Vén màn bí mật về những loại bùa chú Thái Lan: Tượng, búp bê mang bùa chú tâm linh được “nuôi” như trẻ nhỏ trong nhà
Người Thái tin rằng Kuman Thong như “linh vật”, mang đến cho họ nhiều may mắn, tài lộc thậm chí có sức mạnh vô hình.
Đối với họ, “Cậu bé vàng” (Kuman Thong) là điều hết sức gần gũi bình thường, thậm chí ở góc độ thương mại nó đã trở thành mặt hàng “xuất khẩu”. Còn tại Việt Nam, Kuman Thong đang gây xôn xao với nhiều thông tin khiến nhiều người khiếp hãi.
Tượng, búp bê mang bùa chú tâm linh được “nuôi” như trẻ nhỏ trong nhà
Bùa chú, linh vật Thái Lan từ lâu đã được coi là những vật phẩm huyền bí, ẩn chứa nhiều quyền năng đẫm chất tâm linh và có sức hút đặc biệt. Ngay tại Việt Nam, những món đồ tâm linh nguồn gốc Thái với muôn hình vạn trạng xuất hiện ngày một nhiều, đi kèm với những đồn đoán đầy chất huyền hoặc, ma mị. Trong loạt bài này, sự thật về những loại bùa chú với “sức mạnh” siêu nhiên đó sẽ được làm rõ.
“Cuộc sống” của Kuman Thong trên đất Thái
Ở góc độ nào đó, người Thái xem Kuman Thong như một vật sống, vì vậy cách đối xử với nó cũng giống như chăm sóc một đứa bé. Thế nên nói họ thờ Kuman Thong cũng đúng, mà nói họ nuôi Kuman Thong cũng không sai. Những búp bê này được cho ăn, dạy dỗ, nghe kể chuyện, nghe kinh Phật, thậm chí đặt tên để dễ dàng xưng hô, trò chuyện.
Theo tín ngưỡng của người bản xứ, Kuman Thong là “quỷ, ma” nhưng được thờ như “thần” trong nhà và cả chùa chiềng. Còn trong các cửa hàng kinh doanh tượng, linh vật, Kuman Thong được xem như một sản phẩm đặc biệt, nơi người mua đứng trước “Cậu bé vàng” với thái độ nghiêm túc, thật tâm muốn đưa nó về nhà thờ, chăm sóc.
Chủ các cửa hàng kinh doanh Kuman Thong luôn cho rằng, những bức tượng nhìn nhỏ bé, như vật vô tri vô giác nhưng ẩn chứa nhiều may mắn, mang đến tài lộc cho chủ nhân. “Ở Thái Lan này, nhiều người thờ lắm, họ mua về nuôi và chăm sóc như con cháu trong nhà. Họ nuôi Kuman Thong để cầu mong may mắn, phát đạt, sung túc, sức khỏe, bình an, tránh được những điều xui rủi…”, một chủ cửa hàng tại Bangkok cho biết.
Tượng Kuman Thong có thể có nhiều hình dáng, kiểu trang phục, chất liệu và “khả năng, sức mạnh” ẩn chứa bên trong và theo đó được chia thành nhiều loại. Mỗi loại Kuman Thong có những ý nghĩa, năng lực riêng của mình nên nhiều người không chỉ nuôi một mà nhiều, thậm chí rất nhiều Kuman Thong. Hầu như tất cả các tầng lớp dân cư ở Thái Lan đều nuôi Kuman Thong. Tuy nhiên, những người có tầm ảnh hưởng thường thờ “Cậu bé vàng” một cách kín đáo, lặng lẽ.
Không chỉ người lớn, ngay cả trẻ em cũng thích nuôi Kuman Thong và xem chúng như những người bạn. Trong các gia đình, Kuman Thong có không gian “sống” thường thấy là trên những bàn thờ, tuy nhiên cũng có người dành cả gian phòng riêng để cho không phải một mà là nhiều “Cậu bé vàng”. Ngoài thời gian tâm sự hàng ngày, trước khi ra ngoài nhiều người còn nói cho “Cậu bé vàng” biết mình hôm nay đi đâu, gặp ai, làm gì, để Kuman Thong đi theo phù hộ, tránh được những tai nạn.
Nuôi Kuman Thong ở Thái Lan được xem là một điều hết sức bình thường, thậm chí có người nuôi đến hàng ngàn “Cậu bé vàng”. Một chuyên gia về Kuman Thong ở Thái Lan chia sẻ, nuôi Kuman Thong nhiều nhất có lẽ là những người làm công việc kinh doanh và giới showbiz. Khách hàng mua Kuman Thong không chỉ trong nước mà còn có bộ phận đông đảo đến từ các nước lân cận, trong đó nước “tiêu thụ” đáng kể là Lào.
Kuman Thong đẹp như búp bê đồ chơi cùa trẻ em
Ngoài mang đến những điều tốt đẹp, Kuman Thong cũng có thể nghịch ngợm, phá phách chủ nhà do bản tính vẫn còn trẻ con của nó. Những lúc đó thì người chủ cũng phải trừng phạt bằng cách đánh nó nhẹ nhàng với một cây gậy gỗ, đồng thời trách mắng bằng một giọng điệu nghiêm khắc, giống như cách mà họ dạy dỗ trẻ con vậy.
Trong trường hợp không còn khả năng chăm sóc cho một Kuman Thong được nữa, họ phải đưa nó đến một ngôi chùa để gửi cho các nhà sư và đôi khi thực hiện một vài nghi thức. Đó có lẽ là quan niệm ngày xưa, còn bây giờ, Kuman Thong có thể được các tín đồ trao tay một cách đơn giản. Họ nhiều khi không gọi là trao đổi, mua bán mà sẽ nói rằng tìm “ba mẹ, chủ nhân” hay “người có duyên” cho Kuman Thong.
Những phát hiện rúng động
Như đã trình bày, việc luyện bùa Kuman Thong theo cách truyền thống với nguyên liệu là xác thai nhi từ lâu đã bị nghiêm cấm ở Thái Lan. Tuy nhiên, có lẽ niềm tin bất diệt lâu nay của người Thái đã lan sang nhiều nước trên thế giới, khiến “Cậu bé vàng” vẫn luôn là món hàng đắt giá ở “chợ đen”. Nên mới có những việc như ở các bệnh viện Thái, thai nhi sinh non bị đánh cắp, hay mộ các bà mẹ đang mang thai cũng bị đào trộm.
Năm 2012, cảnh sát Thái bắt một người Đài Loan tên Chow vì mang theo trong va li 6 thai nhi chết non nhằm mục đích bán lại cho các thầy pháp để làm bùa Kuman Thong. Các thi thể này đều được sấy khô và dát bằng vàng lá. Kẻ buôn lậu thừa nhận đã mua những “mặt hàng” này với giá hơn 6.000 USD. Sau khi trở về Đài Loan, hắn có thể bán lại với giá gấp nhiều lần cho những người giàu có.
Nhân viên cảnh sát thuộc Ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Thái Lan cho biết: “Những thi thể này khoảng từ 2-7 tháng tuổi. Chow nói rằng anh ta đã lên kế hoạch bán chúng cho những người giàu mê tín, vốn tin rằng bào thai sẽ mang lại may mắn và thịnh vượng. Một số xác còn được dát bằng vàng lá”.
Video đang HOT
Vụ việc nói trên chỉ là phần nổi của tảng bang chìm. Khủng khiếp hơn, vào tháng 11/2010, cảnh sát thủ đô Bangkok khi tiến hành khám xét một ngôi chùa đã tìm thấy 348 thi thể thai nhi. Chỉ vài ngày sau, cảnh sát phát hiện thêm 1.654 thi thể thai nhi, nâng số thi thể được tìm thấy tăng lên con số hơn 2.000, gây sốc chẳng những đối với người Thái và cả thế giới. “Rất nhiều thi thể thai nhi đã được giấu ở chùa cả năm trời”, đại diện cảnh sát cho biết.
Các nghi can cho biết, số thi thể nói trên được tập kết từ những cơ sở nạo phá thai, đồng thời thừa nhận đã nhận tiền từ 5 phòng nạo phá thai khác nhau để tiêu hủy số thi hài thai nhi nói trên. Những người này nói sở dĩ họ phải giấu số thi thể thai nhi trong chùa là vì “không có lựa chọn nào khác”, và vì “lò hỏa thiêu đã hỏng, nhưng chúng tôi không muốn đem bỏ số thi thể đó như rác”. Tuy nhiên, cũng có thông tin cho rằng, số thai nhi trên sở dĩ chưa được hỏa táng mà giấu đi là vì dùng để làm Kuman Thong.
Sau làn sóng phẫn nộ, cảnh sát Thái Lan sau đó đã thực hiện chiến dịch truy quét hàng ngàn phòng khám bị nghi ngờ là tiến hành việc nạo phá thai trái phép. Bộ Y tế Thái Lan ước tính có khoảng 80.000 ca nạo phá thai trái phép mỗi năm tại nước này. Các ngôi chùa và những nơi quản lý bào thai (được đưa đến từ các bệnh viện) không được cung cấp cho các thầy cúng để làm Kuman Thong, thay vào đó phải hỏa táng.
Kuman Thong được cho ăn uống như người thật
Tháng 6/2010, 14 cái xác của trẻ sơ sinh đã được phát hiện tại một ngôi nhà hoang ở nông thôn thuộc tỉnh Ubon Ratchathani, một cựu y tá bị buộc tội đã bán những cái xác này với giá 30 USD. Trước đó vào năm 1995, một người đàn ông có tên Samanen Han Raksachit đã bị bắt giam sau khi đăng tải đoạn video cho thấy ông ta đang “làm phép” man rợ với thi hài của một em bé tại một ngôi chùa thuộc tỉnh Saraburi.
Ông ta được cho là đã bán thứ chất mỡ chảy ra trong quá trình “sấy khô” thi thể em bé cho du khách tham quan với lời quảng cáo về công dụng “tráng dương” của nó. Raksachit sau đó đã bị đuổi khỏi chùa, tuy nhiên ông ta đã không phải chịu một án tù nào. Tại nước tiêu thụ nhiều Kuman Thong là Lào, năm 2011 người ta cũng phát hiện một người đàn ông giết người vợ đang mang thai để sử dụng thai nhi vào mục đích liên quan đến bùa chú.
“Cậu bé vàng” xuất hiện tại Việt Nam
Người Việt Nam còn gọi Kuman Thong bằng một cái tên có phần đáng sợ hơn cụm từ “Cậu bé vàng”,đó là “Quỷ linh nhi”. Thế nhưng, từ niềm tin của người Thái về những điều tốt đẹp, may mắn mà Kuman Thong mang lại, thời gian qua có một bộ phận người Việt thích thú say mê loại tượng, búp bê này. Sự hấp dẫn của nó thể hiện rõ nét nhất đối với giới trẻ, thậm chí nhiều bạn trẻ được cho là “nghiện” Kuman Thong.
Thời gian qua trên mạng xã hội có rất nhiều hội nhóm được lập ra để các thành viên – những người đang nuôi hoặc có ý định rước “Cậu bé vàng” về nhà, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, nuôi nấng, thờ phụng Kuman Thong. Những hội nhóm này thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia, có những nhóm số lượng thành viên lên tới hàng chục ngàn người.
Nội dung chia sẻ được đăng tải liên tục hàng ngày và nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi, giải đáp. Chẳng những dừng lại ở chuyện “nuôi ăn” Kuman Thong, họ còn trao đổi với nhau chuyện trang phục, làm đẹp cho chúng chẳng khác gì đối con cái họ sinh ra. Thậm chí, đó là làm cách nào để “con” cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.
Ngoài là nơi chia sẻ kinh nghiệm, hội nhóm này còn kiêm vai trò như những cửa hàng online, chuyên mua bán Kuman Thong và phụ kiện, các dụng cụ phục vụ cho việc thờ cúng. Nhiều bạn trẻ còn tổ chức các buổi giao lưu bên ngoài, đem theo “các con”, trao đổi quần áo, kinh nghiệm làm “các con” vui… Thậm chí có bạn nữ khi đi nhậu cùng bạn bè cũng đưa Kuman Thong theo cùng.
Tại TP.Hồ Chí Minh, người ta thi thoảng bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ đưa búp bê đi ăn, uống cà phê và cưng nựng, vuốt ve và trò chuyện như đó là em bé sống. Có câu chuyện gây bất ngờ cho nhiều người, một bạn nam đem theo 1 búp bê Kuman Thong vào quán cà phê trên đường Đồng Khởi (quận 1). Sau khi gọi nước uống cho mình, bạn này còn gọi thêm phần nước uống khác cho Kuman Thong, thậm chí yêu cầu có ống hút cắm vào và gắn vào miệng búp bê.
Gần đây, mạng xã hội facebook lại xôn xao khi nhiều người truyền tay nhau clip 1 người phụ nữ bế búp bê Kuman Thong ra chợ. Sự xuất hiện của người phụ nữ và “đứa con” khiến hàng chục người hiếu kỳ vây quanh. Có người bất ngờ và buột miệng thốt lên rằng “bây giờ thì Kuman Thong đã ra đến chợ”, tuy nhiên cũng có nhiều người có cảm giác rờn rợn mặc dù không hề trực tiếp chứng kiến mà chỉ xem clip.
Trong clip, người phụ nữ là mẹ của Kuman Thong cho “con” ăn uống ngay giữa chợ. Người này nói chuyện với con sau đó khui lon nước ngọt và cắm ống hút vào, một lát sau nước ngọt tự động chảy ra từ vòi dù không ai tác động đến. Sự việc trên gây nhiều tranh cãi, hai luồng ý kiến chính, một bên cho rằng đó là hiện tượng tự nhiên, bên còn lại tin rằng Kuman Thong đang uống nước như một đứa trẻ thật sự.
Chỉ trong thời gian ngắn, đã có không biết bao nhiêu đồn thổi về Kuman Thong. Nhiều người truyền tai nhau bằng, Kuman Thong có thể giúp “bố mẹ” kiếm tiền tỷ chỉ trong vài tháng, giúp thu hồi được những món nợ khó đòi khi khiến con nợ tự động mang tiền tới nhà, vừa trả vừa quỳ lạy xin tha lỗi. Hay khả năng giúp chủ nhân trúng số độc đắc, trúng số đề, thậm chí có thể giúp “phá” đối thủ làm ăn, “dằn mặt” kẻ thù, thậm chí khiến đối tượng bị nhắm đến phải tán gia bại sản, tai họa giáng xuống đầu…
Chị H (ngụ quận Tân Bình) khi được hỏi đã cho biết nhiều ngày qua chị được nghe kể nhiều và chứng kiến nhiều cuộc bàn tán về Kuman Thong, từ công sở đến quán cà phê, công viên. Theo như chị nghĩ, búp bê này có linh hồn thực sự và rất trẻ con, muốn được “ba mẹ” quan tâm nuông chiều, vì vậy thích hợp với những người độc thân, chưa lập gia đình. Chị cũng tin rằng, nuôi Kuman Thong được nhiều thứ thì cũng phải trả một cái giá nào đó.
Nhiều tranh cãi
Sau những sự việc xảy ra khiến Kuman Thong trở thành chủ đề được quan tâm, nhiều người lên tiếng chia sẻ ý kiến, quan điểm kinh nghiệm cũng như cảnh báo về việc nuôi búp bê ma quái. Trong đó, có quan điểm cho rằng giới trẻ Việt nhiều người nuôi “Cậu bé vàng” với mục đích đầy thực dụng là “kiếm tiền, kiếm tài lộc”, chứ không còn đề cao mục đích chân chính là yêu thương vô điều kiện, giúp các vong linh siêu thoát, sớm đầu thai kiếp khác.
“Ai mua nó cũng chỉ vì mong nó kiếm cho mình thật nhiều tiền để hưởng thụ chứ không hề có ai mua nó về để nuôi mà không đòi hỏi gì. Bởi nếu không có mục đích thì họ không bao giờ bỏ số tiền lớn ra nuôi ma trong nhà, trong khi sẵn sàng phá bỏ đứa con trong bụng của chính mình. Một số người miệng luôn nói yêu thương, tốt với nó lắm, nhưng thử hỏi nếu nuôi nó mà nó không mang lại lợi ích về tiền bạc thì có ai sẽ nuôi ?”, một ý kiến được nhiều người đồng tình.
Đặc biệt, có những thông tin chưa rõ thực hư nhưng đã khiến nhiều người hoảng hốt, như càng nuôi Kuman Thong lâu về sau phải nghe lời, nếu không thì hậu quả sẽ rất kinh khủng. Đáng sợ nhất là thông tin, càng về sau người nuôi Kuman Thong phải cho búp be uống máu của mình hoặc của con mình. Thậm chí còn có những cảnh báo về hậu họa như người nuôi có thể bị Kuman Thong sai khiến, hãm hại…
Nhiều người cho rằng nuôi Kuman Thong chỉ để cầu lợi cho chủ nhân
Những chia sẻ trên khiến nhiều người còn xa lạ với Kuman Thong sợ hãi, trong khi đó những người đang nuôi “Cậu bé vàng” lại vô cùng bức xúc. Theo đó, họ cho rằng bản thân Kuman Thong không hề xấu và đáng sợ như nhiều người nghĩ. Rằng nó được tạo ra để những linh hồn đó có cơ hội được yêu thương, tích lũy nghiệp lành và giúp đỡ cha mẹ (chủ nhân của Kuman Thong). Nhiều người thì nói đã có sự nhầm lẫn giữa Kuman Thong và Luk Thep – một loại búp bê “có linh hồn” và đã được yểm bùa.
Kuman Thong như thế nào là do người nuôi và cái tâm họ hướng đến. Nếu một người thực sự chăm sóc tốt Kuman Thong, nó sẽ giúp đỡ ân nhân của mình trong việc hoàn thành những ước muốn lành mạnh trong cuộc sống. Một chủ sở hữu tốt có thể dạy cho Kuman Thong tu luyện và tích lũy nghiệp lành, một chủ sở hữu có tâm địa ác có thể dạy cho Kuman Thong của mình thực hiện hành động xấu để phục vụ lợi ích cá nhân.
Niềm tin mù quáng
Những hiện tượng tâm linh có lẽ là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất từ xưa đến nay, huồng hồ là những loại bùa chú huyền bí của người Thái như Kuman Thong. Vẫn còn đó hàng loạt câu hỏi chưa lời đáp, tuy nhiên có một thực tế là tại Việt Nam đã có đến hàng ngàn người nuôi Kuman Thong, nhiều người thậm chí sang cả Thái Lan để trực tiếp tìm “Cậu bé vàng” dù mức giá mỗi búp bê có thể từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy theo năng lực, sức mạnh nó mang trong mình.
Sau sự việc cô gái tử vong tại chung cư cao tầng, nhiều bạn trẻ đã phải rao bán búp bê Kuman Thong vì tâm lý lo sợ, tuy nhiên không ít người lại bị thu hút bởi những khả năng “thần kỳ” đang được đồn thổi. Tận dụng cơ hội này, trên các trang mạng xã hội, nhiều người ra sức quảng cáo, mời chào khách mua Kuman Thong và các loại bùa chú, với đủ các chiêu trò, hình thức.
Những vật phẩm tâm linh thường ngày vốn đã được rao bán nhan nhản nay lại càng nhiều các hội nhóm, cửa hàng online, đâu đâu cũng cam kết bùa chú hiệu nghiệm và giá cả rẻ nhất thị trường, tuy nhiên bản chất đằng sau đó là gì thì thậm chí, ngay cả người bán cũng không thể tường tận được. Trong khi số tiền phải bỏ ra không hề nhỏ, loại rẻ cũng bạc triệu, loại đắt cũng có thể đến hàng trăm triệu đồng.
Tin và trông chờ vào khả năng thần thánh của Kuman Thong, nhiều bạn trẻ đã tốn không ít tiền và công sức, nói theo cách của nhiều người, là nuôi ma trong nhà. Thay vì số tiền đó họ dành để làm những việc thiết thực và dành thời gian cho học tập, công việc, những người thân yêu và gia đình. Vẫn biết rằng tín ngưỡng là quyền của mỗi người, nhưng không hiểu sao nhiều bạn trẻ Việt đặt lòng tin vào bùa chú một cách mù quáng.
(Còn nữa)
Nguyễn Gia – Chu Đại
Theo Pháp luật 4 Phương
Đánh vần 'sách đá' cổ Sa Pa
Những bí ẩn vẫn bao phủ những nét khắc trên những tảng đá rải rác ở bãi đá cổ Sa Pa. Mọi lý giải vẫn chỉ là giả thiết. Bí ẩn vẫn là bí ẩn.
Những phiến đá cổ Sa Pa như những trang sách đang lưu và mang quá khứ đến với hiện tại và tương lai. Công việc "đọc sách đá cổ" cho đời sau vẫn còn đang tiếp tục và cuốn hút sự quan tâm của nhiều người.
Đá cổ có hình khắc ở Sa Pa.
Một phát hiện thu hút nhiều sự quan tâm
Năm 1925, Victor Goloubew, nhà khảo cổ học (người Pháp gốc Nga) của Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO), viết bài thông báo đầu tiên về hơn 30 tảng đá mang những nét khắc khó hiểu, nằm rải rác ven suối Hoa trong thung lũng Mường Hoa (Sa Pa) trên tạp chí của Viện. Đến nay số tảng đá có khắc hoa văn được phát hiện tại khu vực này đã tới trên 200 tảng. Những nét khắc tưởng như nguệch ngoạc trên sườn đá đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và đông đảo khách du lịch trong suốt nhiều năm qua. Chúng đã được coi như một tài sản quý cần được bảo vệ của Sa Pa, Lào Cai và cả với văn hóa nói chung.
Trong khoảng thời gian khá dài đó cũng đã có nhiều cuộc nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, dân tộc học, sử học, văn hóa học, mỹ thuật, địa chất học, trắc địa bản đồ viễn thám, v.v... Các mẫu vật, thác bản, ảnh chụp... cũng đã được đưa về Hà Nội để nghiên cứu bằng những phương tiện khoa học hiện đại. Nhưng bãi đá cổ vẫn trầm mặc trong sương mù Sa Pa và "sương mù khoa học" vẫn bao phủ những câu trả lời, làm nóng lòng (và nóng cả đầu) các nhà khoa học...
Mọi lý giải vẫn chỉ là giả thiết
Mường Hoa xưa gồm 6 thôn bản, nay bao trùm địa phận hành chính của các xã: Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào, Sử Pán, Thanh Kim (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Cư dân ở đây có người Giáy, người Xá Phó, người Tày Khao (vốn là người Thái trắng), người HMông đến muộn hơn. Người Lô Lô, người Hà Nhì, người La Hủ đã ở đây rồi lại chuyển đi nơi khác.
Hoa được đặt tên cho mường (mường Hoa), cho suối (suối Hoa). Hoa được đặt tên cho ngòi (ngòi Hoa), cho bàn đá có hoa (hoa Sứ Phán, hoa Thạch bàn). Hoa là biểu hiện chính của nơi có những hòn đá khắc hoa văn. Khu vực tập trung nhất những tảng đá mang hình khắc khá tiêu biểu từ xóm Lý Lao Chải qua bản Pho, xã Hầu Thào đến bản Phùng, xã Sử Pán. Các hòn lớn khắc nhiều hình, hòn nhỏ khắc những họa tiết đơn lẻ. Bề mặt đá đã mềm qua phong hóa, chạm khắc dễ dàng là chất liệu sẵn có trong thiên nhiên của những "nghệ sĩ" xưa.
Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã tìm được truyền thuyết dân gian xưa của đồng bào ở đây nhắc đến một nạn hồng thủy làm ngập chìm muôn vật. Có hai anh em trai gái tìm đường qua đây nhưng không đi được mà hóa thành đá lớn bên bờ suối Hoa. Đời sau gọi là đá Bố và đá Mẹ - như một hình tượng về nguồn gốc sinh sôi của cư dân vùng ngòi Hoa. Nay còn thấy trên hai tảng đá Bố và đá Mẹ có hình khắc mô phỏng có thể làm người xem mường tượng - liên tưởng - chắp nối tới những nét vẽ bản đồ khu vực suối mường Hoa. Thậm chí gần đây còn có nhà nghiên cứu trẻ áp vào và so sánh với bản đồ của Google và cũng thấy những nét tương đồng (?)...
Nhiều lần, nhiều nhóm nghiên cứu đã tới đo, vẽ bãi đá cổ và những hình vẽ trên những tảng đá. Nhìn và phân loại tổng quát, những đường nét, hình khắc trên đá Sa Pa có thể chia thành các loại:
- Loại hình thắng đồ như những bản đồ sơ khai, mang tính ký hiệu và ước lệ. Các tảng đá có hình khắc lọai này chiếm số lượng nhiều nhất.
- Loại khắc hình người với những nét sơ giản, có nhiều biểu tượng phồn thực thường thấy trong tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp.
- Loại khắc hình công cụ sinh họat hàng ngày như cối xay, bánh xe, guồng nước... cùng với hình nhà, có khi khắc riêng, có khi điểm xuyết vào các hình thắng đồ.
- Loại hình chữ khắc thường ở trên những hòn đá riêng biệt hoặc ở một góc riêng biệt trên hòn đá có khắc hình. Độ nông sâu của nét khắc hình và nét khắc chữ khác nhau chứng tỏ những lớp thời gian văn hóa khác nhau đã phủ lên đá gốc.
Có người căn cứ vào những dấu tích văn hóa Sơn Vi tìm thấy ở Lào Cai, Cam Đường (cách Sa Pa khoảng 20 km); nhiều đồ đồng Đông Sơn tìm thấy ở các vùng lân cận như Cam Đường, Bát Xát, Than Uyên mà cho rằng vùng núi Hoàng Liên Sơn là địa bàn cư trú của nhiều thế hệ người khôn ngoan (homosapiens). Họ đã cư trú ở đây lâu đời và liên tục, kéo dài cho đến những thế hệ người Việt cổ và "có thể họ là chủ nhân của những hình khắc phức tạp trên những hòn đá" và "niên đại của các hình khắc trùng với niên đại của văn hóa Đông Sơn". Tuy nhiên ý kiến này chỉ được để dưới dạng tồn nghi, vì việc giám định niên đại của những nét khắc là công việc gần như không thể, không giống như việc xác định tuổi của những hòn đá và những hiện vật khác.
Có thể đọc được chữ đá cổ Sa Pa?
Một tảng đá ở triền núi thuộc thôn Lý Lao Chải, gần Hầu Thào mang những hình chữ khắc đã làm tốn nhiều giấy mực của các nhà khoa học. Nhìn những nét móc cong xen giữa những chấm rỗ của đá, người ta dễ liên tưởng đến kiểu chữ Thái. Nét khắc cũng đã mờ lẫn cùng rêu phong. Phải áp giấy dó lên và rập cho nổi nét khắc mới dễ nhìn hơn.
Năm 2007, họa sĩ Nguyễn Văn Chiến, nhà nghiên cứu mỹ thuật (Trường Đại học Mỹ thuật), nhìn những nét khắc trên tảng đá bằng con mắt của một nhà hình họa lại thấy nó giống với mẫu tự Latin. Kết quả này đã được ông báo cáo trong Hội nghị Thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2007. Hoàn toàn không bị định kiến về niên đại những nét khắc, nhìn theo chiều mọc lên của lá cây quanh tảng đá, thuận chiều nghiêng chếch lên của tảng đá theo hướng mặt trời, ông Chiến đã tìm ra chiều để "đánh vần" được những dòng chữ trên phiến đá cổ.
Chữ khắc trên tảng đá không theo chiều dọc mà thuận theo chiều ngang. Chữ khắc theo hàng lối nhưng nét còn khá nguệch ngoạc. Đọc từ trên xuống dưới: dòng 1: Lên chỗ đá; dòng 2: bó; dòng 3: mẹ mà; dòng 4: ăn nằm; dòng 5: không rõ 2 chữ đầu nhưng rõ 4 nét sổ thẳng như dấu !. Đọc toàn bộ nội dung "chữ" trên tảng đá là: "Lên chỗ đá bó mẹ mà ăn nằm...!!!!". Những nội dung này cũng không xa lắm với tín ngưỡng phồn thực và cũng có thể hiểu được từ góc nhìn văn hóa dân gian.
Những gì suy - đọc được trên tảng đá làm ông Chiến sửng sốt. Có vẻ như niên đại của những nét khắc này không còn bị đẩy xa lên đến vài ngàn năm trước nếu những chữ ông Chiến đọc được đúng là những gì chủ nhân nó muốn viết lại cho đời sau.
"Lên chỗ đá bó mẹ mà ăn nằm !!!". (Ảnh HS Nguyễn Văn Chiến cung cấp).
Bí ẩn vẫn là bí ẩn...
Sau thông báo của họa sĩ Nguyễn Văn Chiến, còn nhiều nhà nghiên cứu tiếp tục đi điền dã Mường Hoa để quan sát và phát hiện thêm về những khối đá, tiếp tục cố gắng giải mã những hình khắc mang nhiều bí ẩn. Về tảng đá đã được ông Chiến "đọc" chữ, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng: Có thể có nhiều lớp văn hóa phủ lên bãi đá cổ Sa Pa và lớp "chữ quốc ngữ" có thể là lớp phủ cuối cùng (?). Ông Chiến cũng chỉ mới đọc được "chữ" trên một hòn đá và đến nay vẫn chưa có "chữ" nào được "đọc" thêm.
Nhưng vẫn còn một khả năng khác (có vẻ cao hơn): Chủ nhân của những nét khắc đó không hề biết chữ quốc ngữ. Họ khắc những nét hoa văn theo tâm tưởng của họ nhưng chúng ta lại "dịch" chúng theo / bằng chữ quốc ngữ? Nếu như vậy, câu chuyện lại chuyển sang một hướng khác với rất nhiều câu hỏi mới và những câu trả lời vẫn còn để ngỏ. Điều này càng làm tăng thêm giá trị của những tảng đá mang hoa văn trên mình ở Sa Pa nhưng cũng đòi hỏi sự dày công nghiên cứu liên ngành và đa ngành hơn nữa.
Ngữ Thiên
Theo daidoanket.vn
Rợn người chuyện xác chết biết đi ở Indonesia Bộ tộc Toraja ở Indonesia nổi tiếng với tục chôn xác người chết kèm chuyện xác chết biết đi gây ám ảnh. Toraja là nhóm cộng đồng bộ tộc bản địa, sinh sống chủ yếu ở vùng núi Nam Sulawesi, Indonesia. Tộc Toraja còn nổi tiếng với tục chôn xác người chết kèm chuyện xác chết biết đi gây ám ảnh, họ cho...