Vì sao bão số 6 liên tục mạnh lên, di chuyển khó lường?
Chuyên gia khí tượng cho biết bão số 6 khó dự đoán vì chịu tương tác của 3 hình thái trên dải hội tụ nhiệt đới liên hành tinh. Hiện có nhiều kịch bản khác nhau cho cơn bão này.
Sau hơn 2 ngày mạnh lên từ áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, bão số 6 (Nakri) được dự báo chuyển hướng, tiến gần đất liền với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 14 và có thể đạt cường độ mạnh nhất lên cấp 12, giật cấp 15.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định bão số 6 có thể đi vào đất liền các tỉnh Bình Định – Ninh Thuận vào ngày 10/11 với cường độ gió suy yếu hơn so với trước đó.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết dự báo này có thể thay đổi bởi bão số 6 đang chịu tác động của nhiều hình thái khác nhau khiến xu hướng di chuyển khó lường.
Tương tác của 4 cơn bão
Theo ông Hưởng, dải hội tụ nhiệt đới liên hành tinh nằm trên vùng xoáy thuận nhiệt đang có sự hoạt động của 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, bao gồm: Siêu bão Halong ở phía tây bắc Thái Bình Dương, bão số 6 – Nakri ở Biển Đông, vùng áp thấp nhiệt đới ở vịnh Bengal và bão Hanna ở Ấn Độ Dương.
“Đây là trường hợp đặc biệt khi cùng một lúc xuất hiện 4 vùng xoáy thuận nhiệt đới trên cùng một dải liên đại dương từ Ấn Độ Dương đến phía tây bắc Thái Bình Dương”, ông Hưởng nhận định.
Sự tương tác của siêu bão Halong cùng những hình thái thuận nhiệt đới trên Biển Đông khiến đường đi của bão số 6 khó lường. Ảnh: NCHMF.
Theo đó, siêu bão Halong được nhận định sẽ chi phối hoạt động của nhiều hình thái khác do cường độ mạnh chưa từng thấy, được dự báo mạnh hơn siêu bão Haiyan năm 2013.
Tương tác của siêu bão này sẽ khiến bão số 6 có hướng di chuyển khó lường. Nếu Halong đi lên phía bắc thì khí áp cao thuận nhiệt đới đẩy xuống, khiến bão số 6 di chuyển về phía tây. Khi kết hợp với không khí lạnh dịch chuyển và tác động thì bão số 6 hướng về đất liền với cường độ ngày càng mạnh lên.
Trong khi đó, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết bão số 6 liên tục tăng cấp là do đang di chuyển trên một vùng biển ấm. Các điều kiện động lực ngay tại khu vực bão hoạt động cũng thuận lợi để bão tích tụ năng lượng và mạnh lên.
Ngoài ra, không khí lạnh sẽ bắt đầu ảnh hưởng tới các tỉnh vùng núi phía Bắc trong ngày mai (7/11). Sự kết hợp của áp cao lạnh lục địa dồn xuống phía nam và không khí lạnh phía bắc tạo ra gió đông bắc rất mạnh ở rìa phía bắc của cơn bão, khiến bão số 6 tăng cấp nhanh.
Tuy nhiên, do còn nhiều vùng trung tâm khác tác động nên kịch bản di chuyển và cường độ bão số 6 sẽ liên tục thay đổi, khó lường.
Có thể suy yếu trước khi vào đất liền
Theo Trưởng phòng dự báo Khí hậu, các mô hình trên thế giới của Mỹ, Nhật, Hong Kong, Trung Quốc và Đài Loan hiện chưa có dự báo ổn định về hướng di chuyển và kịch bản đổ bộ của bão Nakri khi tiến vào đất liền. Đa số là dự báo tạm thời.
Cụ thể, Trung tâm Dự báo Thời tiết nguy hiểm châu Âu (Severe Weather Europe, trung tâm dự báo nổi tiếng trên thế giới) đưa ra nhận định rằng khi tiến gần về đất liền, bão số 6 có khả năng chệch hướng di chuyển xuống phía nam và suy yếu trước khi đổ bộ.
Trong khi đó, theo dự báo của Đài khí tượng Hong Kong, bão số 6 đạt cường độ 120 km/h (cấp 12) vào ngày 9/11. Ngay sau đó, bão giảm xuống cấp 11 khi tiến vào vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi – Ninh Thuận trong ngày 10/11.
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định bão có thể tiến vào đất liền các tỉnh Quảng Ngãi – Khánh Hòa trong ngày 10/11. Đồ họa: Nhân Lê.
Khi đi vào đất liền khu vực này, bão lập tức suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó thành một vùng áp thấp di chuyển lên Tây Nguyên. Dự báo này tương đối trùng khớp so với các nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
“Nếu bão số 6 đi theo kịch bản này, vùng ảnh hưởng của nó sẽ trải dài một phổ từ Đà Nẵng vào đến Bà Rịa – Vũng Tàu”, ông Hưởng cho biết.
Vị chuyên gia cũng cho biết trong ngày 8/11, khi bão có xu hướng quay ngược lại và di chuyển về phía đất liền, các dự báo về cường độ, hướng đi của bão sẽ rõ ràng hơn.
Theo Zing.vn
Bão số 6 - Nakri giật cấp 14, bẻ hướng về phía đất liền
Bão số 6 (Nakri) di chuyển chậm giữa Biển Đông với sức gió tăng dần lên cấp 10-11, giật cấp 14. Cơn bão được dự báo ngày càng mạnh khi bẻ hướng về phía đất liền.
Dự báo ngày 7/11 về đường đi của bão số 6 - Nakri
Bão số 6 (Nakri) sẽ tăng tốc, di chuyển về phía đất liền với cường độ gió có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 14. Tâm bão nằm trên vùng biển Quảng Ngãi - Khánh Hòa ngày 10/11.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, chiều 7/11, bão số 6 (tên quốc tế là Nakri) còn cách đảo Song Tử Tây khoảng 390 km về phía đông bắc với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm mạnh cấp 10-11, giật cấp 14.
Trong 24 giờ tới, bão hầu như ít dịch chuyển, sau đó đổi hướng đi chậm về phía tây và tiếp tục mạnh lên. Chiều 8/11, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 270 km về phía đông bắc. Lúc này, bão mạnh thêm 1 cấp, đạt cấp 11-12, giật cấp 15.
Những giờ tiếp theo, bão sẽ giữ nguyên hướng di chuyển, tiếp tục tăng cường độ và tăng tốc lên 10-15 km/h. Ngày 9/11, tâm bão có thể cách đảo Song Tử Tây 200 km về phía tây bắc với cường độ không thay đổi so với 24 giờ trước đó.
Dự báo đường đi của bão số 6 trong các ngày 7-11/11. Đồ họa: Nhân Lê.
Bão có xu hướng di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc cũ, sức gió có thể suy yếu hơn khi ngày càng tiến gần về đất liền. Vị trí tâm bão cách đất liền Quảng Ngãi - Khánh Hòa 110 km về phía đông, sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 14 trong ngày 10/11.
Sau đó, bão giữ nguyên hướng đi và vận tốc, tiến sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Campuchia.
Cơ quan khí tượng cảnh báo do ảnh hưởng của bão, các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và phần phía đông của các tỉnh Gia Lai, Kon Tum có mưa lớn tập trung trong các ngày 9-11/11.
Lượng mưa tại các khu vực có thể đạt trên mức 100 mm/ngày. Sau khoảng thời gian này, mưa vẫn duy trì ở Trung Bộ nhưng với cường độ giảm rõ rệt.
Ảnh vệ tinh lúc 16h30 ngày 7/11 cho thấy vùng mây bão rộng lớn của bão Nakri trên Biển Đông. Ảnh: NCHMF.
Trước đó, khu vực Nam Trung Bộ cũng vừa đón bão số 5 quét qua trong các ngày 30-31/10. Ảnh hưởng của bão gây mưa rất lớn cho các tỉnh miền Trung trong nhiều ngày.
Lo ngại các địa phương chưa kịp ổn định tình hình sau bão số 5 đã phải đón thêm cơn bão mới, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cử cán bộ xuống đánh giá tình hình khắc phục và nhu cầu hỗ trợ sau bão số 5 tại các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.
Nhà chức trách đã gửi công văn khẩn tới các địa phương yêu cầu triển khai các hoạt động di dời tàu thuyền đang hoạt động trên biển, theo dõi chặt chẽ các diễn biến của bão số 6 để có phương án ứng phó kịp thời.
Theo báo cáo nhanh của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến sáng 7/11, đơn vị đã thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho hơn 47.000 phương tiện, 100.000 lồng bè và người dân biết các diễn biến và hướng di chuyển của bão.
Hiện, khu vực phía tây Trường Sa vẫn còn 3 tàu cá, trên đó có 33 ngư dân chưa liên lạc được. Bộ tư lệnh đã phối hợp cùng gia đình các thuyền viên để liên lạc nhưng chưa có thêm thông tin.
Bộ Ngoại giao cũng đã có công hàm đề nghị Đại sứ quán Philippines tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền Việt Nam được trú, tránh và hỗ trợ cứu nạn khi có yêu cầu.
Trước đó, ngày 6/11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho hay địa phương đã gửi văn bản hỏa tốc kiến nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) có biện pháp hỗ trợ để các tàu của ngư dân địa phương vào Philippines tránh trú bão.
"Hiện 260 ngư dân cùng sáu tàu cá ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đang trong vùng ảnh hưởng bão số 6 xin vào đảo Luzon, Philippines trú tránh. Hiện Bộ Ngoại giao đã liên hệ với nước này tạo điều kiện cho ngư dân miền Trung vào tránh bão số 6", ông Bính nói.
Tỉnh Bình Định cũng gửi văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ Ngoại giao liên hệ với phía Philippines cho phép 170 ngư dân cùng 31 tàu hoạt động trong vùng ảnh hưởng bão số 6 vào nước này trú tránh.
Theo Zing.vn
Vì sao bão số 6 có hướng đi dị thường? Ảnh hưởng của trường dòng dẫn các tầng khí quyển trên cao, bão số 6 bị kéo ra ngoài sau đó quay trở lại Biển Đông và liên tục tăng cấp. Đường đi của bão Nakri Sau khi di chuyển ngược về phía Philippines, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 6 (tên quốc tế là Nakri)....