Vì sao bến xe lớn nhất TP.HCM chưa thể vận hành như kế hoạch?
Theo dự kiến, Bến xe Miền Đông mới sẽ vận hành giai đoạn 1 vào quý 1/2019, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoạt động như kế hoạch mà tiếp tục kéo dài.
Liên quan đến tiến độ dự án Bến xe Miền Đông mới ở quận 9 (TP.HCM), ông Lê Văn Pha, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco) cho biết hiện dự án đã hoàn thiện cơ bản được 90%.
Tuy nhiên, cũng theo ông Pha, vấn đề khó khăn nhất hiện nay chính là giao thông kết nối vào bến xe mới. Điển hình là đường kết nối giao thông giữa bến xe và xa lộ Hà Nội chưa đảm bảo, tuyến metro vẫn chưa hoàn thành.
Bến xe Miền Đông mới hiện đã hoàn thành được 90% kế hoạch.
Theo đó, tiến độ đưa bến xe vào khai thác chưa đồng bộ với tiến độ thi công các trục đường giao thông bên ngoài. Vậy nên, Bến xe Miền Đông mới dù có hoàn thành cũng khó đưa vào hoạt động khi đường ra vào bến chưa được mở rộng và kết nối với xa lộ Hà Nội.
Được biết, hiện Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (thuộc Sở GTVT) đã thực hiện các thủ tục và từng bước triển khai làm đường. Theo dự kiến, kế hoạch đầu tư đường kết nối phải đến năm 2020 mới hoàn thành.
Video đang HOT
Tuy nhiên, hiện giao thông kết nối từ xa lộ Hà Nội vào bến xe vẫn chưa được đảm bảo.
Tuy nhiên đến nay nhiều hạng mục phục vụ kết nối giao thông cho Bến xe Miền Đông mới như tuyến đường Song Hành, cầu vượt hầm chui, mở rộng đường Hoàng Hữu Nam, đường 12,… đến nay vẫn chưa được triển khai.
“Chúng tôi đang trao đổi với các đơn vị trên tinh thần giải quyết các hạng mục để bến xe được vận hành theo kế hoạch. Trường hợp không giải quyết được trọn vẹn, chúng tôi cũng cố gắng xử lý một phần nào đó”, ông Pha cho biết.
Tính đến nay, bến xe Miền Đông mới đã chậm trễ so với dự kiến ban đầu khoảng 2 năm.
Theo đề xuất của Samco, ngày 2/9 sẽ bắt đầu vận hành giai đoạn 1 của dự án Bến xe Miền Đông. Sở GTVT sẽ phối hợp để có kế hoạch phân luồng giao thông quanh khu vực, đảm bảo hoạt động của bến xe được suôn sẻ.
Dự án Bến xe Miền Đông mới nằm trên địa phận phường Long Bình (Quận 9, TP.HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương).
Hiện các hạng mục còn thiếu vẫn đang tiếp tục được thi công để kịp vận hành vào tháng 9/2019.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017 phải hoàn thành giai đoạn 1 gồm các hạng mục nhà ga trung tâm, khu vực đậu xe, khu vực đón trả khách, hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu và trạm xử lý nước thải để từng bước di dời Bến xe Miền Đông cũ.
Đến ngày 17/9/2018, dự án mới cất nóc khu nhà ga hành khách và phải kéo thời gian đưa dự án vào hoạt động từ quý 1/2019. Tuy nhiên, dù đã hết quý 1/2019, đến nay dự án vẫn chưa thể đưa vào hoạt động và dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 9/2019 mới vận hành giai đoạn 1.
Theo VTC News
Hơn 6.600 tỷ đồng nợ đóng bảo hiểm trong 2 tháng đầu năm
Hai tháng đầu năm 2019, tổng số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của cả nước là 6.654 tỷ đồng (tính cả lãi).
Tính đến hết tháng 2/2019, Công ty CP LILAMA 3 nợ tiền BHXH lên tới 32,201 tỷ đồng. Ảnh Internet
Thông tin này vừa được Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 3/2019.
Cụ thể, trong quý I/2019, cả nước đã thanh, kiểm tra việc đóng BHXH, BHYT, BHTN tại 823 đơn vị sử dụng lao động trên toàn quốc. Trong số 20 doanh nghiệp nợ BHXH lớn tại TP. Hà Nội và TP.HCM được liệt kê, Công ty CP LILAMA 3 nợ tới 32,201 tỷ đồng; Công ty TNHH Nam Phương nợ 28,904 tỷ đồng; Công ty CP Mai Linh Miền Nam nợ 27,959 tỷ đồng...
Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã chuyển hồ sơ của một số đơn vị nợ lớn và kéo dài sang cơ quan công an để điều tra, khởi tố theo quy định (tại TP. Hà Nội có 9 hồ sơ; tại TP.HCM có 1 hồ sơ).
Lý giải nguyên nhân tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Trước tiên là do ý thức chấp hành quy định của một số đơn vị sử dụng lao động chưa tốt. Một số đơn vị còn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động sử dụng vào mục đích khác. Bên cạnh đó, quy định về quản lý, xử lý nợ hiện vẫn còn thiếu và yếu. Mặt khác, thường những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, do việc dồn tiền trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nên chậm trễ trong việc đóng BHXH, BHYT và BHTN. Số lượng đơn vị phá sản, giải thể, mất tích và chủ bỏ trốn còn cao...
Để khắc phục tình trạng nợ nêu trên, tại Hội nghị, ông Đào Việt Ánh cho biết, năm 2019 toàn Ngành đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ thấp hơn năm ngoái xét theo cả năm và từng tháng BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt như giao chỉ tiêu đến từng cán bộ chuyên quản; yêu cầu cán bộ bám sát, đôn đốc đơn vị đóng đúng, đóng đủ; thanh tra đột xuất đối với những đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên... Nếu phát hiện đơn vị nào cố tình trốn đóng, BHXH sẽ kiến nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc hướng dẫn người lao động tố giác hành vi vi phạm với cơ quan công an để xử lý theo quy định.
Lê Xuân
Theo Baodauthau
Giá điện tăng 8,36%, áp lực với người thuê trọ Giá điện bình quân bán cho người thuê trọ chắc chắn sẽ tăng. Người thuê trọ sẽ thêm áp lực chi phí mới. Người thuê trọ lo lắng khi giá điện tăng Chị Hoàng Thùy Linh (sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) thuê trọ tại khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: "Vừa qua, chủ nhà trọ đã giảm tiền...