Versace bị tẩy chay ở Trung Quốc
Áo thun Versace in chữ ngụ ý Bắc Kinh, Thượng Hải thuộc Trung Quốc, còn Hong Kong, Macau thì không, khiến người Trung Quốc nổi giận.
Mẫu áo thun in tên thành phố của các quốc gia trên thế giới được bán tại Trung Quốc từ 24/7. Trên áo, tên thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải được chú thích thuộc Trung Quốc, nhưng Hong Kong và Macau lại được xem như quốc gia độc lập.
Nhiều người Trung Quốc bình luận Versace không tôn trọng đất nước họ. Hong Kong, Macau từng là thuộc địa của Anh và Bồ Đào Nha, sau đó, hai vùng này trở thành đặc khu hành chính của Trung Quốc, theo chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.
Mẫu áo của Versace khiến người Trung Quốc kêu gọi tẩy chay. Ảnh: Weibo.
Không chỉ người dân, Versace cũng bị chính đại diện nhãn hàng là diễn viên Dương Mịch hủy hợp tác. Trên Weibo, nữ diễn viên tuyên bố chấm dứt hợp đồng với Versace vì thiết kế “sỉ nhục dân tộc”. Dương Mịch là người Trung Quốc đầu tiên làm đại sứ của nhà mốt Versace tại thị trường đại lục và mới ký hợp đồng hồi tháng 6.
Sau đó trên trang cá nhân, Versace đã gửi lời xin lỗi đến người dân Trung Quốc: “Sai sót trong quá trình thiết kế dẫn đến một số thành phố không được đặt cùng tên quốc gia. Chúng tôi xin lỗi và sẽ rút kinh nghiệm, cũng như luôn yêu quý đất nước Trung Quốc”.
Donatella Versace – em gái nhà sáng lập quá cố Gianni Versace, đồng thời là giám đốc sáng tạo của hãng – cũng gửi lời xin lỗi tối 11/8: “Chưa bao giờ tôi muốn coi thường chủ quyền quốc gia của Trung Quốc, và đây là lý do tại sao tôi muốn xin lỗi cá nhân vì sự thiếu chính xác đó và cho bất kỳ sự bực bội nào nó có thể gây ra”.
Video đang HOT
Versace tuyên bố ngừng bán mẫu áo trên toàn thế giới đồng thời tiêu hủy chúng. Tuy nhiên, động thái này của nhà mốt không làm người Trung Quốc nguôi giận. Nhiều người dùng mạng Trung Quốc vẫn tiếp tục công kích và tấn công trang cá nhân của nhà mốt và cả của Donatella Versace với hashtag “tẩy chay Versace”.
Donatella Versace, giám đốc sáng tạo của Versace. Ảnh: The Business of Fashion.
Trước Versace, nhà mốt Italy Dolce & Gabbana từng gặp rắc rối tại quốc gia tỷ dân khi nhà thiết kế Stefano Gabbana, người sáng lập thương hiệu, lộ tin nhắn khi nói về nước này kèm biểu tượng phân. Ngay lập tức người dân Trung Quốc đồng loạt kêu gọi quay lưng và các đại sứ của hãng như Địch Lệ Nhiệt Ba, Vương Tuấn Khải đều chấm dứt hợp tác. Trước áp lực dư luận, bộ đôi nhà thiết kế Stefano Gabbana và Domenico Dolce chính thức xin lỗi sau khoảng thời gian im lặng. Tuy nhiên người dân vẫn tiếp tục tẩy chay, show thời trang của hãng tại Thượng Hải bị hủy vì khách mời không tham dự, các trung tâm thương mại lớn ở Trung Quốc đồng loạt đóng cửa hiệu bán đồ của hãng.
Versace là một trong những hãng thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới được thành lập năm 1978 bởi nhà thiết kế Gianni Versace, trụ sở chính tại Milan, Italy. Cuối năm ngoái, tập đoàn thời trang Mỹ Michael Kors đã thâu tóm Versace với giá hơn 2,2 tỷ USD. Em gái nhà sáng lập là Donatella Versace vẫn giữ chức vụ giám đốc sáng tạo của hãng.
Sơn Nam
Theo ngoisao.net
Áo in hình heo của Dolce & Gabbana gây tranh cãi ở Trung Quốc
Sau scandal được cho là coi thường người Trung Quốc, nhãn hàng thời trang danh tiếng tiếp tục gây tranh cãi khi cho ra mắt sản phẩm in họa tiết Heo - con giáp của năm 2019 nhân dịp tết âm lịch.
Sina đưa tin, hãng thời trang Dolce & Gabbana tiếp tục gây tranh cãi khi ra mắt các mẫu áo in với họa tiết hình heo ngộ nghĩnh. Trang tin này sau đó cho đăng bài với tiêu đề "D&G lại sỉ nhục Trung Quốc?". Bên dưới bài viết, hàng ngàn bình luận từ người hâm mộ với thái độ tiêu cực nhắm đến nhà mốt.
Mẫu sản phẩm mới nhất được Dolce & Gabbana nhân dịp Tết Kỷ Hợi mới đây.
"Một lần thất tín, vạn lần không dùng", bình luận của tài khoản GraceQRJ nhận được hơn 6.000 lượt thích. Một số cư dân mạng cho rằng động thái cho ra mắt mẫu sản phẩm của Dolce & Gabbana nhằm mục đích đáp trả lại người Trung Quốc sau scandal sỉ nhục người dân nước này.
Mặt khác, một số ý kiến khác cũng tỏ ra bênh vực bộ sưu tập của Dolce & Gabbana. Họ bày tỏ cư dân mạng Trung Quốc đang tỏ ra quá nhạy cảm. Hơn thế, việc các nhãn hàng in hình con giáp theo xu thế mỗi năm cũng là việc phổ biến trong thời trang.
Hiện phía Dolce & Gabbana chưa đưa ra bất cứ phản hồi nào về vụ việc. Với các mẫu thiết kế họa tiết heo nhân dịp tết âm lịch, nhà mốt này bán ra mỗi sản phẩm với giá 375 USD.
Bộ đôi NTK Stefano Gabbana và Domenico Dolce chính thức xin lỗi Trung Quốc trên Weibo sau scandal tẩy chay của người dân.
Trước đó, thương hiệu đình đám này từng bị người dân Trung Quốc tẩy chay dữ dội. Nguồn cơn sự việc bắt đầu từ đoạn video quảng bá của nhãn hàng trước show diễn tại Thượng Hải. Trong clip, hình ảnh một người mẫu châu Á sử dụng đũa để ăn món Italy. Dù đoạn phim chỉ hướng dẫn cách dùng đũa, không có từ ngữ xúc phạm văn hóa Trung Quốc, nhiều người dân nước này cho rằng video chế giễu, châm biếm và coi thường văn hóa của họ.
Hồi cuối năm, ngôi sao Chân Tử Đan cũng không tránh khỏi liên lụy khi trót trình diễn cho một nhãn hàng với nội dung miệt thị Trung Quốc cách đây nhiều năm.
Sự phẫn nộ của người dân được đẩy lên cao khi NTK Stefano Gabbana trả lời một khán giả về video trên Instagram: "Không có các người chúng tôi vẫn sống tốt". Kèm với lời nói là biểu tượng không đẹp. Sau đó, Stefano Gabbana khẳng định tài khoản của ông bị hack. Công ty đã liên hệ luật sư, nhờ pháp luật làm sáng tỏ sự việc.
Thời gian qua, thương hiệu đắt giá này trở nên "teo tóp" tại thị trường Trung Quốc với thị phần và giá trị cổ phiếu giảm nhanh chóng. Nhiều trung tâm thương mại của Trung Quốc tuyên bố sẽ không cho phép bất cứ sản phẩm nào mang nhãn Dolce & Gabbana xuất hiện trong gian hàng của họ.
Tuấn Chiêu
Theo vietnamnet.vn
Thời trang sân bay cho cô nàng thích xê dịch Áo thun và jeans, sơ mi, giày thể thao... thanh lịch và năng động, giúp bạn gái dễ di chuyển khi đi máy bay. Quần jeans áo thun, bộ đôi năng động Với tính chất co giãn thoải mãi, áo thun kết hợp quần jeans là set đồ được nhiều chị em lựa chọn khi di chuyển bằng máy bay. Để tránh tình...