Vén màn “mua quan bán chức” tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc
Một tài liệu tòa án bị rò rỉ hồi cuối tuần trước đã tiết lộ việc ông Chu Trấn Hoành, nguyên Chủ tịch Ủy ban mặt trận thống nhất tỉnh Quảng Đông, từng “bán ghế” trong ủy ban này cho các doanh nhân với giá từ vài chục nghìn đến hơn 150.000 USD.
Chu Trấn Hoành, nguyên Chủ tịch Ủy ban mặt trận thống nhất tỉnh Quảng Đông. (Ảnh: Weibo)
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, các tài liệu của tòa án bị rò rỉ vào cuối tuần trước cho hay, hồi năm 2008, ông Chu Trấn Hoành đã bán các chức vị trong Ủy ban mặt trận thống nhất tỉnh Quảng Đông cho các doanh nhân với giá từ 150.000-945.000 NDT (tương đương hơn 24.000-150.000 USD).
Ông Chu, với chức vị Chủ tịch, đã tiến cử 6 doanh nhân nhận các chức quan trong Ủy ban mặt trận thống nhất tỉnh – cơ quan cố vấn chính trị cấp cao trong cơ cấu chính quyền cấp tỉnh ở Trung Quốc.
Một số doanh nhân Trung Quốc sẵn sàng chi số tiền khổng lồ để được bước chân vào guồng máy nhà nước nhằm mở rộng các hành lang quyền lực giúp họ làm giàu.
Cũng theo tài liệu Tòa án, ông Chu bị cáo buộc nhận 24,6 triệu NDT, tương đương 4 triệu USD, từ 33 người để giúp họ thăng tiến trong công việc, thu lợi trong kinh doanh và trúng cử vào cơ quan chính trị địa phương trong giai đoạn từ tháng 7/2002-2/2011.
Không giải trình được số tiền 37 triệu NDT trong các tài sản cá nhân, tháng 2/2014, ông Chu đã bị Tòa án tỉnh Hà Nam tuyên án tử hình nhưng hoãn thi hành án trong 2 năm, một bản án thường được giảm xuống chung thân.
Chiến dịch chống tham nhũng đã tác động không nhỏ đến Quảng Đông, tỉnh phía nam Trung Quốc. Đến nay, hơn 70 quan chức cấp cao của tỉnh này đã “sa lưới”, trong đó có cựu Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Quảng Đông Chu Minh Quốc và cựu Bí thư đảng ủy thành phố Mao Minh Lương Nghị Dân bị bắt vì tội tham nhũng cuối tháng 11/2014.
Video đang HOT
Hai “ông quan ngã ngựa” trên đã bị cách chức và bị tước tư cách ủy viên ủy ban Chính hiệp tỉnh. Hiện hồ sơ của cả hai đã được chuyển cho cơ quan kiểm sát để xem xét khởi tố.
Trước khi tài liệu mua bán chức tước của Chu Trấn Hoành bị công bố, tỉnh Quảng Đông cũng tuyên bố dời cuộc họp của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân, vốn là kỳ họp quan trọng hàng năm của tỉnh này, đến ngày 7/2 thay vì ngày 23/1 như kế hoạch ban đầu.
Việc tạm hoãn kỳ họp này đã dấy lên tin đồn rằng tỉnh Quảng Đông đang là mục tiêu của chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”, truy quét tham quan của chính phủ Trung Quốc.
Thoa Phạm
Tổng hợp
Theo Dantri
5 thách thức đối ngoại lớn với Nga năm 2015
Có 5 nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Nga trong năm nay. Quan trọng nhất trong số này là chính sách đối ngoại mang tính khiêu khích hơn của Mỹ trực tiếp nhằm vào Nga.
Sau những hỗn độn và khủng hoảng của năm 2014, triển vọng làm dịu những căng thẳng vẫn còn một chút le lói thời gian gần đây trong nền chính trị toàn cầu. Không còn nghi ngờ gì về việc Nga, Ukraine và nhiều quốc gia khác, vốn phải đối mặt với những xung đột tôn giáo và sắc tộc, trừng phạt về kinh tế, suy thoái, bệnh dịch và thảm họa thiên tai, đều mong muốn mọi thứ được cải thiện. Tuy nhiên, với các chuyên gia về chính sách đối ngoại, sự thật buồn tẻ vẫn còn rất u ám.
Không còn nghi ngờ gì nữa khi Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách cô lập Nga. Tuy nhiên, phương Tây nên lưu ý rằng Nga không giống như CHDCND Triều Tiên hay Iran. Thật khó để đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng quốc tế trong khi lại tìm cách đẩy một cường quốc (hạt nhân) vào chân tường.
Tổng thống Nga Putin sẽ chọn lựa chính sách nào để đối phó với một nền kinh tế đang ngày càng chìm sâu vào cuộc khủng hoảng?
Sẽ là không dễ dàng để suy đoán những sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của Nga diễn ra trong năm 2015, đặc biệt nếu chúng không được giới hạn trong các cuộc hội nghị thượng đỉnh quốc tế, nhưng sẽ không quá khó để xây dựng một loạt các câu hỏi liên quan đến chính sách đối ngoại mà trong 12 tháng tới Moskva cần có câu trả lời.
Xu hướng chính sách đối ngoại mới của Mỹ
Thách thức đầu tiên là bản chất chính sách đối ngoại của Washington sau một cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2014 của Mỹ mà kết quả là đảng Cộng hòa kiểm soát toàn bộ Quốc hội. Liệu đảng Cộng hòa có đồng ý với chính quyền của đảng Dân chủ về những vấn đề quan trọng?
Nếu trong năm 2015 sự đối đầu gay gắt giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa không được thay thế bằng sự thỏa hiệp, các đối thủ cạnh tranh nước ngoài của Mỹ sẽ "dễ thở" hơn. Bên cạnh đó, 2015 là năm quan trọng đối với Tổng thống Obama và vị thế của ông trong biên niên sử chính sách đối ngoại Mỹ. Đây là năm cuối mà ông Obama có thể cải thiện hình ảnh của mình trước những lời chỉ trích là "con vịt què chính trị" và "một vị tổng thống không hiệu quả".
Đối phó với khủng hoảng kinh tế
Thách thức thứ 2 đó là Tổng thống Nga Putin sẽ chọn lựa chính sách nào để đối phó với một nền kinh tế đang ngày càng chìm sâu vào cuộc khủng hoảng. Ông Putin sẽ tìm cách "đóng băng" cuộc xung đột ở Ukraine, hay tích cực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao với phương Tây? Liệu khi phải đối mặt với sự "ngoan cố" của các đối tác châu Âu và Mỹ, ông sẽ theo đuổi một giải pháp quân sự?
Hiện nay, Moskva dường như đang có xu hướng đi theo giải pháp đầu tiên, nhưng tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi và tình trạng bất ổn chính trị trong nước gia tăng cùng với việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt có thể làm thay đổi những tính toán chính trị của Điện Kremlin.
Chính sách đối ngoại của Trung Quốc
Vấn đề thứ 3 liên quan đến bản chất chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện những tín hiệu phức tạp, rõ ràng là nước này đang trở nên miễn cưỡng bởi những chính sách đối ngoại mà nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã đưa ra, nhưng vẫn tiếp tục tìm cách bình thường hóa với các nước láng giềng có xung đột như Nhật Bản.
Tín hiệu quan trọng nhất trong những ý định đối ngoại của Trung Quốc năm 2015 có thể là muốn giúp giải cứu nền kinh tế Nga. Nếu nền kinh tế Nga thực sự rơi xuống tới một mức độ nghiêm trọng và cần một sự trợ giúp như một số nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc tuyên bố, đây sẽ là một sự thay đổi lớn trong trật tự thế giới hiện nay.
Châu Âu có duy trì được sự thống nhất về vấn đề Ukraine, hay vẫn bất đồng với Mỹ và cả với nhau?
Sự thống nhất của châu Âu
Thách thức thứ 4 là liệu châu Âu có duy trì được sự thống nhất về vấn đề Ukraine, hay vẫn bất đồng với Mỹ và cả với nhau? Điều này phần lớn sẽ phụ thuộc vào tình trạng của nền kinh tế, các sự kiện chính trị (như cuộc tổng tuyển cử ở Anh diễn ra vào tháng 5/2015) và kết quả của các cuộc đàm phán của châu Âu với Mỹ về Hiệp định đối tác thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Việc công bố kết quả cuối cùng về vụ tai nạn của chiếc máy bay MH17 cũng có thể ảnh hưởng lớn tới sự thống nhất của châu Âu.
Sự không chắc chắn về IS
Vấn đề cuối cùng đó là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sẽ phát triển thế nào, liệu lực lượng này có bị ngăn chặn trong việc mở rộng phạm vi địa lý và ảnh hưởng của chúng? Quan trọng hơn, IS đang tạo ra một cấu trúc mạng lưới khủng bố mới theo kiểu Al-Qaedaa, nhưng có tiềm năng hủy diệt lớn hơn nhiều. Nên nhớ rằng Al-Qaeda vẫn mở rộng được ảnh hưởng khi các cường quốc chủ yếu trên thế giới, trong đó có cả Nga và Trung Quốc, đã từng là đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố.
Khi nền chính trị thế giới bước vào một giai đoạn xung đột mới, sự hợp tác giữa các nước lớn cần phải được tăng cường hơn nữa, nếu không nó sẽ tạo ra một hiệu ứng tiêu cực theo cấp số nhân, làm trầm trọng thêm các vấn đề vốn chẳng liên quan gì đến nhau- từ sự lan rộng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đến việc bùng phát đại dịch Ebola- bởi vì, thay vì tìm ra một giải pháp chung, các bên trong cuộc xung đột toàn cầu sẽ cố gắng khai thác những vấn đề để làm suy yếu và mất uy tín của đối thủ cạnh tranh. Nhìn từ góc độ này, các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế rõ ràng còn có rất nhiều việc để làm trong năm 2015.
Theo Công Thuận/ R.D/baotintuc.vn
Quan hệ họ Tập và họ Lý? Dựa trên các thông tin nội bộ mà mình thu thập được, nhà báo Mục Xuân San (Bắc Kinh, Trung Quốc) đã đi sâu tìm hiểu về những bí ẩn của chính trị Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Dẫn theo tạp chí Diplomat (Nhật Bản). Hiểu "đối nội" để biết "đối ngoại" Để hiểu được chiến lược ngoại giao Trung Quốc,...