“Vênh” quan điểm hàng nghìn tỷ đồng tại cuộc thanh tra Tập đoàn TKV
Ông Ngô Văn Khánh – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận cuộc thanh tra tại Tập đoàn Than -Khoáng sản Việt Nam (TKV) chậm trễ có kết luận chính thức vì “vênh” quan điểm áp dụng văn bản quy phạm pháp luật với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh trả lời tại cuộc họp báo sáng 24/4 (Ảnh: T.K)
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 24/4, ông Ngô Văn Khánh – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận cuộc thanh tra tại TKV đã quá thời hạn tương đối dài nhưng chưa ban hành kết luận thanh tra.
“Cuộc thanh tra này có chậm (bắt đầu thanh tra từ tháng 8/2015-PV) nhưng có nhiều việc cần làm ngay trong quá trình thanh tra thì chúng tôi đã làm rồi. Đó là vụ việc nào có dấu hiệu vi phạm hình sự thì Thanh tra Chính phủ đã làm việc với cơ quan chức năng, có vụ việc đã được chúng tôi chuyển hồ sơ rồi. Cụ thể thì chưa thông tin được. Tóm lại, việc làm ngay thì chúng tôi đã làm, không chậm trễ xử lý”- ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, sau khi có dự thảo kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã làm việc với TKV, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về một số nội dung rất lớn nhưng còn có những ý kiến khác nhau về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.
“Liên quan đến quy mô, khối lượng hoạt động của TKV rất lớn. Đó là tính khối lượng bóc đất đá khi khai thác, bởi đây là tỷ lệ cấu thành rất lớn trong chi phí. Nó đến mấy nghìn tỷ, không thể đơn giản dừng ngay được, kết luận ngay được mà phải lật đi lật lại. Thứ hai là câu chuyện về thuế tài nguyên. Còn nhiều quan niệm khác nhau về đối tượng trực tiếp nộp thuế tài nguyên than rất lớn, áp dụng nhận thức còn có câu chuyện khác nhau. Bên cạnh việc làm việc với các cơ quan chức năng, tự mình cũng phải xem xét lại, bởi cái này cũng mấy nghìn tỷ. Đây là 2 loại việc cơ bản còn ý kiến khác nhau”- ông Khánh thông tin.
Để giải quyết “thấu tình đạt lý” câu chuyện này, Thanh tra Chính phủ đã thành lập bộ phận thẩm định riêng. “Thực chất cuộc thanh tra tại TKV liên quan đến quy mô giá trị rất lớn chi phí của ngành than nên không thể đơn giản kết luận ngay được”- ông Khánh giải thích.
Tuy vậy, vị lãnh đạo Thanh tra Chính phủ thừa nhận việc báo chí đặt vấn đề về việc chậm trễ ban hành kết luận tại TKV sẽ gây ảnh hưởng đến việc tuân thủ pháp luật, khắc phục những việc qua thanh tra phát hiện ra, xử lý vi phạm, ngăn chặn vi phạm và chấn chỉnh quản lý “là rất sát sao”.
Video đang HOT
Cơ quan thanh tra đã trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính để chấn chỉnh ngay những vấn đề tại TKV đặc biệt trong quản trị của tập đoàn.
Đang hoàn thiện báo cáo thanh tra tại PVC
Đối với cuộc thanh tra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ông Ngô Văn Khánh cho biết, cùng thời điểm Thanh tra Chính phủ làm việc thì cơ quan cảnh sát điều tra cũng làm rõ nội dung sai phạm của PVC. “Chúng tôi đã kết hợp chặt chẽ với nhau. Đến nay đã kết thúc thanh tra trực tiếp và đang hoàn thiện báo cáo kết luận thanh tra, trình kết luận thanh tra. Cuộc thanh tra này vẫn đang trong thời hạn chứ chưa có gì chậm cả”- ông Khánh phân trần.
Ngoài ra, cuộc thanh tra các dự án BOT giao thông của Bộ Giao thông vận tải ở TPHCM và Hà Nội đã được Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ chia sẻ với nhau. Tuy vậy, Thanh tra Chính phủ khi xem xét các dự án BOT đều hướng tới đảm bảo, hoàn thiện thể chế về lĩnh vực này, chỉ ra những bất hợp lý về xác định chi phí và thu phí nhằm hài hoà lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và người dân.
“Lần họp báo tới những kết luận của chúng tôi sẽ được được công bố, nằm trong tinh thần chung với kết luận của Kiểm toán Nhà nước, nhằm khắc phục những bất hợp lý trong việc thực hiện các dự án BOT này. Hiện chúng tôi đã báo có dự thảo kết luận tới Thủ tướng, khi có thông báo chính thức sẽ công bố kết luận lên Cổng thông tin điện tử” – ông Khánh cho hay.
Thế Kha
Theo Dantri
Bộ Công Thương chính thức kiến nghị huỷ khen thưởng với Trịnh Xuân Thanh
Nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) vừa nhận được Tờ trình số 2629/2017 của Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước huỷ các quyết định khen thưởng trước đây với Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Trịnh Xuân Thanh (ngoài cùng bên trái) trong một lần đón nhận Huân chương lao động của PVC (Ảnh: PVC).
Theo Tờ trình số 2629/2017 vừa được gửi tới Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương ngày 4/4, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét huỷ quyết định khen thưởng, thu hồi tiền thưởng, hiện vật và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đã trao trước đây cho Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT PVC.
Đồng thời Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chủ tịch nước xem xét, huỷ quyết định khen thưởng, thu hồi hiện vật, tiền thưởng đã trao cho cá nhân Trịnh Xuân Thanh và PVC, bao gồm: Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất, Anh hùng Lao động của Tổng công ty PVC và Huân chương Lao động hạng Ba của cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT PVC.
"Chúng tôi mới nhận được tờ trình của Bộ Công Thương đề xuất, kiến nghị như vậy và hiện nay đang nghiên cứu dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành để hoàn thiện văn bản chính thức gửi Thủ tướng Chính phủ", đại diện Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương trả lời PV Dân trí sáng ngày 5/4.
Hồi năm 2016, tại thời điểm những thông tin về PVC và Trịnh Xuân Thanh ồn ào trên truyền thông, trả lời phỏng vấn của Dân trí, ông Kiều Sơn - Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho biết, ông Vũ Huy Hoàng khi còn là Bộ trưởng Bộ Công Thương, chính là người đề xuất khen thưởng danh hiệu Anh hùng lao động cho PVC.
"Theo nguyên tắc, cơ sở sẽ chịu trách nhiệm về tính chính xác trong hồ sơ, rồi trình lên Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, thẩm định tính chính xác của thành tích đó. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thẩm định hồ sơ được Bộ Công Thương chuyển đến để xem xét đề nghị với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ", ông Sơn cho biết.
Theo quy định tại Điều 96 Luật Thi đua-Khen thưởng quy định, người nào gian dối trong việc kê khai thành tích để được khen thưởng thì bị huỷ bỏ quyết định khen thưởng và bị thu hồi hiện vật, tiền thưởng đã nhận. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cá nhân xác nhận sai sự thật hoặc làm giả hồ sơ, giấy tờ cho người khác để đề nghị khen thưởng; người lợi dụng chức vụ quyền hạn quyết định khen thưởng trái pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 80 Nghị định 42/2010 quy định cá nhân hoặc tập thể được khen thưởng cố tình che giấu hành vi vi phạm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng hoặc dùng tiền, các lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác nhằm mua chuộc người, cơ quan có thẩm quyền khen thưởng để được khen thưởng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào công tác khen thưởng bị huỷ bỏ quyết định khen thưởng và bị thu hồi hiện vật, tiền thưởng đã nhận.
Tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền công bố trên phương tiện thông tin đại chúng về hành vi vi phạm và hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tập thể.
Như vậy, những tập thể, cá nhân liên quan đến việc đề xuất, xét duyệt hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng cho ông Trịnh Xuân Thanh và PVC sai quy định sẽ bị cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm.
Ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại số 10 lô C4, khu đô thị Ciputra, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) để điều tra về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự. Xác định bị can đã bỏ trốn, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế với ông này.
C46 đã khởi tố vụ án hình sự "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại PVC thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Bốn cựu lãnh đạo PVC gồm ông Vũ Đức Thuận - Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Tổng giám đốc, Trương Quốc Dũng - Phó Tổng giám đốc, Phạm Tiến Đạt - Kế toán trưởng cũng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự cùng tội danh với Trịnh Xuân Thanh.
Đến chiều 15/3 vừa qua, sau quá trình xét xử vụ án lừa đảo tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land, Hội đồng xét xử TAND Cấp cao tại Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố ngay tại toà đối với Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) về tội Tham ô tài sản theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri tại Đà Nẵng hồi tháng 10/2016, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết, ông Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra nước ngoài rồi bay sang châu Âu.
Thế Kha
Theo Dantri
Thông tin thêm về vụ bắt 2 "cánh hẩu" của Trịnh Xuân Thanh Mở rộng vụ án hình sự Trịnh Xuân Thanh, đến nay Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 12 đối tượng về hành vi Cố ý làm trái quy định... và tham ô tài sản, liên quan đến vụ thua lỗ và thất thoát gần 3.300 tỷ đồng xảy ra tại Tổng công ty PVC... Cơ quan CSĐT Bộ Công an...