Vì sao bệnh bạch hầu bùng phát tại Đắk Nông?
Vì sao tại Đắk Nông lại xuất hiện nhiều ca bệnh bạch hầu như vậy? Liệu đây có phải là hệ quả của trào lưu anti vaccine hay không?
Liên quan đến các ổ dịch bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông, đến nay, đã ghi nhận 12 trường hợp dương tính với bệnh này, trong đó 1 bé gái 9 tuổi ở xã Quảng Hòa, huyện Đăk Glong đã tử vong. Dù Việt Nam chưa thanh toán được bệnh bạch hầu nhưng đã có vaccine phòng bệnh. Vậy vì sao tại Đắk Nông lại xuất hiện nhiều ca bệnh bạch hầu như vậy? Liệu đây có phải là hệ quả của trào lưu anti vaccine hay không? Bộ Y tế có giải pháp gì phòng chống dịch bệnh bùng phát diện rộng?
Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng ban điều hành dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Khu vực điều trị bệnh nhân bạch hầu tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên.
PV: Thưa bà, bạch hầu là bệnh hiếm gặp nhưng đang liên tiếp xuất hiện tại Đắk Nông, trong đó 1 bé gái đã tử vong và hàng trăm người đang phải cách ly, theo dõi. Nguyên nhân nào khiến dịch bệnh bùng phát và gây hậu quả nghiêm trọng như vậy?
Bà Dương Thị Hồng: Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) hơn 30 năm qua đã triển khai tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em dưới 1 tuổi. Chính vì vậy chúng ta đã khống chế cơ bản bệnh bạch hầu, số ca mắc gần đây chỉ là rải rác nhưng là điều trăn trở của Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Nguyên nhân xuất hiện dịch bệnh này là đối với những tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn khó tiếp cận với hoạt động tiêm chủng, đồng thời cũng chưa nắm được đầy đủ thông tin cũng như chưa hiểu rõ về vai trò quan trọng của vaccine trong việc phòng chống bệnh bạch hầu. Chính vì vậy con của họ không được tiêm hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ nên dễ mắc bệnh.
Video đang HOT
Mặt khác, theo thời gian, miễn dịch có được từ tiêm vaccine bạch hầu sẽ giảm dần theo thời gian nên nhiều trường hợp vẫn có thể mắc bệnh bạch hầu mặc dù trẻ đã tiêm đủ 3 mũi trước 1 tuổi.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để chủ động phòng bệnh bạch hầu hiệu quả các quốc gia cần tiêm vaccine có thành phần bạch hầu cho trẻ em với lịch tiêm chủng 6 mũi lần lượt là trước 1 tuổi tiêm 3 mũi, lúc 12-23 tháng tiêm mũi 4, lúc 4-7 tuổi tiêm mũi 5 và khi 9-15 tuổi tiêm mũi 6.
PV: Bà vừa nói đến việc tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu, vậy Chương trình Tiêm chủng mở rộng có giải pháp gì để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng?
Bà Dương Thị Hồng: Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, Dự án TCMR sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh tăng cường công tác tiêm chủng, tiêm vét cho trẻ chưa đủ 4 mũi tiêm trước 24 tháng tuổi, đồng thời triển khai tiêm bổ sung vaccine uốn ván – bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi tại các vùng nguy cơ cao.
Tại các địa phương miền núi khó khăn, để tăng cường việc tiếp cận đối tượng tiêm chủng, dự án TCMR sẽ tiếp tục triển khai các điểm tiêm chủng ngoài trạm y tế xã, mang vắc xin đến gần người dân hơn. Đồng thời, trong giai đoạn này, Dự án TCMR có thể tăng tần xuất thực hiện tiêm chủng tại các thành phố lớn, không chỉ tổ chức 2 buổi mỗi tháng như hiện nay.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ lây lan tại cộng đồng, Dự án TCMR cũng đã, đang và sẽ có những hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng tổ chức tiêm chủng an toàn, hiệu quả, đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch bệnh.
PV: Vậy bà có khuyến cáo như thế nào đối với người dân và chính quyền địa phương trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh bạch hầu?
Bà Dương Thị Hồng: Điều quan trọng là các ông bố bà mẹ cần tuân thủ tuyệt đối lịch tiêm chủng cho con mình. Để nâng cao miễn dịch phòng bệnh cho trẻ, bên cạnh việc tiêm chủng đầy đủ cho con theo lịch, cha mẹ cũng lưu ý việc cho trẻ tiêm trong các chiến dịch, hoạt động tiêm bổ sung do Bộ Y tế tổ chức. Hãy tự trang bị cho con mình hành trang tốt nhất là sức khỏe – phòng tránh một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắc xin dự phòng hiệu quả nhất là tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch.
PV: Vâng, xin cảm ơn bà!./.
Chưa tìm được nguồn lây ổ dịch bạch hầu
Đại diện Sở Y tế cho biết đến nay không xác định được nguồn lây bệnh bạch hầu trên địa bàn, dù đã ghi nhận 12 ca trong đó một người tử vong.
"Đến nay không tìm được nguồn lây ban đầu F0, nguyên nhân gây bạch hầu vẫn đang tồn tại trong cộng đồng. Chúng tôi chỉ biết là ở ba ổ dịch đã được ghi nhận thì dân cư có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chỉ 52-65%", ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đăk Nông ngày 24/6 cho biết.
Ổ dịch thứ ba là cụm dân cư 12 thuộc xã Đăk R'măng, được ghi nhận ngày 23/6 với ba ca nhiễm mới nhờ xét nghiệm sàng lọc hơn 300 người dân, hôm nay không phát sinh thêm bệnh nhân. Em Giàng A Phủ, 13 tuổi, cư ngụ xã này, đang nguy kịch. Hai bệnh nhân khác sức khỏe ổn định. Cụm 12 xã Đăk R'măng cách trung tâm xã hơn 70 km, đường vào chỉ có thể đi bộ hoặc xe máy nên việc tiêm chủng gặp nhiều khó khăn, theo ông Hùng. Sau khi xuất hiện dịch, người dân mới chấp hành tiêm vaccine phòng bạch hầu.
Hiện Đăk Nông còn 6 bệnh nhân bạch hầu điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện đa khoa Đăk Nông, sức khỏe ổn định. Bốn người tuổi 9-15 tại xã Đăk Sôr, huyện Krông Nô, đã khỏi bệnh, xuất viện. Một tử vong, là bé gái 9 tuổi ở xã Quảng Hòa, huyện Đăk Glong.
Theo ông Hùng, đến chiều nay, dịch bạch hầu cơ bản đã được khoanh vùng, khống chế. Nhà chức trách đang mở rộng khám sàng lọc chủ động đến 5-6 khu dân cư của người H'mông sống rải rác trên địa bàn huyện Đăk Glong. Toàn bộ người dân ở khu vực này được lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu, nhằm phát hiện sớm để điều trị, lập danh sách tiêm chủng.
Nhà chức trách đang cách ly 355 người ở xã Quảng Hòa và 307 người tại xã Đăk R'măng. Hơn 1.200 người được điều trị dự phòng.
Bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu tại Trung tâm Y tế huyện Krông Nô. Ảnh: Ngọc Oanh.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết bệnh bạch hầu khi biến chứng rất nguy hiểm, bệnh nhân tử vong rất nhanh. Như bé gái 9 tuổi ở Đăk Nông, khi chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đã bị biến chứng vào tim, diễn biến bệnh quá nặng, mất chỉ sau 2 giờ nhập viện.
Theo bác sĩ Trường, bạch hầu không phải là bệnh mới, đã có vaccine phòng bệnh, nhưng năm nào cũng xuất hiện rải rác vài ổ dịch. Những năm qua bệnh viện tiếp nhận rải rác các ca bạch hầu, chủ yếu từ các tỉnh Tây Nguyên như Đăk Lăk, Kon Tum...
"Bệnh này có thể chủ động phòng ngừa bằng vaccine. Người bệnh được phát hiện sớm, điều trị bằng kháng sinh, thuốc kháng độc tố ngay khi bệnh khởi phát thì không nguy hiểm. Khi độc tố từ vi khuẩn bạch hầu biến chứng vào tim thì hầu như vô phương cứu chữa", bác sĩ Trường giải thích.
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn corynebacterium diphtheriae gây ra, lây qua các chất tiết đường hô hấp chứa vi khuẩn hoặc qua các chất dịch ở sang thương ngoài da. Triệu chứng ban đầu là sốt, ho, viêm họng, viêm mũi, nuốt đau, xuất hiện màng giả màu trắng ở vùng hầu họng.
Vi khuẩn từ các mảng trắng có thể tiết độc tố. Một số bệnh nhân bị độc tố này gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt khẩu cái làm thay đổi giọng nói, ăn uống sặc và khó nuốt, lú lẫn, nặng thì hôn mê sau đó tử vong. Một số trường hợp bị biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên.
Phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine 5 trong 1 thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng lúc bé 2, 3, 4 tháng tuổi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng. Khi có dấu hiệu bệnh hoặc nghi ngờ, phải cách ly, khám và điều trị kịp thời.
Đắk Nông: Cách ly một làng vì xuất hiện bệnh bạch hầu Chiều 22.6, ông Đặng Thành - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đắk Nông xác nhận đã cách ly 1 khu vực tại huyện Đắk G'long - nơi vừa xuất hiện nhiều ca nhiễm bệnh bạch hầu. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đắk Nông đã triển khai ngay các giải pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu theo quy định....