Vén màn câu chuyện đằng sau ‘Biệt thự quái dị’ ở Đà Lạt dưới lăng kính của CNN
Hoang dã, lập dị, đầy cảm hứng là những tính từ đầu tiên bật ra trong đầu du khách khi nhắc đến Biệt thự Hằng Nga, hay còn gọi là Crazy House (Biệt thự quái dị) trên đất Đà Lạt mộng mơ. Kiến trúc kỳ dị bậc nhất này đã đưa khách tham quan đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác.
Hoàn toàn đối lập với cấu trúc cổ kính, sang trọng của những biệt thự thời Pháp thuộc xuất hiện ở khắp nơi, Biệt thự quái dị ghi đậm dấu ấn trong lòng du khách với thiết kế cầu thang xoắn ốc như một mê cung, vách tường phía trong điêu khắc đủ thứ hình thù, phía ngoài lại gồ ghề nhấp nhô chẳng theo một quy luật nào cả’, phóng viên Kate Springer mở đầu bài viết của mình về Biệt thự Hằng Nga hay còn có tên tiếng Anh là ‘Crazy House’ (Biệt thự quái dị) trên trang CNN. ‘Không chỉ thế, nơi này còn làm ‘xoắn não’ kẻ lữ hành với vô số vòng xoáy rực rỡ, cây cầu hẹp dẫn lối đưa đường đến đủ mọi ngóc ngách tiềm tàng sâu bên trong’.
Kiến trúc sư kiêm chủ nhân của tòa nhà là bà Đặng Việt Nga (79 tuổi). Chia sẻ về ý tưởng thiết kế Biệt thự Hằng Nga, bà cho biết đó là tinh túy chắt lọc từ trí tưởng tượng của bản thân mình: ‘Crazy House là đỉnh cao trong sự nghiệp thiết kế cả đời tôi. Đó là sự kết hợp giữa yếu tố thăng hoa trong cuộc sống và sự sáng tạo. Tôi muốn tạo nên một công trình thật nguyên bản và mang tính tiên phong, khác biệt hoàn toàn so với lối thiết kế thông thường’.
Câu chuyện về ngôi nhà quái dị
Sau khi tốt nghiệp ngành Kiến trúc tại Moscow, bà Nga dành thêm vài năm làm việc ở Nga để vững kinh nghiệm rồi trở về Hà Nội để hiện thực hóa các dự án của chính phủ. Bà đã ‘phải lòng’ xứ Đà Lạt trong một chuyến công tác và quyết tâm sẽ chuyển đến thành phố xinh đẹp này để sinh sống lâu dài. Năm 1983, bà chính thức định cư tại Đà Lạt cùng cậu con trai lên 8 Nguyễn Việt Thắng.
Qua nhiều năm làm việc với các dự án của nhà nước, vốn đòi hỏi sự rập khuôn chứ ít khi cần phá cách, bà Nga cấp thiết muốn giải phóng sự si cuồng của một kiến trúc sư dành cho ý tưởng sáng tạo. Nghĩ là làm, tháng 2/1990, bà bắt tay vào kế hoạch xây dựng Biệt thự Hằng Nga bằng đủ loại tranh vẽ thay vì bản thiết kế chi tiết như với các công trình thông thường.
Là một dạng kiến trúc biểu hiện, thế nên ngôi nhà quái dị này hoàn toàn không có góc cạnh, thay vào đó là các chất liệu tự nhiên được xếp theo một hình dáng mềm mại, y hệt cảnh quan không có sự can thiệp của bàn tay con người, chẳng hạn như nấm, vỏ sò, hang động và mạng nhện.
Bà Nga chia sẻ: ‘Với lối kiến trúc này, chúng ta phải giải phóng những giới hạn trong mình. Không cần phải giữ quy tắc nào cả, miễn là nó không ảnh hưởng đến mức độ an toàn của cả công trình. Ta có thể tự do sáng tạo nên bất cứ thứ gì mình muốn’.
Bà Nga đã dùng thép, gỗ và bê tông để dựng nên Biệt thự Hằng Nga, bởi đây là những vật liệu không quá đắt tiền và dễ ‘uốn nắn’ theo cấu trúc mới. Nguyễn Việt Thắng, con trai bà, năm nay đã 44 tuổi cho biết: ‘Mẹ tôi thích những vật liệu đó vì chúng giúp bà tự do phát huy trí tưởng tượng và chỉnh sửa cấu trúc ngôi nhà bất cứ lúc nào’. Chưa đầy 1 năm sau khi hoàn thiện hình dáng, Biệt thự Hằng Nga đã mở cửa đón chào vô số lượt khách tham quan.
Gần gũi với thiên nhiên
Mấy chục năm trôi qua, giờ đây Crazy House trông hệt như một mảnh rừng trong xứ sở thần tiên. Chia sẻ về diện mạo mới này, bà Nga nói với CNN: ‘Tôi nhận thấy thiên nhiên đang bị hủy hoại từ rất lâu về trước, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đều như thế. Vì vậy, tôi muốn tạo ra một kiến trúc giúp mang tự nhiên đến gần với con người hơn’.
Biệt thự Hằng Nga gồm một ngôi nhà chính treo trên cao, trông giống như ngôi nhà trong truyện cổ Hansel và Gretel. Ngôi nhà nằm giữa một khoảng sân rộng, bao quanh bởi 4 ngôi nhà trên cây cực kỳ đồ sộ. Những nhánh bê tông quanh co bắc cầu, xoắn ốc và nối liền các gian nhà với nhau, giúp mọi người qua lại dễ dàng.
Thoạt nhìn, kiểu thiết kế này gợi nhớ đến phong cách tranh vẽ siêu thực của danh họa Salvador Dali, hay thậm chí là tác phẩm của kiến trúc sư theo lối Tân nghệ thuật Antoni Gaudi. Những ngôi nhà trên cây đón chào du khách với kiểu trang trí sáng sủa, tươi vui. Có 10 phòng khách tất cả, mỗi phòng lại được đặt tên theo một loài động thực vật đặc trưng trong vùng và được trang bị đầy đủ vật dụng, từ giường được khoét vòm như hang động đến ghế ngồi bằng khúc gỗ đậm chất nguyên sơ.
‘Kết nối với tự nhiên là thông điệp mà tôi muốn gửi gắm trong căn nhà này‘, bà Nga nói. ‘Nhưng đó cũng là lời kêu gọi mọi người hãy nghĩ ‘thoáng’ ra. Đừng cho phép quy tắc và kỳ vọng trói buộc bản thân, hãy thả lỏng tâm tư và để sự sáng tạo của bạn tự do vùng vẫy’.
Hiện tại, theo phóng viên Springer, bà Nga đã giao toàn bộ việc kinh doanh cho con trai để bản thân có thời gian tập trung nghĩ ra ý tưởng ‘cải biến’ Crazy House. Bà đang ấp ủ giấc mơ xây thêm 2 khu vườn – Land Garden và Sky Garden – để trồng đủ loại cây xanh và hoa điểm tô thêm vẻ đẹp của ngôi nhà, đồng thời dựng nên một căn nhà trên cây nữa. ‘Crazy House sẽ chẳng có ngày hoàn thành cụ thể, đó là một sinh vật sống, mà sự sống thì luôn luôn thay đổi’, bà nói.
Theo saostar.vn
Nhiều giáo viên, phụ huynh đang triệt tiêu sự sáng tạo của trẻ
Đôi khi chính sự khuôn phép, kỷ luật hà khắc của giáo viên, của phụ huynh đã vô tình bóp nghẹt đi sự sáng tạo, phá cách, trí thông minh của một đứa trẻ.
Dạy kỹ năng sống cho trẻ là điều hết sức cần thiết. Ảnh minh họa.
Trong thời gian gần đây vấn đề được xã hội quan tâm, nói đến nhiều đó là việc giáo dục và đào tạo của chúng ta đang thiên về dạy "Chữ" mà xem nhẹ việc dạy "Người". Đó là cách nói ví von, nhưng thực ra là chúng ta đang chú trọng dạy kiến thức lý thuyết, học chưa đi đôi với hành; chưa quan tâm đúng mức đến truyền, dạy kỹ năng sống cho học sinh; trang bị cho học sinh có thể ứng xử với những tình huống bất trắc thường xẩy ra trong cuộc sống hàng ngày.
Đôi khi chính sự khuôn phép, kỷ luật hà khắc của giáo viên, của phụ huynh đã vô tình bóp nghẹt đi sự sáng tạo, phá cách, trí thông minh của một đứa trẻ.
Có người cho rằng: Biết giải phương trình bậc 3 để làm gì khi bạn đang làm nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng, nhà văn, bác sỹ? Biết giải phương trình bậc 3 để làm gì khi cuộc sống ra cho ta những đề bài kiểu như thoát khỏi đám cháy tòa nhà cao tầng, thoát hiểm khi bị kẹt thang máy, thoát khỏi xe ô tô bị khóa cửa, bị tấn công tình dục, bị chuột rút khi đang bơi, bị rắn độc cắn...
Nhiều em học sinh tốt nghiệp THPT, thậm chí sinh viên tốt nghiệp đại học xếp loại giỏi, nhưng khi bước vào cuộc sống đời thường, vào thực tiễn công việc còn nhiều "ngớ ngẩn".
Câu chuyện xẩy ra tại cuộc hội khóa của các cựu học sinh tại một trường THCS, khi ban tổ chức phỏng vấn một bạn học sinh giỏi toán nhất khối thời học sinh và bây giờ là một người thành đạt rằng: Bạn hãy đọc 07 hằng đẳng thức đáng nhớ trong vòng 2 phút - và kết quả bạn ấy chỉ biết đứng cười cùng toàn khóa - những kiến thức học được nhưng không được sử dụng thường xuyên sẽ rời khỏi bộ nhớ của mỗi người.
Như vậy, nhiệm vụ của các nhà trường, của phụ huynh học sinh không phải chỉ học vì để có điểm cao, học để đậu đại học, học để vừa lòng bố mẹ,... mà còn học để biết, học để làm người, học để chung sống, đó cũng là nhiệm vụ cần sự chung tay của các cấp, các ngành, của phụ huynh đối với ngành giáo dục và đào tạo để giáo dục toàn diện nhân cách một con người.
Trình Văn Nhã
Phó Bí thư TT Huyện ủy Thanh Chương
Theo baonghean
Lạ lùng nơi thiếu nữ tuổi 13 thoải mái đổi bạn tình Tại bộ tộc Mosuo, phụ nữ thoải mái đổi bạn tình từ khi mới 13 tuổi. Đây là bộ tộc hiếm hoi trên thế giới theo chế độ mẫu hệ. Theo đó, phụ nữ bộ tộc này có quyền quyết định trong nhiều vấn đề. Bộ tộc Mosuo sinh sống quanh bờ hồ Lugu, nằm ở danh giới giữa tỉnh Vân Nam và...