VFF được đề nghị vào cuộc vụ chuyển nhượng của tuyển thủ Mỹ Anh
Vụ chuyển nhượng chưa từng có trong bóng đá nữ Việt Nam đã chỉ ra nhiều bất cập khi 2 cầu thủ CLB TP.HCM được đội Thái Nguyên chiêu mộ.
Sáng 1/4, Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM đã gửi công văn số 1160 cho Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) Việt Nam ( VFF) đề nghị đơn vị này đứng ra phân xử vụ chuyển nhượng bóng đá nữ đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Nhân vật chính là tuyển thủ Nguyễn Thị Mỹ Anh và Lê Hoài Lương.
“Sự việc này chưa có tiền lệ từ trước đến nay, vì vậy chúng tôi cần VFF có ý kiến về các quy định, quy chế quản lý vận động viên đối với trường hợp của Mỹ Anh và Hoài Lương. Thực tế, bóng đá nữ Việt Nam chưa phải là giải chuyên nghiệp, vẫn nằm ngoài hệ thống chuyên nghiệp của VFF”, lãnh đạo Sở VHTT TP.HCM nói với Zing.
Mỹ Anh (áo đỏ) vướng tranh chấp, nên không được gọi lên tuyển nữ Việt Nam. Ảnh: Quang Thịnh.
Cụ thể, CLB nữ Thái Nguyên muốn chiêu mộ tuyển thủ Mỹ Anh (1994) với mức “lót tay” 500 triệu đồng. Còn Hoài Lương (1996), cựu tiền đạo tuyển Việt Nam, được đề nghị mức lót tay 400 triệu đồng cho 2 năm hợp đồng. Cả hai sẽ nhận lương và thưởng bằng hoặc cao hơn mức ở đội bóng cũ TP.HCM.
Thực tế là hợp đồng của 2 cầu thủ kể trên với CLB nữ TP.HCM đã hết hạn vào ngày 31/12/2021. Về lý thuyết, nếu không gia hạn với đội bóng cũ, cả hai có quyền tự do gia nhập đội bóng mới ở Thái Nguyên.
Theo một lãnh đạo Sở VHTT TP.HCM, hợp đồng của cả hai có điều khoản ưu tiên tái ký với đội bóng chủ quản. Tuy nhiên, đề nghị của CLB Thái Nguyên hấp dẫn hơn, nên cả hai muốn ra đi. Hơn nữa, đơn vị này cho rằng kinh phí đào tạo nữ cầu thủ là từ nguồn ngân sách nhà nước, chứ không phải tư nhân như bóng đá nam.
Sở VHTT TP.HCM cho rằng từ trước đến nay, bóng đá nữ không có khái niệm “tiền lót tay” như bóng đá nam. Điều này sẽ tạo ra tiền lệ xấu là các đội bóng có nguồn lực tài chính từ doanh nghiệp sẽ “đổ tiền” để lấy nhân sự được đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước. Như vậy, việc này sẽ gây thất thoát và ảnh hưởng đến phong trào bóng đá nữ Việt Nam.
Hôm 28/3, Sở VHTT TP.HCM gửi công văn cho Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Thái Nguyên để đề nghị đơn vị này trao đổi cụ thể, chi tiết trước khi chiêu mộ Mỹ Anh và Hoài Lương. Sở chờ phúc đáp của đơn vị Thái Nguyên trong 7 ngày trước khi báo cáo các cấp có thẩm quyền để giải quyết theo quy định.
Về việc VĐV Hoài Lương lên tiếng cho rằng mình không hề bỏ tập, bất mãn với CLB nữ TP.HCM, một lãnh đạo khác của Sở VHTT TP.HCM xác nhận với Zing, cả hai VĐV có xin phép huấn luyện viên trước khi rời khỏi đội. Hiện cả hai không còn ở cùng đội.
Vì liên quan đến việc chuyển nhượng này, tuyển thủ Mỹ Anh đã không được HLV Mai Đức Chung gọi lên tuyển Việt Nam tập huấn ở Hà Nội và Hàn Quốc trước thềm SEA Games. Mỹ Anh là nhân tố chủ lực trong chiến dịch giành vé dự World Cup nữ 2023 ở Ấn Độ hồi tháng 2.
Danh sách tuyển nữ Việt Nam tập trung SEA Games 31
Thủ môn: Khổng Thị Hằng, Trần Thị Kim Thanh, Lại Thị Tuyết
Hậu vệ: Trần Thị Duyên, Phạm Thị Tươi, Chương Thị Kiều, Trần Thị Phương Thảo, Trần Thị Thu, Trần Thị Thu Thảo, Hoàng Thị Loan, Thái Thị Thảo, Thanh Nhã, Lê Thị Diễm My, Thu Thương
Tiền vệ: Tuyết Dung, Bích Thùy, Thùy Trang, Tuyết Ngân, Trần Nguyễn Bảo Châu, Hải Linh, Lan Anh, Nguyễn Thị Vạn, Dương Thị Vân, Hoàng Quỳnh, Trúc Hương, Thu Xuân, Thúy Hằng
Tiền đạo: Phạm Hải Yến, Huỳnh Như, Cù Thị Huỳnh Như, Ngân Thị Vạn Sự.
Dàn tuyển thủ nữ Việt Nam diễu hành trên đường phố TP.HCM Các thành viên tuyển nữ Việt Nam thuộc biên chế CLB TP.HCM đều rất hạnh phúc và vui vẻ hát hò trong buổi diễu hành chiều 11/2.
QBV Văn Thị Thanh kể chuyện ra khỏi biên chế, tập trung "mài ngọc" bóng đá nữ
Quyết định ra khỏi biên chế Sở VHTTDL Hà Nam để gắn bó với Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (VFF), Văn Thị Thanh hy vọng chị có thể tìm ra những truyền nhân kế cận, đóng góp vào sự phát triển của bóng đá nữ Việt Nam.
Văn Thị Thanh: "Không có cầu thủ trẻ, làm sao có ĐTQG mạnh". Hơn 1 tháng trôi qua kể từ ngày ĐT bóng đá nữ Việt Nam giành vé dự World Cup 2023 lịch sử, trò chuyện với Dân Việt, Quả bóng vàng (QBV) nữ Việt Nam 2003 Văn Thị Thanh - người đã 3 lần giành HCV SEA Games 2003, 2005, 2009 trong màu áo ĐT nữ Việt Nam vẫn không giấu nổi cảm xúc tự hào: "Đó thực sự là một giấc mơ có thật! Nhìn thế hệ "đàn em" làm được điều đó, chúng tôi cũng rất mừng, tự hào, hạnh phúc!
Tôi hy vọng với tiếng vang từ tấm vé dự World Cup, từ cuối tháng 3 năm nay, chúng tôi sẽ gặp nhiều thuận lợi khi đi các tỉnh tuyển sinh lứa cầu thủ sinh năm từ 2008 đến 2010 để tiếp tục đào tạo đội ngũ kế cận".
Văn Thị Thanh dồn hết tâm huyết "mài ngọc" tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (VFF). Ảnh: NVCC
Trở lại quá khứ, sau khi giã từ sự nghiệp cầu thủ năm 2010, Văn Thị Thanh được vào biên chế Sở VHTTDL Hà Nam từ năm 2011 và từng có khoảng thời gian 6 năm dẫn dắt đội bóng đá nữ quê hương.
"Bóng đá đã ăn sâu vào máu của những cầu thủ như chúng tôi. Sau những năm tháng là cầu thủ, ai cũng muốn trở thành HLV đội bóng thi đấu ở giải vô địch quốc gia, tôi cũng vậy. Nhưng do điều kiện, yêu cầu công việc ở Hà Nam, từ năm 2016 đến 2019, tôi chuyển sang tập trung đào tạo trẻ cho bóng đá quê hương. Có làm trẻ mới thấy mình phải thực sự tỉ mỉ trong từng chi tiết, chăm lo tới cả tâm sinh lý của các học trò vốn đang rất hồn nhiên như một tờ giấy trắng.
Có những hôm còn phải dỗ dành các cô bé mới lớn vơi bớt nỗi nhớ nhà. Rồi lại thuyết phục các phụ huynh đồng ý cho con mình tiếp tục theo đuổi niềm đam mê. Nói chung là rất vất vả nhưng nếu không có ai làm đào tạo trẻ, không có cầu thủ trẻ kế cận thì làm sao có một giải vô địch quốc gia tốt, một đội tuyển mạnh? Vậy là tôi cùng các đồng nghiệp lại cố gắng làm thật tốt nhiệm vụ của mình", Văn Thị Thanh chia sẻ.
Bước ngoặt tiếp theo trong sự nghiệp huấn luyện của Văn Thị Thanh là thời điểm tháng 8/2019, chị được Hà Nam cử xuống Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (VFF) làm việc dưới hình thức biệt phái.
"Mọi quyết định luôn khó khăn nhưng tôi cảm thấy mình có điều kiện thể hiện mình nhiều hơn ở đây nên đã xin ra khỏi biên chế Sở VHTTDL Hà Nam từ đầu tháng 7/2021 và ký hợp đồng với VFF được khoảng gần 1 năm qua.
Lứa U17 sinh năm 2005 do tôi dẫn dắt thời gian qua có 18 em, đến 31/5 tới là được trả hết về các CLB để tiếp tục tập luyện, đôn dần lên thi đấu giải vô địch quốc gia. Với những em tập luyện tự do, nếu có nhu cầu sẽ được chúng tôi giới thiệu tới các CLB.
Hết lứa này, chúng tôi lại tiếp tục tuyển sinh, đào tạo thêm lứa khác bắt đầu trong độ tuổi 12-14 với quyết tâm xây dựng "chân đế" lực lượng ngày càng dày, giúp bóng đá nữ Việt Nam có thể phát triển bền vững", Văn Thị Thanh chốt lại.
Trên facebook cá nhân, Văn Thị Thanh đã đăng thông báo tuyển sinh nữ cầu thủ sinh năm 2008, 2009 và 2010, cụ thể như sau:
"Nối tiếp thành công của ĐT nữ Việt Nam lần đầu lọt vào VCK World Cup, chúng tôi, những người đang làm công tác đào tạo trẻ cảm thấy rất vinh dự, tự hào khi bóng đá nữ ngày càng được quan tâm hơn. Để chuẩn bị lực lượng kế cận, sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển chọn VĐV là tất cả các bạn nữ có niềm đam mê bóng đá, sinh năm 2008, 2009, 2010. Liên hệ Văn Thị Thanh (0974.648.186).
HLV Mai Đức Chung: 'Làm thầy cầu thủ, nhất định phải bao dung và tử tế' Sự khéo léo, ôn hòa cùng trách nhiệm tận cùng với công việc là những viên gạch đã xây dựng nên sự nghiệp huấn luyện vô tiền khoáng hậu của HLV Mai Đức Chung. Trả lời phỏng vấn VTC News sau chiến công giành vé dự World Cup 2023 lịch sử của tuyển nữ Việt Nam, HLV Mai Đức Chung trải lòng về...