Vì sao Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long bị bắt ?
Việc Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long Nguyễn Hữu Khai, từng là một “điển hình thành đạt”, bị bắt tạm giam đang gây rất nhiều sự chú ý trong dư luận.
Ông Khai được di lý về tới sân bay quốc tế Nội Bài – Ảnh: Nam Anh
Ông Khai bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hà Nội thực hiện lệnh bắt chiều 15.6, tại trụ sở Công ty TNHH đông nam dược Bảo Long (ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn, TP.HCM). Trưa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hà Nội dẫn giải ông Khai ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra. Thời điểm bị bắt, ông Khai là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đông nam dược Bảo Long, Giám đốc Công ty TNHH đông nam dược Bảo Long TP.HCM.
Từ nguyên mẫu lên phim…
Ông Nguyễn Hữu Khai (61 tuổi, quê quán thôn Kinh Đào, xã An Mỹ, H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội) từng theo học Đại học Kiến trúc, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau đó bỏ học và vượt biên sang Trung Quốc. Tại Trung Quốc, ông Khai được một bà chủ hiệu thuốc truyền nghề chữa bệnh bằng các phương thuốc Trung y. Năm 1979, ông Khai về nước và bị bắt, phạt tù giam 3 năm tại các nhà tù ở Lạng Sơn và Hỏa Lò vì tội vượt biên trái phép. Mãn hạn tù, ông Khai quay lại quê hương và bắt đầu chữa bệnh bằng các bài thuốc đã học được trong thời gian ở Trung Quốc. Nhưng do nợ tiền các hiệu thuốc quanh vùng khá nhiều và không có giấy phép hành nghề y, ông Khai phải lặn lội vào vùng kinh tế mới Lâm Đồng, Sông Bé tiếp tục kiếm sống bằng nghề bốc thuốc.
Sau hai năm ở vùng kinh tế mới, ông Khai vào TP.HCM để hành nghề xem mạch, kê đơn, bốc thuốc; tới năm 1987 mở lớp dạy y học cổ truyền tại Q.5 cho các học viên đến từ Tây Ninh, Tiền Giang, Sông Bé, Cần Thơ…
Khoảng năm 1993, ông Khai thành lập Công ty TNHH đông nam dược Bảo Long ở xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn, TP.HCM. Bắt đầu từ đây, ông Khai mở ra nhiều chi nhánh khắp các tỉnh phía bắc.
Năm 2005, ông Khai xây dựng Bệnh viện đa khoa Bảo Long (tại xã Cô Đông, TX.Sơn Tây, TP.Hà Nội), đồng thời có sự tham gia làm việc của nhiều giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ. Lúc này, Tập đoàn Bảo Long đã lớn mạnh trong cả nước với hơn 1.000 nhân viên, sản phẩm làm ra được xuất đi nhiều nước. Năm 2007, ông Khai khởi công xây dựng trường phổ thông võ thuật với quy mô từ bậc tiểu học cho tới bậc trung học phổ thông.
Không chỉ thành công trong công việc với vô số những danh hiệu như huân chương, cúp vàng thương hiệu Việt…, ông Khai còn được dư luận, báo đài nhắc tới với vai trò một mạnh thường quân hay ra tay cứu giúp rất nhiều những trường hợp, cảnh ngộ khó khăn. Thậm chí, còn có bộ phim truyền hình dài tập Đường đời với nhân vật chính là nguyên mẫu ông Nguyễn Hữu Khai.
Video đang HOT
…đến trốn thuế và sử dụng tài sản trái phép
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của PV Thanh Niên, việc liên tục mở rộng phạm vi kinh doanh một cách dàn trải, trong khi tầm nhìn chiến lược cũng như công tác quản lý còn yếu kém, chính là một trong những nguyên nhân đi xuống của Tập đoàn Bảo Long.
Sau một thời gian dài thanh tra, cuối tháng 12.2012, Cục Thuế TP.Hà Nội đã yêu cầu Tập đoàn Bảo Long phải nộp lại số thuế cộng với tiền phạt lên tới 1,9 tỉ đồng. Trong số thuế Bảo Long phải nộp lại, có khoản tiền 939 triệu đồng là thuế GTGT. Xác định đây là hành vi trốn lậu do không nộp hồ sơ khai thuế GTGT, Cục Thuế Hà Nội đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Chưa hết, quá trình thanh tra, Cục Thuế Hà Nội còn phát hiện Tập đoàn Bảo Long không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân trong việc chuyển nhượng cổ phần gần 37 tỉ đồng, trong đó có 24 tỉ đồng của ông Nguyễn Hữu Khai.
Trong diễn biến khác, do thua lỗ, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, để thanh toán chi phí sản xuất, trả lương cho cán bộ, nhân viên, công nhân, Bảo Long chấp nhận đi vay tiền với lãi suất cao. Tính đến ngày 31.1.2011, tập đoàn này đã vay tổng số 286,785 tỉ đồng từ các ngân hàng, cá nhân và từ các cổ đông. Đặc biệt, có những khoản vay mà Bảo Long phải trả lãi suất từ 18 – 21%.
Khó khăn, không đủ khả năng thanh toán các khoản vay buộc Bảo Long phải bán cổ phần. Ngày 3.3.2011, tại trụ sở của Tập đoàn Bảo Long, ông Khai cùng các cổ đông đã ký bản hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm cho Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn.
Theo bản hợp đồng được ký, Tập đoàn Bảo Sơn đã chuyển 227,5 tỉ đồng cho Tập đoàn Bảo Long để mua cổ phần tại Bảo Long gồm toàn bộ vốn cổ phần của các cổ đông với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ 53.382,7 m2 quyền sử dụng đất, tài sản hình thành trên đất, hạ tầng kỹ thuật bao gồm cả các công trình ngầm, trạm xử lý nước thải, trạm biến áp, nhãn hiệu và bản quyền thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, sau đó ông Nguyễn Hữu Khai với tư cách là Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên. Trong suốt thời gian từ 2011 đến nay, ông Khai đã nhiều lần chiếm giữ, sử dụng trái phép các tài sản mà Tập đoàn Bảo Long đã bán cho Tập đoàn Bảo Sơn. Việc ông Nguyễn Hữu Khai chiếm giữ những tài sản đã bán này gây ra nhiều thiệt hại cho Tập đoàn Bảo Sơn, cũng như làm nảy sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự trên địa bàn trong một thời gian dài.
Sau quá trình dài điều tra, chiều 15.6, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hà Nội thực hiện lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng ông Khai để điều tra về hành vi sử dụng trái phép tài sản.
Theo TNO
Toàn cảnh vụ chủ tịch tập đoàn Bảo Long bị bắt
Ngày 15/6 Cơ quan An ninh điều tra - Công an Thành phố Hà Nội đã bắt tạm giam ông Nguyễn Hữu Khai, chủ tịch Tập đoàn Bảo Long thời hạn 3 tháng để điều tra về hành vi "sử dụng trái phép tài sản".
Ông Khai còn được nhiều người biết đến là một tiến sỹ, võ sư và là thầy thuốc có tiếng trong ngành y dược, gắn liền với thương hiệu Bảo Long nổi tiếng cả nước. Ông Nguyễn Hữu Khai cũng được xem là nguyên mẫu nhân vật chính trong bộ phim dài tập "Đường đời" từng được công chiếu trên kênh truyền hình VTV...
Trước đó, vào hồi 16h30' ngày 15/6, tại trụ sở Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long (có địa chỉ tại Ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh), Cơ quan An ninh điều tra - Công an Thành phố Hà Nội, đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hữu Khai, SN 1952 tại Mỹ Đức, Hà Nội, có hộ khẩu thường trú tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội, là chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đông Nam dược Bảo Long, hiện là giám đốc Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Khai được biết đến với khá nhiều thông tin liên quan về cuộc đời, sự nghiệp và cả những thăng trầm trong quá khứ. Từng là võ sư, là thầy thuốc có tiếng trong ngành y dược, tên tuổi của ông Khai gắn liền với thương hiệu Bảo Long nổi tiếng cả nước. Ngoài ra ông Khai còn là nguyên mẫu nhân vật chính trong bộ phim dài tập "Đường đời" từng được công chiếu trên kênh truyền hình quốc gia, được đông đảo khán giả đón nhận và nể phục. Tuy nhiên, với những người trong cuộc, những người tìm hiểu sâu và kỹ về cuộc đời cũng như những câu chuyện kinh doanh của Nguyễn Hữu Khai thì việc ông ta bị bắt ắt có nguyên nhân của nó.
Ông Nguyễn Hữu Khai bị dẫn giải về Hà Nội bằng đường hàng không.
Chân dung ông chủ Bảo Long
Ông Nguyễn Hữu Khai sinh năm 1952 ở Xứ Đoài, nay là thôn Kinh Đào, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ngành học ông theo đuổi là ngành kiến trúc nhưng sau đó ông bỏ học và vượt biên sang Trung Quốc trái phép. Tại đây, ông Khai may mắn được một bà chủ hiệu thuốc nâng đỡ và học được nghề chữa bệnh bằng các phương thuốc Trung y và cũng chính bằng nghề thuốc này đã đưa người đàn ông có máu liều này đến các đỉnh cao danh vọng của cuộc đời.
Ngoài tên tuổi của Đông Nam dược Bảo Long, ông Khai còn được nhiều người nhớ đến bởi chính là nguyên mẫu của nhân vật chính trong phim nổi tiếng "Đường đời".
Đúng như những gì nhân vật Hải thể hiện trong phim, ông Khai có một cuộc đời khá gian truân, lận đận và phức tạp, trong nhiều khía cạnh, kể cả hôn nhân. Về công việc, sau đỉnh cao danh vọng là triền miên kiện tụng và cả ngõ cụt như hiện tại. Về tình ái, ông Khai có tới 4 người vợ. Tính đến trước thời điểm thương vụ Bảo Sơn - Bảo Long diễn ra, Công ty Đông Nam dược Bảo Long đã có cơ sở làm việc ổn định tại thôn Trại Hồ, xã Cổ Đông, TX Sơn Tây, Hà Nội và 1 cơ sở ở Ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM. Bảo Long cũng đã có gần 300 sản phẩm thuốc chữa bệnh và mỹ phẩm làm bằng thảo dược được phép lưu hành trên thị trường cả nước.
Năm 2005, Bảo Long thành lập Bệnh viện Đa khoa Bảo Long, một mô hình mới của sự kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại, tuyển mộ rầm rộ đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, vào làm việc. Năm 2007, được sự giúp đỡ, ủng hộ của Ủy ban Thể dục - Thể thao và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bảo Long đã nắm bắt thời cơ, xây dựng trường phổ thông võ thuật với quy mô đa cấp (tiểu học, phổ thông cơ sở, trung học phổ thông). Thừa thắng xông lên, cũng ngay sau đó, được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bảo Long lại thành lập trường Trung cấp Y dược...
Trụ sở của tập đoàn Bảo Long (Hà Nội).
Những thông tin ban đầu
Sau hơn 20 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, từ xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long nhỏ bé đã vươn mình trở thành một tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề có uy tín và thương hiệu mạnh ở Việt Nam. Có thể nói đến trước thời điểm các vụ lùm xùm diễn ra, vị thế và uy tín của Bảo Long được dư luận xã hội đánh giá rất cao. Vị thế đó càng được khẳng định khi Bảo Long đã nhận được một loạt các bằng khen, giấy khen, danh hiệu... dành cho những doanh nghiệp thành đạt, có đóng góp cho xã hội. Và cũng chính vì thế, chuyện Bảo Long làm ăn thua lỗ, phải chịu cảnh nợ nần phải vay lãi suất để thanh toán chi phí sản xuất, trả lương cho cán bộ, công nhân viên và thậm chí phải đi bán cổ phần của mình đã khiến dư luận xã hội và giới kinh doanh không khỏi suy ngẫm.
Dường như, Bảo Long không còn là một doanh nghiệp mạnh, kinh doanh hiệu quả như từng diễn ra. Và như một xu thế tất yếu của thị trường, một doanh nghiệp yếu kém, nếu muốn vượt qua được sóng to bão lớn để tự cứu mình, hoặc buộc phải tìm đối tác đầu tư hoặc buộc phải bán cổ phần. Và đối tác Bảo Long chọn là tập đoàn Bảo Sơn. Ngoài sức mạnh về vốn, ông chủ tịch Bảo Sơn còn là chỗ thân tình với ông Nguyễn Hữu Khai. Thế nhưng, tình bạn tốt đẹp này nhanh chóng bị rạn nứt nghiêm trọng.
Theo một nguồn tin của phóng viên, từ năm 2011 đến nay, ông Nguyễn Hữu Khai đã có hành vi chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản mà Tập đoàn Bảo Long đã bán cho Tập đoàn Bảo Sơn tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Cụ thể, đầu năm 2011, Tập đoàn Bảo Sơn có chuyển 227,5 tỉ đồng cho Tập đoàn Bảo Long cho việc mua cổ phần tại Bảo Long gồm toàn bộ vốn cổ phần của các cổ đông (được ghi danh sách trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cổ đông hiện hữu theo quy định của pháp luật) và phần vốn góp bổ sung của các cổ đông với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ 53.382,7m2 quyền sử dụng đất, tài sản hình thành trên đất, hạ tầng kỹ thuật bao gồm cả các công trình ngầm, trạm xử lý nước thải, trạm biến áp... (trừ máy phát điện), cây cối, hoa màu, nhãn hiệu và bản quyền thương hiệu sản phẩm.
Theo hợp đồng chuyển nhượng được hai bên ký ngày 3/3/2011, các cổ đông đều đồng thuận, hiểu, thống nhất và không có kiện cáo gì. Tuy nhiên, sau đó ông Nguyễn Hữu Khai đại diện Tập đoàn Bảo Long đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên. Việc ông Nguyễn Hữu Khai chiếm giữ những tài sản đã bán này, gây ra nhiều thiệt hại cho Tập đoàn Bảo Sơn cũng như làm nảy sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự trên địa bàn trong một thời gian dài.
Đây là lần thứ hai ông Khai dính líu đến pháp luật, trước đây, ông Nguyễn Hữu Khai đã từng bị công an bắt và bị giam giữ vì liên quan đến việc vượt biên trái phép.
Theo vietbao
Kiếp nạn trên đường đời chủ tịch Bảo Long Nguyễn Hữu Khai Được nhắc đến như một lương y, võ sư, trở thành nguyên mẫu của nhân vật trên phim truyền hình, không ai nghĩ có ngày ông Nguyễn Hữu Khai bị bắt. Bán cả thương hiệu vì... nợ nần Từng được ví là một 'huyền thoại' của y học cổ truyền Việt Nam nhưng rồi ông Khai phải bán hết tài sản, thương hiệu...