Vi phạm hành chính lĩnh vực khoáng sản có thể bị phạt tới 2 tỷ đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 33/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, trong đó mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Hoạt động khai thác cát sỏi trên sông gây bức xúc ở rất nhiều địa phương suốt thời gian qua.
Nghị định 33/2017 quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Trong đó vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước gồm: Vi phạm các quy định về điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vi phạm các quy định về hồ chứa và vận hành hồ chứa; vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên nước; vi phạm các quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; vi phạm các quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các vi phạm khác trong quản lý tài nguyên nước.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản gồm: Vi phạm các quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về sử dụng số liệu, thông tin kết quả điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; vi phạm các quy định về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; vi phạm các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; vi phạm các quy định về kỹ thuật an toàn mỏ và các vi phạm khác trong lĩnh vực khoáng sản.
Nghị định 33/2017 quy định tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau: Cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 – 12 tháng.
Video đang HOT
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân, 500 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Về hình thức xử phạt bổ sung, Nghị định 33 quy định tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau: Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1-24 tháng; đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1-12 tháng; tịch thu tang vật, mẫu vật là khoáng sản, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thực hiện đầy đủ biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; buộc xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đất hoặc sự cố bất thường khác; buộc thực hiện các giải pháp phục hồi đất đai, môi trường…
Tại Hội nghị Minh bạch trong quá trình cấp phép khai thác khoáng sản tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Minh Đức – Ban Pháp Chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết sau nhiều năm tham gia rà soát các dự án khai khoáng cùng với các tổ chức phi lợi nhuận quốc gia và quốc tế tại Việt Nam, VCCI nhận thấy hoạt động này hiện đặt ra rất nhiều vấn đề quản lý từ xây dựng khung khổ pháp luật, chính sách liên quan đến quản lý thực tiễn.
Về luật pháp, các thiết chế pháp lý liên quan đến khai thác khoáng sản tương đối minh bạch, nhưng về quy hoạch thì việc lập và sửa đổi thiếu minh bạch đã khiến những quy định trở nên khó thực thi. Điều này khiến các doanh nghiệp trong ngành phải tiếp cận thông tin khoáng sản từ phần lớn là do các mối “quan hệ”, đây là điều khiến cho cơ chế đấu giá thất bại.
Chính vì vậy, VCCI đề nghị cần được minh bạch về chính sách thuế, cơ chế đấu giá, đấu thầu và nghĩa vụ liên quan theo quy định bởi thực tế hiện nay, có nhiều doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản luôn báo cáo thua lỗ nhưng ngược lại vẫn mở rộng hoạt động. Nghịch lý này cần được làm sáng rõ.
Kha Xuân Lộc
Theo Dantri
Đà Nẵng sẽ mua 2 máy bay không người lái của Nga để quản lý đô thị
Ngày 17/2, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu mua hai máy bay không người lái của Nga và lắp đặt thiết bị camera đặc dụng để giám sát trật tự đô thị và khai thác khoáng sản.
Trước mắt, thành phố sử dụng thí điểm một máy bay giám sát dự án quy hoạch ga đường sắt mới tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu để phát hiện, xử lý các trường hợp xây dựng, cơi nới nhà cửa, công trình trái phép.
Một máy bay khác theo dõi hoạt động khai thác khoáng sản tại các mỏ đá ở khu vực núi Phước Tường, quận Cẩm Lệ nhằm giám sát phạm vi, khối lượng khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp, chống thất thu thuế.
Máy bay không người lái sẽ bay quét thường xuyên, ghi hình tại khu vực cần giám sát. Toàn bộ hình ảnh từ camera ghi lại được sẽ chuyển thành dữ liệu, giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong công tác quản lý và xử lý sai phạm.
Đà Nẵng sẽ mua hai máy bay không người lái của Nga để quản lý đô thị
"Nhà cửa rộng, cao kích thước bao nhiêu, đồi núi cao sâu bao nhiêu... sẽ có phần mềm tự động chạy tính ra hết", ông Thơ nói.
Theo ông Thơ, sau khi mua hệ thống máy bay không người lái và máy quét này, thành phố sẽ "quét" liên tục từ trên không xuống để quản lý quy hoạch xây dựng, giám sát khai thác khoáng sản trên địa bàn.
"Khi quét lại mà ngày hôm nay khác ngày hôm qua là phần mềm sẽ tự động báo đỏ, chỉ ra điểm mới được xây dựng. Khi thấy xây dựng trái phép thêm một cái nhà là chủ tịch phường sẽ phải chịu trách nhiệm... Đây sẽ là lá bùa quản lý quy hoạch của thành phố.", ông Thơ cho biết.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho hay, sẽ giao trực tiếp cho ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng mua hai máy bay không người lái.
Khánh Hồng
Theo Dantri
Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2017 Vứt rác nơi công cộng bị phạt từ 5 đến 7 triệu đồng; Đi vệ sinh không đúng nơi quy định bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng; Nhiều trường hợp được miễn phí làm thẻ căn cước công dân; Đổi mã vùng điện thoại cố định trên cả nước... là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2017....