‘Vết dầu loang’ từ việc Mỹ nâng lãi suất đối với các nền kinh tế yếu hơn
Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( Fed) tăng lãi suất, tác động của quyết định đó không chỉ dừng ở việc người mua nhà ở Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho các khoản thế chấp, hoặc các chủ doanh nghiệp nhỏ, độc lập phải đối mặt với các khoản vay ngân hàng đắt đỏ hơn.
Giới chuyên gia nhấn mạnh rằng tác động từ quyết định của Fed có thể vượt ra ngoài biên giới Mỹ, ảnh hưởng tới các chủ cửa hàng ở Sri Lanka, nông dân ở Mozambique và các gia đình ở nhiều nước nghèo trên thế giới. Nó có thể dẫn tới một loạt ảnh hưởng, từ việc đẩy chi phí đi vay ở những quốc gia này cao hơn đến khiến đồng nội tệ của họ mất giá.
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ở Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN
Tính toán của Fed
Ngày 4/5, Fed tăng lãi suất ngắn hạn thêm 0,5 điểm phần trăm lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch xảy ra cách đây hai năm, đồng thời báo hiệu sẽ còn nhiều đợt tăng lãi suất khác. Hiện lãi suất tham chiếu tại Mỹ nằm trong khoảng 0,75% – 1%.
Bằng cách đẩy lãi suất lên, Fed hy vọng sẽ đạt được kịch bản “hạ cánh mềm” – chỉ việc tăng lãi suất cao vừa đủ để làm chậm các hoạt động trong nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, nhưng không đủ mạnh để đẩy nền kinh tế rơi vào một cuộc suy thoái.
Vào tháng 3/2022, giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 8,5% so với cùng kỳ một năm trước đó – mức tăng lớn nhất kể từ năm 1981 tới nay.
Lạm phát tăng vọt là kết quả của sự phục hồi mạnh mẽ bất ngờ từ đợt suy thoái do đại dịch gây ra vào năm 2020. Sự phục hồi này quá đột ngột, khiến các doanh nghiệp bị bất ngờ và phải cạnh tranh khốc liệt để tìm kiếm nhân công cùng nguồn cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu từ khách hàng. Kết quả là nền kinh tế phải đối mặt với sự thiếu hụt, chậm trễ trong việc đặt hàng và giá cả leo thang phi mã.
Các nước đang phát triển lo lắng rằng Fed có thể đã chờ đợi quá lâu để bắt đầu chiến dịch chống lạm phát. Do đó, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ buộc phải tăng lãi suất mạnh đến mức gây ra một cuộc “hạ cánh cứng” gây tổn hại cho cả nền kinh tế này và các nước đang phát triển.
Bà Liliana Rojas-Suarez, thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn phi lợi Center for Global Development (CGD) cho biết tình hình sẽ khả quan hơn nhiều nếu Fed phản ứng nhanh hơn khi vấn đề nhen nhóm vào năm ngoái.
Video đang HOT
Chuyên gia này lưu ý Fed không có thành tích ấn tượng trong việc điều hướng chính sách để đạt được các cuộc “hạ cánh mềm”. Lần cuối cùng nỗ lực như vậy diễn ra là vào giữa những năm 1990 dưới thời Chủ tịch Fed Alan Greenspan. Giai đoạn này kết thúc theo cách không mấy tốt đẹp đối với nhiều nước đang phát triển.
Bà Rojas-Suarez nhắc lại rằng nước Mỹ khi đó có thể quản lý được lạm phát và tránh được một cuộc suy thoái, nhưng đồng thời cũng tạo ra ảnh hưởng lớn cho các thị trường mới nổi. Sau động thái tăng lãi suất của Fed là một loạt các cuộc khủng hoảng tài chính ở Mexico, ở Nga và cuối cùng là trên khắp châu Á.
Ông Eric LeCompte, Giám đốc điều hành của Mạng lưới Jubilee USA, một liên minh hỗ trợ công cuộc xóa đói giảm nghèo toàn cầu cũng chia sẻ quan điểm trên, nhấn mạnh rằng quyết định của Fed sẽ tạo áp lực lên mọi quốc gia đang phát triển.
Tác động “vết dầu loang”
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva đã bày tỏ sự lo lắng rất lớn về vấn đề này. Hồi tháng trước, bà phải lên tiếng cảnh báo Fed và các ngân hàng trung ương khác cần “lưu ý đến rủi ro lan tỏa đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi dễ bị tổn thương” từ quyết định tăng lãi suất của họ.
Quyết định tăng lãi suất của Mỹ có thể gây ra thiệt hại lan tỏa theo một số cách. Đầu tiên, chúng có thể làm nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với hàng hóa nước ngoài. Điều này sẽ khiến những nước phụ thuộc lớn vào xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ chịu nhiều thiệt hại
Tiếp theo, lãi suất tăng cũng ảnh hưởng đến đầu tư toàn cầu: Khi lãi suất ở Mỹ lên cao, trái phiếu công ty và Chính phủ Mỹ vốn đã an toàn sẽ có vẻ hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Vì vậy, họ có thể rút vốn khỏi thị trường các nước nghèo và thu nhập trung bình để đầu tư vào Mỹ. Những thay đổi đó thúc đẩy đồng USD tăng giá trong khi đẩy đồng nội tệ ở các nước đang phát triển đi xuống.
Sự mất giá tiền tệ có thể gây ra nhiều vấn đề. Chúng khiến việc chi trả cho thực phẩm nhập khẩu và các sản phẩm khác trở nên đắt đỏ hơn. Điều đó đặc biệt đáng lo ngại vào thời điểm các nút thắt trong chuỗi cung ứng và cuộc chiến ở Ukraine làm gián đoạn các chuyến hàng ngũ cốc và phân bón, đồng thời đẩy giá lương thực trên toàn thế giới lên mức cao báo động.
Để bảo vệ đồng tiền của nước mình, ngân hàng trung ương ở các nước đang phát triển có khả năng tăng tỷ giá của chính họ. Song điều đó có thể gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế: kéo chậm tăng trưởng, xóa sổ việc làm và khiến những người vay vốn kinh doanh càng thêm khó khăn. Động thái đó cũng buộc các chính phủ mắc nợ phải chi nhiều ngân sách hơn cho việc trả lãi các khoản nợ, trong khi cắt giảm chi tiêu cho những công việc như chống dịch và đảm bảo an sinh cho người nghèo.
Tổng Giám đốc Georgieva của IMF đã cảnh báo rằng 60% các quốc gia có thu nhập thấp đã ở trong hoặc gần ngưỡng “kiệt quệ vì nợ nần” – một ngưỡng đáng báo động chỉ việc số tiền trả nợ của các nước này đã lên tới tương đương một nửa quy mô nền kinh tế quốc gia.
Viện dẫn các điều kiện tài chính khắc nghiệt hơn, IMF gần đây đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 của các nước thị trường đang phát triển và mới nổi xuống 3,8% – thấp hơn tới một điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Một.
Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro liên đới, Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm vài lần nữa trong năm nay để chống lạm phát đang tăng cao trong nước.
Dư địa phản ứng của các nền kinh tế đang phát triển
Tuy nhiên, tình hình không quá bi đát cho mọi quốc gia đang phát triển. Ông Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF), lưu ý rằng nhiều thị trường mới nổi đang có thể trạng tài chính mạnh hơn nhiều so với thời điểm những năm 1990, hoặc thậm chí so với năm 2013, khi Fed có kế hoạch cắt giảm các chính sách tiền tệ nới lỏng khiến dòng vốn đầu tư chảy khỏi nhóm thị trường đang phát triển.
Điều này là do nhiều nước đã tăng cường dự trữ ngoại hối của họ, cho phép các ngân hàng trung ương sử dụng khoản trên để mua và hỗ trợ đồng nội tệ quốc gia hoặc đáp ứng các khoản thanh toán nợ nước ngoài trong một cuộc khủng hoảng. Ví dụ, trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, dự trữ ngoại hối của Thái Lan chỉ tương đương 19% quy mô nền kinh tế này. Hiện, con số trên của quốc gia Đông Nam Á đang ở mức 47%.
Chuyên gia Brooks cũng nói rằng giá nguyên liệu thô tăng là “một chút may mắn” đối với các nhà xuất khẩu hàng hóa, như Nigeria chuyên sản xuất dầu và Brazil sản xuất đậu tương.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc tài chính. Trong số đó bao gồm những nước phụ thuộc nhiều vào dầu nhập khẩu và các mặt hàng khác, trong khi có dự trữ ngoại hối thấp so với khoản nợ nước ngoài. Đứng đầu danh sách những quốc gia chịu rủi ro tài chính cao nhất theo đánh giá của bà Rojas-Suarez là Sri Lanka, quốc gia tháng trước cho biết họ phải tạm ngừng trả nợ nước ngoài trong khi thực hiện chương trình tái cơ cấu khoản vay với IMF. Cũng “nhấp nháy đèn đỏ” là Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Mozambique.
Tóm lại, lãi suất của Mỹ tăng không phải lúc nào cũng là thảm họa đối với các nước đang phát triển trên thế giới. Nếu lãi suất tăng vì nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh – đồng nghĩa các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng muốn có các khoản vay để mua sắm thêm – các quốc gia có hàng xuất khẩu vào thị trường này sẽ có thêm nhiều cơ hội.
Nhưng hậu quả lại rất khác khi Fed nâng lãi suất trong một chiến dịch có chủ ý nhằm làm chậm tốc độ tăng trưởng và đẩy áp lực lạm phát ra khỏi nền kinh tế.
Các nhà kinh tế của Fed và Viện Doanh nghiệp Mỹ đã viết trong một báo cáo vào năm ngoái rằng: “Nếu việc lãi suất tăng chủ yếu được thúc đẩy bởi những lo lắng về lạm phát hoặc sự quay lưng theo hướng “diều hâu” trong chính sách của Fed, điều này có thể sẽ gây ra nhiều xáo trộn hơn cho các thị trường mới nổi”. Điều đáng lo ngại là Fed đang làm đúng như vậy.
Fed tăng lãi suất: Tỷ giá trung tâm không đổi
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 5/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.128 VND/USD, không đổi so với hôm qua.
Với biên độ /-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.821 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.434 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay, giá USD và đồng Nhân dân tệ (NDT) không có biến động.
Lúc 8 giờ 25 phút, tại BIDV, giá USD không đổi so với cuối phiên qua, niêm yết ở mức 22.830 - 23.110 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại BIDV được niêm yết ở mức 3.420 - 3.533 VND/NDT (mua vào - bán ra), cũng không đổi so với cuối phiên hôm qua.
Cùng thời điểm này, giá USD tại Vietcombank không đổi so với cuối phiên hôm qua, niêm yết ở mức 22.800 - 23.110 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.404 - 3.550 VND/NDT (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên hôm qua.
Trước đó, ngày 4/5/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng phạm vi lãi suất cơ bản gấp hai lần quy mô của một đợt tăng lãi suất thông thường, trong bối cảnh cơ quan này "chạy nước rút" để vượt qua vấn đề lạm phát gia tăng tại Mỹ.
Cụ thể, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - Hội đồng gồm các quan chức Fed phụ trách chính sách tiền tệ - đã tăng lãi suất thêm 0,5% lên phạm vi mục tiêu 0,75% đến 1%. Ngân hàng Trung ương Mỹ đã không tăng lãi suất quá 0,25% kể từ tháng 5/2000.
Sau khi để lãi suất gần bằng 0 trong cả năm 2021, Chủ tịch FED Jerome Powell và các lãnh đạo ngân hàng khác đã cam kết nhanh chóng đưa chi phí đi vay trở lại mức sẽ không kích thích nền kinh tế.
Tỷ giá ngoại tệ ngày 5/5: Đồng USD tiếp tục giảm Đồng USD giảm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell từ chối triển vọng tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, ngay cả khi ông cho rằng, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ hành động tích cực để ngăn chặn lạm phát. Ảnh minh họa. Tỷ giá ngoại tệ thế giới Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo...