Vì sao Bộ Công Thương không công khai Liên Kết Việt lừa đảo?
Theo Bộ Công Thương, việc công bố quyết định xử phạt hành chính chậm và không cảnh báo Liên Kết Việt lừa đảo của Bộ là thực hiện theo đúng quy định của Luật Cạnh tranh.
Trong văn bản trả lời báo chí ngày 8/3, Bộ Công Thương cho biết ngày 15/7/2015, Bộ đã kết hợp với Sở Công Thương Hà Nội kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp của công ty Liên Kết Việt.
Với các dấu hiệu vi phạm ban đầu của công ty này, Cục quản lý cạnh tranh đã quyết định thực hiện điều tra chính thức vào tháng 10/2015, và có văn bản xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật vào ngày 20/11/2015. Số tiền xử phạt là 570 triệu đồng cho 5 nhóm hành vi vi phạm cụ thể.
Sự bất hợp tác của những người tham gia hệ thống khiến hoạt động kiểm tra của Bộ Công Thương gặp khó khăn. Ảnh: LK.
Sau đó, tháng 11/2015, Cục quản lý thị trường đã phối hợp với C46, Bộ Công an cùng Công an quận Cầu Giấy làm việc với công ty này. Các hồ sơ thu thập sẵn, cùng đơn thư khiếu nại tố cáo đã được chuyển tới C46 để xử lý theo thẩm quyền.
Việc xử lý vi phạm hành chính của Liên Kết Việt là hoạt động nằm trong trách nhiệm của Bộ Công Thương, nhưng việc công bố thông tin xử phạt lại phụ thuộc vào quy định của Luật Cạnh tranh. Theo đó, chỉ trong một số trường hợp nhất định, quyết định này mới được công bố công khai, và Liên Kết Việt không thuộc trường hợp cần công bố.
Về việc công bố Liên Kết Việt lừa đảo, cơ quan của Bộ Công Thương cho rằng chỉ có cơ quan công an mới đủ năng lực, thẩm quyền để điều tra, xác minh hành vi lừa đảo. Do chưa có kết luận cuối cùng của phía cơ quan công an nên Cục quản lý cạnh tranh chưa thể đưa ra các cảnh báo với người dân.
Video đang HOT
Riêng về phía Liên Kết Việt, ngày 3/3 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhân đăng ký kinh doanh hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp này, do không còn đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo luật định.
Trước đó, trao đổi với báo chí sáng 8/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, ông rất đau xót với những mất mát và hoàn toàn thông cảm với các nạn nhân của Liên Kết Việt. “Chúng tôi kêu gọi tất cả người dân, báo chí, khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào vi phạm Nghị định 42 thì gọi đến đường dây nóng Cục Quản lý Cạnh tranh”, ông bày tỏ.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, cho đến khi Cục Quản lý Cạnh tranh ra quyết định điều tra vụ việc, Bộ không nhận được bất cứ khiếu nại nào về Liên Kết Việt, thậm chí người tham gia hệ thống còn không hợp tác điều tra.
Theo Zing News
Vụ Liên Kết Việt: Nụ cười của Cục trưởng và nước mắt của nạn nhân
Đằng sau nụ cười gượng gạo và sự im lặng đến khó tin của Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh là nước mắt của hàng ngàn gia đình, hàng vạn nạn nhân của vụ Liên Kết Việt.
Sự kiện hàng loạt lãnh đạo Công ty đa cấp Liên Kết Việt bị khởi tố và bắt giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt1.900 tỷ đồng của hơn 6 vạn người dân đã gây sốc trong dư luận.
Dưới vỏ bọc là một đại tá quân đội bệ vệ (dù đã xuất ngũ 15 năm trước, chỉ với lon đại úy), lại được sự "hỗ trợ" (không biết vô tình hay cố ý) của hàng loạt sỹ quan quân đội đã nghỉ hưu, chỉ trong vòng 1 năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Liên Kết Việt Lê Xuân Giang cùng các đồng phạm đã lôi kéo 62.000 người tham gia mạng lưới.
Theo cơ quan điều tra, người nộp ít nhất vào tài khoản cho công ty này là 8,6 triệu đồng, người nhiều lên tới hàng chục tỷ đồng. Số tiền tài khoản của Liên Kết Việt thu từ dân lên tới 1.900 tỷ đồng, chưa kể khoản thu trực tiếp.
Các hành vi lừa đảo của lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt tinh vi và trắng trợn ra sao, cơ quan chức năng đang điều tra và những người liên quan sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.
Nhưng điều đáng nói ở đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước khi để xảy ra vụ việc lừa đảo nghiêm trọng này trong một thời gian dài.
Trả lời phỏng vấn VTV hôm 1/3, ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tự tin khẳng định, Cục đã làm hết trách nhiệm giám sát, kiểm tra đối với hoạt động phi pháp của Liên Kết Việt.
Hàng loạt lãnh đạo Công ty đa cấp Liên Kết Việt bị khởi tố và bắt giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt1.900 tỷ đồng của hơn 6 vạn người dân đã gây sốc trong dư luận.
Ông dẫn chứng, chỉ 7 tháng sau khi Liên Kết Việt được cấp phép kinh doanh đa cấp, Cục đã lập đoàn kiểm tra Liên Kết Việt, phát hiện 10 vi phạm tại Công ty này và xử phạt với tổng số tiền lên tới hơn nửa tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Cục trưởng quên mất rằng, báo chí đã tiên phong góp phần phanh phui vụ việc. Cũng chính báo chí đã chủ động cung cấp bằng chứng quan trọng cho Cục, 5 tháng trước khi vụ việc bị khởi tố.
Không những thế, việc kiểm tra của Cục chức năng thực hiện một cách "máy móc" và cứng nhắc. Người đứng đầu Cục quản lý cạnh tranh đã trần tình thế này, cơ quan đã kiểm tra các nội dung theo Nghị định 42/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.....
Và thế là, những hành vi lừa dối trắng trợn như việc lãnh đạo Công ty sử dụng bình phong là "sỹ quan cao cấp quân đội", làm giả lễ đón nhận bằng khen của Thủ tướng... tỏ ra hữu dụng trong việc lừa phỉnh, dụ dỗ các con mồi, và dễ dàng qua mặt được cơ quan quản lý.
Khi phóng viên đặt câu hỏi: "Gần cuối năm 2015, Cục đã có quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với Liên Kết Việt, vì sao ngay thời điểm đó Cục không công khai kết quả điều tra, xử lý cho người dân được biết bởi nếu kết quả được công khai sớm, có thể rất nhiều người đã không rơi vào bẫy đa cấp của Liên Kết Việt?", ông Cục trưởng đã lúng túng, đáp lại chỉ là một nụ cười gượng gạo. Và sự im lặng hoàn toàn!
Một nụ cười như vậy trong bối cảnh đó không khỏi khiến người ta nhận ra nhiều thứ. Có người coi đó như một lời thừa nhận sự bất lực của cơ quan quản lý trong việc ngăn chặn "vòi bạch tuộc" siêu lừa vươn ra 27 tỉnh thành chỉ trong chưa đầy một năm.
Nụ cười gượng và sự im lặng của ông Bạch Văn Mừng còn cho thấy một khoảng trống mênh mông về cơ chế trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với những giọt nước mắt của bà cụ 90 tuổi, cả đời ky cóp được 100 triệu đồng, tin tưởng gửi vào Liên Kết Việt để rồi mất trắng; là nước mắt tức tưởi của người mẹ có con bại liệt nay cũng trắng tay vì Liên Kết Việt; là nỗi xót xa của người đàn bà vùng quê nghèo Hải Dương tan cửa nát nhà cũng vì Liên Kết Việt...
Những nạn nhân ấy, họ sẽ nghĩ gì khi nhìn nụ cười gượng của ông Cục trưởng hôm qua, trên ti vi?
Thứ trưởng Bộ Công Thương khi trả lời báo chí, cũng không khỏi "ngạc nhiên" khi các địa phương đã không hề lên tiếng cảnh báo người dân.
Chỉ chừng ấy thôi đã khiến cho dư luận không khỏi thôi nghĩ rằng ông và Cục trưởng Bạch Văn Mừng đã quên mất rằng, một trong những chức năng chính của Bộ Công Thương nói chung và Cục Quản lý cạnh tranh nói riêng là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm cả trách nhiệm phải công khai danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục... để cảnh báo người dân.
Hàng loạt sai phạm của Liên Kết Việt được phát giác từ tháng 7/2015, được cơ quan báo chí cung cấp bằng chứng, rồi chuyển tài liệu cho cơ quan điều tra.... Nếu như ngay vào thời điểm đó, các vị ấy ngay tức lên tiếng chính thức trên các phương tiện truyền thông, thì phần nào đã có thể ngăn chặn được hàng nghìn người khác lao như thiêu thân vào siêu lừa Liên Kết Việt.
Giờ thì đã quá muộn! Phía sau nụ cười gượng của người có trách nhiệm là những giọt nước mắt của hàng nghìn gia đình, hàng vạn nạn nhân!
Theo VietNamNet
Giải mã những sai phạm của Công ty Liên kết Việt Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng trả lời phỏng vấn PV về vụ án Công ty Liên kết Việt. - PV: Thưa Cục trưởng, cho đến thời điểm này xin ông cho biết những kết quả điều tra có thể công bố được của cơ quan điều tra về...