Ví điện tử ‘bùng nổ’ mạnh mẽ nhờ dịch COVID-19
Trong khi hàng loạt ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 thì thanh toán điện tử (E-payment) nói chung và ví điện tử (E-wallet) nói riêng lại có cơ hội bứt phá vượt trội.
Nhiều chuyên gia tài chính đánh giá, ví điện tử càng phát triển mạnh mẽ và sẽ trở thành siêu ứng dụng trong tương lai.
COVID-19 tạo cú huých bùng nổ
Bà Đinh Hồng Hạnh, lãnh đạo Dịch vụ tư vấn tài chính, Công ty Tư vấn PwC Việt Nam cho biết: “Thanh toán điện tử đã trở nên phổ biến từ trước COVID-19. Tuy nhiên, đại dịch đã tạo ra cú huých thúc đẩy thanh toán điện tử bùng nổ, nhanh hơn 3-5 năm về tốc độ áp dụng. Đây chính là cơ hội mới cho toàn bộ hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số, bao gồm các ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và ví điện tử phát triển”.
Ví điện tử hiện đang là phương thức thanh toán được nhiều người ưa chuộng sử dụng. Ảnh: MM
Hiện nay, bên cạnh các giao dịch thực hiện qua Mobile Banking, Internet Banking, cà thẻ, quét QR Code, thanh toán bằng nhận diện gương mặt… ví điện tử cũng là phương thức được nhiều người sử dụng. Theo khảo sát của Visa, trong bối cảnh dịch COVID-19, ví điện tử lại càng “có đất để dụng võ”. Khảo sát cũng cho thấy, 57% người tiêu dùng có tới ba ứng dụng ví điện tử trên điện thoại, 55% người tiêu dùng ưa thích ứng dụng có thể thực hiện tất cả các giao dịch.
Thống kê của NNHN cho thấy, hiện thị trường Việt Nam có khoảng 43 ví điện tử và tổ chức trung gian thanh toán không phải ngân hàng được chính thức cấp phép hoạt động. Con số này đã tăng gấp 7 lần so với năm 2015. Như vậy, bên cạnh các thương hiệu “quen mặt” với người tiêu dùng nhiều năm nay như: MoMo, VNPAY, ShopeePay (trước đây là Airpay), ViettelPay, ZaloPay, Moca (GrabPay), Payoo, thị trường ví điện tử đang ngày một sôi động hơn với sự góp mặt của hàng loạt Fintech Việt tài năng và cả các tập đoàn lớn có hệ sinh thái đa dạng như: VinID (thuộc VinGroup), VNPT Pay (thuộc VNPT), SenPay (thuộc FPT), MobiFone Pay (thuộc MobiFone), eM (đã được Alibaba mua lại 1 phần cổ phần và đang tích hợp vào Lazada), SmartPay, G-Pay…
Điều này cho thấy, ngày càng nhiều ví điện tử có mặt trên thị trường với những ưu đãi để thu hút khách hàng làm cuộc đua ví điện tử trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Trong “Ngày không dùng tiền mặt năm 2021″ được tổ chức vừa qua, Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN Phạm Tiến Dũng cũng đã thừa nhận, một trong những dấu ấn đặc biệt nhất trên thị trường thanh toán 5 năm qua là sự nổi lên của ví điện tử. “Dù giá trị giao dịch chưa bằng ngân hàng, song số giao dịch qua ví điện tử đã gần tương đương giao dịch ngân hàng”, ông Phạm Tiến Dũng nói.
Đại diện NHNN cũng cho biết, ví điện tử đang hoạt động theo cơ chế người dùng chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản thanh toán nên không bị khống chế hạn mức thanh toán. Vì vậy, các đơn vị vận hành ví điện tử tăng cường liên kết với các ngân hàng để mở rộng phạm vi chuyển tiền thanh toán cho người dùng. Ngược lại, các ngân hàng cũng có lợi thế mở rộng khách hàng và tận dụng được một hệ sinh thái thanh toán sẵn có kết nối với các sàn thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi… nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thanh toán không tiếp xúc lên ngôi.
Video đang HOT
Sẽ dần trở thành siêu ứng dụng
Nhiều chuyên gia nhận định, trong năm 2022, thị trường ví điện tử sẽ cạnh tranh khốc liệt, có thể thúc đẩy các nhà cung cấp ví điện tử sáp nhập thành một vài siêu ứng dụng (super app) hàng đầu trong khu vực và địa phương nhằm thống lĩnh thị trường. Không chỉ thế, nhiều siêu ứng dụng và nhà cung cấp dịch vụ thuộc các nhóm ngành kinh tế khác (như thương mại điện tử, bán lẻ và dịch vụ tài chính) cũng sẽ bắt tay cùng hợp tác.
Để cạnh tranh thị phần, các ví điện tử phải sát nhập hoặc hợp tác với các nhà bán lẻ, ngân hàng, sàn TMĐT hoặc dịch vụ tài chính khác để trở thành siêu ứng dụng. Ảnh: SP
Như ví điện tử MoMo, để củng cố vị trí siêu ứng dụng dẫn đầu thị trường thông qua việc tăng cường cung cấp các dịch vụ tài chính đến 31 triệu khách hàng hiện hữu, mở rộng thị trường thông qua việc cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ (SME), siêu nhỏ (MSME) tại Việt Nam và tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư vào các công ty Việt Nam để mở rộng hệ sinh thái, MoMo đã nhiều lần gọi vốn đầu tư. Mới đây nhất, vào tháng 12/2021, MoMo đã hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E) với số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu, gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. Vòng gọi vốn lần này được dẫn dắt bởi Mizuho – Ngân hàng toàn cầu Nhật Bản.
Ông Daisuke Horiuchi, Giám đốc điều hành mảng Kinh doanh bán lẻ của Mizuho (Mizuho’s Retail Business) chia sẻ: “Chúng tôi đang không ngừng tìm kiếm và mở rộng các mảng kinh doanh bán lẻ tại Đông Nam Á cũng như trong lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển tài chính toàn diện. MoMo đã thể hiện rất xuất sắc trong cả ba lĩnh vực trên và chúng tôi tin tưởng rằng, việc hợp tác với MoMo sẽ hỗ trợ công ty phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, đồng thời thúc đẩy tài chính toàn diện ngày càng phổ biến tại Việt Nam”.
Không chỉ MoMo, hiện nhiều ví điện tử khác cũng đang đẩy mạnh mở rộng hệ sinh thái của mình. Cụ thể, ngoài cung cấp đầy đủ các tiện ích cơ bản như thanh toán điện thoại, điện, nước, Internet, thanh toán, thanh toán các khoản vay, phí bảo hiểm, phí dịch vụ chung cư, dịch vụ công, học phí, mua vé (tàu xe, máy bay)… các ví điện tử đang xây dựng cho mình các trò chơi, chương trình ưu đãi riêng hay liên kết với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Zalora… để gia tăng trải nghiệm, tiện ích cho khách hàng. Ví điện tử nào có nhiều tiện ích, phù hợp với khách hàng của mình sẽ có được lợi thế trong cuộc đua thu hút khách hàng.
Có thể thấy, ShopeePay đang khai thác tốt lợi thế cạnh tranh (USPs) là nền tảng thanh toán tích hợp trong sàn TMĐT dẫn đầu thị trường là Shopee; MoMo lại cho thấy sức mạnh trong việc đa dạng hóa dịch vụ, tiện ích thanh toán và đối tác liên kết. Bên cạnh đó, VNPAY với thế mạnh vững vàng của nền tảng cổng thanh toán điện tử – sở hữu mạng lưới đối tác liên kết thanh toán “đáng nể”. ZaloPay với lợi thế chuyển đổi người dùng trực tiếp trong ứng dụng Zalo Chat. ViettelPay với hệ sinh thái viễn thông cho phép chuyển tiền qua số điện thoại. Moca (GrabPay) với hệ sinh thái thuộc siêu ứng dụng Grab. SmartPay với nhóm khách hàng đặc thù là tiểu thương và SMEs…
Ông Đào Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần AppotaPay (đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử), tiết lộ những tháng đầu năm 2021, AppotaPay đã liên kết với một số ngân hàng thương mại cổ phần như: Nam Á (Nam A Bank), Phương Đông (OCB)… để phát triển ví điện tử. Tương tự, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn như: Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank, MSB… đã liên kết với ví điện tử ShopeePay để phát triển dịch vụ.
Theo dự báo của AppotaPay, thị trường thanh toán không dùng tiền mặt trong 3-5 năm tới sẽ phát triển rất mạnh. Trong đó, Mobile Money cùng với ví điện tử sẽ là những dịch vụ mũi nhọn giúp thanh toán không dùng tiền mặt tiếp cận và chiếm lĩnh được tới thị phần rộng lớn còn lại trong bức tranh thanh toán trực tuyến ở Việt Nam. Giữa xu thế cạnh tranh khốc liệt của toàn ngành, thương hiệu ví điện tử nào có hệ sinh thái tốt sẽ chiếm lĩnh thị phần, trong khi các ví còn lại không có hệ sinh thái sẽ phải cạnh tranh bằng mọi phương diện.
Không như kỳ vọng, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số vấp phải sự thờ ơ của người dùng Trung Quốc
Với việc hầu hết người tiêu dùng Trung Quốc đã sử dụng Alipay và WeChat Pay để thanh toán điện tử, lợi ích của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số vẫn chưa thực sự rõ ràng...
Từ đồ dùng nhà bếp đến rau quả tươi, Sun Xuhong, một cư dân ở Thượng Hải, đều mua sắm trực tuyến vì có nhiều lựa chọn thương hiệu nhập khẩu tốt hơn so với các thương hiệu được tìm thấy ở các nhà bán lẻ truyền thống.
Lựa chọn đa dạng cùng với việc liên kết với các ứng dụng thanh toán di động hoạt động trơn tru như Alipay của Ant Group hay WeChat Pay của Tencent là lý do tại sao Sun ít quan tâm đến việc tham gia vào các thử nghiệm tiền kỹ thuật số có chủ quyền của Trung Quốc, vốn cho đến nay chỉ giới hạn ở một số nhà bán lẻ và một số trang thương mại điện tử.
"Tôi đã mở một ví nhân dân tệ điện tử từ 2 tháng trước chỉ để "ủng hộ" một nhân viên ngân hàng," Sun nói. "Nhưng thực sự không có lý do gì để tôi thay đổi cách chi tiêu. Tiền kỹ thuật số vẫn là một cái gì đó mang tính lý thuyết đối với tôi."
Trong bối cảnh Trung Quốc chạy đua để trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên tung ra một loại tiền kỹ thuật số có chủ quyền, câu chuyện trên đặt ra câu hỏi về việc hệ thống thanh toán này sẽ được sử dụng rộng rãi như thế nào. Với việc hầu hết người tiêu dùng đã quá quen với việc sử dụng Alipay và WeChat Pay để thanh toán điện tử, lợi ích của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Vấn đề lớn nhất của Trung Quốc nằm ở việc thuyết phục người dân chuyển đổi từ các hệ thống thanh toán di động phổ biến hiện tại là Alipay và WeChat Pay, hai ví điện tử có tổng thị phần trên 90%, là điều rất khó khăn.
Những người dùng mạng xã hội của nước này cho biết đồng tệ số dường như không cung cấp bất kỳ điều gì mới mẻ hơn. "Chỉ bằng cách nhìn vào sự khác biệt giữa các ứng dụng di động ngân hàng và Alipay, đã có thể thấy rõ chất lượng kém hơn nhiều của các sản phẩm cộp mác nhà nước", một người dùng trên Bilibili - trang web chia sẻ video phổ biến ở Trung Quốc, nhận xét.
Sun cho biết cô không có nhu cầu sử dụng đồng tệ số thay thế ví điện tử Alipay trừ khi cô bị buộc phải làm như vậy. "Tôi không có thói quen mua sắm trên Taobao cho đến hai năm trước, tôi chỉ đơn giản là cần theo kịp thời đại", Sun nói khi đề cập đến nền tảng mua sắm trực tuyến phổ biến của Trung Quốc. "Nhưng nếu việc không sử dụng đồng nhân dân tệ điện tử trong tương lai trở nên bất tiện, tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận nó."
Trong một nỗ lực quảng bá đồng Nhân dân tệ số, hồi tháng 4, chính phủ Trung Quốc đã mở rộng phạm vi thử nghiệm tới 11 khu vực và thành phố thí điểm, thậm chí là cung cấp tiền số cho cả du khách nước ngoài tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh dự kiến diễn ra vào tháng 2 năm sau.
Tờ SCMP đưa tin, tính tới thời điểm hiện tại đã có hơn 2 tỷ nhân dân tệ kỹ thuật số (314 triệu USD) được người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu cho khoảng 4 triệu giao dịch tại các cửa hàng, nhà hàng và trên một số nền tảng trực tuyến nhất định. Để khuyến khích người dân sử dụng, mới đây Chính phủ Trung Quốc quyết định sẽ chi khoảng 40 triệu nhân dân tệ số cho người dân Bắc Kinh theo hình thức quay số. Trước đó, vào tháng 2, thành phố Thành Đô cũng đã phân phát 40,2 triệu nhân dân tệ số qua những bao lì xì xổ số cho người dân. Năm ngoái, khu trung tâm công nghệ Thâm Quyến cũng tổ chức một đợt xổ số tương tự.
Trong khi các thử nghiệm thí điểm đã tập trung vào người tiêu dùng ở các thành phố lớn, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang mở rộng tích hợp sang các giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Trong đó, Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc và Tập đoàn Công nghệ Kỹ thuật số Xinte đã tiến hành thử nghiệm trên nền tảng B2B trong lĩnh vực vận chuyển từ tháng 03 năm nay.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc còn đang đặt nền móng cho việc sử dụng đồng nhân dân tệ ở nước ngoài, mặc dù các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt của Trung Quốc là một trở ngại lớn đối với việc mở rộng quy mô sử dụng đồng nhân dân tệ. Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đang nghiên cứu tính khả thi của việc sử dụng CBDC để thanh toán xuyên biên giới.
Các nhà phân tích cho biết, quyết định tung ra đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Bắc Kinh không chỉ nhằm giành quyền kiểm soát nhiều hơn đối với thanh toán di động mà còn giảm bớt sự phụ thuộc của các công ty Trung Quốc vào hệ thống tài chính toàn cầu tập trung vào đồng đô la và tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Oriol Caudevilla, một thành viên của Hiệp hội đồng tiền kỹ thuật số, cho biết việc áp dụng đồng nhân dân tệ điện tử ở nước ngoài có thể giúp Trung Quốc chuyển đổi một số mặt hàng xuất khẩu bằng đô la Mỹ của họ thành hàng xuất khẩu bằng đồng nhân dân tệ.
"Lợi ích của Trung Quốc không chỉ là biến đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trở thành công cụ hiệu quả cho thanh toán bán lẻ của người tiêu dùng nội địa mà còn nâng tầm đồng tiền này như một loại tiền tệ thanh toán trong hệ thống tài chính toàn cầu".
Tuy nhiên, trả lời truyền thông vào tuần trước, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Zhou Xiaochuan khẳng định, nỗ lực số hóa hệ thống thanh toán bằng đồng nhân dân tệ sẽ giúp nâng cao vị thế quốc tế của đồng tiền này ở một mức độ nhất định, nhưng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số không được thiết kế để thay thế đô la Mỹ.
Hailong Xia, một luật sư về tuân thủ không gian mạng tại Shen Lun Law, cho biết một trong những thách thức lớn để tạo ra một "hệ thống tương thích" cho các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương là các chính sách tiền tệ và cơ chế trao đổi khác nhau của mỗi quốc gia.
"Nhưng những lo lắng liên quan đến việc giám sát rủi ro, sử dụng và sở hữu dữ liệu, cũng như các vấn đề tài chính liên quan vẫn có thể được giải quyết thông qua các thỏa thuận song phương hoặc đa phương," Hailong nói.
Ví điện tử Foxpay nhận giải 'Sao Khuê 2021' Ví điên tư Foxpay của FPT Telecom vừa nhận giải "Kê toán - Tài chính" hỗ trợ quá trình thanh toán đơn giản, quản lý tài chính và tích hơp nhiêu dịch vụ. Sáng 24/4, lễ công bố và trao giải Sao Khuê 2021 - danh hiệu uy tín của ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, do...