‘Vệt’ của nghệ sĩ Lương Huệ Trinh: Âm nhạc đa phương tiện và nỗi cô đơn dằn vặt
Vào 20h tối nay, 16/3, tại Trung tâm văn hóa Pháp – L’Espace (Hà Nội), sẽ diễn ra chương trình hòa nhạc mang tên ‘Vệt’ của nghệ sĩ Lương Huệ Trinh.
Chỉ huy buổi hòa nhạc này là nhạc trưởng tài năng người Mỹ Jeff Von Der Schmidt – người từng đoạt 2 giải thưởng Grammy (2004, 2005) và 8 đề cử cho 30 CD.
Jeff Von Der Schmidt cũng đã tổ chức các buổi hòa nhạc khắp nơi trong nước cũng như quốc tế, tại châu Âu, châu Á, và Mexico.
Còn “Vệt” là một chương trình hòa nhạc đa phương tiện xuyên suốt 5 sáng tác của Lương Huệ Trinh với cách tiếp cận khác nhau ở mỗi tác phẩm. Từ sự nghiêm ngặt của một bản nhạc chuẩn mực cho đến tính linh hoạt trong những dạng tổng phổ đồ họa, hay ranh giới giữa kỹ năng sáng tác và ngẫu hứng. Các yếu tố của âm nhạc truyền thống được pha trộn với âm thanh điện tử, kết hợp cùng nghệ thuật nhiếp ảnh, video và câu chữ nhằm đề cập đến các mối quan hệ phức tạp chứa đầy nỗi cô đơn và dằn vặt.
Lương Huệ Trinh tốt nghiệp chương trình thạc sỹ ngành sáng tác âm nhạc đa phương tiện tại Trường Đại học Âm nhạc và Kịch nghệ Hamburg (Đức). Tên cô gắn liền với âm nhạc thể nghiệm. Các sáng tác của cô được phát trên các đài phát thanh ở Thái Lan, Ấn Độ, Australia, Scotland, Anh.
Đặc biệt, năm 2014 và 2015, đài phát thanh truyền hình quốc gia Na Uy đã thực hiện chương trình phỏng vấn và giới thiệu âm nhạc Lương Huệ Trinh tới công chúng trong nước. Tác phẩm của cô còn được sử dụng trong cuốn sách âm thanh Wenjack (2016) dành cho người khuyết tật, phát hành bởi hệ thống thư viện quốc gia Canada tại Toronto và nhiều dự án khác.
Album đầu tay của cô mang tên “Illusions” lọt vào danh sách Những album hay nhất của năm 2016, do tạp chí âm nhạc uy tín Avant Music News (Mỹ) bình chọn.
Theo chương trình dự kiến, khán giả của đêm nhạc “Vệt” sẽ được thưởng thức các tác phẩm: My Angle (cho solo điện tử), Red Moon (cho solo Tamtam với các công cụ khác nhau và điện tử trực tiếp), Traces (cho 2 nhạc công bộ gõ, giọng và điện tử), JiJi (cho đàn tranh, piccolo/flute, bass clarinet, violin, cello và điện tử), Plastic Song (cho bộ gõ, đàn tranh, đàn bầu và 2 điện tử trực tiếp).
Đêm nhạc đa phương tiện “Vệt” vào cửa miễn phí, tuy nhiên số lượng chỗ có hạn và là buổi hòa nhạc đặc biệt dành tặng cho nhạc sỹ SonX, người đã dìu dắt và có ảnh hưởng lớn tới con đường âm nhạc của Lương Huệ Trinh.
Video đang HOT
Theo Đại Đoàn Kết
Trở về để truyền cảm hứng sáng tạo, khám phá
Khán giả TP.HCM vừa có buổi thưởng thức và trải nghiệm âm nhạc thú vị, mới mẻ cùng 2 nghệ sĩ gốc Việt.
Vân-Ánh Võ (Vanessa Võ) - người mang âm nhạc dân tộc VN đi khắp thế giới, đoạt giải Emmy năm 2003; và nghệ sĩ trumpet Cường Vũ - 2 lần đoạt giải thưởng âm nhạc Grammy.
Nghệ sĩ trumpet Cường Vũ - Ảnh: AMBERSTONE MEDIA
Trong buổi diễn hôm 16.1, nghệ sĩ (NS) Vân-Ánh Võ cùng dàn nhạc Blood Moon với những nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, đàn T'rưng... và đặc biệt cùng rapper, vũ công breakdance, tạo nên những màn biểu diễn đầy tương tác. Chị còn chia sẻ với khán giả những câu chuyện gắn liền với bài chuyển soạn hay sáng tác của mình, như huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ, hình ảnh cây tre VN, vì sao có điệu lý dành cho cây đa...
NS trumpet Cường Vũ đưa khán giả đến một thế giới mới với âm nhạc trong đêm Cường Vũ Trio Live hôm 18.1.
Hai NS đã dành cho Thanh Niên cuộc trò chuyện về niềm đam mê, sáng tạo và khát khao truyền cảm hứng cho giới trẻ qua âm nhạc họ biểu diễn cũng như mang về VN.
Góp tay xây những chiếc cầu kết nối văn hóa
Trước khi về nước biểu diễn cũng như giữ vai trò giám đốc nghệ thuật của Jazz through time (với anh Cường Vũ) hay Hear the world (với chị Vân-Ánh Võ), anh/chị đã tìm hiểu về nhu cầu thưởng thức âm nhạc của giới trẻ VN, nhất là với thể loại không "đại chúng" như jazz, world music?
NS Cường Vũ: Thật ra tôi cũng không nghe jazz, tôi chỉ nghe những nghệ sĩ nổi tiếng đã làm nên tên tuổi của dòng nhạc này. Gần đây tôi tìm về quá khứ và nghe nhạc cổ điển như Bach, Beethoven... Tôi cũng có tìm hiểu và nghe thử âm nhạc đương đại, những thể loại âm nhạc giới trẻ hiện nay hay nghe để xem những chất liệu nào đang được yêu thích, dòng chảy âm nhạc hiện nay như thế nào. Với Jazz through time, tôi hy vọng người trẻ, những người luôn khát khao khám phá, có thể cùng lắng nghe, cảm nhận và biết đâu sẽ được truyền cảm hứng từ đây.
NS Vân-Ánh Võ: Tôi nghĩ dự án mang world music về VN nhiều thử thách. Chúng ta đang sống trong nhịp đập nhanh, dùng internet chỉ chờ 2 - 3 giây chưa hiện lên thông tin tìm kiếm đã thấy sốt ruột. Mà ngôn ngữ của nhạc dân tộc VN thì không thể như thế, chúng ta phải lắng xuống một chút để tìm hiểu thì mới cảm nhận được nét đẹp của nó. Tôi nghĩ, khi đã muốn làm thì sẽ có cách để thu hút người nghe. Âm nhạc dân tộc VN hay và đẹp nhưng là ngôn ngữ không phải dễ học, tuy vậy cũng không quá khó.
Nghệ sĩ Vân-Ánh Võ - Ảnh: ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Anh/chị sẽ "trò chuyện" như thế nào với khán giả TP.HCM cũng như VN, để xây dựng và phát triển cộng đồng nghe từ thể loại âm nhạc vốn kén người nghe này?
NS Cường Vũ: Tôi sẽ tiếp tục mời những người bạn, những NS từng hợp tác cũng như các đồng nghiệp đến VN trình diễn và chia sẻ kinh nghiệm. Ngược lại, tôi hy vọng khán giả VN cũng sẽ có sự phát triển trong việc tìm tòi và có gu thưởng thức âm nhạc, tìm đến những tác phẩm có thể không quen thuộc nhưng lại hấp dẫn, vì tôi muốn mang đến VN những NS thực sự cá tính và táo bạo hơn sau mỗi chương trình.
NS Vân-Ánh Võ: Tôi muốn không chỉ chia sẻ văn hóa VN mà còn giúp các bạn trẻ hiểu được nét hay, nét đẹp đằng sau đó, hiểu rồi sẽ yêu hơn. Tôi sẽ góp tay xây những cây cầu để kết nối, từ những việc làm rất nhỏ. Khi có chiếc cầu, người ta sẽ đi và có thể tìm được những điều thú vị ở bên kia sông... Tiêu chí của tôi là phải kết hợp được nhạc dân tộc VN với các điệu nhạc, các thể loại nhạc khác. World music phải thể hiện nét đẹp và sâu sắc nhất của nhạc dân tộc VN, đồng thời đưa đến nhịp đập và nét mới của âm nhạc hôm nay, vừa nói lên tiếng nói và suy nghĩ của thế hệ trước nhưng đồng thời cũng thể hiện được thông điệp của thế hệ hôm nay.
Vân-Ánh Võ cùng ban nhạc biểu diễn tại TP.HCM vào tối 16.1 - Ảnh: ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Muốn đi xa phải đi cùng nhau
Là NS gốc Việt hoạt động trên thế giới, với đặc trưng thể loại âm nhạc dân tộc mình, anh/chị có những trở ngại hay thuận lợi gì trong phát triển sự nghiệp?
NS Cường Vũ: Khi nhắc đến jazz, người ta thường tưởng tượng đến những nghệ sĩ da đen hoặc chí ít cũng là da trắng. Còn nói đến châu Á, mà là VN nữa, thì nghe có vẻ lạ lẫm. Về nhạc jazz, nói đến châu Á, người ta chỉ biết đến người Nhật. Vì thế, họ sẽ luôn ngạc nhiên khi nghe sản phẩm âm nhạc và nói rằng "ồ đây là tác phẩm của một NS jazz đến từ VN à"... Nếu nói rằng có thuận lợi hay không thì chắc có lẽ là không.
NS Vân-Ánh Võ: Khi bắt đầu bất cứ công việc nào, tôi chỉ tập trung vào việc cứ phải làm trước đã, làm hết sức của mình. Vùng vịnh San Francisco nơi tôi sống là nơi đa chủng tộc nhất của Mỹ, nên tôi được gặp và học hỏi lẫn được chia sẻ văn hóa từ nhiều NS các nước. Tôi nghĩ tại sao mình không chia sẻ lại những nét hay nét đẹp của văn hóa Việt với họ? Tôi đã làm, bằng nhiều cách, như dạy nhạc dân tộc cho các em là người Việt sinh ra ở Mỹ, dạy những người có nguồn gốc khác nhưng yêu văn hóa VN. Khi sáng tác, tôi dùng nhiều chất liệu của nhạc dân tộc VN trong các bản nhạc của mình. Tôi vừa biểu diễn và đến nghe các chương trình hòa nhạc, tiếp cận các nhạc sĩ đang sống ở Mỹ, tìm cơ hội chia sẻ thêm về âm nhạc cổ truyền VN, vì phần lớn người Mỹ biết VN qua cuộc chiến tranh.
Nghệ sĩ Cường Vũ trò chuyện cùng khán giả - Ảnh: ẢNH: AMBERSTONE MEDIA
Trong buổi biểu diễn tại Nhà Trắng, chị đã "chia sẻ" câu chuyện âm nhạc dân tộc mình như thế nào?
NS Vân-Ánh Võ: Chương trình diễn ra tháng 2.2016 nhưng tháng 1.2015 tôi đã nhận lời mời. Buổi diễn tại Nhà Trắng là kỷ niệm với nhiều sự xúc động, vì tôi nghĩ có lẽ đây là niềm tự hào không chỉ cho bản thân mà cho văn hóa VN, khi văn hóa VN đã đến được nơi sâu nhất, tận trái tim nước Mỹ.
Tôi chọn trình diễn một bài hát ru. Với tôi, văn hóa VN có nét đặc biệt. Hầu như chúng ta sinh ra đều được nghe lời hát ru từ mẹ, từ bà. Khi chúng ta gặp khó khăn nhất, để được an ủi hay cần sức mạnh, chúng ta thường tìm về những điệu hát ru, về cội nguồn. Tôi muốn chia sẻ những gì sâu sắc nhất về văn hóa VN với người Mỹ.
Với anh Cường Vũ, có kỷ niệm nào khiến anh muốn chia sẻ khi từng hợp tác với nhiều NS nổi tiếng thế giới?
NS Cường Vũ: Tất cả những gì có thể nhớ là tôi đã từng đi đến nhiều nơi với các thành viên trong nhóm nhạc và chúng tôi đã có những khoảnh khắc âm nhạc tuyệt vời. Cả việc trở về VN cũng vậy. Tôi hy vọng và mong rằng sẽ có thêm những quỹ đầu tư để hỗ trợ nghệ thuật, để các dự án âm nhạc như Soul Live Project đang làm sẽ tiếp tục phát triển, để những người trẻ sẽ tiếp tục được hưởng những lợi ích và có những trải nghiệm âm nhạc có giá trị.
Anh, chị có dự định hợp tác với NS nào trong nước dịp này?
NS Cường Vũ: Chuyện kết hợp trong âm nhạc cũng giống việc đi tìm một người bạn, một người bạn đời. Không thể cứ đến nói rằng "mình làm bạn nhé" là được, mà cả hai phải có một sự kết nối nhất định. Tôi muốn là "một công dân âm nhạc thân thiện", tôi rất mở lòng với những sự kết hợp trong âm nhạc, nhưng đó phải là đúng với màu sắc âm nhạc của mình.
NS Vân-Ánh Võ: Với tôi, thử thách rất cao và cũng là nhiệt huyết là làm sao chuyển tải tiếng đàn bầu, đàn tranh vừa mạnh nhưng vẫn có sự duyên dáng. Và khán giả vừa nghe vừa cảm thấy tôn trọng nét đẹp của âm nhạc dân tộc VN nhưng vẫn phải nghe được nhịp thở mới mà Vân Ánh và Blood Moon mang đến. Tôi nghĩ cả nhóm đang đi đúng trên con đường này nên sự hòa quyện hết sức thú vị. Như tối 16.1, chúng tôi thấy khán giả cảm nhận, hưởng ứng khi thưởng thức khiến tôi chơi say sưa đến đứt cả dây đàn (cười). Tôi từng nghe thành ngữ, nếu muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì đi cùng nhau. Tôi muốn đi xa hơn nữa, đến những nơi tuyệt vời hơn thì chắc chắn tôi phải tìm những người đồng nghiệp như các thành viên trong nhóm.
Theo Thanh Niên
Nhạc trưởng Lê Phi Phi - Đi thật lâu để trở về Thành danh ở nước ngoài và có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà, Lê Phi Phi là gương mặt rất đáng kể trong lịch sử âm nhạc Việt Nam hiện đại. Nhạc trưởng Lê Phi Phi là người đã gắn bó với chương trình hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi. Công chúng yêu nhạc khi nghĩ tới chương trình...