Vi phạm Thỏa thuận ngừng bắn Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đang ‘coi thường’ Mỹ?
Giới chuyên gia phân tích nhận định rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn sau khi Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận về việc áp dụng quy chế ngừng bắn tại Syria.
Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan
Nga và Mỹ thừa nhận rằng nhìn chung chế độ ngừng bắn đang được thực hiện ở Syria cho dù đôi khi vẫn có một số vi phạm. Những vi phạm lớn nhất cho đến thời điểm này được ghi nhận ở miền Bắc Syria, khu vực giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bắn pháo vào các lực lượng người Kurd ở Syria. Nga đã lên tiếng yêu cầu Mỹ phải giải thích hành động này.
Theo tuyên bố của Trung tướng Sergey Kuralenko, Giám đốc Trung tâm hòa giải các bên thù địch ở Syria, về cơ bản lệnh ngừng bắn vẫn đang được thực hiện nghiêm túc. Trong khi đó, đại diện của liên quân do Mỹ đứng đầu cũng đưa ra những xác nhận tương tự.
Tuy nhiên, hai bên cũng cho rằng đã xuất hiện một số vi phạm thỏa thuận ngừng bắn từ phía các đơn vị của phe đối lập “ôn hòa” và các tổ chức khủng bố quốc tế. Trong vòng 1 ngày đêm qua, các bên đã ghi nhận 9 sự vụ vi phạm quy chế ngừng bắn.
Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm nghiêm trọng nhất
Trong số các vi phạm bị phát hiện, vi phạm của phía Thổ Nhĩ Kỳ được coi là nghiêm trọng nhất. “Tại tỉnh Raqqa, một nhóm binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ với quân số khoảng 100 người đã tràn qua biên giới xâm nhập vào Syria.
Sau đó, lực lượng này tăng thêm thành 250 người và chiếm một phần phía Bắc tỉnh Et-Tell al-Abiada (nằm phía Bắc thành phố Raqqa, cách 82 km)”- Trung tướng Sergey Kuralenko cho biết.
Theo đó, nhóm quân này được hỗ trợ bởi lực lượng pháo binh bố trí trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Sergey Kuralenko, thông tin này đã được kiểm chứng qua một vài kênh thông tin, trong đó có thông tin do đại diện của “Các lực lượng dân chủ Syria” xác nhận.
Video đang HOT
Đến sáng ngày chủ nhật vừa qua, các toán quân người Kurd đã đẩy lùi được lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi thành phố và cô lập lực lượng này tại điểm dân cư Munbatia.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ không đưa ra bình luận nào về vấn đề này. Tuy nhiên, một nguồn tin quân sự cung cấp thông tin cho tạp chí Hurriyet rằng Ankara bác bỏ việc pháo kích vào thành phố Et-Tell al-Abiada.
Về phía mình, Ả rập xê út tuyên bố rằng không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân mà cả Damascus và Moscow đều vi phạm quy chế ngừng bắn. Đại diện Bộ Ngoại giao nước này cũng lên tiếng khẳng định rằng họ đã chuẩn bị biện pháp giải quyết tình hình Syria riêng của mình nếu như thỏa thuận ngừng bắn không có kết quả.
“Nếu như Damascus và các đồng minh của mình không có thái độ nghiêm túc (đối với thỏa thuận ngừng bắn) thì sẽ có phương án thay thế khác cho Syria là một kế hoạch không có al-Assad”- Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út – Adel al-Jubeir tuyên bố. Theo Adel al-Jubeir, Tổng thống Syria Al-Assad hiện có sự lựa chọn: hoặc là tự nguyện ra đi hoặc sẽ bị phế truất bằng các hành động quân sự.
Trong khi đó, Nga đã lên tiếng yêu cầu Mỹ giải thích về các hành động vi phạm thỏa thuận ngừng bắn của Thổ Nhĩ Kỳ. “Phía Nga đã tiếp xúc với đại diện phía Trung tâm hòa bình của Mỹ đặt tại Amman để yêu cầu giải thích về việc Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên trong liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu, tiếp tục bắn pháo vào Syria”- Sergey Kuralenko nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thư ký đảng “Ý nguyện dân tộc”, thành viên ban lãnh đạo Mặt trận vì sự thay đổi và giải phóng Syria Kadri Dzamil cho rằng vi phạm lớn nhất đối với thỏa thuận ngừng bắn do phía Thổ Nhĩ Kỳ gây ra. “Vi phạm lớn nhất do phía Thổ Nhĩ Kỳ gây ra. Các vi phạm khác chỉ là nhỏ lẻ. Nói chung mọi thứ đang trong tầm kiểm soát”- Kadri Dzamil cho biết.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Mỹ Obama
Thổ Nhĩ Kỳ đang “coi thường” Mỹ?
Giới chuyên gia phân tích nhận định rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn sau khi Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận về việc áp dụng quy chế ngừng bắn tại Syria.
Theo Washington Post, quy chế ngừng bắn ở Syria được áp dụng khiến cho chính sách trước đây của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Syria trở nên bị phá sản. Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với nhiều khó khăn và không thể giải quyết được nhiều mối thách thức về đối nội và đối ngoại.
Theo tạp chí Al-Monitor, hiện Ankara đã mất đi hầu hết các lợi thế trên trường quốc tế khi tình hình Syria đang diễn tiến theo chiều hướng tiêu cực nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Các kế hoạch của Ankara nhằm lật đổ Tổng thống Syria Al-Assad và thiết lập chính quyền của các phần tử cực đoan ở Damascus đã thất bại từ trước đó. Ngoài ra, các lực lượng phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đang ngày càng thất thế và mất đi nhiều vị trí quan trọng vào tay lực lượng Quân đội Chính phủ Syria và các lực lượng người Kurd.
Ý tưởng can thiệp quân sự vào Syria cũng bị chính Mỹ, đồng minh được coi là lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, phản đối.
Theo kết luận của Al-Monitor, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ – Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Ahmet Davutoglu hầu như không còn phương án nào để tiếp tục can thiệp vào Syria, ngoài việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Do đó, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tuyên bố rằng sẽ tiếp tục các hành động hỗ trợ cho các lực lượng phiến quân vì đây được coi là một bên trong xung đột Syria.
Nếu như các lực lượng thù địch với Tổng thống Syria Al-Assad vẫn tiếp tục thực hiện được các hành động quân sự ở Syria thì điều đó đồng nghĩa với việc các lực lượng này có thể tiếp tục nhận được sự viện trợ vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều đó, theo Al-Monitor, cũng đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ “phớt lờ” tiếng nói của Mỹ khi vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho lực lượng phiến quân.
Cảnh hoang tàn tại Syria
Các vi phạm khác
Theo đại diện của Ủy ban đàm phán tối cao thuộc phe đối lập Syria Salemal-Meslet, lực lượng Hezzbolah đã hai lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và địa điểm xảy ra vi phạm là ở tỉnh Zabadani.
Trong bản báo cáo của mình, Sergey Kuralenko cũng nêu ra các vi phạm ngừng bắn ở điểm dân cư Kbana thuộc tỉnh Latakia. Bên vi phạm là các phiến quân thành viên của tổ chức khủng bố Dzebhat al-Nusra. Lực lượng này đã tổ chức gài mìn khiến một vài người dân địa phương thiệt mạng.
Ngoài ra, theo báo cáo của Trung tâm hòa giải các bên thù địch ở Syria, tính từ 6h25 đến 11h30 ngày thứ bảy vừa qua, một số vụ vi phạm đã xảy ra ở các địa phận thuộc Thủ đô Damascus. Tổng cộng có khoảng 20 vụ nổ mìn và đạn dược, khiến 2 dân thường thiệt mạng và 8 người khác bị thương.
Cho đến nay các nỗ lực tăng cường đối thoại cũng như việc thiết lập thỏa thuận ngừng bắn vẫn được hy vọng sẽ là biện pháp thúc đẩy tiến trình đàm phán giữa các lực lượng ở Syria.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của giới phân tích, triển vọng của các lệnh ngừng bắn không cao do Nga và Mỹ vẫn bất đồng về số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Nếu như Mỹ cho rằng sẽ không thể có giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria nếu như Tổng thống al-Assad vẫn tại vị thì Nga lại cho rằng, tương lai chính trị của Tổng thống Syria phải do chính nhân dân Syria lựa chọn chứ không phải phụ thuộc vào các thế lực bên ngoài.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo Quan điểm, một trong những tờ báo điện tử uy tín tại Nga.
Đức Dũng (lược dịch)
Theo Infonet