Vì sao chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc quan trọng với Ấn Độ?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thăm Ấn Độ trong chuyến công du đầu tiên của ông tới đất nước láng giềng. Nghị trình các cuộc gặp tập trung vào cải thiện thương mại song phương và thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình thăm Ấn Độ trong 3 ngày, bắt đầu từ Gujarat.
Đây cũng là lần thăm đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc tới Ấn Độ trong vòng 8 năm qua, theo NY Times. Báo này cho rằng, Trung Quốc có khả năng đầu tư hàng tỷ đôla vào cơ sở hạ tầng Ấn Độ và các dự án sản xuất, cho phép Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi theo đuổi kế hoạch tạo công ăn việc làm vốn là tâm điểm trong chiến dịch tranh cử trước đó của ông.
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ tuy hai bên đang ganh đua tầm ảnh hưởng trong khu vực và có tranh chấp về biên giới. Mậu dịch hàng năm giữa hai nước đạt gần 70 tỷ USD.
Video đang HOT
Chủ tịch Trung Quốc bắt đầu chuyến thăm từ quê nhà Gujarat của Thủ tướng Modi vào đúng sinh nhật thứ 64 của nhà lãnh đạo này. Ông được đích thân chủ nhà chào đón và thết đãi tiệc tối linh đình theo truyền thống bên bờ sông Sabarmati.
Sau khi rời Gujarat, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tới Delhi để gặp gỡ và hội đàm chính thức với Thủ tướng Modi và gặp một số quan chức Ấn Độ khác.
Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh của khối Brics ở Brazil và tình thân giữa họ có thể sẽ được dùng tới để mang lại thành công cho chuyến thăm này.
Viết trên báo The Hindu trước chuyến thăm, ông Tập bày tỏ sự hoan nghênh đối với bình luận của ông Modi rằng “Trung Quốc và Ấn Độ là hai cơ thể, một tinh thần”.
“Sự kết hợp giữa &’nhà máy của thế giới’ và &’cơ quan hậu bị của thế giới’ sẽ tạo ra một cơ sở sản xuất cạnh tranh và thị trường tiêu dùng hấp dẫn nhất”, ông Tập viết.
Cũng giống như ông Modi, ông Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ, có một định hướng cứng rắn về an ninh quốc gia nhưng vẫn muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế. Phía Bắc Kinh cũng cần sự yên ổn ở biên giới phía tây nam để bù đắp cho những căng thẳng với Nhật Bản và một số nước khác.
Do quan hệ sóng gió giữa Ấn Độ và Trung Quốc, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình được dư luận theo dõi sát sao.
Đầu tháng 9, Thủ tướng Modi đã có 5 ngày công du tới Nhật Bản và sự kiện này được xem là nỗ lực của hai nền dân chủ nhằm cân bằng sức mạnh đang lên của Trung Quốc trên toàn châu Á. Phía Nhật Bản đã cam kết tăng đầu tư sang Ấn Độ trong các lĩnh vực cả công lẫn tư và dành 33,6 tỷ USD trong vòng 5 năm. Delhi và Tokyo còn đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Ấn Độ trong khoảng thời gian này, từ con số 2 tỷ USD năm ngoái.
Giới quan sát cho rằng, khi ở thăm Ấn Độ, Chủ tịch Trung Quốc sẽ đưa ra những cam kết đầu tư ngang bằng, thậm chí vượt trội so với Nhật Bản – một dấu hiệu chứng tỏ ông Modi có thể tận dụng sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản để làm sao có lợi một cách tối đa cho Ấn Độ.
Chuyến công du của ông Tập cũng được đánh giá là cơ hội để cài đặt lại các mối quan hệ thường xuyên sóng gió giữa hai quốc gia đông dân nhất toàn cầu vốn vẫn chưa thể nhất trí phân ranh ở một số vùng biên giới Himalaya.
Căng thẳng về vấn đề này vẫn thỉnh thoảng vẫn bùng phát, với một số cuộc đàm phán về biên giới không mang lại kết quả.
Theo đánh giá của hãng tin BBC, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Ấn Độ chắc chắn sẽ được cả thế giới theo dõi và phân tích một cách sát sao.
Theo Vietnamnet