Vì sao CDC Mỹ đánh giá Việt Nam không còn nguy cơ cao lây Covid-19 ra cộng đồng?
Ngày 28/2, PGS.TS Trần Đắc Phu – cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) khẳng định, thành công bước đầu của Việt Nam trong việc khống chế dịch do virus corona Covid-19 không chỉ là ở số liệu.
Lý giải về lý do tại sao Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ quyết định Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan Covid-19 ra cộng đồng, PGS Phu cho rằng, có được kết quả này dựa trên nhiều khía cạnh chứ không chỉ là con số 16/16 ca bệnh mắc Covid-19 đã được điều trị khỏi.
Cụ thể, CDC Mỹ đánh giá cao trong công tác đáp ứng liên ngành của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh và việc Việt Nam minh bạch thông tin trong phòng chống dịch Covid-19.
“Ngoài những kết quả trong điều trị thời gian qua, các kịch bản, giải pháp ứng phó, theo tinh thần được Thủ tướng yêu cầu là tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhưng cũng không được hoang mang, dao động. Đặc biệt một nguyên tắc bất di bất dịch trong phòng chống dịch bệnh của chúng ta là “phát hiện sớm, cách ly và khoanh vùng dịch”.
Khu cách ly đặc biệt tại Phòng khám đa khoa Quang Hà ( Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Ảnh Ngọc Hải
Với nguyên tắc đó, chúng ta đã triển khai các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh mạnh hơn, sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước… nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ngay từ đầu. Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, kết quả phòng, chống dịch chúng ta đạt được là khả quan. Nhờ đó mà nhiều nước trên thế giới trong đó có CDC Mỹ đã đánh giá cao thành công bước đầu của chúng ta”, ông Phu nhấn mạnh.
Trước đó, tại cuộc họp, các đại diện của CDC và Văn phòng Các vấn đề toàn cầu, Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ đánh giá những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid-19 đã đạt các kết quả tích cực, công tác giám sát, cách ly và điều trị được triển khai đồng bộ. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, CDC quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan Covid-19 ra cộng đồng.
Trên trang web của Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), ở mục thông tin dành cho khách du lịch trước tình hình dịch Covid-19, CDC đã bỏ Việt Nam ra khỏi các điểm đến có nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Hiện còn 3 điểm đến được CDC khuyến cáo là Singapore, Thái Lan, Đài Loan.
Ngày 28/2, tại buổi làm việc với Ban Chỉ quốc gia Phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam, đại diện WHO và đại diện CDC Mỹ đều đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã phòng chống dịch bệnh với quyết tâm rất cao, các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Video đang HOT
Ông Mathew Moore – đại diện US CDC, cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã hành động rất nhanh, rất kiên quyết, hiệu quả với sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương tới địa phương nên đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ mới có 16 ca nhiễm Covid-19 và đều được chữa khỏi.
Kết quả này cho thấy “những nỗ lực tuyệt vời của các bạn trong ứng phó với dịch bệnh”, góp phần vào công cuộc ngăn ngừa dịch bệnh của thế giới. CDC Mỹ cũng tự hào đã đồng hành cùng Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu.
Ông Mathew Moore bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh Covid-19 với cộng đồng quốc tế, chia sẻ thông tin về bản đồ gene của virus gây bệnh ở Việt Nam, đề nghị Chính phủ Việt Nam thực hiện mạnh mẽ các biện pháp để kiểm soát rủi ro, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục cộng tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh.
Về tình hình dịch Covid-19 trong nước, PGS Phu cho biết, hiện Khánh Hòa, Thanh Hóa đều đã hết dịch. Còn tại Vĩnh Phúc nhờ có các biện pháp phát hiện ca bệnh sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng hiệu quả nên 15 ngày qua không phát hiện ca bệnh sớm. Nếu như từ nay đến 3/3 (21 ngày), xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) không phát hiện thêm ca bệnh mới thì sẽ chấm dứt cách ly cộng đồng.
“Quan trọng nhất là chúng ta đã nhanh chóng phát hiện ra ca bệnh thứ nhất (ca bệnh đến từ vùng dịch Vũ Hán) và kịp thời khoanh vùng các đối tượng tiếp xúc, cách ly ngiêm ngặt. Nhờ đó, các ca bệnh không lây lan ra nhiều nơi. Càng phát hiện sớm ca bệnh chúng ta càng có cơ hội “dập dịch” nhanh hơn”, PGS Phu nói.
Theo danviet.vn
Mẹ của bé 3 tháng tuổi nhiễm Covid-19: Mong con gái sau này làm bác sĩ
Sau 1 tuần con ra viện, đến hôm nay, chị Nguyễn Thị P., 24 tuổi, trú tại Quất Lưu, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc mới thở phào nhẹ nhõm.
2 mẹ con chị P. trong ngày ra viện vào tuần trước.
Ca bệnh đặc biệt
Đến thời điểm này, bé N.G.L., 3 tháng tuổi, là bệnh nhi duy nhất bị nhiễm Covid-19 ở Việt Nam, đã khỏi và xuất viện.
TS. BS Nguyễn Tiến Lâm - Giám đốc Trung tâm truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết theo các nghiên cứu về dịch SARS, dịch MERS-CoV - các dịch bệnh do virus "anh em" với virus SARS-CoV-2 gây ra, tỷ lệ nhiễm ở trẻ nhỏ như bé N.G.L là rất ít và tỷ lệ tử vong rất thấp.
Tuy nhiên, vì bệnh nhi quá nhỏ nên sức khỏe có thể có những diễn biến bất thường. Ngay sau khi có kết quả thông báo về trường hợp bé N.G. L., các bác sĩ đã nhanh chóng đưa bệnh nhi từ Vĩnh Phúc lên Bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà Nội để cháu bé được chăm sóc và điều trị tốt nhất.
Cháu bé được cách ly hoàn toàn và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Vì bệnh chưa có thuốc đặc trị nên các bác sĩ điều trị theo triệu chứng của bệnh. Sau 9 ngày, cháu bé đã ra viện khỏe mạnh, âm tính hoàn toàn với SARS-CoV-2.
Chị P. kể ngày mùng 2 Tết, chị cho con sang bà ngoại ở xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, cách gia đình chị P. 8km chơi. Nhà bà ngoại gần với nhà bệnh nhân N.T.D. đi từ Vũ Hán trở về, trước đó đã được chẩn đoán nhiễm virus corona chủng mới.
"Khi thấy chị D. được đưa xuống Hà Nội và có thông báo dương tính với virus corona, tôi lo lắng vô cùng. Tôi nghĩ phải nhanh chóng đưa con về nhà nội để tránh con bị lây bệnh".
"Về nhà nội, hai ngày sau, tôi thấy bé bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi. Sau đó, 3 ngày liền bé quấy khóc, ít bú. Cả nhà đều lo lắng."
Thấy con quấy khóc, chị P. gọi điện xin tư vấn của bác sĩ. Trong khi đó, tại xã Sơn Lôi, cán bộ y tế chống dịch Covid-19 đã về để sàng lọc và cách ly những người đã tiếp xúc với chị D. Mẹ chị P. cũng được kiểm tra và cách ly.
Chị P. đã liên hệ với cơ quan y tế và được tư vấn. "Lúc ấy, tôi hoang mang lắm. Tôi đã kể hết hành trình của hai mẹ con cho nhân viên y tế. Các bác sĩ đưa đưa hai mẹ con xuống phòng khám Quang Hà cách ly. Nghe nói phải cách ly tôi hơi sợ nhưng ở phòng bệnh, tôi được các nhân viên y tế chăm sóc chu đáo và được tư vấn kỹ lưỡng nên tôi cũng đỡ lo hơn hơn".
Cảm xúc khó diễn tả
Khi xuống tới phòng khám Quang Hà, bé N.G.L đỡ quấy hơn ở nhà. Những ngày chờ kết quả xét nghiệm, chị P. như ngồi trên đống lửa. Khi nghe tin mẹ mình được chẩn đoán dương tính với virus corona chủng mới, chị P. đã rất lo sợ vì những ngày ở nhà bà ngoại, bé N.G.L thường xuyên được bà bế ẵm.
"Đến ngày bác sĩ thông báo kết quả bé G.L. dương tính với virus corona, tôi bàng hoàng, chân tay bủn rủn không đứng nổi. Tôi chỉ biết khóc. Tôi tự trách bản thân mình vì đã cho con đi chơi. Rồi cả nhà tôi phải đi cách ly hết. Bố của bé và ông bà nội đều phải vào cách ly trong viện, cảnh cả nhà ở viện thực sự buồn. Hàng xóm thì sợ vì lo lắng bị lây corona. Lo cho con, rồi lo cho mẹ đẻ, lại thêm mình mắc bệnh thì sao... Tâm trạng những ngày ấy thực sự đáng sợ...".
Khi được sinh ra, bé N.G. L. nặng 3,5kg nhưng khi mới 20 ngày tuổi, bé đã phải đi viện. Nhưng lần đi viện này khác với lần trước đó. Giữa "rừng tin tức" về dịch bệnh, người trong cộng đồng còn lo sợ, nói gì tới hoàn cảnh của chị P.
Sau khi xuống Bệnh viện Nhi Trung ương vào tối 11/2, chị P. và con gái được vào phòng cách ly đặc biệt.
Chị P. kể chị được các bác sĩ tư vấn rất kỹ. Những lời động viên an ủi của bác sĩ, của nhân viên y tế, sự chăm sóc đặc biệt của họ khiến chị P. yên tâm hơn và điều hạnh phúc nhất là sức khỏe của bé tốt lên từng ngày. Chị P. cũng không còn hoang mang như trước.
Chị P. tâm sự kể từ ngày cách ly, "hai mẹ con đánh vật với nhau". Bé khóc, bé quấy chỉ có mình chị. Lần đầu tiên làm mẹ, lại rơi vào thời điểm dịch Covid-19 lây lan, bà mẹ trẻ đã từng ngày kiên cường, khéo léo hơn, có thể chăm sóc con tốt hơn. May mắn là chị P. không nhiễm Covid-19 và có thể chăm sóc con tốt nhất.
Hằng ngày, bố của bé cũng chỉ đứng ngắm con, đùa với con từ rất xa. Bác sĩ khuyến cáo không nên cho người lớn tiếp cận gần với cháu bé. Nhiều bạn bè, người thân hỏi thăm nhưng cũng chỉ qua điện thoại. Nghĩ lại những ngày tháng đó, chị P. cười bảo "tôi sẽ nhớ tới già".
Sau 1 tuần bé N.G.L ra viện, đến nay, ông bà nội của bé cũng sắp hết thời gian cách ly. Những người xung quanh cũng hiểu về dịch bệnh hơn nên họ đỡ sợ. Mẹ của chị P. đã khỏe nhưng vẫn được theo dõi y tế. Bé N.G. L. cũng vẫn được nhân viên y tế theo dõi hằng ngày. Cách đây 3 ngày, bé được lấy mẫu phân đi xét nghiệm nhưng kết quả rất tốt. Chị P. chỉ mong dịch Covid-19 nhanh chóng qua đi để cuộc sống của gia đình chị trở lại như bình thường.
Chị P. cũng cảm ơn sự quan tâm của ngành y tế, chính quyền, đặc biệt là các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, những người đã hết lòng điều trị cho con gái chị.
Chị P. mong con gái lớn lên khỏe mạnh và nếu có thể sẽ trở thành bác sĩ để khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, như bé đã nhận được sự quan tâm, chăm sóc của các y bác sỹ trong thời gian vừa qua.
Theo infonet
PGS.TS Trần Như Dương: Cách ly y tế là dũng cảm và trách nhiệm với cả nước Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức cách ly dịch bệnh COVID-19 tại xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW nhấn mạnh: Cách ly y tế là đặc biệt quan trọng. Việc khoanh vùng, cách ly y tế ở Vĩnh Phúc là dũng cảm và trách nhiệm với cả...