Vì sao Anh không thể ngay lập tức rời EU
Theo hiệp ước của EU, Anh sẽ mất ít nhất hai năm để sắp xếp cuộc “chia tay lịch sử” khỏi liên minh, còn gọi là Brexit.
Một người Anh cầm cờ EU sau cuộc trưng cầu dân ý. Ảnh: Reuters
Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6, người dân Anh đã chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), tuy nhiên, Anh chưa thể chính thức ra đi ngay lập tức.
Cuộc trưng cầu dân ý của Anh không phải là một thông báo pháp lý. TheoCNN, Anh dự kiến thông báo chính thức đến EU tại một cuộc họp của Hội đồng châu Âu (EC) vào ngày 27/6. Khi hội đồng được thông báo, Điều 50 của Hiệp ước Lisbon năm 1973 sẽ được kích hoạt.
Theo NYTimes, tiếp theo, Anh và EU sẽ đàm phán các điều khoản cho cuộc ra đi. Trong thời gian này, Anh vẫn phải tuân thủ tất cả các quy tắc và tham gia các hoạt động thường xuyên của EU. Tuy nhiên, đại diện Anh tại Hội đồng châu Âu sẽ không tham gia vào các cuộc đối thoại hoặc biểu quyết liên quan đến Brexit.
Hai cơ quan lập pháp của EU gồm Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu phải bỏ phiếu thông qua những thỏa thuận này.
Nghị viện châu Âu, gồm hơn 700 thành viên được bầu từ khắp cả khối, sẽ cần phải chấp thuận thỏa thuận với đa số phiếu. Hiện chưa rõ liệu các thành viên phía Anh có được phép bỏ phiếu hay không.
Hội đồng châu Âu bao gồm các đại diện từ mỗi quốc gia, nhưng không có một danh sách thành viên cố định (bộ trưởng từ mỗi quốc gia tham dự các cuộc họp của Hội đồng dựa trên các lĩnh vực chính sách được đề cập). Cơ quan này cũng sẽ cần mức đa số phiếu yêu cầu để chấp thuận thỏa thuận. Trong trường hợp này, điều đó có nghĩa là 20 trong 27 thành viên (trừ Anh) phải bỏ phiếu ủng hộ.
Điều 50 không quy định cách nước xin ra khỏi liên minh phê chuẩn thỏa thuận như thế nào, nhưng một cuộc họp của hạ viện Anh cho thấy chính phủ Anh sẽ đem các thỏa thuận ra bàn trước quốc hội trước khi phê chuẩn.
Quá trình này có thời hạn hai năm, tính từ thời điểm Hội đồng châu Âu được thông báo. Thời hạn này có thể được kéo dài thêm, nếu được Hội đồng chấp thuận.
Khi thời hạn khi kết thúc, Anh sẽ không còn là thành viên của EU, ngay cả khi hai bên không đạt được các thỏa thuận.
Video đang HOT
Anh sẽ mất những lợi ích và bỏ đi các trách nhiệm của thành viên EU, bao gồm thương mại tự do và tự do đi lại của nhân dân trong khối. Nếu không thống nhất được các thỏa thuận thương mại riêng biệt, thương mại giữa Anh với các nước EU có thể sẽ đắt đỏ hơn.
Tuy nhiên, bởi vì Anh có liên kết chặt chẽ với EU, quá trình ra đi có thể kéo dài hơn hai năm. Liam Fox, một nghị sĩ ủng hộ Anh rời EU, ước tính phải đến 2019 công tác đàm phán lại chính sách từ các vấn đề về xuất nhập cảnh cho đến thương mại, an ninh mới hoàn thành.
Jan Techau, chuyên gia chính sách đối ngoại của trung tâm Carnegie châu Âu, cho rằng EU chắc chắn sẽ “chơi rắn” khi đàm phán về sự ra đi của Anh.
“Đầu tiên, họ sẽ cố gắng rắn với Anh. Điều khá rõ ràng là họ sẽ phải làm cho Anh gặp khó trong việc đàm phán, để các nước khác nhìn vào và hiểu điều gì sẽ xảy ra với họ nếu cố gắng làm điều tương tự”, Techau nói.
Phương Vũ
Theo VNE
Kẻ khóc người cười vì Anh chọn 'chia tay' EU
Việc Anh rời EU có thể tạo cơ hội để một số thành viên của nhóm hợp tác chặt chẽ hơn song cũng tạo ra không ít thách thức đối với quá trình hội nhập trong khối.
Kết quả kiểm phiếu trưng cầu dân ý ở Anh. Đồ họa: BBC
Sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 24/6, đa số người dân Anh nhất trí với phương án rời bỏ Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Điều này không có nghĩa họ sẽ ra đi ngay lập tức, nhưng sớm muộn, nước Anh cũng sẽ không còn là một phần của EU, theo Vox.
Theo kế hoạch, "cuộc chia tay" giữa Anh và EU dự kiến diễn ra trong vòng hai năm. Chính phủ Anh cùng với EU sẽ bàn thảo để tìm ra các biện pháp nhằm ổn định mối quan hệ kinh tế, tài chính cũng như xây dựng một khuôn khổ mới nhằm giải quyết câu hỏi nước Anh sẽ liên quan tới khối như thế nào.
Đứng trước một bước thay đổi lịch sử gây nhiều tranh cãi, tình thế "kẻ khóc, người cười" là điều không thể tránh khỏi. Bên ủng hộ hân hoan trong khi phe phản đối chắc chắn không tránh khỏi tâm lý thất vọng, hoang mang, quan sát viên Matthew Yglesias bình luận.
Kẻ thắng
Giới chuyên gia nhận định các nước Nam Âu là thành viên của khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone sẽ là bên hưởng lợi khi Anh rời EU. Nhà kinh tế học người Anh Andrew Lilico cho rằng việc nước này ra đi sẽ tạo cơ hội để những phần còn lại thuộc EU hội nhập sâu hơn vào hoạt động của khối.
Theo Vox, Eurozone là khu vực tương đối kỳ lạ. Việc nhiều quốc gia sử dụng chung một loại tiền tệ nhưng lại không có cùng hệ thống thuế hay phúc lợi tích hợp sẽ dẫn tới một hệ quả là khi một nước rơi vào tình cảnh khó khăn về kinh tế, họ sẽ không có lối thoát.
Một quốc gia thực sự độc lập khi đối mặt với khủng hoảng tài chính sẽ chứng kiến sự sụt giảm giá trị nhanh chóng của đồng tiền. Khi đồng tiền mất giá, đất nước đó sẽ lập tức biến thành một địa điểm thu hút khách du lịch, một nhà xuất khẩu hấp dẫn hay một thỏi nam châm lôi kéo nhiều nguồn đầu tư hơn. Nhờ thế, họ sẽ rút ngắn được thời gian khôi phục sau khủng hoảng.
Còn thành viên của hệ thống phúc lợi tích hợp liên bang, trong trường hợp gặp khó khăn về kinh tế, họ vẫn có thể duy trì sự ổn định nhờ dòng tiền liên bang đổ vào để giữ vững hệ thống y tế, hưu trí và trợ cấp thất nghiệp. Chính quyền địa phương không gánh việc giải cứu nợ nhưng sẽ hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng nặng nề ổn định trở lại, đồng thời giữ cho các doanh nghiệp sống sót.
Tuy nhiên, các nước thành viên Eurozone thì khác. Họ đang lấp lửng giữa hai thái cực. Họ không phải là những quốc gia độc lập hoàn toàn và cũng không được tích hợp vào một nhà nước phúc lợi chung. Điều đó đồng nghĩa khi gặp khủng hoảng, họ nắm trong tay rất ít công cụ đẩy nhanh tốc độ khôi phục kinh tế.
Để tiến tới một nhà nước phúc lợi tích hợp là một dự án dài hơi đối với họ và chắc chắn không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Song việc Anh rời EU sẽ là động lực lớn thúc đẩy quá trình trên nhanh chóng thành hiện thực, Yglesias đánh giá.
Nền kinh tế Anh nhìn chung giàu có hơn các nước thành viên EU. Như vậy, người dân nước này khi tham gia EU có thể phải trả mức thuế cao hơn trong khi chỉ nhận được những dịch vụ tương đương, Đây là lý do vì sao Anh lâu nay tỏ ra chần chừ, hoài nghi, không muốn EU hợp nhất chặt chẽ hơn. Vậy nên, với một châu Âu không có Anh, người ta hoàn toàn có thể nghĩ tới viễn cảnh mà ở đó EU đạt đến một mức độ thống nhất cao về cả hệ thống tài chính lẫn thể chế.
Cựu thị trưởng London Boris Johnson, ủng hộ rời khỏi EU, cùng vợ tại một điểm bỏ phiếu ở bắc London. Ảnh: Reuters
Người bại
Kẻ thất bại đầu tiên sau quyết định lịch sử này chính là nền kinh tế Anh. Trong ngắn hạn, quyết định rời EU của Anh sẽ bắt đầu một giai đoạn bất ổn và nhiều bấp bênh đối với nền kinh tế nước này. Những khoản đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Anh tạm thời gián đoạn. Các nhà đầu tư án binh bất động để đợi xem điều gì sẽ xảy ra trong dài hạn.
Đồng bảng Anh phải đối mặt với nguy cơ rớt giá. Giới phân tích cũng không loại trừ kịch bản nước Anh rơi vào suy thoái. Mức độ nghiêm trọng cũng như thời gian diễn ra suy thoái nhanh hay chậm phụ thuộc vào những chính sách ngắn hạn của chính quyền Anh cũng như Ngân hàng Quốc gia.
Nhiều công ty đa quốc gia hiện có xu hướng đặt trụ sở làm việc ở châu Âu tại thủ đô London, Anh. Ngoài là một nơi lý tưởng để sống, cộng đồng dân cư nói tiếng Anh ở đây cùng mức thuế thấp so với tiêu chuẩn châu Âu biến Anh thành một địa điểm hấp dẫn để đặt trụ sở. Khi Anh còn là thành viên EU, các công ty nước ngoài hoạt động tại đây có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch khắp châu lục.
Những nhà vận động bỏ phiếu rời EU nói rằng sẽ cố gắng đàm phán để giữ lại lợi thế trên song không có gì đảm bảo họ sẽ thành công. Pháp dường như sẽ là nước phản đối bởi nếu các công ty đa quốc gia không thể đặt trụ sở ở London, họ sẽ chuyển hướng sang Paris. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với ngành dịch vụ tài chính, ông Yglesias nhấn mạnh.
Một nạn nhân nữa của Brexit là Thủ tướng Anh David Cameron, người đã đặt cược cả sinh mệnh chính trị của mình vào cuộc trưng cầu dân ý. Sau khi có kết quả bỏ phiếu, ông Cameron tuyên bố sẽ từ chức, bởi "không còn phù hợp để làm thuyền trưởng chèo lái con thuyền Anh đến bến bờ tiếp theo nữa".
Ông cho hay hiện chưa có lịch trình từ chức cụ thể, nhưng sẽ hướng đến "một thủ tướng mới khi hội nghị đảng Bảo thủ cầm quyền bắt đầu vào tháng 10". Thủ tướng Anh có lập trường thân EU và ủng hộ phương án ở lại khối liên minh này.
Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: AFP
Bên cạnh đó, theo Yglesias, các nước Bắc và Đông Âu, những quốc gia có nhiều tầng lớp chính trị ủng hộ nhiệt tình quan điểm EU hợp nhất, cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ quyết định rời đi của Anh. Bị tác động đầu tiên sẽ là 6 thành viên sáng lập, gồm Đức, Pháp, Italy, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, cùng một số nước khác như Tây Ban Nha hay Hy Lạp. Những quốc gia này coi EU như nền tảng giúp họ đảm bảo tính ổn định của hệ thống chính trị.
Nhóm chịu thiệt thòi tiếp theo bao gồm Đan Mạch, Thụy Điển hay các nước Đông và Trung Âu như Ba Lan hoặc Czech. Giống với Anh, họ đều lựa chọn không sử dụng đồng tiền chung của nhóm Eurozone.
Anh là quốc gia có tiếng nói quan trọng hơn cả trong nhóm chủ trương không sử dụng đồng tiền chung của Eurozone. Việc Anh ra đi sẽ làm suy yếu sức ảnh hưởng của nhóm ở Brussels, tạo điều kiện cho trường phái tư tưởng hướng tới xây dựng EU thành "một liên minh gần gũi hơn bao giờ hết" giành chiến thắng trong các cuộc tranh luận về chính sách tương lai, Yglesias dự đoán.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ từ chức Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố ông sẽ từ chức vào tháng 10, sau khi người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu. Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: Reuters. "Tôi không nghĩ mình còn phù hợp để làm thuyền trưởng cầm lái con thuyền Anh đến bến bờ tiếp theo", Reuters dẫn lời Thủ tướng Anh David Cameron phát...