Vì sao chi tiền khủng nhập thuốc trừ sâu?
“Nhập thuốc bảo vệ thực vật ngày càng nhiều không chỉ để sử dụng trong nước”. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Hồng- nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NNPTNT, khi trao đổi với NTNN về thông tin Việt Nam chi hàng trăm triệu USD mỗi năm để nhập khẩu nguyên liệu thuốc BVTV Trung Quốc.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam chi tới 346 triệu USD (hơn 7.600 tỷ đồng) để nhập khẩu nguyên liệu và thuốc BVTV, trong đó riêng nhập từ Trung Quốc chiếm gần 50%. Nhiều người tỏ ra lo lắng trước thực trạng chi quá lớn để nhập nhiều mặt hàng nguy hại này, còn cá nhân ông có suy nghĩ gì?
- Trong 5 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu thuốc BVTV, trong đó thuốc trừ cỏ chiếm 50%, thuốc trừ sâu khoảng 25%, thuốc trừ bệnh khoảng 20%, còn lại là các thuốc điều hòa kích thích sinh trưởng như thuốc trừ chuột, trừ ốc, mối…
Thị trường thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam rất đa dạng, phong phú về chủng loại
(ảnh minh họa). Ảnh: C.T
Những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 70.000 tấn thuốc thành phẩm trên đồng ruộng. Gần đây các doanh nghiệp (DN) nhập nguyên liệu thuốc BVTV từ Trung Quốc chiếm 85-90%, bởi Trung Quốc là công xưởng sản xuất thuốc BVTV của thế giới (chiếm 40%). Các DN Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu BVTV về không chỉ để sử dụng ở Việt Nam mà còn phối trộn, sang chai đóng gói và xuất đi các nước khác. Như Campuchia sử dụng đến 80% thuốc BVTV của Việt Nam, nhiều nước khác cũng sử dụng thuốc BVTV của Việt Nam như Lào, Myanmar, Singapore, Philippines, thậm chí cả Trung Quốc…
Chính vì thế con số mà các DN nhập về không phải là để sử dụng toàn bộ cho đồng ruộng Việt Nam. Đó cũng là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao Việt Nam nhập ngày càng nhiều nguyên liệu, thuốc BVTV.
Theo nắm bắt và tìm hiểu của ông, tình hình sử dụng thuốc BVTV ở Việt Nam trong những năm gần đây có vấn đề gì đáng lưu ý?
- Cái này hỏi các DN bán thuốc BVTV thì biết rõ nhất, những năm gần đây các DN kêu ca rất nhiều vì không bán được thuốc BVTV ở trong nước, số lượng bán ra ngày càng giảm nên họ gia tăng nhập nguyên liệu để phối trộn đóng chai và bán cho nước ngoài. Cá nhân tôi nhận thấy rằng trong 5 năm gần đây tình hình sâu bệnh rất ít, nông dân ý thức hơn trong việc thực hiện quy trình sản xuất nên sử dụng thuốc BVTV trừ sâu bệnh ít hơn.
Video đang HOT
Có nhiều ý kiến lo ngại rằng trong khi các nước châu Âu từ lâu đã nói không với các hoạt chất, thuốc BVTV từ hóa chất vì quá độc hại, còn Việt Nam vẫn coi hóa chất là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ mùa màng?
- Hiện nay trên thế giới chưa có nước nào không sử dụng thuốc BVTV, đặc biệt là các nước phát triển, chỉ có các nước chậm phát triển như châu Phi, không sản xuất thâm canh, sản xuất hàng hóa thì may ra họ mới không dùng thuốc BVTV. Các nước châu Âu, kể cả châu Á như Nhật Bản, nếu quy ra lượng dùng thuốc BVTV trên ha thì còn dùng nhiều hơn Việt Nam vì họ thâm canh, vấn đề là họ sử dụng thuốc BVTV đúng liều lượng và đúng quy trình.
Việt Nam khi đưa các hoạt chất thuốc BVTV vào trong danh mục được phép sử dụng đều tính toán rất kỹ lưỡng, có cả hội đồng tư vấn, thẩm định, tham khảo các tổ chức quốc tế rồi mới quyết định cho phép sử dụng ở Việt Nam. Nếu các hoạt chất nào các nước cấm sử dụng, các tổ chức quốc tế cảnh báo thì Việt Nam không sử dụng, chúng ta có cả một danh sách các hoạt chất thuốc BVTV cấm sử dụng.
Đánh giá của ông về chất lượng nguyên liệu thuốc BVTV mà các DN Việt Nam nhập từ Trung Quốc?
- Nói chung dù có nhập từ bất cứ nước nào khi được phép sử dụng ở Việt Nam đều phải đảm bảo chất lượng và yêu cầu của Việt Nam. Chỉ có một số trường hợp nhập lậu thuốc ngoài danh mục là nguy cơ chất lượng kém, độc hại cao. Bộ NNPTNT đang triển khai chương trình về xử lý vấn đề nhập lậu, thuốc ngoài danh mục. Các sản phẩm thuốc nhập qua đường chính ngạch vẫn đảm bảo chất lượng.
Nhiều người cho rằng thực tế lượng nguyên liệu thuốc BVTV nhập vào Việt Nam lớn hơn rất nhiều lần bởi tình trạng nhập lậu, tuy nhiên không phải như vậy. Hiện nay nhập khẩu nguyên liệu thuốc BVTV áp dụng thuế 0% nên người ta không có động lực để nhập lậu.
Cũng có nhiều ý kiến băn khoăn tại sao chúng ta nhập khẩu nguyên liệu thuốc BVTV nhiều như thế, trong lúc có thể tự sản xuất được?
-Để có được một nền công nghiệp hóa học hiện đại cần có đầu tư bài bản từ con người đến công nghệ, rất tốn kém và mất rất nhiều năm chứ không phải nói sản xuất là sản xuất được luôn. Nền công nghiệp hóa học của mình rất kém, không thể cạnh tranh với các nước khác được, đây không phải thế mạnh của mình nên chúng ta không dại gì đi đầu tư sản xuất cái này. Trong lúc sản xuất thuốc BVTV rất độc hại nên chúng ta không khuyến khích các DN sản xuất trong nước.
Đánh giá của ông về ý thức sử dụng thuốc BVTV của nông dân đối với việc sản xuất cây trồng trong những năm gần đây thế nào?
- Trong những năm gần đây ý thức của người dân về sử dụng thuốc BVTV được tăng cường rất nhiều, có rất nhiều địa phương có nhiều hình thức tuyên truyền, có nhiều dự án khuyến nông, thực hành nông nghiệp tốt, các chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, đều giảm thuốc BVTV, chương trình hệ thống canh tác lúa cải tiến cũng giảm thuốc BVTV, chương trình phòng chống dịch hại tổng hợp của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao.
Nông dân Việt Nam được tăng cường hiểu biết, ý thức ngày càng nâng cao. Hy vọng trong thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền rộng rãi hơn, các dự án khuyến nông nghiệp nhiều hơn, các DN tham gia đầu tư nông nghiệp nhiều hơn thì ý thức sử dụng thuốc BVTV của nông dân sẽ được nâng cao hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!
Ông Trần xuân Định – Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT): Sử dụng đúng, đủ mới là quan trọng Rõ ràng trồng trọt không thể không sử dụng thuốc BVTV, bởi cây trồng luôn luôn phải đối mặt với sâu bệnh, dịch hại, bên cạnh đó là vấn đề biến đổi khí hậu. Bây giờ làm lúa, rau quả vẫn phải sử dụng thuốc BVTV, tuy nhiên vấn đề là sử dụng đúng, đủ mới là quan trọng. Những năm gần đây, Bộ NNPTNT cùng các sở ngành và địa phương phối hợp các tổ chức quốc tế triển khai nhiều dự án khuyến nông, đã có nhiều hình thức tuyên truyền có tác dụng tốt, nâng cao ý thức, kiến thức của nông dân để trồng trọt đúng quy trình, sử dụng thuốc BVTV đúng liều lượng để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, chất lượng cây trồng. Ông Trần Ngọc Hân – Công ty thuốc BVTV Trần Vũ (Hà Nội): Nhu cầu trong nước giảm đi đáng kể Mấy năm gần đây lượng hàng thuốc BVTV bán trong nước giảm đi đáng kể, đây là tình hình chung của các công ty sản xuất kinh doanh thuốc BVTV. Bởi những năm gần đây sâu bệnh, dịch hại ít đi dần nên việc sử dụng thuốc BVTV của người dân cũng giảm xuống, bên cạnh đó nông dân đã ý thức được vấn đề sử dụng thuốc BVTV đúng cách, đúng quy trình, không phải cứ sử dụng nhiều là tốt. Trong quá trình kinh doanh, chúng tôi cũng hướng dẫn cho bà con cách sử dụng hiệu quả thuốc BVTV, và họ cũng mong muốn giảm các chi phí sản xuất, nên khi được hướng dẫn dùng thuốc BVTV đúng cách là nông dân áp dụng luôn. TS Nguyễn Văn Liêm – Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật: Dùng thuốc trong danh mục cho phép Hiện nay trên rất nhiều cây trồng, nông dân đang sử dụng tương đối nhiều thuốc BVTV, có không ít trường hợp lạm dụng thuốc BVTV, dù ngành nông nghiệp đã khuyến cáo, hướng dẫn rất nhiều. Vấn đề bây giờ không phải là nên dùng thuốc BVTV hay không, mà mấu chốt là người sử dụng thuốc BVTV cần dùng đúng thuốc trong danh mục cho phép của Bộ NNPTNT, đúng đối tượng cây trồng, đúng liều lượng, đúng quy trình, đúng thời gian cách ly như quy định thì cây trồng sẽ phát triển tốt, sản phẩm chất lượng, an toàn cho đất, môi trường. An nhiên (ghi)
Theo Danviet
Rau, thịt "bẩn" hoành hành đáng báo động
Có tới 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có chất cấm Salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng.
Thông tin trên vừa được ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm Thủy sản (Bộ NN&PTNT) công bố tại Hội nghị Trực tuyến về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, tổ chức chiều 19/10 tại Hà Nội.
Ông Tiệp cho biết: Công tác giám sát ATTP nông thủy sản trên diện rộng 9 tháng đầu năm cho thấy tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm ATTP còn cao, một số chỉ số ATTP chưa có cải thiện so với năm 2014. Cụ thể, có 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng/vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có Salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng.
Tỷ lệ rau tồn dư thuốc BVTV gia tăng (Ảnh minh họa)
"Tỷ lệ rau có tồn dư thuốc BVTV tăng so với trung bình các năm. Mọi năm tỷ lệ này chỉ dao động từ 6-8%, nhưng năm nay đã tăng lên hơn 10%. Đây là điều đáng lo ngại," ông Tiệp nhấn mạnh.
Theo ông Tiệp, nguyên nhân của tình trạng trên là do các đơn vị còn chưa xác định trọng tâm, định hướng rõ ràng và tập trung nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ được phân công; chưa chỉ đạo xuống các cấp địa phương để triển khai quyết liệt; tình hình triển khai tại các địa phương còn dàn trải, mang tính hình thức; chưa giám sát, đánh giá, xác định được kịp thời sản phẩm, công đoạn, địa bàn nguy cơ cao để tập trung xử lý hiệu quả, dứt điểm...
Tiêu hủy hơn 13kg chất Vàng-ô
Trong 9 tháng đầu năm các Tổng Cục, Cục chuyên ngành thuộc Bộ đã tổ chức được 22 đoàn thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và 33 đoàn thanh tra đột xuất và đã xử phạt 1.198 vụ với tổng số tiền hơn 21,8 tỷ đồng.
Trong đó đáng chú ý là phát hiện và xử lý 5 công ty sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y/TĂCN không có trong danh mục cho phép; tiêu hủy tại chỗ 13,3 kg hóa chất Vàng-ô) (VAT YELLOW), tịch thu 20kg chất bột màu trắng không rõ nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ...
Tỷ lệ thịt nhiễm chất cấm, hóa chất vẫn cao (Ảnh minh họa)
Qua kiểm tra, giám sát các lô hàng nông lâm thủy sản nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và tiêu hủy 09 lô sản phẩm nguồn gốc động vật nhập khẩu do dương tính với bệnh MrNV, VNN và không đảm bảo ATTP theo quy định; đình chỉ 01 lô sản phẩm nguồn gốc thực vật nhập khẩu có dư lượng Chlorpyrifos vượt mức tối đa cho phép xuất xứ từ Indonesia.
Trong thời gian tới, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần tập trung giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc BVTV trong rau, quả; chất cấm, tồn dư hoá chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thuỷ sản.
Nguyên An
Theo Dantri
"Tam nông" thời nay và làm gì với hóa chất nông nghiệp? Chính hóa chất đã làm thay đổi toàn cảnh nền nông nghiệp VN. Hãy dừng "thuốc BVTV" khi không muốn trở nên hoàn toàn lệ thuộc nước ngoài. TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) mới đây có cuộc chia sẻ với Đất Việt về việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp...