Vì bê bối tình dục, diễn viên kỳ cựu lẫn đạo diễn kinh điển xứ Hàn đều qua đời trong lặng lẽ, không một người đứng ra thương tiếc
Dịch giả phim “Ký sinh trùng” còn cho rằng, cố đạo diễn Kim Ki Duk không xứng được tôn vinh. Tình cảnh này không khác gì với tài tử “Phía đông vườn địa đàng” Jo Min Ki khi sau nhiều bê bối, không một đồng nghiệp nào dám đi viếng đám tang.
Ngày 11/12, đạo diễn Kim Ki Duk qua đời do mắc phải Covid-19 sau khi bị suy thận trước đó. Thông tin này đã gây sốc cho không ít những người quan tâm đến điện ảnh Hàn Quốc, bởi đạo diễn Kim Ki Duk là người từng thực hiện nhiều bộ phim nổi tiếng.
Những bộ phim gây tranh cãi và bê bối tình dục liên miên
Kim Ki Duk sinh năm 1960, trong một đình nghèo và phải bỏ học giữa chừng để đi làm thêm tại các xí nghiệp. Đến 20 tuổi, ông gia nhập hải quân và xuất ngũ sau 5 năm. Sau đó, ông sang Paris học hội họa bằng những đồng tiền dành dụm được.
Đạo diễn nổi tiếng Kim Ki Duk đã qua đời nhưng không người trong ngành nào tỏ ra thương tiếc
Ông lần đầu ra mắt với tư cách đạo diễn với bộ phim kinh phí thấp mang tên “Crocodile” (1996). Ông được khán giả quốc tế biết đến nhiều hơn qua phim “The Isle” (2000) tại Liên hoan phim quốc tế Toronto. Bộ phim “Real Fiction” (2000) của ông cũng được chọn tham dự Liên hoan phim quốc tế Moscow lần thứ 23.
Năm 2001, ông cho ra mắt phim “Bad Guy”, xoay quanh nhân vật Han Ki (một tên môi giới ngầm nơi phố đèn đỏ Seoul) và cô sinh viên Sun Hwa. Han Ki cùng người nhà đã đẩy cô sinh viên rơi vào cảnh nợ nần để hòng chiếm lấy tình cảm.
Cảnh phim “Bad Guy”
Tên tuổi của ông bị ảnh hưởng khi nữ chính trong phim là Seo Won tố bị đạo diễn Kim Ki Duk và nam diễn viên Cho Jae Hyun cưỡng hiếp trong 2 tháng.
Bộ phim nổi tiếng “Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân” (2003) của Kim Ki Duk là bộ phim quen thuộc với khán giả Việt Nam. Phim kể về cuộc đời của một chú tiểu mới xuất gia. Chú tiểu lớn lên và mắc phải chuyện yêu đương, vi phạm giới luật, sát hạt người…
Bộ phim “Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân” nổi tiếng nhưng gây nhiều tranh cãi
Cố đạo diễn tiếp tục nhận về những chỉ trích khi các phân cảnh nhạy cảm trong phim được cho là “làm xấu” hình ảnh nhà sư, qua đó đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.
Năm 2013, đạo diễn Kim cho ra mắt phim “Moebius”, tiếp tục gây ra không ít ý kiến trái chiều. Phim mô tả sự suy đôi trong một gia đình do những ham muốn tình dục loạn luân.
Với tác phẩm này, dư luận tiếp tục xôn xao khi ông bị cáo buộc lạm dụng quyền lực để buộc một nữ diễn viên A quay cảnh nóng không có trong kịch bản, quan hệ tình dục với ông, đồng thời chạm vào những vùng “nhạy cảm” của cô trong quá trình quay phim “Moebius”. Vụ kiện này đã bị bác bỏ do thiếu bằng chứng, song cố đạo diễn vẫn bị phạt 5 triệu won (4.650 USD) vì đã tát vào mặt diễn viên này.
Một cảnh trong phim “Moebius”
Bên cạnh đó, chương trình “PD Notebook” của đài MBC năm 2018 tập trung vào nghi án đạo diễn Kim Ki Duk với tiêu đề “Đạo diễn Kim Ki Duk, bộ mặt thật của một bậc thầy”. Phía Kim Ki Duk đã yêu cầu nữ diễn viên A và đài MBC bồi thường thiệt hại do ảnh hưởng đến tên tuổi, nhưng tòa án đã bác bỏ và phán quyết rằng đạo diễn Kim phải chịu chi phí của vụ kiện.
Video đang HOT
Sau những tranh cãi, Kim Ki Duk không còn xuất hiện ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục các hoạt động của mình ở Nga và Kazakhstan. Năm ngoái, ông được xướng tên là chủ tịch hội đồng giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Moscow.
“Không xứng đáng được tôn vinh”
Sau tin tức về cáo phó của đạo diễn Kim Ki Duk, không có người trong ngành nào đứng ra tưởng niệm hay tiếc thương đạo diễn này. Không những thế, có người còn lên án và nhắc lại bê bối trước đây của Kim Ki Duk.
Cụ thể, Dalsey Parquet, một dịch giả của phim “Ký sinh trùng”, đã đăng trên Twitter của mình rằng: “Tôi đã ngừng dạy các phim của Kim Ki Duk trong lớp của mình sau khi chương trình nói về vụ tấn công tình dục của Kim Ki Duk được phát sóng vào năm 2018. Nếu có một người gây ra hành vi bạo lực khủng khiếp như thế, sẽ là điều sai trái nếu tôn vinh người đó. Tôi không quan tâm ông ấy có phải thiên tài hay không, và dù sao tôi cũng không nghĩ ông ấy là một thiên tài”.
Dịch giả cho phim “Ký sinh trùng” không chấp nhận việc tưởng niệm Kim Ki Duk
Pierce Conland, chồng của nhà phê bình phim và đạo diễn Lee Kyung Mi cũng viết: “Khi tin tức về sự qua đời đột ngột của Kim Ki Duk lan truyền, tôi đã không muốn nói điều gì xấu, nhưng tôi khá buồn khi thấy nhiều lời thương tiếc và ca ngợi (phần lớn từ phương Tây) về sự qua đời của một nghệ sĩ tuyệt vời, mà không đề cập đến hành vi của ông ấy trên phim trường”.
Pierce Conland cũng nói thêm: “Cống hiến của ông ấy cho điện ảnh không bao giờ bị lãng quên, nhưng những nạn nhân bạo hành tình dục của ông ấy cũng vậy”.
Có thể thấy dù đã làm rất nhiều bộ phim nổi tiếng, nhưng cuối cùng, Kim Ki Duk vẫn bị những người trong ngành nghệ thuật lẫn công chúng quay lưng.
Nam diễn viên kỳ cựu tự sát nhưng đồng nghiệp không dám đến viếng
Đối với khán giả Việt Nam, có lẽ hình ảnh Jo Min Ki hiện lên khá quen thuộc với vai trò là ông bố trong các tác phẩm phim truyền hình Hàn Quốc. Chỉ cần nhìn mặt sơ qua, người xem ắt hẳn sẽ nhớ tới “một nhân vật nào đó” từng gặp nhiều lần. Jo Min Ki thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh nhỏ Việt Nam với các bộ phim được mua lại bản quyền như “Phía đông vườn địa đàng”, “Hai tuần” (Two weeks), “Triều đại huy hoàng”, “Người tình ánh trăng”, “Huyền thoại Injimae”…
Nam diễn viên 52 tuổi đã tự tử sau khi bị 20 đồng nghiệp tố cáo từng bị ông quấy rối tình dục. Cụ thể, vào tháng 3 năm 2018, một sinh viên Khoa Sân khấu của Đại học Cheongju, người được giáo sư Jo Min Ki phụ trách, đã tố cáo ông bạo hành tình dục. Kéo theo sau đó là hàng loạt những nạn nhân khác cũng lên tiếng. Jo Min Ki đã tuyên bố xin lỗi, nhưng trước sự điều tra của cảnh sát, nam diễn viên bất ngờ đưa ra một lựa chọn cực đoan.
Trước scandal, Jo Min Ki là nam diễn viên thực lực chuyên trị nhiều vai phản diện trong cả phim hiện đại lẫn cổ trang
Tang lễ Jo Min Ki được vợ con ông chuẩn bị gấp rút trong tối cùng ngày, và lễ viếng bắt đầu từ ngày 10/3 tại bệnh viện Trường đại học Konduk. Gia đình cho biết đây là tang lễ riêng tư.
Nhiều nghệ sĩ trong ngành giải trí Hàn cũng rất bối rối trước việc có nên đến viếng lễ tang của Jo Min Ki hay không, vì “sợ bị hiểu lầm nếu đến viếng”.
Trên thực tế, nam diễn viên Jo Seong Gyu đã đăng trên Twitter của mình rằng: “Các mối quan hệ của nam diễn viên 28 tuổi Jo Min Ki đều không đến nơi đến chốn. Các bạn sợ gì vậy? Những người trước đó đều săn đón đâu hết rồi? Xem ra đây đúng là bộ mặt thật của làng giải trí” . Tuy nhiên sau đó, lời chỉ trích này cũng đã bị xóa đi.
Công chúng không hề tỏ ra thương tiếc và vẫn tiếp tục chỉ trích, cho rằng với tất cả tội ác của Jo Min Ki, cái chết là sự lựa chọn trốn tránh và hèn nhát. Trong khi những nạn nhân vẫn phải chịu ám ảnh, nam diễn viên đã không đối mặt và chịu tội. Nhiều cư dân mạng Việt Nam cũng bức xúc trước những hành vi của Jo Min Ki.
Rõ ràng là đạo diễn Kim Ki Duk và Jo Min Ki đã gây ấn tượng với công chúng qua một số tác phẩm và đã tạo dựng được sự công nhận cũng như danh tiếng của riêng mình. Tuy nhiên, có lẽ khó có thể trách ai khi những người từng dính bê bối tình dục này đều phải trải qua một cái chết cô đơn.
Cuộc đời Kim Ki Duk kết thúc đột ngột như chính phim của ông
Đạo diễn nổi tiếng người Hàn Quốc ra đi tại nơi đất khách quê người Latvia do Covid-19 ở tuổi 60. Cuộc đời Kim Ki Duk khép lại đột ngột giống như nhiều bộ phim của ông.
Một người đàn ông phải bỏ quê hương ra đi ở cái tuổi gần lục tuần do vô số bê bối và ghét bỏ, phải lang thang tìm lấy chỗ trú chân nơi đất khách quê người, để rồi trút hơi thở cuối cùng bởi thứ bệnh dịch chẳng ai ngờ tới, tại một bệnh viện xa lạ, ở một đất nước xa lạ, trong cảnh đơn độc không người thân bên cạnh.
Với người yêu phim của Kim Ki Duk - một trong những gương mặt nổi bật nhất của điện ảnh Hàn Quốc từ thập niên 1990 trở lại đây, câu chuyện nói trên hoàn toàn có thể trở thành cái tứ cho một nhân vật nam chính trong một tác phẩm bạo liệt và giàu tính biểu tượng của ông.
Song, có lẽ chẳng ai ngờ rằng đó lại là cái kết cho cuộc đời của chính Kim Ki Duk - nhà làm phim của những sự mâu thuẫn.
Bị hắt hủi trên chính quê hương
Thuộc nhóm nhà làm làm phim thế hệ 6X đã làm rạng danh cho điện ảnh Hàn Quốc như Bong Joon-ho, Park Chan Wook, hay Kim Jee Woon, Kim Ki Duk và Hong Sang Soo là hai trong số đạo diễn hiếm hoi của thế hệ này được đào tạo ở nước ngoài, để rồi mang về quê hương một tâm thế và phong vị làm phim hết sức khác biệt.
Nhưng khác với sự mộc mạc và mềm mại của Hong Sang Soo, xuyên suốt cả sự nghiệp, từ những tác phẩm đầu tay như Crocodile (1996), Bad Guy (2001), cho đến kiệt tác khiến người yêu phim cả thế giới phải chú ý như Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring (2003), The Bow (2005), và cả khi đứng trên đỉnh cao danh vọng với Pietà (2012), Kim Ki Duk luôn trung thành với dòng phim độc lập kinh phí thấp, cùng nội dung bạo liệt về những góc tăm tối nhất của con người và xã hội Hàn Quốc. Đồng thời, phim của ông chưa bao giờ thiếu vắng những hình ảnh ẩn dụ mang đầy tính biểu tượng về nhân tính.
Các bộ phim của Kim Ki Duk thường xuyên gây ra tranh cãi và không được người Hàn Quốc hưởng ứng.
Theo dõi các nhân vật trong phim của Kim Ki Duk, đặc biệt là các nhân vật nam xuất thân nghèo khó, gai góc, bị xã hội hiện đại Hàn Quốc đẩy ra ngoài lề, khán giả dường như còn thấy được một phần cuộc đời của chính người đạo diễn đi lên từ công việc chân tay trước khi sang Paris bán tranh dạo, học điện ảnh, rồi quay về nước với góc nhìn điện ảnh đậm chất phương Tây. Phong cách luôn khiến ông trở thành người đứng ngoài những trào lưu chủ đạo của điện ảnh Hàn Quốc.
Khẩu vị công chúng Hàn Quốc vốn thường rất hoạt ngôn và yêu thích những khung hình trau chuốt, đẹp đẽ trên màn ảnh rộng. Do đó, những nhân vật vô cùng kiệm lời nhưng lại thừa thãi bạo lực của Kim Ki Duk như trong Bad Guy hay 3-Iron (2004) có lẽ không thực sự phù hợp.
Việc đa phần nhân vật nữ trong các tác phẩm của đạo diễn sinh năm 1960 đều ở "chiếu dưới", là cái bia hứng chịu sự thịnh nộ, vô tình từ phía nhân vật nam, lại càng khiến Kim Ki Duk trở thành cái gai trong mắt giới phê bình, người xem, và đặc biệt là các nhà hoạt động xã hội, hoạt động vì nữ quyền ở Hàn Quốc.
Time của Kim Ki Duk từng không bán nổi 30.000 vé tại Hàn Quốc.
Không ngạc nhiên khi các tác phẩm "khó hiểu", "khó xem" của Kim Ki Duk hầu như đều thất bại nặng nề về mặt doanh thu ở thị trường Hàn Quốc, tới mức đạo diễn từng thề sẽ không bao giờ phát hành phim của mình trong nước nếu Time (2006) không bán được 300.000 vé, để rồi ông phải chứng kiến đứa con tinh thần chỉ đón nổi 28.000 lượt khách. Cùng năm, The Host của đạo diễn đồng trang lứa Bong Joon-ho bán hơn 13 triệu vé, lập kỷ lục phòng vé mọi thời đại khi ấy tại xứ kim chi.
Đi tìm vinh quang nơi xứ người
Thất bại trong nước, nhưng ngôn ngữ điện ảnh giàu tính biểu tượng, lại mang tính cá nhân hóa cao độ và có hơi hướm của văn hoá - xã hội Hàn Quốc vốn chưa thực sự được phương Tây biết tới và quan tâm trong buổi đầu thiên niên kỷ mới, lại giúp Kim Ki Duk trở thành "con cưng" của các liên hoan phim quốc tế.
Riêng năm 2004, nhà làm phim họ Kim giành giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Berlin và Venice với lần lượt Samaritan Girl và 3-Iron . Cả hai được quay trong thời gian vỏn vẹn hai tuần, dựa trên nguồn tài chính ít ỏi từ việc bán quyền phân phối ở thị trường quốc tế.
Với Pietà, Kim Ki Duk giúp điện ảnh Hàn Quốc lần đầu đứng ngôi cao nhất tại một trong ba liên hoan phim danh giá bậc nhất châu Âu.
Trớ trêu thay, vinh quang trên đấu trường quốc tế lại chính là điều giới làm phim Hàn Quốc nói riêng, và người dân Hàn Quốc nói chung, thèm muốn. Họ muốn thế giới phải nhận ra rằng Hàn Quốc có nền điện ảnh không hề thua kém bất cứ quốc gia có bề dày văn hóa nào khác.
Bởi vậy, khi Kim Ki Duk làm nên lịch sử cho điện ảnh Hàn khi Pietà trở thành tác phẩm đầu tiên của nước này đứng trên bục cao nhất của một trong ba liên hoan phim hàng đầu châu Âu với tượng Sư tử vàng tại Venice, cả báo giới và người hâm mộ điện ảnh xứ kim chi rơi vào tình thế hết sức khó xử.
Người giúp điện ảnh Hàn Quốc rạng danh trước thế giới rốt cuộc là cái tên không được người Hàn yêu thích, thông qua một tác phẩm chẳng mang chút dấu ấn Hàn Quốc nào theo tiêu chuẩn thông thường của ngành công nghiệp điện ảnh nước này.
Những nốt trầm cuối cuộc đời
Sau Pietà , Kim Ki Duk vẫn không ngơi nghỉ làm phim, khi gần như mỗi năm ông đều cho ra đời một, hai, thậm chí là ba tác phẩm. Nhưng đa phần không để lại nhiều dấu ấn. Ngược lại, một trong số đó - bộ phim Moebius (2013) - lại chính là điểm khởi đầu cho sự sụp đổ không thể gượng dậy của Kim Ki Duk tại quê hương.
Năm 2017, một trong số các nữ diễn viên của bộ phim tố cáo đạo diễn họ Kim tấn công và chèn ép cô trong quá trình làm phim. Vốn chưa từng yêu thích nhà làm phim lập dị, lại liên tiếp được đọc kiểu sự việc như vậy về Kim Ki Duk trong bối cảnh trào lưu nữ quyền #MeToo lên cao, công chúng Hàn Quốc hoàn toàn quay lưng với ông.
Moebius không chỉ gây tranh cãi dữ dội về tính bạo lực, mà còn khiến Kim Ki Duk bị quay lưng hoàn toàn tại quê hương bởi những cáo buộc hậu trường.
Một cơ hội mở ra khi nhà sản xuất Trung Quốc mở lời mời ông thực hiện dự án bom tấn có kinh phí khoảng 30 triệu USD, dự kiến mời Lưu Diệc Phi và Củng Lợi tham gia. Trong lúc còn đang hào hứng bởi "cứ 10 người trên tàu điện ngầm Trung Quốc lại có một người nhận ra tôi", kế hoạch ấy đổ bể. Kim Ki Duk không được cấp visa tới làm việc bởi sự căng thẳng chính trị giữa hai quốc gia Đông Á.
Cuối cùng, nhà làm phim phải đột ngột bỏ mình như hàng triệu người khác trên khắp thế giới vì Covid-19, trong lúc đang tìm kiếm nơi ở mới tại nơi lạnh lẽo Latvia. Kim Ki Duk đã vô tình chọn cho mình cái kết có phần gợi nhớ đến số phận của rất nhiều nhân vật trong phim của ông: độc hành ở cuối đường đời bị cắt ngắn đột ngột, khi đang tìm kiếm một hy vọng mới, một hạnh phúc mới.
Với người dân và báo giới Hàn Quốc, có lẽ cái chết đột ngột của Kim Ki Duk không mang lại quá nhiều cảm xúc. Từ lâu đã bị coi là "con cừu đen" lạc loài trong nền điện ảnh Hàn Quốc, vài năm qua, ông còn bị ghi vào "sổ đen" do những tố cáo tấn công tình dục và các tác phẩm bị liệt vào dạng lạc hậu, thụt lùi bởi cách khắc họa nhân vật nữ đi ngược lại với nguyên tắc của chủ nghĩa nữ quyền thời kỳ hậu #MeToo.
Người Hàn cũng chẳng còn cần Kim Ki Duk nữa, bởi họ nay đã có Bong Joon-ho - người khiến cả xứ kim chi ngất ngây với chiến thắng vang dội tại Oscar 2020 cùng Parasite. Đó hẳn là những danh hiệu mà Kim Ki Duk chưa bao giờ và sẽ chẳng bao giờ vươn tới.
Ngay cả với người yêu điện ảnh nói chung, Kim Ki Duk cũng là cái tên gây tranh cãi, bởi một phía cho rằng các tác phẩm của ông giàu chất triết lý với những câu chuyện và nhân vật cực kỳ đặc sắc, đáng nhớ, còn phía kia lại cho rằng đó là thứ triết lý nông cạn, với tính biểu tượng nửa vời, các nhân vật bị gò ép quá mức.
Song, dù yêu hay ghét Kim Ki Duk, chẳng ai có thể phủ nhận rằng các bộ phim của ông, dù cực kỳ bạo liệt như The Isle , hay nhẹ nhàng, mềm mại đến bất ngờ như Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring , đã để lại trong lòng mỗi người xem một chút gì đó để nhớ, để suy ngẫm về thân phận con người, về cách thức người với người nên đối xử với nhau, để trong hoàn cảnh tăm tối nhất mỗi cá nhân không cảm thấy cô độc.
Xin tạm biệt ông, Kim Ki Duk.
Đạo diễn Kim Ki Duk qua đời vì mắc Covid-19 Gia đình đạo diễn nổi tiếng Kim Ki Duk xác nhận thông tin ông đã qua đời tại Latvia vì mắc Covid-19. Ngày 11/12, truyền thông Hàn Quốc trích dẫn tin tức từ các báo nước ngoài như Delphi và BFM, đưa tin đạo diễn Kim Ki Duk đã qua đời vì mắc Covid-19. Sport Seoul viết: "Theo lời Vitali Mansky - Giám...