Vị giám đốc 20 năm ấp ủ biến đỉnh đèo Sa Mù thành “tiểu Đà Lạt”
Sau hơn 20 năm ấp ủ, ông Trần Ngọc Lân – Giám đốc Sở KHCN tỉnh Quảng Trị đã quay lại vùng đỉnh đèo Sa Mù để thực hiện ước mơ trùng khớp với ý tưởng của lãnh đạo tỉnh, đó là biến nơi đây thành một “tiểu Đà Lạt”.
Duyên nợ với Sa Mù
Một ngày đầu năm mới, chúng tôi ghé thăm trạm nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (Sở KHCN) tỉnh Quảng Trị, đóng ở đèo Sa Mù, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, để được chiêm ngưỡng nhiều loài hoa, trái trồng nơi đây. Cán bộ, công nhân nơi đây cho biết, để có những vườn lan hồ điệp, hoa ly, hoa tulip, dâu tây… như hiện nay là từ chủ trương của UBND tỉnh và sự tận tâm, nghiên cứu, làm việc không biết mệt mỏi của các cán bộ Sở KHCN tỉnh.
Trong đó, người có vai trò quan trọng nhất là ông Trần Ngọc Lân – Giám đốc Sở KHCN.
Hoa đồng tiền lùn được trồng thử nghiệm ở đèo Sa Mù và thành công ngay ở lần đầu tiên. Ảnh: N.V
Trò chuyện với chúng tôi, vị giám đốc tuổi 50, khuôn mặt luôn tươi cười, tràn đầy năng lượng này cho biết, năm 1987 ông tốt nghiệp THPT và đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Sau 5 năm, ông ra trường và về công tác tại Sở KHCN tỉnh Quảng Trị. Kinh qua nhiều chức vụ, đến năm 2012 ông đảm nhiệm chức Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, đến năm 2015 quay lại Sở KHCN giữ chức Giám đốc cho đến nay.
Nói về những công việc đang thực hiện ở đèo Sa Mù, ông Lân nở nụ cười và cho hay, nó giống như duyên nợ với ông. Cái duyên ấy đến vào năm 1994, khi ông đang làm cán bộ kỹ thuật điện của Sở KHCN. Năm ấy, Sở dự định xây dựng cho Đồn biên phòng Cù Bai một thủy điện nhỏ, ông Lân được giao nhiệm vụ đi khảo sát địa hình. Khi ngang qua đèo Sa Mù, thấy nơi đây có khí hậu ôn hoà, ông Lân đã mơ ước sẽ làm một điều gì đó để biến chổ này thành trung tâm nghiên cứu, phát triển du lịch… Tuy nhiên, thời điểm đó còn nhiều khó khăn nên ông chưa thể thực hiện được ý tưởng.
Ước mơ cứ ấp ủ trong ông cho đến một ngày cuối năm 2015, sau khi có chuyến khảo sát các mô hình trồng cây ôn đới công nghệ cao tại Đà Lạt, thấy Sa Mù và Đà Lạt có những nét tương đồng về khí hậu, ông Lân đã nghĩ đến việc sẽ triển khai mô hình đó ở quê hương.
Ông Trần Ngọc Lân – Giám đốc Sở KHCN tỉnh Quảng Trị (trái) cùng với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính trong vườn lan hồ điệp khoe sắc đẹp lung linh ở Sa Mù. Ảnh: N.V
Để chắc chắn hơn, tranh thủ ngày nghỉ Tết Dương lịch 1/1/2016, ông Lân cùng ông Tạ Sáu – Trưởng phòng quản lý khoa học của Sở KHCN tỉnh Quảng Trị, trở lại Sa Mù, băng rừng đi tìm vị trí đóng “đại bản doanh”.
Những ý tưởng, cách làm được ông Lân trình bày với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và ngay lập tức được đồng ý về chủ trương. Nghe ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo “Khoa học công nghệ đi tiên phong, hãy biến Sa Mù trở thành một tiểu Đà Lạt, từ đó phát triển du lịch, kinh tế cho nhân dân” – ông Lân thấy mình được tiếp thêm sức mạnh.
Để thực hiện ý tưởng, thuyết phục được UBND tỉnh, ông Lân bàn thảo trong Ban giám đốc Sở và trích kinh phí sự nghiệp của Sở để trồng thử nghiệm 8.000 cây hoa ly, 7.000 hoa tulip.
Video đang HOT
Nói về sự táo bạo này, ông Lân chia sẻ: “Hoa ly khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật cao nên nếu trồng thành công sẽ thuyết phục được lãnh đạo UBND tỉnh, người dân và doanh nghiệp”.
Những ngày đầu khai phá vùng đất mới, trồng thử nghiệm loài hoa có nguồn gốc tận xứ Hà Lan, chưa bao giờ xuất hiện ở Quảng Trị, ông Lân lo nghĩ, trăn trở rất nhiều. Ban ngày lo việc quản lý Nhà nước ở cơ quan, ban đêm ông lại lên internet tìm đọc tài liệu, nghiên cứu kỹ thuật trồng hoa để góp ý, chỉ đạo cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật thực hiện.
“Tiểu Đà Lạt” ở Quảng Trị
Sau khi trồng thử nghiệm thành công hoa ly, tulip, Sở KHCN và cá nhân ông Lân nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo tỉnh và được cấp kinh phí để thực hiện những lần trồng tiếp theo.
Dịp Tết Nguyên đán 2019, thay vì phải mua hoa ly, tulip ở tỉnh bạn nhập về, người dân Quảng Trị đã được mua những cành hoa ly có 7 – 8 bông nở rộ, thơm ngào ngạt trồng tại tỉnh nhà đưa về chưng trong nhà, cảm giác thật thích thú và cả tự hào.
Thành công nối tiếp thành công, đầu năm 2019 Sở KHCN Quảng Trị đã trồng 13.000 gốc hoa lan hồ điệp, nay đã khoe sắc đẹp lung linh. Những du khách khi đến nơi đây có thêm điểm thưởng ngoạn, chụp ảnh chẳng muốn rời chân. Tết năm 2020 này, người dân Quảng Trị lại tiếp tục được mua hoa lan hồ điệp về trang trí cho ngôi nhà thêm xinh đẹp.
Ông Lân cho biết, lan hồ điệp được mệnh danh là loài hoa đỏng đảnh, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao, đúng quy trình. Ở từng giai đoạn, loài hoa này cần một nhiệt độ riêng, ban ngày từ 24 – 31, ban đêm từ 16 – 25 độ C; nếu chăm sóc không đúng quy trình thì lan không thể ra hoa hoặc ít hoa.
Vì thế, sau quá trình nghiên cứu, ông Lân quyết định trồng lan bằng công nghệ 4.0, tự động hoàn toàn, có cảm biến đo độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng… kết nối internet. Mái che, quạt, hệ thống làm mát bằng hơi nước… sẽ tự động điều chỉnh khi môi trường bên ngoài thay đổi. Sau khi lấy giống lan hồ điệp từ Đài Loan về, Sở KHCN đã nghiên cứu, làm chủ được công nghệ cấy mô nên nguồn giống nay có thể tự cung tự cấp.
Ông Lân tiết lộ, theo quy trình chung thì quá trình cấy chuyển khi nhân giống bằng nuôi cấy mô mất từ 55 – 60 ngày. Nhưng Sở KHCN Quảng Trị đã nghiên cứu và áp dụng thành công công nghệ, quy trình mới, rút ngắn thời gian cấy chuyển nhân nhanh xuống chỉ còn 15 ngày. Theo quy trình chung, 18 tháng sau khi trồng mới có thể xử lý cho lan ra hoa, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ 4.0, đơn vị này đã đẩy nhanh quá trình ra hoa sớm hơn 3 tháng (chỉ còn 15 tháng), tiết kiệm chi phí chăm sóc.
Một thông tin đáng chú ý nữa mà ông Lân tiết lộ là ở Sa Mù có nguồn nước tự chảy. Ở độ cao trên 1.500m, Sa Mù mưa quanh năm, nước từ lá cây thấm xuống đất, chảy xuống suối đá nên chất lượng nước rất tốt với chỉ số TDS từ 10 – 20; pH gần bằng 7.
“Sa Mù nay đã có điện, sóng điện thoại và mạng 3G, 4G đến tận nơi. Đặc biệt, với nguồn nước tự chảy, không cần bơm và công nghệ của Sở giảm 3 tháng thời gian chăm sóc hoa lan hồ điệp và một số cây khác, tiết kiệm được nhiều khoản chi phí, đó là những lợi thế khi doanh nghiệp hay người dân muốn đến đây đầu tư. Về phía Sở thì luôn sẵn sàng hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho nhà đầu tư” – ông Lân chia sẻ.
Ông Lân cũng cho hay, Sở KHCNđang trồng thử nghiệm một số loại dược liệu quý tại địa phương đã bị tận diệt như lan kim tuyến, sâm thất diệp nhất chi hoa…, nếu thành công thì cơ hội phục tráng là rất lớn.
Ông Nguyễn Quân Chính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, thành công của việc trồng các loại cây trái ôn đới ở Sa Mù góp phần thúc đẩy ước mơ biến nơi đây trở thành một “tiểu Đà Lạt”, phát triển kinh tế, du lịch. Thời gian tới, tỉnh định hướng sẽ lấy Sa Mù làm trung tâm để hình thành tour du lịch thuỷ điện, điện gió, văn hoá dân gian, hang động Brai… ở vùng Bắc Hướng Hoá.
Theo Danviet
Không ngờ đây là nơi đầu tiên trồng hoa lan hồ điệp ở Quảng Trị
Lần đầu tiên loài hoa lan hồ điệp được trồng trên đèo Sa Mù, tỉnh Quảng Trị và đang khoe sắc trong tiết trời se lạnh đón năm mới 2020. Thành công này tiếp tục góp phần giúp ước mơ có một "tiểu Đà Lạt" ở Quảng Trị sớm thành hiện thực.
Ngày 30/12, PV Dân Việt có dịp ghé thăm Trạm nghiên cứu, ứng dụng Khoa học Công nghệ (Sở KHCN) tỉnh Quảng Trị để chiêm ngưỡng loài hoa lan hồ điệp đẹp "nghiêng nước nghiêng thành".
13.000 gốc lan hồ điệp khoe sắc, tới đây sẽ được cung cấp đến người dân địa phương để chơi tết. Ảnh: Ngọc Vũ
Tại trạm nghiên cứu này trồng 13.000 gốc hoa lan hồ điệp ở đèo Sa Mù (huyện Hướng Hoá, Quảng Trị) với độ cao trên 1.000 mét.
Ông Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Quảng Trị cho biết, 13.000 gốc lan hồ điệp được trồng vào cuối năm 2018, đầu năm 2019 đến nay đã ra hoa khoe sắc.
8 giống hoa lan trồng ở đây được nhập từ Đài Loan với 7 màu tím, vàng, trắng, đỏ, chấm trắng, màu đồng và hồng.
Để có được vườn lan hồ điệp với nhiều sắc màu đẹp lung linh tốn nhiều công sức nghiên cứu, chăm sóc. Ảnh: Ngọc Vũ
Vườn lan được kiểm soát bằng công nghệ 4.0, tự động hoàn toàn, có cảm biến đo độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng... kết nối internet. Mái che, quạt, hệ thống phun sương... sẽ tự động điều chỉnh khi môi trường bên ngoài thay đổi.
Nhiệt độ, độ ẩm trong vườn lan được kiểm soát liên tục bằng hệ thống cảm biến điện tử. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Đào Ngọc Hoàng, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở KHCN Quảng Trị) cho biết, lan hồ điệp được gọi với cái tên mỹ miều là loài hoa đỏng đảnh bởi nó rất khó chăm sóc, đòi hỏi kỹ thuật cao.
Một số loại sâu bọ, muỗi được dùng keo dính để bắt chứ không hề phun thuốc hoá học. Ảnh: Ngọc Vũ
Ở từng giai đoạn chăm sóc, lan hồ điệp cần nhiệt độ khác nhau từ 15-28 độ C, nếu chăm sóc không đúng quy trình thì lan không thể hoặc ít ra hoa.
Ngoài lan hồ điệp còn có hoa đồng tiền lùn. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, việc trồng thành công lan hồ điệp và một số loài hoa, trái khác như ly ly, tulip, đồng tiền lùn, dâu tây, cà chua cherry (cà chua siêu ngọt)... ở đèo Sa Mù góp phần giúp ước mơ có một "tiểu Đà Lạt" ở Quảng Trị sớm thành hiện thực, kích cầu phát triển du lịch, kinh tế của tỉnh.
Hoa ly ly, dâu tây và cà chua cherry cũng được trồng thử nghiệm thành công tại đèo Sa Mù. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Quảng Trị cho biết, sau khi xây dựng quy trình chuẩn trồng các loài cây trái trên, đơn vị này sẽ chuyển giao kỹ thuật cho doanh nghiệp, người dân có nhu cầu đầu tư.
Theo Danviet
29 hộ người Lào biên giới Hướng Hóa lần đầu tiên được đón Tết Việt Trước thềm Tết Canh Tý 2020, vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban chỉ đạo biên giới tỉnh Hà Sỹ Đồng đã đi thăm, chúc tết các đồn biên phòng, người dân sống tại khu vực biên giới huyện Hướng Hóa; động viên những hộ người Lào lần đầu tiên được đón Tết Nguyên đán sau khi...