Vì sao chữ Trung Quốc in trên thẻ đi thử tàu Cát Linh-Hà Đông?
Đoàn tàu ở dự án đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam chạy thử từ ga Cát Linh (Đống Đa) đi Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội), người dân chưa được lên tàu.
Ngày 12/8, trả lời phóng viên VOV.VN, ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, đoàn tàu ở dự án đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam chạy thử nghiệm từ ga Cát Linh (quận Đống Đa) đi Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) chưa cho người dân lên tàu.
Theo ông Phương, trong quá trình đoàn tàu chạy thử nghiệm, chỉ có những người làm nhiệm vụ mới được lên tàu kiểm tra, vận hành, người dân không được phép lên. Thời gian chạy thử nghiệm từ 3-6 tháng, sau đó, đoàn tàu sẽ đi vào hoạt động, khai thác thương mại.
Thẻ lên tàu in hai thứ tiếng Việt – Trung
Về thẻ lên tàu có nội dung: “Dự án đường sắt đô thị hạng mục vận hành thử”, “Thẻ lên tàu”, “Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông” viết bằng song ngữ Việt – Trung, ông Phương cho biết: “Hiện toàn bộ khu vực đang do Tổng thầu Trung Quốc đảm nhận, chỉ những người có nhiệm vụ, có thẻ kiểm soát của Tổng thầu mới được vào khu vực và lên tàu. Được biết, trong ngày hôm qua, phía tổng thầu có phát một số thẻ kiểm soát cho người nhà của họ khi tàu vận hành thử.
Trước đó, người dân phản ánh việc ở các ga đường sắt Cát Linh viết song ngữ Việt-Trung. Lý giải vấn đề này, ông Phương cho hay, là do tổng thầu cắt chữ dán lên cho dễ quan sát trong lúc vận hành thử. Đến nay, hầu hết các biển thông tin trên đã bị gỡ bỏ.
Trao đổi với VOV.VN, ông Vũ Hồng Phương cho biết, các biển thông tin trên là biển tạm thời, do đơn vị thi công tự ý gắn giúp người của đơn vị thi công (Tổng thầu EPC Trung Quốc) dễ nhận biết. Sau khi có thông tin trên, Ban đã yêu cầu tổng thầu gỡ các biển thông tin trên và yêu cầu không tái diễn việc tự ý gắn biển thông tin sử dụng song ngữ tại dự án.
“Ban Quản lý dự án sẽ có văn bản chấn chỉnh Tổng thầu về vấn đề trên, không để xảy ra việc tự ý gắn, đề biển sử dụng song ngữ Việt – Trung không phù hợp tại dự án”, ông Vũ Hồng Phương nói.
Video đang HOT
Ông Vũ Hồng Phương cho biết thêm: Về Quy chuẩn, tất cả các biển báo trên tuyến đường sắt sẽ sử dụng Tiếng Việt và Tiếng Anh theo quy chuẩn quốc tế hiện nay./.
Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông có chiều dài hơn 13km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông). Toàn bộ 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất có đường ray đôi khổ 1.435mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Thời gian khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến; tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác bình quân là 35 km/giờ. Dự án khởi công từ tháng 10/2009, có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD. Phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD so với trước đây. Dự kiến, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này được đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải liên tục điều chỉnh tiến độ và lùi đến cuối năm 2018 mới có thể khai thác thương mại.
Theo Phi Long/VOV.VN
Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội: Giá vé đường sắt trên cao 10.000 đồng/lượt là thỏa đáng
Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, với giá vé xe buýt hiện nay là 7.000 đồng/lượt thì giá vé đường sắt trên cao khoảng 10.000 đồng/lượt là thỏa đáng.
Liên quan đến hoạt động của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, trả lời PV VTC News, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, đường sắt trên cao là loại hình giao thông công cộng được khuyến khích sử dụng và được Nhà nước bù lỗ nên cần có mức giá hợp lý để thu hút người dùng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, tàu điện trên cao là phương tiện mới, đầu tư khá nhiều ngân sách, bởi vậy, khi đưa vào khai thác nên khuyến khích người dân sử dụng, phục vụ nhân dân và phục vụ an toàn giao thông.
"Bao giờ cũng thế, một công trình hay một sản phẩm nào mới ra đời cũng cần có thời gian khuyến mại, mục đích là để thu hút khách hàng đi cho quen. Tôi nghĩ, ở thời điểm ban đầu nên có giá hợp lý để thu hút được khách hàng", ông Liên nói.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng giá vé đường sắt trên cao 10.000 đồng/ lượt là thỏa đáng.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng cho biết, việc hạch toán công trình với tuyến đường sắt trên cao là sử dụng hàng trăm năm nên phải có lộ trình từng bước một.
Mức vé cụ thể bao nhiêu các nhà làm luật, các nhà hạch toán kinh tế cần tính cụ thể, không để lỗ nhiều quá nhưng cũng không được đưa giá thời điểm ban đầu cao so với thu nhập của người dân, sẽ khó thu hút khách hàng.
"Theo ý kiến cá nhân tôi, nếu giá vé xe buýt hiện nay là 7.000 đồng/lượt thì giá vé tàu điện trên cao rơi vào khoảng 10.000 đồng/lượt là thỏa đáng, bởi nó đi nhanh, an toàn và có thể nói là hấp dẫn với mọi người khi nó là phương tiện hiện đại. Tôi nghĩ mức giá 10.000 đồng/lượt là cái mốc cuối cùng mà chúng tôi mong các nhà hạch toán đặt ra", ông Liên chia sẻ.
"Đường sắt trên cao cũng được bù lỗ nhiều nhưng cuối cùng, tiền bù lỗ ấy cũng vẫn là túi tiền của người dân. Chính vì vậy, người dân cũng nên chia sẻ với ngành GTVT để phát triển hạ tầng ngành đường sắt tốt hơn, mạnh hơn", ông Liên nói.Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng nhận định mức giá 10.000 đồng/lượt cho vé đi tàu điện trên cao so với các phương tiện khác là hợp lý. Đây là phương tiện được khuyến khích đi và được nhà nước bù lỗ.
Về việc kết nối tàu điện trên cao với các phương tiện giao thông khác, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, ngay từ đầu đã có kế hoạch kết nối xe buýt với đường sắt trên cao nhưng hiện tại tuyến đường sắt này mới chỉ độc tuyến và còn ngắn cho nên rất khó cho các nhà hoạch định kế hoạch.
"Xe buýt hiện nay tương đối ổn định rồi, bây giờ mà tạo lại toàn bộ tuyến xe buýt để kết nối với các nhà ga đường sắt là không đơn giản bởi hiện tại, nếu kết nối cũng chỉ kết nối được đường trục thôi, còn kết nối ngang là rất khó chứ không phải dễ", ông Liên nhận định.
Cũng theo ông Liên, việc kết nối với taxi có thể dễ dàng hơn, các nhà ga chỉ cần bố trí điểm dừng đỗ cho xe taxi để đón trả khách. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý việc này, bởi việc trả khách có thể diễn ra nhanh nhưng việc đón khách sẽ phức tạp hơn khá nhiều.
"Các xe dừng đỗ trên đường gần nhà ga để đón khách rất dễ gây ùn tắc giao thông, vì vậy cần phải lưu ý, cần phải có thêm lực lượng để điều tiết xe. Xe đến đón trả khách phải đi ngay, không được gây ảnh hưởng đến giao thông", ông Liên cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng cho rằng, việc đường sắt trên cao mới chỉ có độc tuyến như hiện nay cũng khó thu hút được hành khách thường xuyên.
"Chỉ những khách tiện lợi gần nhà Ga, bến tàu thì họ đi thường xuyên, còn những người ở xa bến thì cũng sẽ khó thu hút", ông Liên nhận định.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội.
Trước đó, sáng 10/8, tại buổi tọa đàm "Tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Hà Nội sẽ hoạt động thế nào?", ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, UBND TP. Hà Nội có quy định khung về tiêu chuẩn thẻ vé.
Về giá vé đi tàu điện trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường cho biết sẽ được Nhà nước trợ giá và do UBND TP. Hà Nội phê duyệt. Theo khảo sát của Metro Hà Nội, người dân sẵn sàng đi tuyến đường sắt trên cao với giá cao hơn vé xe buýt thường đến 37%.
"Người dân chấp thuận đi tuyến đường sắt với giá cao hơn vé xe buýt thường từ 35 đến 37%. Vé tháng được người dân thích sử dụng hơn và chấp nhận giá vé cao hơn khoảng 15% xe buýt thường", ông Trường nói.
Theo Giám đốc Metro Hà Nội, giá vé đi đường sắt trên cao phải có tính cạnh trạnh với việc sử dụng phương tiện cá nhân và phải khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Theo XUÂN TRƯỜNG - TÙNG LÂM Theo VTC
Đường sắt đô thị Cát Linh Hà Đông: "Chia lửa" với xe buýt Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đóng điện và bắt đầu chạy thử nghiệm toàn tuyến vào đầu tháng 8/2018. Thời gian chạy thử dự kiến sẽ kéo dài khoảng 3 - 6 tháng. Như vậy, thời điểm chính thức vận hành thương mại của đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cận kề. Sáng 10/8, tại Hà Nội...