Vì cuộc chiến Syria, Mỹ sẽ gỡ bỏ cấm vận Nga?
Vì Mỹ cần hợp tác với Nga trong vấn đề Syria, Washington sẽ phải nhượng bộ Moscow, trong đó có việc gỡ bỏ lệnh cấm vận trong thời gian dài, tờ Wall Street Journal (WSJ) nhận định.
Theo hãng tin Sputnik (Nga), gần đây Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã trở thành khách mời thường xuyên của Moscow. Mỹ đang ngày càng chứng minh tinh thần sẵn sàng hợp tác với Nga trong vấn đề giải quyết khủng hoảng Syria.
Theo truyền thông, trong suốt chuyên thăm Nga gần đây, ông Kerry đã đề xuất ý tưởng thành lập nhóm làm việc chung giữa hai nước để chia sẻ thông tin cũng như các dữ liệu tình báo nhằm phối hợp hành động chống lại quân khủng bố.
Theo WSJ, Moscow chưa chắc quan tâm tới đề xuất này của Mỹ bởi việc hợp tác trong quá trình giải quyết xung đột ở Syria sẽ đòi hỏi hai bên phải ở trong quan hệ đối tác. Tuy nhiên, điều này không thể thành hiện thực chừng nào Mỹ còn áp lệnh trừng phạt lên Nga.
Tổng thống Nga Putin (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại một cuộc họp ở Điện Kremlin. Ảnh: Sputnik
“Do đó, Mỹ trong tương lai gần có thể sẽ sẵn sàng gỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm đổi lấy kế hoạch hợp tác chung với Nga trong vấn đề Syria” – WSJ viết.
Moscow có mọi lý do để lạc quan về việc này bởi Washington gần đây đã trở nên khá linh hoạt trong quan điểm về vấn đề trên. Chỉ cách đây một năm, Mỹ đã kiên quyết khước từ mọi đề xuất hợp tác với Nga để giải quyết các vấn đề xung đột ở Trung Đông. Thế nhưng, kể từ đó, Nga đã cho thấy nước này đạt được hiệu quả trong vấn đề giải quyết xung đột ở Syria.
Ngoài ra, theo WSJ, sự kiên quyết của EU trong việc giữ nguyên lệnh trừng phạt chống Nga đã lung lay, đặc biệt là từ khi Mỹ tập trung vào các vấn đề ở Syria, chuyển việc giải quyết khủng hoảng ở Ukraine cho Đức.
Video đang HOT
Vì vậy, Nga có thể mong đợi rằng sự trợ giúp của nước này trong quá trình giải quyết xung đột ở Syria sẽ tác động tới quan điểm của cả Washington và Berlin, theo bài báo.
Thế giới ngày càng chứng kiến nhiều vụ tấn công mang tính chất của một cuộc tấn công khủng bố, mới đây nhất là vụ tấn công TP Nice (Pháp) khiến hơn 80 người thiệt mạng. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống khủng bố đòi hỏi phải có sự nỗ lực của toàn cầu, bao gồm sự hợp tác giữa Nga với Mỹ.
Syria được đánh giá là đất nước ít hòa bình nhất trên thế giới. Ảnh: theweek.co.uk
“Chủ nghĩa khủng bố hiện tại đang hiện diện toàn cầu. Những phần tử khủng bố không chỉ có ở Syria, mà trên toàn cầu. Để đánh bại chủ nghĩa khủng bố, chúng ta cần hợp tác toàn cầu” – nhà phân tích chính trị Georgiy Fedorov nói.
Theo ông, Mỹ đang muốn áp dụng tiêu chuẩn kép. Một mặt, Washington muốn hợp tác chống khủng bố. Mặt khác, nước này đang làm suy giảm các hoạt động chống khủng bố của Nga và áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga mà vốn chỉ làm căng thẳng hai bên leo thang.
THÁI LAI
Theo PLO
Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bị cô lập sau cuộc đảo chính
Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị cô lập trong cộng đồng quốc tế, kể cả chuyện mất tư cách thành viên NATO. Các lãnh đạo thế giới còn cảnh báo Tổng thống Erdogan không nên "đi quá xa" sau cuộc đảo chính bất thành đêm 15-7.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể không đáp ứng được "yêu cầu tôn trọng dân chủ" của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu nước này không tuân thủ nguyên tắc thượng tôn pháp luật sau cuộc đảo chính thất bại, Independent dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại Brussels (Bỉ) hôm 18-7.
Sau cuộc đảo chính bất thành, Tổng thống Erdogan thực hiện chiến dịch thanh trừng quy mô lớn. Nguồn: Telegraph
Sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15-7, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã thực hiện chiến dịch thanh trừng quy mô lớn. Hàng ngàn người bị bắt và sa thải vì nghi ngờ dính líu tới âm mưu đảo chính.
Ông Erdogan đã mô tả những người tổ chức đảo chính là "tế bào ung thư" cần bị "loại bỏ" khỏi các cơ quan công quyền. Điều này đã khiến cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lo ngại.
Tờ Telegraph cho hay theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đứng trước nguy cơ bị cô lập trong cộng đồng quốc tế, kể cả chuyện bị NATO trục xuất khỏi khối. Còn EU đang cân nhắc việc cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh.
Giới lãnh đạo NATO khẳng định rằng cam kết "đảm bảo dân chủ, trong đó có việc chấp nhận sự khác biệt" là một trong năm yêu cầu cốt lõi đối với các thành viên trong liên minh. Tuy nhiên, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng "còn quá sớm" để khẳng định chiến dịch thanh trừng của ông Erdogan sẽ khiến nước này mất tư cách thành viên trong NATO.
Tại cuộc họp báo chung với Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini, ông Kerry nói rằng Mỹ "đứng về phía các nhà lãnh đạo được bầu ở Thổ Nhĩ Kỳ" nhưng đồng thời hối thúc chính phủ nước này "giữ vững các tiêu chuẩn cao nhất trong việc tôn trọng các thể chế dân chủ và luật pháp của đất nước".
Bà Mogherini cũng cảnh báo rằng những nước thực thi án tử hình sẽ không được phép gia nhập EU, trong khi đó ông Kerry khẳng định "NATO cũng có yêu cầu tương tự về dân chủ", theo Washington Post.
Người dân lao vào chặn một chiếc xe tăng trong đêm đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Telegraph
"Mỹ ủng hộ việc đưa những kẻ đảo chính ra trước công lý nhưng chúng tôi cũng cảnh báo những hành động vượt quá giới hạn và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quy tắc dân chủ" - ông Kerry nói.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã khẳng định chính quyền của ông Erdogan sẽ tôn trọng nền dân chủ, trong khi Ngoại trưởng Mỹ nói rằng NATO có tiêu chuẩn riêng về dân chủ và "sẽ đánh giá kỹ lưỡng những gì đang xảy ra" ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo Telegraph.
Về phía EU, phát ngôn viên Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo rằng các cuộc đàm phán để xem xét việc cho phép Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh sẽ kết thúc nếu Ankara khôi phục án tử hình.
Sau đêm đảo chính bất thành hôm 15-7, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ khoảng 6.000 sĩ quan, binh sĩ quân đội và thẩm phán, công tố viên trên khắp cả nước. Hôm 18-7, 8.000 cảnh sát đã bị sa thải vì bị nghi ngờ có liên quan đến đảo chính. Ông Erdogan tuyên bố những người tham gia đảo chính "phải trả giá" và chính phủ có thể khôi phục án tử hình để trừng phạt những "kẻ phản bội".
THÁI LAI
Theo PLO
John Kerry cảnh báo hành động của Thổ Nhĩ Kỳ có hậu quả ở NATO Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 18/7 cảnh cáo hành động của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính hôm 15/7 có để tạo thành hậu quả ở NATO nếu Ankara "đi quá xa". Chỉ trong hai ngày cuối tuần, chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tiến hành bắt bờ hàng nghìn quân nhân, thẩm phán và sĩ quan...