Venezuela nêu điều kiện bán dầu cho Mỹ trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine
Caracas sẵn sàng khôi phục thương mại trong lĩnh vực dầu khí với Mỹ với điều kiện Washington công nhận tính hợp pháp của Tổng thống Nicolas Maduro.
Kênh RT (Nga) ngày 13/3 dẫn lời Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Venezuela Felix Plasencia cho biết, Caracas sẵn sàng bán dầu cho Mỹ, trong khi vẫn ủng hộ Moskva.
Venezuela cho biết sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực dầu mỏ, với điều kiện chủ quyền của họ được tôn trọng. Ảnh: AP
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Plasencia nêu rõ việc Washington và Caracas hợp tác trong lĩnh vực dầu khí không phải là một “mối quan hệ kỳ lạ”, vì Venezuela đã buôn bán dầu với Mỹ trong một thời gian dài.
Bộ trưởng Ngoại giao Veneuela lập luận rằng nước này xuất khẩu năng lượng sang Mỹ sẽ “tốt cho tất cả mọi người”, lưu ý Mỹ được hoan nghênh ở nước này miễn là Washington “tôn trọng chủ quyền” của Venezuela và công nhận Tổng thống Nicolas Maduro là “nhà lãnh đạo hợp pháp và duy nhất của Venezuela”.
Theo ông Plascenia, Mỹ nên dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Venezuela nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ. Venezuela hiện khai thác một triệu thùng dầu mỗi ngày và có kế hoạch tăng lên 2 triệu thùng vào cuối năm nay.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Plasencia nhấn mạnh rằng Venezuela vẫn là “đồng minh” của Nga” và nước này coi Tổng thống Nga Vladimir Putin “là một người đứng đầu Chính phủ có trách nhiệm”.
“Chúng tôi tôn trọng ông ấy (Tổng thống Putin) với tư cách là một thành viên của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi cho rằng ông ấy sẽ làm những điều tốt nhất cho người dân của mình”, ông Plascenia nhận xét.
Tuần trước, một phái đoàn cấp cao của Mỹ đã tới thăm Venezuela trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine. Để phản ứng với cuộc xung đột này, Chính phủ Mỹ đã trừng phạt ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga, khiến giá khí đốt của Mỹ tăng cao. Có những ý kiến cho rằng Washington có thể chuyển sang Venezuela như một nhà cung cấp dầu thô thay thế.
Những thách thức hàng đầu với Tổng thống đắc cử Hàn Quốc
Các chính sách mạo hiểm mà ông Yoon Seok-yeol đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống Hàn Quốc sẽ gặp nhiều thách thức khi thực hiện.
Theo nhận định của Tiến sĩ Swaran Singh, Giáo sư về ngoại giao và giải trừ quân bị tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) trên trang web Thời báo châu Á (Asiatimes.com) ngày 11/3, Tổng thống Hàn Quốc đắc cử Yoon Seok-yeol được cho là sẽ hồi sinh chính sách đối ngoại bảo thủ, theo đó có quan hệ đối tác thân thiện hơn với Mỹ và hướng đến đường lối cứng rắn hơn với Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc đắc cử Yoon Seok-yeol. Ảnh: DW
Chính sách "bên miệng hố chiến tranh" với Triều Tiên
Tiến sĩ Swaran Singh cho rằng động thái được dự báo nhiều nhất là ông Yoon sẽ tăng cường chính sách "bên miệng hố chiến tranh" với Triều Tiên. Những người bảo thủ trong chính phủ Hàn Quốc nhìn chung thường tỏ ra cứng rắn với Triều Tiên và ông Yoon ủng hộ thực thi các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, cũng như theo đuổi chính sách "không đối thoại" cho đến khi Triều Tiên giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Khi đề cập đến cuộc xung đột Ukraine trong cuộc tranh luận tranh cử tổng thống vào tháng trước, ông Yoon nói rằng an ninh và hòa bình của một quốc gia không thể bảo vệ được bằng giấy và mực. Trong một lần khác, ông Yoon nói: "Hòa bình là vô nghĩa trừ khi nó được hỗ trợ bởi sức mạnh".
Tất cả những điều trên là dấu hiệu cho thấy ông Yoon có thể ủng hộ hiện đại hóa quân đội Hàn Quốc. Ông Yoon cũng đã nói về việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ, Nhật Bản và hợp tác trong Đối thoại An ninh Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) để kiềm chế Bắc Kinh.
Sau vụ thử tên lửa thứ 9 của Triều Tiên trong năm nay vào cuối tuần trước, ông Yoon cho rằng đó là nỗ lực của Bình Nhưỡng để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc nhằm ủng hộ đối thủ Lee Jae-myung của đảng Dân chủ cầm quyền, người mà ông Yoon nói là có thiện cảm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Điều này có thể sẽ thúc đẩy ông Yoon sẵn sàng mua thêm các hệ thống chống tên lửa từ Mỹ để tăng cường khả năng răn đe đối với vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, động thái trên cũng sẽ thúc đẩy Triều Tiên tăng tốc phát triển các chương trình tên lửa và hạt nhân.
Ngoài ra, diễn biến đó cũng sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại, dẫn đến việc nước này phải tăng cường hơn nữa khả năng chống tên lửa đạn đạo.
Thách thức đoàn kết dân tộc
Thách thức hàng đầu đối với ông Yoon sẽ là đoàn kết, thống nhất ở trong nước. Hàn Quốc vừa chứng kiến một trong những cuộc bầu cử tổng thống khó dự đoán nhất của nước này, kết thúc bằng chiến thắng sít sao khi ông Yoon nhận được 48,56% số phiếu bầu so với 47,83% của đối thủ xếp thứ hai là Lee Jae-myung.
Kết quả bầu cử có thể khiến ông Yoon gặp khó khăn trong việc đưa ra những chính sách mạo hiểm, đặc biệt là việc đảo ngược cách tiếp cận "đối thoại và hòa bình" của người tiền nhiệm Moon Jae-in.
Ngoài ra, ông Yoon cũng phải đối mặt với một loạt vấn đề tồn tại dai dẳng ở trong nước như gia tăng bất bình đẳng trong xã hội, giá nhà ở tăng, tăng trưởng kinh tế trì trệ, thất nghiệp và các vụ bê bối tham nhũng. Do đó, phát biểu sau khi giành chiến thắng hôm 10/3, ông Yoon đã cam kết sẽ "quan tâm đến sinh kế của mọi người" và "cung cấp các dịch vụ phúc lợi cho những người khó khăn", coi đây là ưu tiên số 1 của ông.
Thách thức kinh tế
Khi đảm nhiệm cương vị mới và phụ trách nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, thứ 10 thế giới, ông Yoon Seok- yeol sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn khác như khôi phục kinh tế thời hậu đại dịch COVID-19, vấn đề thất nghiệp, lạm phát cao và biến động thị trường tiền tệ,... Ngay cả trong chính sách kinh tế đối ngoại, căng thẳng tiếp diễn giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc là Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các ưu tiên của ông Yoon.
Tiến sĩ Singh lưu ý rằng ông Yoon là người mới tham gia chính trị, nên kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô cũng còn hạn chế. Trải qua 27 năm sự nghiệp với tư cách là một công tố viên, ông chỉ được chú ý trong nền chính trị Hàn Quốc khi truy tố cựu Tổng thống Park Geun-hye. Cho đến năm ngoái, ông Yoon vẫn là Tổng Công tố trong Chính quyền của Tổng thống Moon.
EU không trao quy chế đặc biệt để sớm kết nạp Ukraine Theo trang Euronews.com, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã bác bỏ lời kêu gọi của Ukraine về việc đẩy nhanh lộ trình gia nhập EU. Các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh ở Cung điện Versailles tập trung vào cuộc chiến Ukraine. Ảnh: AP Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Tổng thống Ukraine Volodymyr...