Vì sao cha mẹ giết con trước khi tự tử?
Thời gian qua, rất nhiều vụ cha mẹ giết hại con rồi tự tử đã khiến dư luận giật mình. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này
Ám ảnh những cái chết tập thể
Đã hơn 1 tuần trôi qua, dư luận vẫn không khỏi bàng hoàng trước cái chết của chị Đỗ Thị Ái Nguyên (ở Long An) cùng 2 con.
Chị Nguyên được phát hiện chết ở nhà riêng với nhiều vết đâm, trong đó vết cắt mạch máu tay được cho là dẫn tới cái chết của chị.
Còn 2 con của chị đều có vết cắt ở cổ. Qua quá trình khám nghiệm tử thi, điều tra và căn cứ vào thư tuyệt mệnh mà chị Nguyên để lại, cơ quan điều tra ban đầu cho rằng, chính người mẹ đã sát hại 2 con rồi tự tử.
Trong thư có đoạn viết: ‘Người vợ không tốt, không xứng đáng làm con dâu của gia đình nên tự tử’. Trong thư cũng viết, vì thương nên xin đưa 2 đứa con đi cùng.
Hồi đầu tháng 11 vừa qua, dư luận cũng chấn động trước vụ việc Phạm Chí Thành (Yên Bái) chém em vợ sau đó ép 2 con ruột uống thuốc sâu cùng tự tử.
Nguyên nhân được cho là Thành quẫn uất, buồn chán vì vợ bỏ đi nên nảy sinh ý định trả thù.
Hồi tháng 4/2014, Trần Phước Thành (30 tuổi, ngụ tại Lâm Đồng) đã cầm dao đâm chết hai con ruột ngay trên giường ngủ rồi tiếp tục đâm vào ngực mình tự sát.
Bức thư tuyệt mệnh Thành gửi bố mẹ ruột ghi rõ: ‘Thời gian qua, cuộc sống của con trong vòng xoáy bi kịch… Con chào ba mẹ, con cảm ơn ba mẹ đã nuôi con, thương con… Xin lỗi ba mẹ tha lỗi cho con. Khi con và hai con của con chết, ba mẹ và vợ hãy đem thiêu’.
Video đang HOT
Hay sự việc 3 mẹ con cô giáo Giang Thị Mỹ Diệu (SN 1987, Quảng Nam) cột tay nhau nhảy xuống hồ Phú Ninh tự tử; vụ y tá Lê Thị Hương Mai (Phú Thọ – đang mang bầu) ôm con trai tự vẫn dưới sông Lô… càng khiến dư luận xã hội lo ngại.
Những vụ việc trên chỉ là một ví dụ cho hội chứng cha mẹ ép con cùng chết đang gia tăng trong xã hội ngày nay.
Chị Trần Thị H. (Bắc Ninh) vẫn còn ân hận khi kể về câu chuyện của mình. Cách đây hơn 20 năm chị có đem lòng yêu và lấy một chàng trai cùng huyện.
Sau khi cưới nhau, rồi sinh con cuộc sống gia đình chị không được như ý. Chị và mẹ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Chồng chị thì lại đứng về phía mẹ.
Và trong một lần mâu thuẫn đến đỉnh điểm chị đã uống thuốc ngủ để tìm đến cái chết và có để lại thư tuyệt mệnh.
Tuy nhiên, do được gia đình phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời nên chị được cứu sống.
Có rất nhiều nguyên nhân xã hội dẫn tới hành động tự sát.
Chị H. ngậm ngùi thú nhận:
‘Quả thực lúc đó, tôi chỉ muốn chết. Tôi cảm giác như cả thế giới quay lưng với mình. Ngay cả chồng mình cũng không đứng về phía mình vậy thì tôi sống để làm gì.
Thậm chí lúc đó, tôi có ý định đưa cả con đi cùng vì sợ con phải sống cảnh mẹ ghẻ con chồng, rồi cũng muốn trả thù mẹ chồng vì biết bà rất quý cháu nội.
Nhưng may mắn lúc đó tôi không làm thế, nếu không tôi có chết cả ngàn lần cũng không hết tội’.
Tuy nhiên, chỉ nguyên việc chị tử tử cũng đã đẩy cuộc hôn nhân của chị vào ngõ cụt. Gia đình chồng không chấp nhận một người con dâu vì cãi nhau với mẹ chồng mà tự tử.
Họ bảo có lần một thì sẽ có lần hai, họ sợ chị lại làm liều thì họ mang tội. Và thế là vợ chồng chị ly hôn, con trai ở với bố. Chị chuyển vào miền Nam sinh sống.
Vừa rồi con trai cưới vợ, chị cũng chỉ ghé qua được một lúc chứ không có được niềm hạnh phúc như những người mẹ khác.
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, khi cha mẹ ép con tự tử cùng họ thường mang trong mình 2 trạng thái tâm lý:Thủ phạm là… trầm cảm
Thứ nhất, sợ con cái sống sẽ phải khổ (có thể là sống với người cha tệ bạc, có thể lo ngại bị người khác trả thù, đòi nợ, túng thiếu…)
Thứ hai, họ mang tâm lý trả thù. Có thể do giận chồng, giận vợ hoặc gia đình mà họ muốn đem con cái đi cùng để người ở lại cảm thấy hối hận vì những việc họ đã làm.
Tuy nhiên, hành vi ôm con cùng chết, dù có vì nguyên nhân gì cũng là hành vi giết người, bức tử, là vi phạm pháp luật, cần lên án để răn đe những người coi ‘chết là hết’.
Theo các chuyên gia, một điều đáng lưu ý trong các vụ tự tử nói chung và tự tử tập thể nói riêng, người ta thường quan tâm đến những nguyên nhân xã hội mà ít ai để ý các nạn nhân trước khi hành động dại dột thường có một thời gian diễn biến tâm lý bất ổn, rơi vào các trạng thái bấn loạn trầm cảm.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 350 triệu người bị trầm cảm. Tại Việt Nam, một nghiên cứu quốc gia năm 2002 cho thấy rối loạn trầm cảm chiếm tỷ lệ đến gần 4% dân số.
Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về việc tự sát ở những bệnh nhân trầm cảm. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, các bác sĩ ước tính cứ 10 bệnh nhân trầm cảm nặng thì 4 người có ý tưởng, suy nghĩ tự sát và một đã thử tự sát nhưng thất bại.
Trước khi tự tử các nạn nhân thường có thời gian trầm cảm. Nếu phát hiện kịp thời chúng ta có thể giúp đỡ họ.
Những nguyên nhân xã hội như mâu thuẫn gia đình, tình cảm, tiền bạc, công việc, nợ nần… đều có thể dẫn tới chứng trầm cảm.
Và khi bị trầm cảm dẫn tới có ý định tự tử, nhiều trường hợp đã kéo theo cả gia đình, vợ con mà nhiều nhất là các vụ mẹ ép con chết cùng.
Dù vậy nhưng ở nước ta hiện nay căn bệnh trầm cảm vẫn không được chú ý đúng mức, nhiều trường hợp không được phát hiện kịp thời, nhất là ở khu vực nông thôn, dẫn tới những hậu quả đau lòng.
Chuyên gia Nguyễn Anh Chất cho rằng, hầu hết những người có ý định tự tử bị rơi vào bế tắc, trầm cảm nặng và chỉ mong muốn được thoát ra vòng xoáy này.
Việc ngăn ngừa tự tử cần bắt đầu từ khâu phát hiện sớm những dấu hiệu của người có ý định tự tử để kịp thời ngăn chặn và cứu giúp.
Một ý kiến đề xuất, đã đến lúc phải có một chương trình toàn quốc để khám và điều trị về sức khỏe tâm thần cho nhân dân. Ít nhất mỗi huyện thị có một trung tâm tư vấn để phòng và giảm bớt những cái chết đau lòng, oan nghiệt.
Theo Báo Đất Việt