Vì sao Bộ Y tế “bỏ quên” 146 trẻ chết vì sởi?
Trong báo cáo dịch bệnh 6 tháng đầu năm 2014, Bộ Y tế không nhắc đến dịch sởi đã cướp đi sinh mạng của 146 trẻ, khiến cho cả triệu gia đình điêu đứng. Phải chăng Bộ Y tế mắc căn bệnh thành tích?
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, dịch bệnh năm 2014 giảm đáng kể so với năm 2013, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm. Báo cáo chỉ ra cụ thể như sau: Kết quả giám sát nhiều dịch bệnh lưu hành có số mắc và tử vong thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013:
Bệnh viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS-CoV), Cúm A(H7N9) tiếp tục được ngăn chặn, không xâm nhập vào Việt Nam. Bệnh tay chân miệng có số mắc giảm 4,8%, tử vong giảm 10 trường hợp. Sốt xuất huyết có số mắc giảm 49,1%, tử vong giảm 06 trường hợp.
Trẻ nằm điều trị sởi tại BV Nhi Trung ương
Bệnh nhân sốt rét giảm 45,93%, bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét giảm 13,64%, không có dịch sốt rét xảy ra. Viêm não vi rút có số mắc giảm 10,8%, tử vong giảm 06 trường hợp. Bệnh dại có số tử vong giảm 14 trường hợp. Bệnh liên cầu lợn có số mắc giảm 72%, tử vong giảm 01 trường hợp. Các bệnh truyền nhiễm khác đều có số mắc giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2013 và không ghi nhận ổ dịch tập trung.
Nhiều gia đình kiệt quệ vì dịch sởi. Ảnh VNN
Trong bảng báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm 2014 của Bộ Y tế, nhiều người thở phào vì công tác phòng chống dịch bệnh của ngành y đạt kết quả tốt.
Song, ngạc nhiên thay, Bộ Y tế không nhắc một câu nào về dịch sởi, vốn đã lấy đi không ít nước mắt của nhiều gia đình, sức lực của các bác sĩ đã từng làm việc gần như quay cuồng trong 4 tháng từ tháng 2 đến tháng 5.
Video đang HOT
Chúng tôi xin nhắc lại con số đau lòng này: Tính từ đầu năm đến hết tháng 6 vừa qua cả nước có 146 trẻ tử vong có liên quan đến sởi. Con số đau lòng này chỉ thua dịch tay chân miệng lớn nhất từ trước đến nay (năm 2011 với 166 trẻ em tử vong!)
Trẻ điều trị sởi tại BV. Ảnh TT
Con số tử vong đó khiến người ta ám ảnh, nhất là khi dư luận đặt câu hỏi vì sao hơn 100 trẻ tử vong nhưng Bộ Y tế vẫn không công bố dịch mà chỉ thông báo dịch nằm trong tấm kiểm soát?
Nhớ lại cách đây 2 tháng, nước mắt đã rơi không biết chừng nào ở tâm của dịch sởi. Nhiều bác sĩ chứng kiến các thiên thần không qua khỏi đã phải rơi nước mắt.
Ông Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã khóc khi đón một vị lãnh đạo cao cấp tới thăm và thị sát tình hình khám, chữa bệnh sởi trong những ngày đỉnh dịch. Những giọt nước mắt ấy và quang cảnh đau đớn trong những phòng bệnh không chỉ của riêng người nhà bệnh nhi mà có cả của bác sĩ.
Khi chúng tôi ghé thăm khoa Truyền nhiễm bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã thốt lên rằng họ không biết nghỉ ngơi là gì. Có những điều dưỡng mang bầu vẫn cặm cụi chăm sóc trẻ bị sởi. Có những đôi bàn tay đã chảy máu, khô cứng lại vì tần suất làm việc cao. Họ không thể bóc được những lọ thuốc tiêm.
Người dân cả nước không bao giờ quên những nỗi đau nơi tâm sởi.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường – Bệnh viện Đa Khoa Xanh pôn còn thốt lên rằng “các bệnh nhân của tôi khổ quá, giường bệnh tràn ra cả hành lang vẫn không có chỗ cho các cháu nằm”. Nhìn trẻ nhỏ bị sởi phải nằm điều trị ở hành lang, bác sĩ, điều dưỡng chỉ còn biết lau giọt nước mắt và tự mình an ủi cố gắng vì tình thương giữa con người với con người.
Trước tình hình đó, nhiều chuyên gia y tế cho rằng phải công bố dịch bệnh để cả hệ thống chính trị vào cùng chống dịch. Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm nguyên giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương đã cho rằng cần công bố dịch để có thể kiểm soát dịch tốt hơn.
Vậy mà Bộ Y tế vẫn cho rằng không phải công bố dịch và chỉ công bố khi nào có hai tỉnh thành phố công bố dịch. Có lúc, Bộ cho rằng dịch sởi xảy ra là do tuyến dưới thực hiện thờ ơ. Hàng loạt các công văn, văn bản chỉ đạo gửi đi từ lâu nhưng địa phương không để ý.
Điều này đã khiến dư luận sôi sục. Người ta cho rằng Bộ Y tế vẫn muốn giữ thành tích thanh toán bệnh sởi trong vài năm tới và giấu dịch. Và đến nay, Bộ Y tế một lần nữa “bỏ qua” dịch sởi khi không đưa vào báo cáo tình hình các bệnh dịch đầu năm 2014, vẫn tiếp tục khẳng định tỷ lệ trẻ tử vong năm nay thấp hơn năm 2012, 2013.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao Bộ Y tế không đưa thiệt hại về người của dịch sởi vào trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2014, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, hiện nay dịch sởi không còn nóng, bệnh chỉ xuất hiện rải rác, không tập trung như trước nữa, nên chúng tôi không đưa vào báo cáo này!
Với câu trả lời này, những ông bố, bà mẹ có con không qua khỏi vì sởi hẳn sẽ rất chua xót khi cái chết của con họ đã bị Bộ Y tế bỏ quên chỉ vì bệnh thành tích! Và không biết, với căn bệnh thành tích này, liệu sẽ còn những đứa trẻ nào tiếp tục phải bỏ mạng khi dịch bệnh không được quan tâm đúng với sự nguy hiểm của nó?
Việc tổng kết rút kinh nghiệm từ công tác phòng chống dịch, đặc biệt là dịch sởi thời gian qua, là hết sức cần thiết đối với ngành Y. Nếu còn tiếp tục “quên” như báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm này, liệu chúng ta có thể hy vọng gì vào việc cải thiện tình hình dịch bệnh thời gian tới?
Theo Infonet
Hậu dịch sởi, những chuyện cảm động bây giờ mới kể
Kể từ sau Tết Giáp Ngọ, khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) luôn trong tình trạng quá tải. Nhất là khi dịch sởi bước lên giai đoạn đỉnh điểm. "Có nhiều hôm, các bác sỹ phải làm việc liên tục gần 24 tiếng đồng hồ" - PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng nhớ lại.
Trốn vào toilet để khóc vì thương bệnh nhân
Cho đến tận ngày hôm nay, chị Nguyễn Thị Hương Thảo (Điều dưỡng viên Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) vẫn còn nhớ rõ không khí khẩn trương những ngày bệnh sởi hoành hành dữ dội. Chị Thảo cho biết: "Hơn 10 năm làm điều dưỡng, chưa khi nào tôi thấy cường độ làm việc cao như thời gian qua. Đang chăm sóc cho bệnh nhân này thì đã có người nhà bệnh nhân kia hốt hoảng gọi. Thế là lại vội vội vàng vàng chạy sang. Nhiều hôm bệnh nhân đông quá, khoa không đủ máy thở, chúng tôi lại phải thay nhau bóp bóng thở thủ công cho các cháu. Có hôm đến giờ thay ca mới nhớ cả ngày mình chưa ăn cơm, uống nước. Có lẽ cơ thể mình cũng hiểu những ngày này có nhiều việc để làm nên tối giản nhu cầu chăng?".
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hương Thảo đang chăm sóc cho bệnh nhi
Chị Thảo cũng cho biết, chị từng chứng kiến nhiều đợt dịch viêm não, tay chân miệng, dịch cúm nguy hiểm nhưng dịch sởi năm nay là chưa từng thấy. Các y, bác sỹ trong khoa đều cố gắng hết sức, nhưng vẫn không tránh khỏi việc phải chứng kiến nhiều bé ra đi. "Nhìn em bé hôm trước mình còn chăm sóc, hôm nay đã không còn trên đời bản thân mình cũng buồn lắm. Có hôm phải trốn vào toilet đóng chặt cửa khóc một mình. Tôi cũng là một người mẹ, cũng có con nhỏ, tôi không thể nào tưởng tượng mình sẽ ra sao nếu con mình như thế. Nhưng mà trước mặt bệnh nhân và người nhà, tôi vẫn phải tỏ ra cứng cỏi và trấn an họ. Vì bệnh nhân họ tin vào bệnh viện, tin vào y, bác sỹ. Nếu mình cũng yếu đuối thì họ biết bấu víu vào ai?".
Không dám ôm con vì sợ lây bệnh
Nếu như chị Nguyễn Thị Hương Thảo phải nén khóc khi chứng kiến gia đình và bệnh nhi giành giật cơ hội sống từ tay tử thần thì chị Trần Thị Oanh (Bác sỹ Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) lại phải nén lòng không dám ôm con vì sợ con bị lây bệnh sởi.
"Nhìn thấy các bé đau đớn vì sởi, chưa khi nào tôi thấy nhớ và thương con đến thế". Chị Oanh chia sẻ, những ngày đỉnh cao của dịch, chị thường có mặt ở bệnh viện lúc 7h30 sáng hôm trước và về nhà vào 8h30 sáng ngày hôm sau. "Trước khi về tôi đã phải tắm rửa, gội đầu sạch sẽ. Thậm chí còn dùng cả cồn để sát trùng giày dép, điện thoại, túi xách... Thế nhưng, khi về nhìn thấy con cũng không dám ôm vì sợ con bị lây sởi từ mầm bệnh mẹ mang ở bệnh viện về. Nhiều hôm nhìn con rõ tủi thân mà bản thân mình cũng buồn ghê lắm. Nhưng tất cả là vì con, mình không thể làm khác đi được".
Ấy vậy mà, con chị Oanh vẫn bị sốt. Khi nhận được điện thoại của chồng, chị đã vội vàng chạy về nhà, tự mình kiểm tra sức khỏe cho con. Chị Oanh nhớ lại: "Mặc dù kiểm tra đi kiểm tra lại mấy lần không thấy con có biểu hiện gì của bệnh sởi cả nhưng lòng mình vẫn nặng trĩu. Nếu ngộ nhỡ con mà bị sởi thì chắc mình sẽ dằn vặt bản thân mãi thôi. Nhưng may mà cháu chỉ bị sốt virus, 3 ngày sau là khỏe lại bình thường".
Học được từ bệnh nhân sự lạc quan
Khi được hỏi điều gì đọng lại trong tâm trí khi dịch sởi đi qua, cả chị Thảo và chị Oanh đều không ngần ngại trả lời rằng đó chính là sự lạc quan. Chị Oanh tâm sự: "Có đi qua đau thương, mất mát mới thấy yêu thêm ý nghĩa của cuộc đời. Cũng sau dịch sởi, mình biết trân trọng hơn những khoảnh khắc ở gần con, những giây phút hiếm hoi, ít ỏi bên gia đình".
Chị Thảo cũng nhớ lại: "Tôi nhớ mãi bệnh nhi tên là Nguyễn Ngọc Quyên, 22 tháng tuổi bị dị tật bẩm sinh được chuyển lên từ bệnh viện Thanh Nhàn. Cháu nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Lúc đó, các bác sỹ trong khoa đã chuẩn bị tâm lý rằng cháu sẽ không thể qua khỏi. Nhưng bố mẹ cháu không hề lo sợ mà rất lạc quan. Đi đến đâu 2 vợ chồng cũng nở nụ cười thân thiện. Họ còn giúp đỡ, động viên những gia đình các bệnh nhi khác. Đặc biệt là ông bố, lúc nào cũng ôm con trong tay, hát cho con nghe. Ngay cả lúc bé thở máy, bố cũng không rời khỏi bé. Có lẽ chính tình yêu thương và sự lạc quan của gia đình mà bé Quyên đã chiến thắng được bệnh tật và ra viện sớm hơn. Đó là một kỳ tích".
Theo Tri Thức Trẻ
142 trẻ tử vong do sởi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa có báo cáo gửi riêng các ĐBQH về một số vấn đề ĐB và cử tri quan tâm, liên quan đến trách nhiệm quản lý của ngành y tế vừa qua, trong đó có dịch sởi. Ảnh minh họa Báo cáo cho biết đến nay đã ghi nhận 142 trường hợp tử vong do...