Vì sao chính phủ Malaysia miễn cưỡng quy trách nhiệm vụ máy bay MH17?
Hãng hàng không dân dụng Malaysia Airlines ngày 20.7 đưa tin, họ sẽ hủy số hiệu MH17 của chiếc máy bay bị bắn rơi ở Ukraine ngày 17.7 khiến 298 hành khách thiệt mạng.
Quân ly khai kiểm soát hiện trường máy bay MH17 rơi.
Từ thứ Sáu tới, Malaysia Airlines sẽ không còn sử dụng số hiệu MH17 cho bất kỳ chuyến bay nào từ Amsterdam (Hà Lan) về Kuala Lumpur. Hãng nói họ làm thế để tôn vinh tổ bay và hành khách của chuyến bay có số phận kinh hoàng. Số hiệu của chuyến bay mới sẽ là MH19.
Hãng cũng nói sẽ không thay đổi tần suất bay tuyến Amsterdam – Kuala Lumpur.
Người dân phẫn nộ
Trong khi đó, theo báo New York Times ngày 20.7, Malaysia mất 43 công dân trong chuyến bay trúng tên lửa và người dân Malaysia phẫn nộ với Nga, sau khi có thông tin xác các nạn nhân xấu số bị phơi nắng, chưa được thu thập hoặc bị kéo lê trên mặt đất.
Đó là một sự xúc phạm người chết đối với nhiều tín đồ Hồi giáo Malaysia, vốn xem chuyện chôn cất người chết một cách long trọng là một nghĩa cử thánh thiêng.
Syuhada Daud có họ với một cặp vợ chồng Malaysia chết cùng 4 đứa con trong chuyến bay, nói cô không dám xem TV chiếu hình ảnh các mảnh vỡ và xác người nằm không ai trông coi, thậm chí bị hôi của, trên một cánh đồng ở khu vực mà phe ly khai kiểm soát.
Video đang HOT
Daud đang ngụ tại một khách sạn ở Kuala Lumpur do hãng Malaysia Airlines thuê cho gia đình các nạn nhân, nói: “Tôi rất muốn các xác nạn nhân được an toàn và được đưa về nước. Việc được chôn cất sớm là rất quan trọng đối với người Hồi giáo, nên đây là điều kinh khủng nhất đối với các gia đình họ”.
Daud nói các gia đình muốn xác được bảo quản cẩn thận và đưa về Malaysia để tắm rửa, mặc đồ tang trắng và được chôn cùng bài kinh cầu, để người thân còn sống sẽ đến thăm mộ.
Gần 20 triệu trong 30 triệu dân Malaysia theo đạo Hồi. Daud có họ với Ariza Ghazalee, người phụ nữ chết cùng chồng Tambi Jiee và 4 đứa con (3 trai 1 gái tuổi từ 12 đến 19).
Gia đình này bay từ Kazakhstan về Kuching (bang Sarawak ở Malaysia) để đoàn tụ gia đình và cũng để mừng Hari Raya, ngày kết thúc tháng an chay Ramadan của đạo Hồi vào ngày 28.7 tới.
Thông tin về những vụ hôi của làm dấy lên sự phẫn nộ ở Malaysia. Ismail Nasaruddin là chủ tịch Công đoàn tiếp viên hàng không Malaysia, nói: “Chúng tôi trông thấy hành lý của tổ bay bị lục tung trên các đoạn phim của các đài truyền hình”.
Badrul Hisham Shaharin, chủ tịch tổ chức đối lập Tuổi trẻ đoàn kết Malaysia, nói họ sẽ tổ chức phản đối trước Sứ quán Nga ở Kuala Lumpur vào thứ Tư 25.4. Anh nói: “Đây không là một thảm kịch bình thường, mà là một tội ác. Nga phải gánh trách nhiệm đặc biệt, vì bất kỳ ai trên thế giới này cũng biết phe ly khai ở vùng chiến sự có sự hậu thuẫn của Nga”.
Sự phẫn nộ về cách đối xử với người chết cũng bùng lên ở Hà Lan, nước mất nhiều công dân nhất trong vụ MH17 bị bắn rơi. Trong 298 người chết có 1 nhà nghiên cứu AIDS nổi tiếng, một nghị sĩ Hà Lan và một nhà văn Úc.
Nhưng theo New York Times, chính phủ Malaysia tỏ ra miễn cưỡng quy trách nhiệm cho ai là thủ phạm vụ bắn rơi chiếc MH17, không như chính phủ Mỹ.
Chính phủ thì lúng túng
Sự phẫn nộ của người dân khiến chính phủ Malaysia lúng túng, do họ muốn duy trì quan hệ ấm áp với Nga, cách xa khỏi các chủ trương của Mỹ. Đường lối ngoại giao cẩn trọng này cũng là những thử thách dành cho chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama, khi Mỹ đang tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế để cô lập Nga trong vụ bắn rơi chiếc MH17.
Ông Obama cùng các lãnh đạo phương Tây đều đã nói tên lửa đất đối không bắn rơi chiếc MH17 là của Nga sản xuất. Ông Obama cũng chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin kích động cuộc chiến đòi ly khai ở Ukraine, điều dẫn đến thảm kịch này.
Hiện chính phủ Malaysia tránh cùng Mỹ và nhiều nước công khai quy trách nhiệm cho chính phủ Nga “chống lưng” chop he ly khai, và Nga bị nghi đã cung cấp chiếc tên lửa ấy.
Khi được một nhà báo hỏi liệu ông có đồng ý với tuyên bố lên án Nga của ông Obama, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein đáp: “Chúng tôi cần xác minh việc này. Chúng tôi muốn đi đến tận cùng vấn đề”.
Ông cũng xác nhận đã có nói chuyện điện thoại với đồng nhiệm Mỹ Chuck Hagel, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cùng các lãnh đạo Trung Quốc: “Nhưng chúng tôi chưa có quan điểm nào, cho đến khi xác minh được các thực tế rằng phải chăng chiếc máy bay thực sự bị bắn rơi, bị bắn rơi thế nào và ai bắn”.
Dù Malaysia có kết luận chiếc MH17 bị bắn rơi bởi phe ly khai sử dụng tên lửa do Nga cung cấp chăng nữa, có thể họ cũng sẽ chờ một cuộc điều tra chính thức và độc lập, trước khi công khai lên án, theo giáo sư James Chin khoa chính trị và là chuyên gia về Malaysia ở đại học Monash (Úc).
Giáo sư Chin nói: “Malaysia là một trong số ít các nước vẫn đề cao mối quan hệ tốt với Nga và vẫn xem Nga là siêu cường. Người Malaysia cho rằng chẳng cần thiết gây thù với Nga trừ phi mọi sự đã tách bạch trắng đen. Họ sẽ đợi báo cáo cuối cùng của một tổ chức quốc tế, hoặc một cuộc điều tra độc lập quy trách nhiệm lên Nga”.
Thái độ miễn cưỡng quy trách nhiệm của Malasia phản ánh những bài học từ 4 tháng trước khi chiếc MH370 cũng của Malaysia Airlines mất tích ngày 8.3. Sau vụ này, các quan chức Malaysia bị chỉ trích vì ban đầu ra những tuyên bố sai về chỗ chiếc MH370 bị rơi.
Một quan chức chính phủ Malaysia đề nghị tờ New York Times, giấu tên, nói: “Chúng tôi đã bị trừng phạt khốc liệt trước toàn thế giới, vì đã nói những điều mà sau này bị phát hiện là thất thiệt và hôm sau chúng tôi lại rút tuyên bố ấy. Nên Malaysia sẽ rất cẩn trọng khi phát biểu điều gì khi chúng tôi chưa xác minh được một cách độc lập”.
Theo Một Thế Giới
Thảm họa MH17: "Tối hậu thư" của Thủ tướng Hà Lan
Tuyên bố trước cuộc họp Nghị viện Châu Âu ngày 21/07/2014, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phát biểu mạnh mẽ rằng "tất cả các thỏa thuận chính trị, kinh tế và tài chính" sẽ bị hoãn vô thời hạn nếu việc tiếp cận các hiện trường vụ tai nạn máy bay MH17 ở miền Đông Ukraine không được cải thiện.
Thủ tướng Mark Rutte nhấn mạnh rằng, ưu tiên lớn nhất của Chính phủ Hà Lan tại thời điểm này là phục hồi và xác định các thi thể của hành khách xấu số trong vụ tai nạn máy bay thảm khốc của Malaysia, khiến 193 công dân Hà Lan thiệt mạng.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phát biểu mạnh mẽ rằng "tất cả các thỏa thuận chính trị, kinh tế và tài chính" sẽ bị hoãn vô thời hạn nếu việc tiếp cận các hiện trường vụ tai nạn máy bay MH17 ở miền Đông Ukraina không được cải thiện
"Rõ ràng là Nga phải sử dụng tầm ảnh hưởng của mình đối với các phiến quân ly khai để cải thiện việc tiếp cận các hiện trường vụ tai nạn", Rutte nói.
"Nếu trong những ngày tới việc tiếp cận các hiện trường vụ tai nạn vẫn bị hạn chế, thì tất cả các thỏa thuận liên quan đến chính trị, kinh tế và tài chính với các bên trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến vụ tai nạn lần này (Nga, Ukraine) đều bị hoãn vô thời hạn", ông nói.
Thanh Vân (dịch từ TheStar)
Theo Dantri
Mỹ: Cuộc thoại quân nổi dậy thừa nhận bắn hạ MH17 là thật Sứ quán Mỹ tại Kiev khẳng định cuộc thoại bị chặn do cơ quan an ninh Ukraine đưa ra hôm 17/7 vừa qua, cho thấy quân nổi dậy ở miền đông nước này thảo luận về việc họ đã bắn hạ máy bay MH17 như thế nào, là xác thực. Quân nổi dậy tại hiện trường vụ máy bay MH17 rơi ở Ukraine....