Vì sao Bộ trưởng Y tế không ngồi “ghế nóng” trả lời chất vấn?
Tổng thư ký QH sáng 9.11 đã giải thích vì sao Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không ngồi “ghế nóng” trả lời chất vấn tại kỳ họp này dù nhận được 18/59 lượt đoàn đại biểu QH yêu cầu chất vấn, đứng đầu danh sách các Bộ trưởng được yêu cầu chất vấn.
Sáng 9.11, Tổng thư ký Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc đã giải thích về các tiêu chí lựa chọn vấn đề nóng sẽ được đưa ra mổ xẻ tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 4, QH khoá XIV đang diễn ra.
Theo đó, trên cơ sở tổng hợp ý kiến đề xuất của các đoàn đại biểu QH, các chất vấn bằng văn bản của đại biểu QH, nội dung nổi lên trong 2 ngày rưỡi thảo luận tại hội trường về kinh tế – xã hội vừa qua và các kiến nghị của cử tri, QH đã chọn ra các nhóm vấn đề chất vấn.
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc: “Không phải không chất vấn là không động đến” – Ảnh: Hoài Dương
Thứ nhất, nhóm vấn đề về công tác quản lý thuế, trong đó tập trung giải quyết nợ đọng thuế; hải quan; quản lý nợ công an toàn, đảm bảo an toàn nền tài chính. Đăng đàn trả lời nhóm vấn đề này là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ngoài ra, Phó thủ tướng phụ trách Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng phối hợp trả lời.
Thứ 2, nhóm vấn đề liên quan điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo hỗ trợ sản xuất, tăng trưởng tín dụng an toàn, các ngân hàng yếu kém, giải pháp an toàn hiệu quả cho các ngân hàng. Với nhóm này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ lên “ghế nóng”, bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính… “chia lửa”.
Nhóm 3 là việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, quản lý nhà nước về báo chí truyền thông, xã hội hoá các chương trình phát thanh truyền hình; định hướng tuyên truyền. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trả lời về nhóm này. Ngoài ra, có sự tiếp sức của Phó Thủ tướng Võ Đức Đam cùng các Bộ trưởng: Công an, Quốc phòng, Văn hoá- Thể thao và Du lịch…
Nhóm 4 là giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là xét xử hành chính, thái độ phục vụ của cán bộ công chức toà án, cải cách tư pháp. Chánh án TAND Tối cao đăng đàn trả lời, cùng đó, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình và các thành viên Chính phủ khác làm rõ thêm.
Video đang HOT
Cuối cùng, QH dành nửa buổi để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trả lời trước cử tri, Quốc hội về những nội dung đại biểu chất vấn.
Giải thích lý do Bộ trưởng Bộ Y tế không đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 này, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay Bộ trưởng Y tế vừa trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, QH khoá XIV (kỳ họp đầu năm 2017). Hơn nữa, QH cũng đã có Nghị quyết về chất vấn, trong đó có vấn đề liên quan đến ngành y tế, đề cập đến vấn đề khám chữa bệnh, y tế, dịch bệnh, quản lý giá thuốc…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong một lần trả lời chất vấn trước đây tại Quốc hội.
“Hiện nay, Bộ trưởng đang triển khai thực hiện các Nghị quyết của QH. Vì thế, phải dành thời gian cho ngành thực hiện Nghị quyết này. Chưa đầy 1 năm mà chúng ta lại chất vấn ngay Bộ Y tế, trong khi đó nhiều ngành khác còn nhiều vấn đề bức xúc cần phải làm rõ”-ông Phúc lý giải.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký QH cũng lưu ý dù không thuộc danh sách được lựa chọn chất vấn nhưng không có nghĩa Bộ trưởng Bộ Y tế không trả lời các câu hỏi liên quan. “Trong quá trình chất vấn, trao đổi với Thủ tướng, nếu có câu hỏi, có thể Bộ trưởng Y tế cũng cần phải làm rõ những vấn đề của ngành mình. Không phải không chất vấn là không động đến”-ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.
Về nhóm yêu cầu chất vấn liên quan đến các trạm thu phí BOT trên các tuyến đường, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Ủy ban Thường vụ QH đã có đoàn giám sát chuyên đề về và đã có Nghị quyết về vấn đề này. Vì vậy, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cũng cần phải có thời gian để thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH.
“Bộ trưởng Bộ GTVT vừa mới nhậm chức, cần phải có thời gian tìm hiểu vấn đề trong ngành mình quản lý. Cho dù Bộ trưởng đã từng làm Thứ trưởng bộ này nhưng do đã đi cơ sở 3 năm nên cũng cần thời gian cập nhật lại. Thế nên, vấn đề của ngành giao thông chuyển sang thời gian phù hợp khác” -ông Nguyễn Hạnh Phúc nói thêm.
Theo Phương Nhung (Người Lao Động)
Đại biểu muốn chất vấn, sao Bộ trưởng Giao thông, Y tế không đăng đàn?
Khi thăm dò ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, có 18 đoàn muốn chất vấn Bộ trưởng Y tế về quản lý nhập khẩu thuốc, 4 đoàn cùng muốn chất vấn cả Bộ trưởng GTVT và Thủ tướng về BOT nhưng cả 2 vị tư lệnh ngành không được chọn đăng đàn. UB Thường vụ Quốc hội giải thích lý do cụ thể...
Ngày 8/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ký báo cáo kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tổ chức hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Theo thống kế, đến 14h ngay 7/11/2017, có 443 văn bản ý kiến của đại biểu Quốc hội gửi về. Đại đa sô y kiên đai biêu nhất trí vơi cách đặt vấn đề, cách thức tổ chức, dự kiến thời gian tổ chức hoạt động chất vấn, số lượng người trả lời chất vấn, tiêu chí lựa chọn và nôi dung cac nhom vân đê do UB Thường vụ đề xuất.
Cụ thể, có 393/443 đại biểu đồng ý chọn nhóm vấn đề tài chính, 377 vị chọn thông tin và truyền thông, 345 chọn ngân hàng, 335 người chọn toà án và 315 chọn lao động - thương binh và xã hội.
Tại kỳ họp trước, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn trả lời chất vấn ngày 14/6/2017.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, một số ý kiến đề nghị chất vấn về công tác khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế; phòng, chống dịch bệnh, y tế dự phòng, quản lý giá thuốc và chất lượng thuốc chữa bệnh. Đại biểu cũng muốn chất vấn về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tổ chức mô hình hợp tác xã, nông thôn mới, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo UB Thường vụ Quốc hội, đây đều là những vấn đề nổi lên trong đời sống xã hội, được đai biêu Quốc hội, cử tri quan tâm. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những nội dung nêu trên đã được Quốc hội yêu cầu có những giải pháp cụ thể để khắc phục, tạo chuyển biến trong thời gian tới. Do vậy, xin không đưa nội dung nêu trên vào nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 4.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị chất vấn về những vấn đề liên quan đến đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT, về định mức kinh tế-kỹ thuật, đơn giá xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý vốn ODA.
UB Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng đây đều là những vấn đề được đai biêu Quốc hội, cử tri và dư luận quan tâm.
Năm 2017, UB Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT" và ban hành nghị quyết về một số nhiệm vụ và giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập trong đầu tư các công trình giao thông theo hình thức này.
Ngoài những vấn đề trên, kết quả phiếu xin ý kiến còn ghi nhận một số ý kiến đề nghị bổ sung một số vấn đề về quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học; giải ngân vốn xây dựng cơ bản; về quản lý rừng; việc bán, cho thuê đất đai, tài sản công; về bảo hiểm xã hội...
UB Thường vụ Quốc hội vẫn khẳng định đây đều là những vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm nhưng do thời lượng dành cho hoạt động chất vấn có hạn, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn, đặc biệt là ưu tiên những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội lựa chọn (qua phiếu xin ý kiến) nên đề nghị xin được xem xét để tổ chức chất vấn các nội dung nêu trên tại kỳ họp Quốc hội hoặc phiên họp UB Thường vụ Quốc hội vào thời điểm thích hợp.
Vì vậy, việc Bộ trưởng Tài chính - Thông tin truyền thông, Thống đốc NHNN và Chánh án TAND Tối cao vào danh sách chất vấn chính thức lần này được khẳng định là đã cân nhắc nhiều mặt.
Sau phần đăng đàn của 4 bị này, theo nghị trình, Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn sau cùng, vào chiều 18/11.
Và với Thủ tướng, nội dung các nhóm vấn đề chất vấn không giới hạn. Kết quả phiếu xin ý kiến cũng đã cho biết có 16 nhóm vấn đề đại biểu muốn chất vấn Thủ tướng, từ BOT cho đến 12 dự án "đắp chiếu" của ngành công thương.
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ Y tế không đề nghị xử phạt bác sĩ "bôi nhọ" Bộ trưởng Về việc 1 bác sĩ bị xử phạt vì "bôi nhọ" Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đại diện Bộ này ngày 20-10 khẳng định không hề ra văn bản đề nghị địa phương xử phạt. Liên quan đến thông tin bác sĩ Hoàng Công Truyện, Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, bị xử...