Venezuela khẳng định lập trường sẵn sàng đối thoại với Mỹ
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, phát biểu với kênh truyền hình Telesur khi tới New York (Mỹ) tham dự Khóa họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), Ngoại trưởng Venezuela Carlos Faría đã nhấn mạnh mong muốn của chính phủ và nhân dân Venezuela về một môi trường hòa bình, ổn định để đất nước có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ngoại trưởng Faría cũng tái khẳng định lập trường của Venezuela luôn sẵn sàng đối thoại với Mỹ.
Ngoại trưởng Venezuela Carlos Faría. Ảnh: Tass
Ngoại trưởng Faría cho biết Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro luôn có thiện chí đối thoại và trong thời gian qua đều dành thời gian tiếp các phái đoàn của chính quyền Mỹ, đồng thời cũng trả lời một cách cụ thể những vấn đề được đặt ra trong các cuộc làm việc. Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ lần này, Tổng thống Maduro cũng đã chỉ đạo phái đoàn Venezuela thúc đẩy tối đa các cuộc làm việc song phương bên lề sự kiện trên để có thể truyền tải một cách tối đa thông điệp của Venezuela, về quá trình hồi phục của đất nước bất chấp những biện pháp trừng phạt đơn phương.
Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng của Venezuela trong năm 2022 có thể đạt tới 22% và được đánh giá là kết quả hết sức khả quan trong thời điểm hiện tại.
Venezuela đã phải hứng chịu loạt biện pháp trừng phạt và sự cô lập ngoại giao của Mỹ kể từ đầu năm 2019. Chính phủ Venezuela đã phản đối các biện pháp trừng phạt này, vốn cản trở Venezuela không thể thực hiện các giao dịch quốc tế để mua hàng hóa và nguyên liệu cần thiết phục vụ đời sống của người dân.
COP27 sẽ giải quyết các mối quan tâm của châu Phi về khí hậu
Ngày 21/9, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nêu rõ Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27), dự kiến diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập vào tháng 11 tới, sẽ giải quyết các mối quan tâm của châu Phi về khí hậu, bao gồm việc thực hiện các cam kết về khí hậu.
Cảnh khô hạn tại hồ Chilwa ở khu vực Zomba, miền đông Malawi. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Ngoại trưởng Shoukry, người được chỉ địch là Chủ tịch COP27, đưa ra phát biểu trên tại cuộc họp của Ủy ban các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ châu Phi về biến đổi khí hậu (CAHOSCC), bên lề khóa họp lần thứ 77 Đại Hội đồng (ĐHĐ) LHQ ở New York (Mỹ). Ông nhấn mạnh COP27 cũng sẽ giải quyết các mối quan tâm khác của châu Phi về khí hậu, bao gồm cả quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, cũng như việc cung cấp nguồn tài chính khí hậu thỏa đáng cho các nước đang phát triển.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ai Cập nói thêm Hội nghị COP27, sự kiện toàn cầu về khí hậu lần đầu tiên được tổ chức tại châu Phi, sẽ theo đuổi một cách tiếp cận toàn diện để đảm bảo sự tham gia hiệu quả của tất cả các bên liên quan trong hành động khí hậu quốc tế, trong đó có khu vực tư nhân và xã hội. Ông cũng lưu ý châu Phi đang kỳ vọng vào CAHOSCC để tăng cường hành động của châu Phi liên quan đến biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại một sự kiện khác cùng ngày do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức bên lề khóa họp 77 ĐHĐ LHQ, Ngoại trưởng Shoukry cho hay Ai Cập đang tìm cách đạt được các kết quả cân bằng trên tất cả các ưu tiên hành động khí hậu quốc tế, đặc biệt là vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng như vấn đề cung cấp tài chính khí hậu. Ông cho rằng khu vực kinh tế tư nhân ở các quốc gia đang phát triển có trách nhiệm đặc biệt trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế thân thiện với môi trường bằng cách đầu tư vào nền kinh tế xanh và cung cấp các giải pháp công nghệ.
Ngoại trưởng Ai Cập cho biết thêm nước này hy vọng COP27 sẽ góp phần thực hiện các cam kết liên quan đến khí hậu và những diễn biến toàn cầu gần đây sẽ không ảnh hưởng đến các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Ai Cập cũng tin tưởng rằng sự hợp tác giữa tất cả các bên liên quan, trong đó có khu vực tư nhân, là cần thiết để đạt được các mục tiêu hành động vì khí hậu.
Trong một diễn biến khác, phát biểu nhân Tuần lễ Khí hậu New York 2022, diễn ra tại New York (Mỹ) từ ngày 19-25/9, Đại diện cấp cao về biến đổi khí hậu của LHQ tại Ai Cập, ông Mahmoud Mohieldin cho biết các nước phát triển vẫn chưa thực hiện cam kết mà họ đưa ra tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ ở Copenhagen (Đan Mạch) nhằm tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho hành động khí hậu tại các quốc gia đang phát triển, mặc dù số tiền này, ngay cả khi được cấp đầy đủ, chỉ chiếm không quá 3% nguồn tài chính cần thiết cho hành động khí hậu.
Tại Hội nghị COP15, diễn ra ở Copenhagen cách đây 13 năm, các nền kinh tế tiên tiến đã cam kết 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nền kinh tế đang phát triển đáp ứng các mục tiêu về hành động khí hậu. Cam kết đã được Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 xác nhận và có hiệu lực một năm sau đó, với mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Lãnh đạo Mỹ và Anh cam kết ủng hộ thỏa thuận về Bắc Ireland LNgày 21/9, trong cuộc gặp chính thức đầu tiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chia sẻ với tân Thủ tướng Anh Liz Truss rằng cả hai nhà lãnh đạo đều "nỗ lực" duy trì Thỏa thuận ngày thứ Sáu tốt lành, vốn đã mang lại hòa bình cho vùng Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh suốt 24 năm qua. Tổng thống Mỹ...