Vì con, sản phụ ‘ôm’ khối u nặng 4,5 kg trong lồng ngực
Vì giữ thai, sản phụ đã để khối u 4,5 kg phát triển trong ngực. Chỉ đến khi sinh xong chị mới đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị và được các bác sĩ phẫu thuật cứu tính mạng.
Bệnh nhân Phượng (ngồi) phục hồi sức khỏe, vui vẻ sau khi được cắt bỏ khối u – Ảnh: Nguyên Mi
Sáng nay 24.4, bác sĩ Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: “Lần đầu tiên trong nghề, tôi chứng kiến khối u to như thế, vừa mổ vừa lo bệnh nhân có thể bung tim tử vong bất cứ lúc nào”.
Bệnh nhân là chị Nguyễn Thị Phượng (41 tuổi, quê Vĩnh Long), vừa sinh con được hơn 2 tháng. Chị được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật cắt bỏ khối u nặng tới 4,5 kg; kích thước 30 x 70 x 25 cm (tương đương trái mít) trong lồng ngực.
Theo bác sĩ Vĩnh, căn cứ vào kích thước của khối u thì nó phải nằm trong cơ thể bệnh nhân ít nhất một năm rưỡi và phát triển rất mau trong quá trình bệnh nhân mang thai. Tuy nhiên, do muốn giữ em bé trong bụng nên dù biết có u lớn, sản phụ vẫn cố chịu đựng, không điều trị.
Ngay sau khi sinh em bé an toàn, bệnh nhân đã nhanh chóng đến Bệnh viện Chợ Rẫy để khám, điều trị.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở khi đi lại, nặng nề ngực phải.
Video đang HOT
Các chẩn đoán cho thấy khối u đã chiếm hết cả lồng ngực. U dính vào cơ hoành, màng tim và các mạch máu chính trong lồng ngực, thành ngực, đồng thời, đè xẹp luôn toàn bộ phổi phải, chèn ép các cấu trúc khác trong lồng ngực.
Theo chẩn đoán của các bác sĩ, đây là khối u sợi thần kinh. Một điều rất hiếm là từ trước tới nay, dạng u này có tính chất cứng nhưng nhỏ chứ không to như vậy. Đồng thời, thông thường khối u dạng này bắt nguồn từ thần kinh cột sống, nhưng khối u của sản phụ lại bắt nguồn từ thần kinh liên sườn phải.
Các bác sĩ không ngờ với tình trạng tim, phổi bị chèn ép như thế mà bệnh nhân vẫn sống. Với kích thước và tình trạng của khối u, các bác sĩ đã rất dè dặt khi đưa ra quyết định mổ. Theo hội chẩn thì bệnh nhân có thể tử vong trên bàn mổ vì mất máu hoặc bung tim trong quá trình phẫu thuật.
Thế nhưng, “cô ấy rất quyết tâm mổ, muốn sống để được nuôi con, nhìn thấy con mình trưởng thành dù cơ hội chỉ ít ỏi. Chính nghị lực khát khao sống của người mẹ đã khiến các bác sĩ chúng tôi cũng quyết tâm theo. Ca mổ đã được tiến hành sau hơn một tháng chuẩn bị kỹ lưỡng”, bác sĩ Vĩnh cho biết.
Cuối cùng, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công. Các bác sĩ đã lấy khối u trong ngực bệnh nhân.
Hiện tại, bệnh nhân đang hồi phục sức khỏe tốt và có thể tiếp tục cuộc sống bên đứa con mới chào đời.
“Phải công nhận bản năng người mẹ thật đáng nể, có thể chịu đựng mang trong ngực khối u khổng lồ lâu như vậy và vượt qua ca phẫu thuật để tiếp tục cuộc sống bên con”, bác sĩ Vĩnh nhận định.
Theo TNO
Thủ tướng nhắc nhở ngành y tế rút kinh nghiệm để phòng chống dịch bệnh tốt hơn
Tại cuộc họp khẩn về phòng chống dịch sởi diễn ra vào chiều tối qua 23-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Y tế cần rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong nắm tình hình, trong công tác thông tin tuyên truyền... để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh thời gian tới.
Không để lây chéo là biện pháp quan trọng hiện nay để khống chế bệnh sởi
Thẳng thắn nhìn nhận
Báo cáo về diễn biến bệnh sởi hiện nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dịch sởi xuất hiện sớm cộng thêm thời tiết xấu kéo dài gây quá tải cục bộ tại các bệnh viện tuyến Trung ương. Tuy nhiên, hiện số bệnh nhân mắc và tử vong đều đã giảm. Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, vaccine tiêm phòng sởi hiện không thiếu do trong nước đã sản xuất được, máy thở cũng đã được bổ sung đầy đủ. Về chuyên môn, Bộ Y tế đã lên phác đồ điều trị, các phương án ngăn chặn, lập kế hoạch dịch tễ toàn diện. Song người đứng đầu Bộ Y tế cũng bày tỏ lo lắng khi tỷ lệ tiêm chủng bệnh sởi không cao, mới chỉ đạt khoảng 65%, nhất là tại một số thành phố lớn, dân trí cao "vì sợ tai biến".
"Công tác truyền thông yếu và không hiệu quả dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp, rồi việc người bệnh tập trung đông tại một số bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội, trong khi cơ sở vật chất thiếu, nhất là phòng điều trị. Nếu còn tình trạng nằm ghép giường thì việc giảm tỷ lệ tử vong gặp nhiều khó khăn", bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay. Lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận, truyền thông phòng chống dịch còn yếu kém cũng như nhiều địa phương thiếu tập trung chỉ đạo dẫn đến kết quả tiêm chủng ì ạch. "Phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng 95% cũng chưa hẳn an toàn vì chỉ bảo hộ 95%, vẫn còn 5% mắc bệnh. Dịch bệnh đang có chu kỳ quay trở lại, bùng phát cao, ngay nước Mỹ đã thanh toán hoàn toàn bệnh giờ cũng tái dịch. Việt Nam cam kết năm 2017 khống chế dịch bệnh này", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, sau 3 năm Hà Nội mới có bệnh nhân sởi trở lại và trường hợp đầu tiên vào cuối tháng 12-2013. Từ khi có dịch trở lại, Hà Nội có 1.339 bệnh nhân sởi (tính cả trường hợp sởi và triệu chứng sởi là sốt phát ban), phân tán ở 584 xã, phường, thị trấn. Hiện còn 766 bệnh nhân, trong đó đang nằm viện 511 bệnh nhân, còn lại điều trị tại nhà.
Theo ông Vũ Hồng Khanh, số bệnh nhân mắc cao nhất trong ngày là vào 26-3 với 27 trường hợp. Tháng 3 ghi nhận nhiều nhất với 543 trường hợp. "Từ đầu năm đã có 54 bệnh nhân tử vong liên quan đến sởi, trong đó trực tiếp do sởi là 14 bệnh nhân, còn lại trên các nền bệnh khác. Những trường hợp này hầu hết chưa được tiêm vaccine. Đặc biệt có trường hợp bệnh nhân 42 tuổi và 1,5 tháng tuổi vẫn mắc sởi, là rất lạ".
Kết quả tiêm phòng sởi của Hà Nội đến nay đã đạt 95,4% do tích cực vận động, tuyên truyền. Nhiều điểm tiêm tiếp cả nghìn trường hợp mỗi ngày nên tắc nghẽn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội là dù số bệnh nhân nhập viện giảm, nhưng số ca nặng nhập viện có nguy cơ tử vong cao.
Không được dồn bệnh nhân vào một chỗ
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, hiện bệnh sởi đã có xu hướng giảm, song vẫn còn rất phức tạp, không được chủ quan, lơ là, cần tập trung đồng bộ các giải pháp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các cơ quan chức năng của Bộ và các địa phương, nhất là Hà Nội, TP.HCM cần tập trung chỉ đạo chặt chẽ việc cấp cứu, điều trị, phải hạn chế thấp nhất tử vong, không để lây chéo. "Không được dồn bệnh nhân vào một chỗ quá đông và quyết tâm dập tắt sởi càng sớm càng tốt", Thủ tướng chỉ đạo.
Về kết quả tiêm chủng còn ì ạch, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của tuyên truyền là hết sức quan trọng, cần tập trung làm tốt để người dân đi tiêm phòng, phấn đấu tối thiểu đạt 95%. "Hiện chỉ đạt 65,3% là rất thấp, có tới 11 tỉnh tỷ lệ tiêm phòng dưới 50% cần phải phê bình. Nhân dân chưa nhận thức được đầy đủ thì phải tích cực phổ biến, vận động. Đừng để người dân đổ xô đi mua hạt mùi... về phòng chữa sởi mà tác dụng chỉ có hạn"- Thủ tướng đề nghị.
Trước diễn biến dịch phức tạp trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở: "Bộ Y tế và các địa phương cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, theo dõi tình hình dịch bệnh cho kịp thời, đúng mức, trọng tâm, trọng điểm, hiệu lực và hiệu quả. Nếu thời gian qua làm tốt việc chỉ đạo, tuyên truyền, vận động thì đã giảm được tỷ lệ mắc và không có chuyện dồn lên một chỗ tạo ra lây chéo".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở ngành y tế cần rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong nắm tình hình, trong công tác thông tin tuyên truyền,... để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới. Đồng thời tiếp tục lưu ý thực hiện tốt việc nghiên cứu, phân tích dịch bệnh, đặc điểm dịch tễ, vi rút học... tăng cường đào tạo cán bộ cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo ANTD
Phụ huynh 'phát sốt' với bệnh sởi Thông tin về bệnh sởi hoành hành với hơn 8.000 ca có xét nghiệm nhiễm sởi và hơn 100 trẻ tử vong vì bệnh này ở Hà Nội đã làm nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng. Bệnh sởi đã trở thành 'cơn sốt' với phụ huynh thời gian này. Khi bệnh sởi lây lan, nhiều trẻ lớn mới được phụ huynh đưa...