Vì sao 3 bị cáo ngạo mạn?
Cuối cùng thì bị cáo Thuận cũng khóc. Nhưng những giọt nước mắt hiếm hoi đó không phải dành cho sự hối hận mà cô ta khóc vì cho rằng mình đã lấy “nhầm chồng”.
“Trong vụ án này, nếu như thấy chứng cứ không chắc chắn thì một ngày phạt tù cũng không đáng. Còn, khi đã chứng minh được các bị cáo đã gây ra cái chết của cả một gia đình quân nhân thì việc xử phạt mức án tù chung thân đối với một tội ác như vậy là không thể chấp nhận” – luật sư Trần Đình Triển nói.
“Cô giáo” Thuận đã khóc và kêu oan
Cuối cùng thì Thuận cũng khóc. Nhưng những giọt nước mắt hiếm hoi đó không phải dành cho sự day dứt, sám hối hay xót thương ba mạng người đã bị thiêu rụi. Bị cáo khóc cho mình, khóc vì cho rằng đã lấy “nhầm chồng”.
Suốt phiên xử, người ta không thấy được gì mới về chứng cứ để Thuận tự bào chữa cho mình. “Tôi bị bức cung, mớm cung”… câu cửa miệng ấy, bị cáo đã nói suốt ở phiên tòa sơ thẩm. “Tố” điều tra viên đánh đập, nhưng có bản cung (với sự chứng kiến của luật sư bào chữa) Thuận ghi rõ thế này: “Từ khi bị bắt đến nay tôi được tôn trọng về danh dự, nhân phẩm, không ai đánh đập, ép buộc hoặc dụ dỗ, gợi ý cho tôi cách khai báo. Tất cả nội dung tôi khai nhận đều do tôi tự nguyện khai xuất phát từ sự mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật”.
Giấy trắng, mực đen, Thuận không thể phủ nhận. “Tôi không tin cả luật sư của mình” – Thuận thốt lên. Ngay ngày hôm sau, trong phần tranh luận, bị cáo đã “chữa thẹn” bằng việc xin lỗi ông Hoàng Văn Dũng, Lâm Văn Quang (các luật sư bào chữa).
Video đang HOT
Thế mới thấy, sự thật thì chỉ có một. Đã là gian dối thì lời khai sẽ bất nhất, sẽ “câu trước đá câu sau”. Ở phiên tòa này, Thuận tỏ ra cảm thông trước cái chết của anh Hưng, chị Hà và cháu Thảo Hiền. Để rồi, Thuận đổ vấy cho chồng mình, không chút xấu hổ. Không thể tả hết nỗi bức xúc của gia đình bị hại, đặc biệt là của anh Nguyễn Chí Tuấn. “Thật trắng trợn”, “không chút liêm sỉ”, “độc ác”… phòng xử án vang lên những lời nói phẫn nộ. Nhưng Thuận vẫn bình tĩnh. Khuôn mặt bị cáo tỉnh khô, ánh mắt thì sắc lạnh. Trước khi tòa nghị án, Thuận cố giãi bày để HĐXX thấy, sai lầm lớn nhất của cuộc đời mình là lấy “nhầm chồng”. Tòa đã phải nhắc nhở bị cáo về thái độ ấy.
Bị cáo Hà giơ cả 2 tay kêu oan
Luật sư Lê Quốc Đạt (bảo vệ quyền và lợi ích miễn phí cho bị hại) phải thốt lên rằng, tội ác này còn nguy hiểm hơn vụ án Nguyễn Đức Nghĩa. Tại phiên toà, Nghĩa tỏ ra ân hận, day dứt tột cùng. Còn trong vụ án này, các bị cáo – đặc biệt là Thuận – lại có thái độ đáng lên án. Dường như, sự “mạnh mẽ” của Thuận đã “lây sang” cả Tiệp, Hà. Ông Đạt chia sẻ, điều tra viên (Công an TP Hà Nội) cho hay, sau gần một năm xảy ra vụ cháy, khi áp giải Tiệp về trụ sở CQĐT, Tiệp không bị bất ngờ. Bị cáo nói: “Em chờ ngày này đã lâu rồi”. Tiệp đã bình tĩnh xin một cốc nước, hút điếu thuốc rồi rành rọt khai lại sự việc. Vậy mà, tại phiên phúc thẩm, Tiệp cãi hùng hồn. “Dù kết quả của phiên tòa phúc thẩm này thế nào thì bị cáo vẫn là người vô tội và không phải hổ thẹn với lương tâm” – Tiệp ngạo mạn nói lời sau cùng kèm theo hành động vung tay. Ngao ngán hơn, Hà cũng quả quyết, mình không thể bán cuộc đời của mình rẻ mạt đến thế. Không chút ân hận, bị cáo vẫn mong được mọi người tin tưởng. Bị cáo nói, phải có nhân chứng, vật chứng mới kết tội được mình.
Bị cáo Tiệp kêu oan tại tòa
Đại diện gia đình bị hại, ông Lực, bà Hào trình bày những lời tâm can. Họ không chỉ nhắc đến nỗi đau mà cả gia đình đang phải gánh mà còn phân tích những căn cứ pháp lý để buộc các bị cáo mức án cao nhất. “Gia đình tôi đã mất người, tôi không muốn thêm ai phải chết. Nhưng kẻ gây tội phải chịu sự phán xử công minh” – ông Lực rầu lòng nói.
Trong khi đó, ngay cả luật sư của các bị cáo cũng không khẳng định Thuận, Hà, Tiệp vô tội mà chỉ quy kết, chứng cứ buộc tội chưa thuyết phục. Về việc này, đại diện VKS Quân sự Trung ương nhận định, các luật sư bào chữa chỉ “bắt bẻ” những chi tiết liên quan đến thủ tục tố tụng, không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án.
Những tưởng, tại phiên tòa phúc thẩm, mọi tình tiết và đề nghị có căn cứ của gia đình bị hại sẽ được xem xét thấu đáo. Không ngờ, tòa đồng tình với bản án sơ thẩm. Ông chủ tọa vừa dứt lời y án sơ thẩm (Thuận mức án chung thân về tội “Giết người”, “Hủy hoại tài sản”), làn sóng phẫn nộ từ gia đình bị hại đẩy lên cao trào. Trước sự phản ứng của họ, phán quyết của tòa bị gián đoạn. Cũng như gia đình bị hại, dư luận từng chờ đợi một phán quyết công tâm hơn…
Theo Pháp luật Xã hội
Người đàn bà không có tình mẫu tử
Người mẹ này đã lạnh lùng không quay lại nhìn đứa con của mình 1 lần nào trong phiên sơ thẩm
Nguyễn Chí Tuấn có lẽ là một người đàn ông bất hạnh mà tôi đã từng gặp. Anh là chồng của "cô giáo Thuận" - ả phù thủy đã gây ra vụ đốt nhà người anh chồng khiến ba người tử vong. Người đàn bà bị kết tội giết người là mẹ của con anh, Tuấn không còn tình cảm gì với người đàn bà ấy, nhưng anh xót xa khi chứng kiến ả không nỡ ngoái lại nhìn mặt cậu con trai nhỏ bé trong phiên tòa sơ thẩm mới diễn ra hồi tháng 8. Tình mẫu tử! Chao ôi, với người đàn bà đó là một khái niệm nghe sao thật mơ hồ.
Đau lòng con trẻ
"Đêm nằm ru con ngủ, ngày xưa tôi hay hát: "Con cò bay lả bay la/ Bay từ Yên Bái bay về Hưng Yên. Nhưng bây giờ mà hát thế, con tôi sửa lại ngay là: Bay từ Hà Nội bay về Hưng Yên. Yên Bái là quê của Thuận, còn Hưng Yên là quê của tôi" - Nguyễn Chí Tuấn đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế. Đôi mắt người đàn ông này thâm quầng có lẽ là do nhiều đêm mất ngủ. Không phải đến khi Nguyễn Thị Thuận (sn 1975 tại Yên Bái) bị bắt thì Tuấn mới là người ru con ngủ hằng đêm, mà kể cả trước đây, khi cuộc sống hôn nhân của họ vẫn còn suôn sẻ thì người chăm sóc, lo lắng cho cậu con trai không phải là Thuận mà chính là Tuấn. Những đêm bé Hoàng ốm sốt, Thuận vẫn nằm ngủ ngon lành, mặc kệ chồng bế con và loay hoay với thuốc men, khiến anh Tuấn có lần phải cáu. "Hồi bé Hoàng còn nhỏ, đêm hôm cháu khóc đòi bú, bảo thì Thuận mới dậy cho con bú, còn không là cứ ngủ hoặc bắt tôi pha sữa cho con". Thế nên hàng xóm nhà anh Tuấn không lạ khi thấy bé Hoàng lúc nào cũng quấn lấy bố. Với gia đình nhà chồng, Thuận cũng không phải là người con dâu thảo hiền, ỷ thế gia đình giàu có, Thuận thường có lối ăn nói cộc lốc, nhấm nhẳng với gia đình nhà chồng. Sau khi vụ án xảy ra, anh Tuấn cho bé Hoàng về ở cùng ông bà nội vì sợ bà không thể chịu nổi cú sốc này mà sinh ra ốm nặng. Và bắt đầu từ thời điểm 1 - 6 - 2008 đến bây giờ, người đàn bà ác độc này chưa một lần hỏi thăm con, không gặp cũng không gọi điện. Bị bắt ngày 31 - 12 - 2008 cho đến khi bị đưa ra xét xử sơ thẩm vào tháng 8 - 2010, tức là sau hơn 2 năm không gặp con, những người dự phiên tòa cảm thấy thật bất nhẫn và thương bé Hoàng hơn bao giờ hết vì bé cùng bố, bà nội ngồi bên dưới nhưng chưa một lần Thuận đưa mắt về phía con. Thị trơ tráo, nhâng nhâng nháo nháo thách thức gia đình nhà chồng (cũng là gia đình người bị hại) và thách thức cả hội đồng xét xử bằng những lời trả lời cộc lốc, vô lễ khiến hội đồng xét xử luôn phải nhắc nhở và khiến dư luận vô cùng căm phẫn.
"Khi bé Hoàng về ở với bà nội, cháu nói với tôi: Con không ở với mẹ Thuận đâu, mẹ Thuận ác lắm, mẹ Thuận suốt ngày đánh con"- đôi mắt Tuấn đục ngầu giá mà anh có thể khóc được thì tôi tin những giọt nước mắt sẽ làm anh nhẹ lòng hơn rất nhiều. "Anh đã bao giờ góp ý, khuyên vợ nên dành tình cảm cho con nhiều hơn chưa" - tôi hỏi Tuấn. "Có chứ, tôi góp ý nhiều, tôi bảo với cô ta, trẻ con rất nhạy cảm, nó cần được yêu thương, cần tình cảm của người mẹ, nhưng cô ta vẫn lạnh lùng như cũ. Những người phụ nữ hàng xóm nhà tôi lúc nào cũng bế con hôn hít, nựng nịu, nhưng nói thật là tôi chưa từng chứng kiến cô ta làm thế với con đẻ của mình". "Nói chị không tin chứ từ bé đến giờ chỉ có mỗi tôi ru con ngủ chứ cô ta chưa bao giờ. Tôi hay lồng vào lời ru những câu chuyện, những lời dạy dỗ, bé Hoàng nghe và hiểu hết. Bé Hoàng bây giờ 7 tuổi rồi nhưng đêm nào cũng vẫn thích được nghe bố ru ngủ. Chính cháu bảo với tôi rằng, từ bây giờ bố đừng hát là: "Bay từ Yên Bái bay về Hưng Yên nữa". Trẻ con thì không biết nói dối và chúng sống đúng với cảm xúc thật của mình. Có lần anh Tuấn đưa con đi học, có người hàng xóm nhìn cảnh gà trống nuôi con của anh, thương quá, hỏi bé Hoàng: "Con có nhớ mẹ không?", không ngờ bé Hoàng tụt khỏi xe, chạy biến vào nhà, vừa khóc vừa nói với bố: "Cái bà kia hỏi vớ vẩn. Con không thích nghe đâu". Có bài báo viết về vụ án mà mẹ nó gây ra, anh Tuấn vô tình để cháu đọc được, bé Hoàng dùng hai ngón tay đặt chéo vào bức ảnh của Thuận cùng hai đồng phạm và nói: "Con ghét những người này". Lần khác, Hoàng vào mạng, lại thấy người ta đăng ảnh người mẹ bất nhân, cháu gọi bố vào, dùng ngón tay chỉ vào màn hình và quay đi.
Nhói lòng người lớn
Những ngày gần phiên xử là những ngày thật khó khăn đối với anh Tuấn. Anh ngơ ngẩn kể lại: "Thằng Bùi Tiến Hà (một đối tượng trong vụ án được thị Thuận nhờ đốt nhà) có gọi cho tôi vào lúc 3 giờ sáng ngày 25 - 1 - 2008, nói rằng: "Tuấn ơi, nhà anh Hưng (anh trai anh Tuấn) cháy rồi. Có tiếng trẻ con khóc ở trong.". Tôi đang ở Đào Tấn, (thời gian này tôi đã sống ly thân với Thuận) liền tức tốc nhảy xe taxi về. Đêm ấy trời mưa rét căm căm. Khi xe taxi gần đến nơi thì tôi nghe thấy tiếng hú còi của xe chữa cháy. Tôi chỉ kịp ném tờ 100 nghìn cho anh lái xe là chạy thục mạng. Người dân khi ấy đã tập trung đông lắm rồi. Tôi mở cửa cho các anh Cảnh sát cứu hỏa vào nhà vì tôi có chìa khóa riêng. Thằng em út nhà tôi chạy bổ vào bế được chị Hà (vợ anh Hưng) ra, còn cháu Thảo Hiền, con vợ chồng anh Hưng thì được một anh Cảnh sát bế ra. Cháu Thảo Hiền bảo với em trai tôi: "Bố cháu chết rồi. Cháu nhìn thấy chân bố cháu ở cầu thang...". Tôi gào lên như tưởng vỡ cổ. Mọi người đưa mẹ con chị Hà đi cấp cứu, 6 ngày sau thì hai mẹ con đều mất. Bé Hiền mất buổi sáng, chị Hà mất buổi chiều. Đau quá chị ạ!". "Không hiểu sao, sau ngày vụ án xảy ra, những giấc mơ liên quan tới cái chết của ba con người vô tội cứ ám ảnh các thành viên trong gia đình tôi, có người mơ thấy cô ta quỳ lê lết van xin tha tội, có người mơ thấy Thuận cười ha hả trước đám cháy..."- anh Tuấn kể tiếp.
Có lẽ Tuấn không còn nước mắt để khóc nữa. Đôi mắt anh đục ngầu khô khốc. Tội ác mà thị Thuận gây ra là quá lớn, không gì có thể bù đắp nổi, nguyên nhân vô cùng đơn giản là thị mâu thuẫn với chồng bởi lý do tình cảm, khi anh Hưng ngỏ lời khuyên giải, thị cho rằng anh Hưng bênh em nên nhờ người đốt nhà cho bõ tức. Điều đáng nói chính vợ chồng anh Hưng là những người vun đắp cho cuộc hôn nhân giữa Thuận và anh Tuấn. Tuấn và Thuận gặp nhau trong buổi sinh nhật chị Hà và do được anh trai, chị dâu vun vén nên đã quyết định lấy "cô giáo Thuận" làm vợ. Không những thế, Nguyễn Thị Thuận và chị Hà từng là những người bạn thời chăn trâu cắt cỏ, ở quê Yên Bái, nhà họ lại sát vách nhau, lớn lên cùng học Đại học Sư phạm và để trở thành giáo viên. Thói ích kỷ đã khiến Thuận trở thành ả phù thủy ác độc. Thị đã che giấu hành vi tàn độc của mình được gần một năm, cho đến khi cơ quan điều tra lần tìm được manh mối về một kẻ tên Tiệp - một người quen của Bùi Tiến Hà ( cùng quê Yên Bái) - người đã lưu lại nhà thị chỉ nửa tháng rồi biến mất.
Sự dã man của Nguyễn Thị Thuận thể hiện ngay ở hôm đưa tang anh Hưng. Ngồi trên xe tang, trước những giọt nước mắt đau thương của người thân, thị đã cười nói hô hố khi nghe điện thoại cho người nhà ở Yên Bái. Khi ấy, chưa ai nghi ngờ thị là thủ phạm, nhưng họ cảm thấy ở Thuận có điều gì đó thật lạ. Còn chúng tôi thì lại nghĩ khác, có thể đó là cách che giấu tâm lý tội phạm, thị phải cố tỏ ra bình thản, phải cố cười để lấn át đi nỗi sợ hãi đang ngự trị. Nó cũng giống như lúc thị vào thăm chị Hà đang cấp cứu trong viện, sau khi đưa tang anh Hưng về. Ả phù thủy này chỉ lướt qua giường bệnh chưa đầy một phút rồi chuồn mất, thì sợ phải đối mặt với anh mắt trừng trừng của chị Hà, nhìn thị như muốn hỏi: "Tại sao gia đình tôi lại phải chịu cái chết đau đớn như thế này?" Thị cũng không dám vào thăm cháu Thảo Hiền, bởi không đủ dũng cảm để đối diện với gương mặt cô bé vô tội đang thiêm thiếp trên giường bệnh.
Nhưng dù có cố gắng chối tội thế nào thì cuối cùng Thuận cũng không thể thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật. Tuy nhiên, mức án mà chị ta nhận ở phiên tòa sơ thẩm là quá nhẹ, gia đình bị hại (trong đó có người chồng của Thuận) không chấp nhận bản án này. Việc thị gây ra cái chết cho 3 con người khiến dư luận hết sức căm phẫn, căm phẫn hơn nữa khi chứng kiến thị thản nhiên trước nỗi đau của gia đình bị hại bằng thái độ ngông nghênh, điệu cười nhếch mép trước phán quyết của tòa. Và nữa, điều khiến người ta thấy đáng sợ nhất ở thị là sự lạnh lùng, vô cảm với cậu con trai bé bỏng trong phiên xét xử. Không một giọt nước mắt, không một lời hỏi thăm, không một ánh mắt tìm kiếm đứa con trai dứt ruột đẻ ra. Thế nên người ta có quyền nghĩ, với tình mẫu tử thị còn không thiết tha thì với những người không máu mủ như anh Hưng, chị Hà thị làm sao có thể dành tình cảm cho họ.
Dù khó khăn nhưng anh Nguyễn Chí Tuấn vẫn phải nói với chúng tôi về những suy nghĩ của anh về Thuận.Thuận vẫn là mẹ của con trai anh, là vợ của anh nhưng tội ác thị gây ra là quá lớn, mẹ anh, gia đình anh không thể nào tha thứ được, anh cũng như mọi người trong gia đình muốn pháp luật xử Nguyễn Thị Thuận với mức án cao nhất. Tôi biết, khi Tuấn buộc phải thốt ra những lời này là anh cũng đau lắm, nhưng có lẽ chỉ như thế mới thế hiện được sự nghiêm minh của pháp luật và thỏa mãn sự bức xúc của dư luận.
Theo Cảnh sát toàn cầu
Cô giáo giết 3 người thét gào kêu oan Phiên xử phúc thẩm vụ án "cô giáo Thuận thiêu chết 3 người nhà anh chồng" gây phẫn nộ trong dư luận cuối cùng cũng đã kết thúc. Một cái kết bị gia đình nạn nhân kịch liệt phản đối. Sau 2 ngày xét xử phúc thẩm, theo dự kiến chiều 1/12, Tòa án Quân sự (TAQS) Trung ương tuyên án phúc thẩm...