăn cơm với các anh chị. Anh cứ gắp cho mình đầy ắp bát mà mình vẫn xơi hết veo. Có con rồi chồng vẫn trêu là ngay từ khi bước chân về nhà chồng đã ăn thùng uống vại hết cả cơm gạo nhà chồng!!!
Chia sẻ để cô dâu bớt khóc khi về nhà chồng
Khóc như thiếu nữ ngày cưới, khóc không hẳn là buồn. Hầu hết các cô dâu khóc đơn giản là lưu luyến khi sắp xa người thân, một mình dấn thân về nhà chồng với bao điều lo lắng, ứng xử cho phải đạo làm dâu.
Người mẫu Lê Thúy đã không kìm nén được cảm xúc và bật khóc nức nở trong ngày cưới
Trong đám cưới của người mẫu Lê Thúy, sau khi hoàn tất cả nghi thức của lễ rước dâu, đến giây phút chia tay bố mẹ đẻ để “theo chồng về dinh”, chân dài Lê Thúy đã không kìm nén được cảm xúc và bật khóc nức nở, liên tục lau nước mắt. Mẹ của Lê Thúy cũng nghẹn ngào níu tay con gái. Bối rối trước cảnh chia tay đầy xúc động, chú rể Khải An đã nhanh chóng cố gắng động viên và an ủi tinh thần cho vợ, tỏ ra là một người chồng chu đáo khi luôn có những cử chỉ, hành động “dỗ dành” và tay trong tay để nàng sớm tiếp tục đám cưới.
Cô dâu Mai Anh (Hà Nội) tâm sự, lúc khóc các phù dâu chưa có kinh nghiệm nên không biết nói sao để cô dâu bớt khóc. Còn Mai Anh lúc đó thấy người thân bạn bè về hết, còn mỗi mình ở lại nhà chồng, với cảm giác bỡ ngỡ và ngại ngùng và rất nhớ nhà. Vì thế mà khóc… Rất may là chú rể luôn ở bên, nghe cô dâu tâm sự và “giang rộng vòng tay ôm vợ vào lòng”. Thế là dần nín khóc.
Cô dâu Tường Vi (Ngọc Hà, Hà Nội) chia sẻ, lúc ra khỏi nhà mẹ đẻ thì chưa khóc. Nhưng lúc tiễn bố và mọi người ra về thì mình khóc nức nở, cảm giác như bị bỏ rơi. May hai nhà gần nhau, mẹ lại cẩn thận dặn trước em trai và mấy đứa bạn thân ở lại ăn cơm tối cùng mình và gia đình chồng rồi hãy về. Chồng còn an ủi: “Giờ có như ngày xưa đâu em. Nhà gần cần gì thì alo, hoặc vù xe máy là đã về nhà mẹ đẻ rồi”. Nghe chồng nói thế… nhẹ cả lòng và một lúc sau hết khóc.
Quan niệm của người xưa là những giọt nước mắt trước, hay trong đám cưới hàm ý tống khứ mọi nỗi buồn thương trước đó mà cô dâu (có thể) từng phải chịu đựng, để bắt đầu một cuộc sống mới tươi đẹp hơn, nhiều niềm vui hơn. Do đó, tục khóc trước hay trong ngày cưới không hoàn toàn là biểu hiện của sự bi thương mà là sự khởi đầu của niềm vui và hạnh phúc.
Theo 24h