Vì sao bánh Trung thu được chiếm vỉa hè?
Bán hoa quả, kính mát trên vỉa hè bị đuổi, thậm chí là phạt, tịch thu hàng. Bán mũ bảo hiểm, bán nước chè hay bất cứ thứ gì làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân cũng vậy, sẽ bị xử lý nghiêm. Thế nhưng, những quầy bánh Trung thu lại được cấp phép, ung dung dựng rạp, án ngữ vỉa hè.
Sự tùy tiện trong quản lý đô thị
Đây là thực tế diễn ra cả tháng nay trên nhiều tuyến phố của Thủ đô Hà Nội. Vỉa hè dành cho người đi bộ phải “nhường” chỗ cho bánh Trung thu. Lạ là hầu hết các ki-ốt trên được cấp phép, khiến bộ mặt đô thị trở nên méo mó.
Nhằm bảo đảm trật tự ATGT, hạn chế tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, ngày 27/5/2008, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định cấm kinh doanh buôn bán trên vỉa hè, dưới lòng đường tại 62 tuyến phố. Từ khi Quyết định có hiệu lực các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện đã tích cực vào cuộc, nhờ đó, trật tự vỉa hè, lòng đường tại các tuyến phố trên đã dần đi vào nền nếp.
Vỉa hè mặc nhiên được các công ty sản xuất bánh Trung thu trưng dụng để bán hàng (Một gian hàng của Hãng Kinh Đô trên phố Tôn ThấtTùng)
Thế nhưng, với ý nghĩa nghe rất “truyền thống” “phục vụ nhân dân trong dịp Tết Trung thu”, ngay từ tháng 4 và tháng 6/2013, Công ty TNHH MTV Kinh Đô Miền Bắc và Công ty Cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị đã có công văn gửi Sở GTVT Hà Nội mong được chấp thuận cho “trưng bày và bán sản phẩm” trên vỉa hè một số tuyến phố. Động thái này của hai “ông lớn” có truyền thống đối với mặt hàng bánh Trung thu đã nhận được phản hồi tích cực của Sở GTVT.
“Dân họ bảo, sao nước chè không cho bán, để xe không cho để mà lại cho dựng ki ốt bán bánh Trung thu? Chúng tôi cũng không biết giải thích vì sao”. Thiếu tá Phạm Văn Sơn Đồn phó Đồn Công an Mỹ Đình – Mễ Trì
Cụ thể, ngày 23 và 24/7, Sở GTVT Hà Nội đã liên tục có hai công văn chấp thuận để hai doanh nghiệp trên được “tạm thời sử dụng một số vị trí trên vỉa hè để trưng bày và bán sản phẩm phục vụ nhân dân”. Theo đó, Công ty Cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị được sử dụng 11 vị trí, Công ty TNHH MTV Kinh Đô Miền Bắc được sử dụng 14 vị trí trên hàng chục tuyến đường, phố. Thời gian được sử dụng vỉa hè kéo dài gần 2 tháng.
Và thế là tại nhiều tuyến đường, phố nằm trong danh sách cấm kinh doanh trên vỉa hè hẳn hoi như: Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Thái Hà, Chùa Bộc, Văn Cao, Liễu Giai… các ki-ốt bánh Trung thu ngang nhiên mọc lên. Sau Kinh Đô và Hữu Nghị còn vô số thương hiệu khác như Paris Gateaux, Thu Hương, Bibica, Long Đình… cũng bung ra vỉa hè.
Video đang HOT
Tại đường Văn Cao đoạn qua Cung thể thao Quần Ngựa, chỉ trên một đoạn vỉa hè dài hơn 100m đã có đến 4 – 5 ki-ốt của các doanh nghiệp Kinh Đô, Hữu Nghị, Thu Hương… án ngữ. Thậm chí, gầm cầu vượt Hoàng Hoa Thám – Văn Cao, ngã ba Trần Duy Hưng – Trung Hòa, ngã tư đường Nguyễn Chánh – đường CD1 (Khu đô thị Nam Trung Yên)… những nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông cũng bị các doanh nghiệp bánh Trung thu chiếm trọn làm nơi bày bán hàng hóa. Tại một số vị trí không được Sở GTVT chấp thuận, các doanh nghiệp lại “lách” bằng cách thuê đất của dân hoặc khu đô thị để trưng bày và bán sản phẩm.
“Chướng mắt, bất tiện nhưng… có phép”
Thiếu tá Phạm Văn Sơn- Đồn phó Đồn Công an Mỹ Đình – Mễ Trì cho biết đơn vị đã nhiều lần rà soát, xử lý các trường hợp buôn bán trên vỉa hè. Kể cả việc bán nước chè, để phương tiện trên hè phố cũng phải kiên quyết dẹp. “Thế nhưng giờ Sở GTVT lại cho phép dựng ki-ốt bán bánh Trung thu” – Thiếu tá Sơn bức xúc.
Theo Thiếu tá Sơn, trên các tuyến đường qua hai xã Mễ Trì và Mỹ Đình mà Đồn chịu trách nhiệm quản lý có 12 điểm bán bánh Trung thu nhưng chỉ có 1 điểm có phép, còn lại đều đối phó bằng cách thuê đất của dân hoặc khu đô thị.
Thực tế cho thấy, việc cấp phép cho các doanh nghiệp bày bán bánh Trung thu trên vỉa hè là bất cập. Cấp phường, xã là cấp cơ sở nhưng chỉ đến khi doanh nghiệp dựng ki-ốt, xuất trình văn bản đồng ý của Sở GTVT thì địa phương mới biết. Tại chung cư 165 Thái Hà (Đống Đa), 2 ki-ốt của thương hiệu bánh Trung thu Hữu Nghị đã chiếm hơn nửa diện tích mặt tiền của tòa nhà và vỉa hè cho người đi bộ. Một nhân viên quản lý tòa nhà này cho biết: “Chướng mắt, bất tiện lắm nhưng biết làm sao khi họ đã được cơ quan quản lý cho phép bán ở đây”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm – Phó chủ tịch UBND phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) thừa nhận, chưa thể biết được trên địa bàn có bao nhiêu ki-ốt bán bánh Trung thu. Phường cũng không có thẩm quyền cấp phép cho những ki ốt này hoạt động. Có những tuyến phường được phân cấp quản lý, nhưng cũng có những tuyến phố, phường không được quản lý mà chỉ là cơ quan phối kết hợp đảm bảo trật tự đô thị, hè, đường. Sau khi được cấp phép, phường mới tham gia quản lý.
Qua tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trên địa bàn Thủ đô, Sở GTVT được giao quản lý gần 100 tuyến phố chính. Còn những tuyến đường do quận, huyện quản lý, việc cấp phép là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Liên quan đến việc một số tuyến phố trên địa bàn quận Đống Đa cũng có tình trạng các ki-ốt bán bánh Trung thu lấn chiếm vỉa hè, ông Lê Trọng Ngọ – Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa đã từ chối bình luận và cho biết chỉ nêu ý kiến khi được lãnh đạo quận đồng ý. Bà Lê Thị Hòa (ở Trung Hòa, Cầu Giấy) bức xúc: “Không biết cơ quan chức năng dựa vào đâu để đồng ý cho những gian hàng bán bánh Trung thu ở đây. Ki-ốt nằm ngay ngã tư, vào giờ cao điểm chỉ cần một người dừng đỗ mua hàng thì cả tuyến đường có nguy cơ ùn tắc”.
Theo Thành – Quang – Huế (Giaothongvantai.com.vn)
Bánh trung thu: "Trả giá cho thương hiệu"
"Bánh trung thu có chất lượng "không đến nỗi nào" ở làng nghề (như Hoài Đức) giá 58 nghìn đồng/hộp, nhưng khi bán trên thị trường đội lên 150 nghìn đồng/hộp".
Đây là thông tin đưa ra bởi ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội, tại cuộc giao ban báo chí chiều 3/9 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức.
Giá đội lên 300%
Ông Lộc cho biết, qua kiểm tra giá cả mặt hàng bánh trung thu thấy rằng, giá cả tại "gốc" - nơi sản xuất bánh và ngoài thị trường có sự chênh lệch lớn. Ví dụ, tại các làng nghề (như huyện Hoài Đức), giá bán một chiếc bánh trung thu 300g, chất lượng "không đến nỗi nào", có bao bì... 58 nghìn đồng/hộp. Trong khi đó, loại bánh tương đương có thương hiệu, giá đội lên gấp 300% từ 150 - 170 nghìn đồng/hộp.
Theo ông Nguyễn Đắc Lộc bánh trung thu ở Hoài Đức so với các loại bánh khác trên thị trường không khác nhau nhiều về chất lượng và nguyên liệu đầu vào. Nhưng bánh ở Hoài Đức dường như chưa được quan tâm đến mẫu mã và bao bì. Thậm chí, chiếc bánh to, bao bì nhỏ, tạo cảm giác chật chội, không bắt mắt.
Ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội, tại cuộc giao ban báo chí chiều 3/9
Theo vị lãnh đạo Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, giá trị bánh trung thu hiện nay chứa nhiều yếu tố thương hiệu, người tiêu dùng đang phải trả giá cho thương hiệu.
"Khi thăm bạn bè, không thể mang bánh Hoài Đức đến mà phải dùng bánh có thương hiệu, mặc dù biết, chưa chắc người bạn sử dụng bánh", ông Lộc ví dụ.
Tại cuộc họp giao ban, PV nêu ra một số loại bánh trung thu xa xỉ, trong hộp bánh kèm theo chai rượu. Giá cho loại bánh trung thu này lên tới cả chục triệu đồng/hộp. Vậy khi bày bán, các doanh nghiệp có đăng ký giá cả hay không? Đây là bán bánh trung thu hay bán rượu?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đắc Lộc cho hay, không chỉ năm nay, từ nhiều năm trước đã có loại bánh trung thu xa xỉ và có kèm theo rượu.
Nếu bán rượu phải có hóa đơn đầu vào, tem nhập khẩu, cửa hàng chấp hành những quy định kinh doanh rượu... Nhưng khi đội quản lý thị trường đến xử lý, chủ của hàng cho biết chỉ có một gói làm mẫu cho đẹp.
Tạm giữ 626 chiếc bánh Trung thu để giám định chất lượng
Cũng tại buổi giao ban, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội thành lập 6 đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra bánh trung thu.
Chiều ngày 30/8, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm của cửa hàng kinh doanh bánh trung thu Kinh Đô trên phố Bạch Mai (đối diện số nhà 516 phố Bạch Mai) như: Nền khu vực kinh doanh có nhiều bụi bẩn, hàng hóa để cách nền không đảm bảo... nhân viên bán hàng không xuất trình được giấy phép kinh doanh... Đồng thời phát hiện tại cửa hàng này có 28 thùng hàng bột ngũ cốc, bánh vừng dừa, bánh Asean với trọng lượng 96kg, tổng giá trị 2,5 triệu đồng đã hết hạn sử dụng từ năm 2010, 2011.
Cửa hàng này bị phạt 1,9 triệu đồng và buộc tiêu hủy số hàng quá hạn sử dụng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đắc Lộc cho biết, từ đầu tháng 8/2013 đến nay, các đội quản lý thị trường đã xử lý 8 vụ vi phạm, phạt 9,4 triệu đồng và tạm giữ 626 bánh Trung thu các loại để giám định chất lượng.
Phần lớn các vi phạm trong sản xuất là không ghi định lượng hoặc không đủ định lượng, kinh doanh bánh Trung thu không sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ lao động trong chế biến thực phẩm, vi phạm quy chế ghi nhãn hãng hóa.
Đặc biệt, còn nhiều điểm kinh doanh bánh trung thu không được Sở Giao thông Vận tải cấp phép, vẫn chiếm vỉa hè kinh doanh.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đắc Lộc lưu ý người mua hàng chú ý đến hạn sử dụng của loại bánh Trung thu được sản xuất tại các khách sạn đang bán nhiều trên thị trường. Đặc điểm của loại bánh này là có giá cao (trên 1 triệu đồng/hộp) nhưng thời gian sử dụng lại hết sức ngắn (từ 3 đến 7 ngày).
Theo Dương Tùng (Khampha.vn)
Cấp phép xây dựng mới: Khó cho dân Theo quy định cấp phép xây dựng mới (nghị định 64 có hiệu lực từ ngày 20/10), người dân phải tốn từ vài triệu đến vài chục triệu đồng để làm bản vẽ kết cấu chịu lực chính của công trình. Quy định mới này gây khó khăn và tốn kém cho người dân. Đi 6 lần chưa nộp được hồ sơ Trao...