Vì sao Boko Haram thay đổi chiến thuật bắt cóc ?
Cứ cách vài tháng, Boko Haram lại thực hiện một vụ bắt cóc tại miền bắc Nigeria. Vậy lý do nào khiến nhóm phiến quân này lại thay đổi chiến thuật, và chuyện gì đã xảy ra với các nạn nhân.
Thủ lĩnh Abubakar Shekau của Boko Haram – Ảnh: AFP
Năm ngoái, Boko Haram đã bắt cóc hàng trăm nữ sinh tại Trường trung học Chibok, bang Borno. Chẳng ai biết số phận của các nữ sinh đó giờ ra sao. Nhiều người được cho là đã trở thành nô lệ tình dục, bị ép làm vợ của rất nhiều tay súng, theo The Washington Post ngày 25.3.
Tổ chức Hồi giáo này cũng vừa thực hiện vụ bắt cóc hơn 400 phụ nữ và trẻ em tại thị trấn Damasak, miền bắc Nigeria, theo Reuters ngày 24.3. Theo lời kể của nhân chứng tên Ali, người có vợ và 3 con gái bị bắt đi, cho biết Boko Haram đã nói rằng những phụ nữ này là nô lệ nên chúng bị bắt đi.
Các cuộc bắt cóc phụ nữ và trẻ em đã cho thấy sự tàn bạo của Boko Haram. Nhưng thực chất, sự đổi mới về chiến thuật này chỉ mới diễn ra trong thời gian gần đây, nhất là sau khi thủ lĩnh của nhóm Abubakar Shekau tuyên bố trung thành với tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) trong đoạn video được công bố hôm 7.3.
Với nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực khi mà các hoạt động ngày càng khó khăn hơn, Boko Haram đã mở rộng mục tiêu từ việc bắt cóc người nước ngoài, những người có thể mang lại những khoản tiền chuộc lớn, sang bắt cóc thật nhiều thiếu nữ và trẻ em để phục vụ cho những mục đích khác.
Video đang HOT
Các phụ nữ Nigeria bị Boko Haram bắt cóc – Ảnh: Reuters
The Washington Post dẫn lời nhà phân tích Jacob Zenn thuộc Trung tâm chống khủng bố của Học viện quân sự West Point, Mỹ, cho biết trước đây, các chiến thuật khủng bố của Boko Haram rất đơn giản, mặc dù hiệu quả và không đòi hỏi phải tập luyện nhiều, như thảm sát, đốt phá nhà thờ và trường học. Đến những năm 2010, 2011, Boko Haram bắt đầu chuyển sang thực hiện các vụ đánh bom tinh vi hơn và sau đó mới chuyển sang bắt cóc con tin kiếm tiền chuộc. Ông Zenn coi vụ bắt cóc hàng trăm nữ sinh trường Chibok ngày 14.4 là bước ngoặt đối với Boko Haram.
Ông Zenn cho hay Boko Haram có thể đã bắt cóc từ 500 đến 2.000 phụ nữ kể từ năm 2013 nhưng hầu hết các vụ việc đều không được biết đến. Bắt cóc giờ đây trở thành chiến lược chính của Boko Haram. Những cậu bé tại Nigeria bị nhóm phiến quân đe dọa hoặc gia nhập tổ chức hoặc bị giết. Trong khi đó, phụ nữ bị bắt làm vợ hoặc để trao đổi lấy tiền chuộc. Còn những đứa trẻ thì được huấn luyện để thực hiên các vụ đánh bom tự sát. Vào tháng 1, một vụ đánh bom xảy ra tại Maiduguri, bang Borno khi khối thuốc nổ được quấn quanh người cô bé 10 tuổi phát nổ tại một ngôi chợ, khiến ít nhất 16 người thiệt mạng, theo Reuters.
Bà Elizabeth Donelly, trợ lý phụ trách mảng châu Phi tại Viện chính sách Chatham House, London (Anh) cho biết Boko Haram đang bắt cóc và ép các trẻ em và thanh niên thực hiện nhiều mục đích trong thời gian dài. Tổ chức Hồi giáo Nigeria xem những người này như nguồn lực có thể hy sinh được, theo NBC News.
BBC dẫn lời thượng nghị sĩ đại diện bang Borno cho biết những đứa bé còn rất nhỏ thì được đưa đến trường Hồi giáo, còn những nam thanh niên từ 16 đến 25 tuổi sẽ bị bắt đi lính, được truyền bá tư tưởng và thực hiện các nhiệm vụ ghê rợn.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
'Bóng ma' Boko Haram ám ảnh bầu cử tổng thống Nigeria
Ngày 28.3 tới, Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, sẽ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống sau 6 tuần bị hoãn. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi về sự chống phá của nhóm vũ trang Hồi giáo Boko Haram vẫn luôn hiện hữu.
Nigeria đang đối mặt với nỗi sợ hãi mang tên Boko Haram trước thềm bầu cử - Ảnh: Reuters
Tổng cộng có 14 ứng cử viên cho vị trí tổng thống, tuy nhiên chỉ 2 trong số đó mới thực sự có cơ hội, đó là đương kim Tổng thống Goodluck Jonathan và đối thủ chính Muhammadu Buhari, theo tờ Le Point (Pháp) ngày 22.3.
Ông Jonathan vài tháng gần đây bị chỉ trích nhiều vì thiếu năng lực trong việc kiểm soát sự lộng hành của Boko Haram. Và an ninh đang trở thành vấn đề gây đau đầu trong cuộc bầu cử sắp tới.
Trong phát biểu ngày 20.3 vừa qua, Tổng thống Jonathan cho biết Boko Haram đang yếu đi từng ngày và ông tự tin sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ trong vòng một tháng, theo đài BBC.
Nhờ sự giúp đỡ của các đồng minh như Cameroon, Chad và Niger, quân đội Nigeria tuyên bố đã giành lại 2 trong số 3 bang tại miền bắc bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc chiến với phiến quân, theo tờ The Guardian.
Mặc cho những sự lạc quan của giới chức Nigeria, các chuyên gia cho rằng đó là những tuyên bố hấp tấp nhằm kêu gọi sự ủng hộ cho chiến dịch tranh cử của ông Jonathan, đồng thời cảnh báo phiến quân Hồi giáo vẫn có khả năng thực hiện những cuộc tấn công chớp nhoáng.
Cố vấn an ninh quốc gia Mike Omeri ngày 18.3 cho biết "cuộc công kích cuối cùng" sắp diễn ra. Trong khi đó, phó giám đốc Mark Schroeder, chuyên gia về châu Phi của công ty cung cấp thông tin tình báo chiến lược Stratfot cho biết nhóm phiến quân chưa thật sự bị đánh bại.
"Cũng giống như tuyên bố vội vã của Tổng thống Bush (Mỹ) vào năm 2003 về việc hoàn thành nhiệm vụ tại Iraq. Nhưng rõ ràng là Iraq ngày nay vẫn đang đấu tranh với phiến quân Hồi giáo", ông Schroeder so sánh với tuyên bố tự tin của tổng thống Nigeria.
Thủ lĩnh Abubakar Shekau của Boko Haram tuyên bố sẽ chống phá cuộc bầu cử - Ảnh: AFP
Một số nhà quan sát nhận định, sau khi gia nhập tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), phiến quân Boko Haram sẽ quay về với hình thức chiến tranh du kích. Chuyên gia Nnamdi Obasi thuộc Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) cho rằng Boko Haram mặc dù không thể chiếm thêm lãnh thổ nhưng luôn có thể phá rối các cuộc bầu cử, theo tờ Le Point.
"Tại nhiều vùng ở bang Borno, cái nôi của Boko Haram, tình hình an ninh luôn mong manh và những người lưu vong sẽ không thể tham gia bầu cử. Trong khi đó, những địa điểm khác trong vùng sẽ tiến hành bầu cử trong tâm thế lo lắng, bất an", ông Obasi nói.
Trong khi đó, quân đội Nigeria lại chưa sẵn sàng để đối đầu lại Boko Haram, nhất là sau khi tổ chức này liên kết với IS. Ngày 19.3, Boko Haram đã sát hại 11 dân thường tại thị trấn Gamboru, điều này cho thấy những khó khăn trong nỗ lực kết thúc bạo lực tại Nigeria. Cuộc tấn công này cũng thể hiện rõ khả năng phối hợp yếu kém giữa các quốc gia liên minh. The Guardian dẫn lời người dân địa phương cho hay sau khi chiếm lại được thị trấn, quân lính Chad đã rời đi mà không có người thay thế.
Nỗi sợ hãi về an ninh trong ngày bầu cử đang hiện hữu sau hàng loạt vụ tấn công đẫm máu tại miền bắc vài tuần gần đây, và sau khi thủ lĩnh Boko Haram, Abubakar Shekau tuyên bố sẽ phá hoại cuộc bầu cử.
Cuộc bầu cử tổng thống Nigeria sẽ diễn ra vào ngày 28.3 tới và sẽ chỉ có khoảng 68 triệu người tham gia bầu cử trên tổng số 173 triệu dân. Phe đối lập cho rằng kết quả bầu cử sẽ không đáng tin nếu hàng triệu người tị nạn ở miền bắc không thể đi bầu. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Attahiru Jega đảm bảo rằng các thùng phiếu sẽ được đưa đến các khu trại để mọi người có thể bỏ phiếu.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Phát hiện 100 thi thể bị sát hại dã man - Đại tá Azem Bermandoa Agouna hôm 20-3 cho hay các binh sĩ của quân đội Nigeria đã phát hiện khoảng 100 thi thể nằm dưới chân cầu gần thị trấn Damasak được lực lượng Chad và Niger giải phóng hôm 9-3. Ông Agouna có mặt tại hiện trường cho biết "100 thi thể này nằm cạnh nhau dưới chân cầu bên ngoài...