Vị hiệu trưởng đóng vai con lừa và hiệu trưởng gian dối
Nếu tham gia vở kịch con lừa và cái chuồng, “liệu có vị hiệu trưởng đủ trong sáng và cả sự can đảm để đảm đương vai diễn con lừa ấy không?”. Tôi tin là rất ít, đặc biệt sau việc làm của hiệu trưởng trường Phan Đình Phùng và trường Nam Trung Yên.
Vị hiệu trưởng đóng vai con lừa và hiệu trưởng gian dối
Trong những ngày này, nổi lên trong dư luận cũng như trên báo chí hai câu chuyện xảy ra ở hai ngôi trường ở thủ đô.
Một câu chuyện về sự tắc trách của giáo viên Nguyễn Thị Mai Anh, nhân viên phụ trách phòng thí nghiệm của Trường PTHH Phan Đình Phùng và một câu chuyện về sự nói dối của hiệu trưởng Trường TH Nam Trung Yên, cô giáo Tạ Thị Bích Ngọc.
Việc một số em học sinh trường PTTH Phan Đình Phùng bị bỏng là một tai nạn. Việc một em học sinh trường TH Nam Trung Yên bị gãy chân cũng là một tai nạn. Cả hai tai nạn này cũng giống như nhiều tai nạn khác. Nó sẽ được giải quyết nhanh chóng và ổn thỏa nếu như có sự chân thành và tử tế.
Cháu Kiên bị gãy chân sau khi ngã tại trường tiểu học Nam Trung Yên.
Nhưng những gì liên quan đến hai tai nạn này, tiếc thay, do sự bưng bít của hai vị hiệu trưởng nên nó không phải là tai nạn mà là đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt hơn, tai nạn đạo đức xảy ra với các vị hiệu trưởng, những người nắm vai trò quản lý trong nghề giáo – nghề đào tạo ra sản phẩm tối thượng nhất của mọi xã hội: CON NGƯỜI.
Nghề giáo là một trong những nghề được xã hội tôn kính nhất. Ngay cả khi đã trở thành một ông già, tôi vẫn xưng hô với các thầy cô giáo ở mọi lứa tuổi khi tôi tiếp xúc bằng Thầy và Cô. Điều đó cho thấy vị trí quan trọng của thầy giáo cô giáo trong xã hội.
Điều gì đã làm nên sự tôn kính của xã hội đối với các thầy cô? Đó là sứ mệnh của giáo dục và nhân cách của các thầy cô đã trở thành một nét đẹp truyền thống trong xã hội Việt Nam. Thế nhưng trong một hai chục năm trở lại đây, tấm gương nhân cách của thầy cô mỗi ngày một nhiều thêm những vết mờ.
Video đang HOT
Trước kia, chúng ta thường nghĩ về thầy cô như là những người cha, người mẹ của học sinh ở trường. Bởi lúc đó, tình yêu thương trong đó có trách nhiệm của các thầy cô đối với học sinh quả là rộng lớn.
Lúc này, tôi lại nhớ đến hồi học cấp I, khi tôi bị tai nạn do chiếc băng trong lớp đổ vào chân, cô giáo chủ nhiệm lớp đã chăm sóc vết thương cho tôi và cõng tôi trên đoạn đường hơn một cây số từ trường về nhà. Hồi ấy, có những chiều tan học thì mưa bão nổi lên, cô giáo chủ nhiệm đã đội mưa gió đưa từng đứa trò nhỏ về nhà.
Ngày nay những hình ảnh ấy thưa vắng hẳn trong các ngôi trường, nơi mà xã hội từng coi như những lâu đài của tình yêu thương và những điều tốt đẹp nhất.
Một học sinh bị bỏng nặng trong giờ thực hành hoá tại trường Phan Đình Phùng.
Ngày nay, trong những lâu đài ấy mỗi ngày một nhiều hơn những thầy cô xỉ nhục và đánh đập, rủa xả học trò. Mấy năm trước, cả xã hội đau lòng và giận dữ khi một thầy hiệu trưởng mua dâm học sinh. Thời nào cũng có những người thấy đánh mất nhân cách. Nhưng mất nhân cách như một vài người thầy như bây giờ thì sự mất nhân cách ấy đã kịch trần.
Biết bao người không sao hiểu nổi khi một cô hiệu trưởng nhìn thấy một học sinh của mình bị xe chèn ngay trong khuôn viên nhà trường mà vẫn điềm nhiên bỏ đi. Đến khi gia đình học sinh, dư luận xã hội và truyền thông lên tiếng lại tìm cách trốn tránh trách nhiệm của mình bằng những lời nói dối.
Tôi là người không vui khi khi phải lấy một tấm gương nào đó của nước người mà so sánh với nước mình. Nhưng lúc này, một câu chuyện mà tôi chứng kiến vẫn không rời khỏi tâm trí tôi. Câu chuyện đó diễn ra tại một trường tiểu học Mỹ, trường tiểu học Dedham, ở thành phố Dedham, ngoại ô Boston, bang Massachustts.
Trong lễ khai trường năm 2007, những học sinh lớp 2 diễn một tiểu phẩm. Chúng đóng vai những con dê dễ thương. Một buổi sáng, bầy dê con thấy cái chuồng của chúng bị ai đó phá đổ. Trong khi lũ dê con tranh cãi để tìm ra thủ phạm và rơi vào bế tắc thì tôi nghe một giọng nói ồm ồm từ phía dưới hội trường vọng lên. Đó là một người đàn ông đội một cái mũ hình con lừa. Ông vừa bước lên sân khấu vừa nói: Tôi, chính tôi là người làm đổ cái chuồng của các bạn. Tội thực sự hối hận. Hãy thứ lỗi cho tôi”. Lũ dê con ồ lên rồi vây quanh con lừa với những động tác thân thiện và thứ lỗi.
Ai đóng con lừa có lỗi ấy? Xin thưa các bạn: ông hiệu trưởng. Khi một người giới thiệu với các vị khách và học sinh về diễn viên đóng vai con lừa, tôi đã lặng người đi. Một niềm xúc động và cả sự xấu hổ dâng lên trong tôi. Sau này, khi nhớ lại vở tiểu phẩm ấy, tôi lại cất tiếng hỏi: “Liệu có thầy, cô hiệu trưởng ở bất cứ ngôi trường nào ở nước ta có đủ trong sáng và cả sự can đảm để đảm đương vai diễn ấy không?”. Tôi không tin là có.
Câu chuyện tôi đang nói tới chỉ là một tiểu phẩm, nhưng nó cho tôi thấy sứ mệnh và thái độ của một người thầy, người cô đối với học sinh của mình. Đó là sự chia sẻ, sự hòa đồng, sự tôn trọng học sinh và vì học sinh thực sự. Nếu trong trái tim người thầy kia chỉ là một cái ghế hiệu trưởng kê chật trong đó, chỉ là sự hách dịch, chỉ là sự vô cảm và vô trách nhiệm, họ sẽ không bao giờ nhận vai diễn như vậy.
Trước kia làng tôi có một ông thầy có rất nhiều con nuôi. Vì những học trò nghèo từ xa đến học, ông thấy trò nghèo quá nên nuôi ăn ở cho đến khi học xong. Ông chỉ là một thầy đồ và sống thanh đạm nhưng tấm lòng ông thật rộng lớn nên ông mới làm được như vậy. Sau đó học trò nhận ông là cha nuôi và giỗ tết cho đến tận bây giờ. Ông đã sống đúng là một người thầy và cũng là một người cha. Đấy chính là hình ảnh và cũng là bản chất của những người thầy trong truyền thống của dân tộc Việt.
Hồi tôi học lớp tám, một lần cô giáo dạy sinh vật đã nặng lời với một học sinh nghịch ngợm. Khi tan lớp, chúng tôi và cả bạn học sinh kia cũng quên những lời thực sự cay nghiệt của cô. Nhưng đến tiết sinh hai ngày sau đó, trước khi giảng bài, cô đã xin lỗi bạn học sinh ấy và cả lớp. Và cho đến bây giờ, mỗi khi họp lớp hàng năm, chúng tôi lúc nào cũng nhớ tới cô.
Trở lại những câu chuyện đang được dư luận theo dõi hiện nay. Theo thông tin trên các phương tiện truyền thông, sau khi tai nạn xảy ra ở hai ngôi trường, cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc đã tìm cách phủ nhận sự thật, còn Trường PTTH Phan Đình Phùng suốt một tháng vẫn chưa có thái độ rõ ràng đối với sự vô trách nhiệm của cô Nguyễn Thị Mai Anh.
Sự thật cuối cùng vẫn phải được tôn trọng. Nhưng thái độ của cả hai ngôi trường đã cho thấy nền tảng cơ bản của một nền giáo dục đã sụt lún. Vụ nổ trong phòng thí nhiệm và vụ va xe đã để lại hậu quả cho một số em học sinh. Nhưng thái độ của những thầy cô như thế sẽ để lại hậu quả về nhân cách cho những thế hệ người sau này.
Sau mỗi vụ đau lòng về tư cách của những thầy cô trong các nhà trường mà báo chí đề cập, dư luận lại lên tiếng hỏi làm thế nào để những điều tệ hại như thế trong một nền giáo dục không còn hoặc chỉ là hãn hữu?
Có rất nhiều câu trả lời đề cập đến các biện pháp. Nhưng tôi vẫn nghĩ và không bao giờ thay đổi về điều quan trọng nhất làm nên một nền giáo dục chính là nhân tính. Khi không yêu thương một con người chúng ta không bao giờ có khả năng vì con người đó. Tình thương yêu con người không có mới hay cũ, không có chuyện hợp với thời này và không hợp với thời khác.
Mọi thứ đều có thể thay đổi, nhưng tình thương yêu con người mãi mãi không hề đổi thay. Tình yêu thương và chỉ có tình yêu thương mới cảm hóa được con người.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
(Theo Vietnamnet)
Vụ học sinh gãy chân: Ngụy tạo bằng chứng, chà đạp lên sự tử tế
Chia sẻ một quan điểm khác về vụ việc học sinh gẫy chân trong trường tiểu học Nam Trung Yên, bà Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt cho rằng: "Nếu cô Hiệu trưởng biết tôn trọng sự thật, hiểu được nguyên tắc xử lý khủng hoảng truyền thông, tôi tin, mọi việc đã tử tế và tình người hơn rất nhiều".
Theo bà Lan Anh, không có người thầy tử tế nào muốn học trò của mình bị tai nạn ở bất kỳ đâu chứ chưa nói là gãy chân ngay trong trường học. Bởi khi tai nạn xảy ra trong khuôn viên trường, dù vì bất kỳ lý do gì, người thầy cũng cảm thấy có trách nhiệm của mình trong đó.
Trước hết cô Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên cũng đã bỏ qua nguyên tắc phải đối diện với sự thật, tôn trọng sự thật.
Cụ thể, ngay từ đầu cô đã đẩy lỗi về phía học sinh "tự ngã khi va vào ô tô đang đỗ ở trường"; Thiếu thành khẩn, không xin lỗi chân thành gia đình và nói dối quanh co: ban đầu nói không có ô tô vào trường, lần sau lại nói "vô tình không để ý thời điểm đó có xe trong trường"; Ngụy tạo "bằng chứng giả mạo" thông qua việc lấy phiếu ý kiến "100% cán bộ giáo viên và học sinh KHÔNG THẤY XE Ô TÔ VÀO TRƯỜNG"; Cố tình lái dư luận sang hướng khác: vận động một số giáo viên ký vào thư ngỏ "xin minh oan và giữ lại hiệu trưởng"; Gây áp lực không đáng có lên dư luận khi vận động giáo viên thân tín "đòi ra khỏi Đảng nếu không giữ cô làm Hiệu trưởng"...
Việc này không những không gỡ lỗi cho cô Hiệu trưởng mà nghiêm trọng hơn, nó khiến gia đình hụt hẫng, thất vọng và bức xúc; xâm phạm đến lòng tự trọng của những giáo viên tử tế. Đó cũng là nguyên nhân "khởi phát" dẫn đến khủng hoảng truyền thông mà đỉnh điểm khi 18 giáo viên chính trực công bố sự thật với báo giới.
Trường tiểu học Nam Trung Yên - nơi xảy ra sự việc (Ảnh IT)
Ngoài ra, bà Lan Anh cho rằng, hơn ai hết, cô Hiệu trưởng chính là người biết rõ nguyên nhân dẫn đến việc học sinh bị gãy chân. Thay vì để báo chí nghi ngờ điều tra; dư luận xì xào, phỏng đoán, thổi phồng đến mức dậy sóng; cô nên công khai, chủ động gặp gỡ báo chí để cung cấp sự thật, tránh nhiễu loạn thông tin.
"Thông qua buổi gặp gỡ báo chí, bên cạnh việc cung cấp sự thật, cô cũng nên đưa ra giải pháp khắc phục hậu quả; nhận trách nhiệm của bản thân với học trò và phụ huynh; thành khẩn xin lỗi gia đình và cam kết tìm mọi cách giúp gia đình khắc phục hậu quả, cử giáo viên đến dạy riêng để học trò vẫn có thể theo học trong thời gian chờ phục hồi" - bà Lan Anh chia sẻ.
ThS. Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt.
Bà Lan Anh nhận định, chưa nói đến báo chí, ngày nay, với sự hiện diện của mạng xã hội, mỗi cá nhân đều có thể sở hữu một "kênh truyền thông" riêng. Với độ phủ rộng lớn của mạng xã hội, không chỉ tiếng lành đồn xa mà tiếng dữ cũng dễ dàng đồn xa, thậm chí có khả năng đồn xa và đồn nhanh gấp hàng chục lần tiếng tốt. Đôi khi câu chuyện có thể rất nhỏ, nếu không được xử lý kịp thời, đúng mức dễ dẫn đến hiệu ứng đám đông, tạo ra làn sóng dữ dội trên mạng xã hội và hệ quả là vô cùng nghiêm trọng.
"Chính phủ đang nỗ lực hành động, chỉ đạo các bộ ban ngành, các cấp cùng chung tay xây dựng Chính phủ kiến tạo phục vụ nhân dân. Ấy vậy mà đâu đó, vẫn có những cá nhân, những tập thể chưa thấm nhuần quan điểm trên, vẫn hành xử theo lối thâm căn cố đế "cửa trên", không tôn trọng người dân dẫn đến bức xúc, phẫn nộ trong dư luận. Hi vọng một ngày nào đó vấn nạn "trên trải thảm đỏ, dưới trải đinh" sẽ biến mất sự tử tế được lên ngôi." - bà Lan Anh nói.
Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh
Theo Danviet
Tại sao chậm trễ kỷ luật hiệu trưởng lừa dối vụ học sinh gãy chân? Mỗi ngày trôi qua, vụ việc một học sinh Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) bị gãy chân trong trường lại được hé lộ thêm những tình tiết dối trá. Đã 10 ngày kể từ khi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các bên liên quan xem xét đình chỉ chức vụ hiệu trưởng của bà Tạ Thị Bích Ngọc,...