Vén màn bí mật nghề diễn viên đóng thế
Cùng lắng nghe chia sẻ của anh Lữ Đắc Long – phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Cascadeur (Hội Điện ảnh TP.HCM) về nghề diễn viên đóng thế.
Diễn viên đóng thế, hay còn gọi là cascadeur, là một nghề còn khá xa lạ với nhiều người. Không lộ mặt, xuất hiện chớp nhoáng trong những màn hành động nguy hiểm trên màn ảnh, không nổi tiếng, không danh vọng nhưng nguy cơ chấn thương, tai nạn luôn cận kề, đó là những gì ngắn gọn khi nói về công việc này.
Dù vậy, với lòng yêu nghề, các diễn viên đóng thế luôn nỗ lực hết sức, chỉ với ước muốn cống hiến hết mình cho nghệ thuật, để khán giả có những phút tận hưởng những pha hành động đẹp mắt và chân thực nhất.
“Bán tài năng chứ không bán tính mạng”
Gặp anh Lữ Đắc Long - phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Cascadeur (Hội Điện ảnh TP.HCM) vào một chiều đầu thu, nghe anh tâm sự mới hiểu hết được những vất vả, gian truân mà người diễn viên đóng thế phải trải qua. Anh Long vẫn được dân trong nghề gọi vui là “người cháy” vì anh là một trong số ít cascadeur dám “chơi” một hơi 4 cảnh cháy toàn thân, trong đó có cảnh cháy ở phía trước người – một trong những cảnh quay mạo hiểm bậc nhất Việt Nam vì đến nay, ở nước ta chưa có thiết bị bảo hộ chống nóng hữu hiệu cho diễn viên. Khi bị cháy ở phía thân trước, ngọn lửa táp vào mặt dễ gây bỏng và nguy hiểm hơn là nguy cơ ngạt thở và ngộ độc hơi nóng.
Anh Lữ Đắc Long (trái) chụp ảnh cùng đạo diễn nổi tiếng Phillip Noyce, người từng thực hiện Người Mỹ trầm lặng
Anh Lữ Đắc Long đến với nghề từ một cơ duyên. Đầu năm 1990, NSND Lý Huỳnh đến trung tâm thể dục nhào lộn quận 1, nơi anh đang luyện tập để tìm người đóng thế Lý Hùng trong bộ phim Thăng Long đệ nhất kiếm. Dù nhỏ tuổi hơn Lý Hùng rất nhiều, nhưng nhờ khả năng đánh kiếm và nhào lộn đẹp mắt, anh Long vẫn được NSND Lý Huỳnh mời tham gia phim. Vốn là dân võ, lại thần tượng Lý Huỳnh nên anh cứ thế mà tham gia một mạch gần 10 phim của Lý Huỳnh. Thời đó, cascadeur chưa ra đời nhiều như ngày nay nên có phim anh đóng thế cho toàn bộ các nhân vật trong phim, từ Lý Hùng, Công Hậu, Lý Huỳnh đến Mộng Vân, Diễm Hương, Hồng Vân…
Xuất thân từ dân võ – anh Lữ Đắc Long đến với cascadeur như một cái duyên
Có thể nói, khó có người làm nghệ thuật nào phải đối mặt với nguy hiểm nhiều như diễn viên đóng thế. Để có được vài phút, thậm chí chỉ là vài chục giây “tưng bừng” trên màn ảnh, các cascadeur có khi phải bỏ ra cả tháng trời để tập luyện, từ việc phối hợp ra đòn sao cho nhìn giống đánh nhau thật đến chuyện ngã thế nào để giảm thiểu chấn thương. Bên cạnh đó, ngoài võ thuật, một cascadeur còn phải trang bị cho mình nhiều kĩ năng, sở trường như nhào lộn, đu dây tử thuật, điều khiển xe môtô, ôtô và đặc biệt là diễn xuất hành động. Sự sáng tạo, học hỏi, tập luyện không ngừng cũng là một trong những yêu cầu cho nghề này.
Khi hỏi điều gì là khó nhất với diễn viên đóng thế, anh Long trích lại lời của đạo diễn Phillip Noyce khi làm phim Người Mỹ trầm lặng ở Việt Nam: “Cái khó nhất của người cascadeur là sự an toàn”. Cho dù pha diễn của mình có hay, có đẹp, có hấp dẫn đến đâu, nhưng nếu không an toàn thì xem như không còn ý nghĩa. Tất cả phải được tính toán chi li, chính xác. Người diễn viên đóng thế “bán” tài năng chứ không “bán” tính mạng của mình!
Video đang HOT
Muốn được an toàn, bí quyết duy nhất của cascadeur chỉ có duy nhất 1 từ: tập luyện. Khi nhận lệnh đóng phim, tất cả phải tích cực tập luyện đến thuần phục. Khi đến phim trường phải tuân thủ kỷ luật, sẵn sàng với mọi yêu cầu của đạo diễn. Tùy theo pha nguy hiểm mà trang bị những vật dụng bảo hộ: ví dụ như cháy người thì phải chuẩn bị áo chống cháy, bình xịt; nếu bay người trên không, phải chuẩn bị xe cần cẩu, giàn khung, mặc áo bay… Bên cạnh đó, các dụng cụ bảo hiểm ngày nay đã được bổ sung phong phú nên việc chấn thương được hạn chế khá nhiều.
Anh Lữ Đắc Long trong một vai diễn đóng thế
Khi nhận được kịch bản, các ê kíp cascadeur sẽ lọc lại những phân cảnh hành động, ghi lại toàn bộ các chi tiết dù là nhỏ nhất, bàn bạc với đạo diễn nhà sản xuất, thỏa thuận mức kinh phí sau đó tiến hành tập luyện. Thời gian chuẩn bị cho một dự án phim cũng không cố định. Có phim mất 2 tháng trời vừa tập luyện vừa quay thử, có dự án thì chỉ cần báo rõ cảnh quay yêu cầu, địa chỉ bối cảnh là cascadeur có thể ra trực tiếp hiện trường bàn bạc và thực hiện luôn tại chỗ.
Chỉ đam mê thôi thì không làm nên chuyện
Anh Lữ Đắc Long giờ đã ngừng hẳn công việc cascadeur để chuyên tâm cho nghề báo. Không phải đã hết đam mê mà vì sức khỏe, thể lực của anh không còn như trước nữa. “Đã bước vào nghề là phải nghiêm túc, có lúc xem nó quan trọng như chính sinh mạng của mình. Không thể xem là cuộc chơi. Khi biết mình không còn thời gian, sức trẻ… thì tốt nhất là nên dừng lại đúng lúc để không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các diễn viên cùng ê kíp, cũng là để người thân khỏi thất vọng vì những ảo vọng của nghề”.
Một trong những cảnh quay mạo hiểm nhất của nghề cascadeur
Tuổi nghề của một diễn viên cascadeur thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất là sức khỏe. “Những môn nghệ thuật khác, cứ đam mê và dám hi sinh hết mình là đã được 50% rồi. Nhưng với cascadeur, đam mê thôi mà không có sức khỏe là không làm được việc đâu”, anh Long chia sẻ. Tuy nhiên, có những người theo nghề được hàng chục năm vì nhờ kinh nghiệm, diễn viên vẫn có thể thực hiện những cảnh cháy người, bay xe một cách dễ dàng.
Khi hết duyên với nghề, một diễn viên đóng thế chuyên nghiệp có khá nhiều hướng đi để duy trì cuộc sống. Nếu vẫn còn duyên với nghệ thuật, diễn viên sẽ may mắn được giữ lại làm chỉ đạo võ thuật, đạo diễn hành động hay rẽ sang làm diễn viên chuyên nghiệp. Vì là con nhà võ nên nhiều người mở công ty vệ sĩ hoặc võ đường. Những cũng có những anh em quay sang kinh doanh, tìm một công việc chẳng liên quan gì đến võ thuật.
Anh Lữ Đắc Long giờ tập trung theo nghề báo nhưng vẫn dành nhiều tình cảm cho nghề cascadeur
Dù không còn theo nghề nhưng anh Long vẫn dành mối quan tâm lớn cho cascadeur cũng như các anh em trong nghề. Theo thống kê của Hội Điện ảnh TP.HCM, hiện nay, ở Sài Gòn có khoảng 300 cacasdeur, trong đó có hơn 100 người đang hành nghề chuyên nghiệp. Có một số nhóm hoạt động khá chuyên nghiệp và uy tín như: Quốc Thịnh, Hải Long Lan, Hồ Hiếu, Tuấn Cầu Mây, Trí Nguyễn. Diễn viên đóng thế giờ không còn là “địa hạt” riêng của phái mạnh. Rất nhiều các “bóng hồng” đang thầm lặng hi sinh, tỏa hương cho nghệ thuật. Cascadeur Việt giờ đã đủ cả “lượng” và “chất”, có thể đáp ứng nhiều yêu cầu của các đoàn phim cả trong và ngoài nước.
Một cảnh quay trên không
Khi được hỏi về việc có bao giờ thấy chạnh lòng vì nghề của mình ít có sự ưu ái, nổi tiếng như diễn viên chuyên nghiệp, anh Lữ Đắc Long cười bảo: “Chấp nhận làm người đóng thế, không một cascadeur nào nghĩ mình sẽ nổi tiếng. Họ làm vì sự yêu nghề và mong ước cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật, cho khán giả. Có người ngưỡng mộ cascadeur vì tài năng, sự hy sinh cho nghệ thuật. Nhưng cũng có người cho rằng đây là nghề liều mạng, dở hơi, chuyên làm chuyện khác người. Tuy nhiên, làm nghề dù chỉ một ngày nhưng dám sống chết với nó đã là một hạnh phúc. Diễn viên diễn xuất bằng nội tâm, biểu cảm, mình diễn xuất bằng hành động. Khó khăn nguy hiểm là đặc thù của nghề mình, làm sao so sánh được”.
Theo Danviet
Những sao Việt thành danh từ nghề cascadeur
Đã có không ít cascadeur "nối dài" được niềm đam mê cháy bỏng của mình với phim ảnh, trở thành những diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo võ thuật...
Johnny Trí Nguyễn chỉ đạo một cảnh võ thuật trong phim Bụi đời Chợ Lớn.
Johnny Trí Nguyễn vốn là một cascadeur trở về từ Hollywood đã nhanh chóng trở thành ngôi sao điện ảnh hàng đầu ở Việt Nam. Ngoài làm diễn viên (các phim Nụ hôn thần chết, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Tèo em...), anh còn đảm nhận xuất sắc vai trò đạo diễn võ thuật- hành động trong các phim Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Khát vọng Thăng Long... 2 năm nay Johnny Trí Nguyễn đã mở một trung tâm đào tạo võ thuật điện ảnh, nghề casdeur và diễn viên phim hành động để truyền dạy cho đàn em những kinh nghiệm về nghề của mình.
Đạo diễn - Cascadeur Quốc Thịnh trong một cảnh phim.
Thuộc thế hệ cascadeur đời đầu, Quốc Thịnh (CLB cascadeur Quốc Thịnh- người lập kỷ lục Việt Nam về đóng thế nhiều phim nhất) hiện đang là đạo diễn và đạo diễn võ thuật của một số phim truyền hình: Cỏ dại, Vườn đời, Vật chứng mong manh...với rất nhiều cảnh quay hành động.
Bùi Văn Hải trong phim Long ruồi.
Từ một cascadeur giàu kinh nghiệm, Bùi Văn Hải đã được nhiều đạo diễn nổi tiếng tin tưởng giao vai, trở thành diễn viên và đạo diễn võ thuật cho nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình: Trinh thám Sài Gòn, Truy tìm dấu vết, Đồng hồ cát, Sóng đời, Sáu mặt rubik, Trận đấu định mệnh, Lửa Phật, Long ruồi, Đại náo học đường...
Một cascadeur - diễn viên Phi Ngọc Ánh mạnh mẽ trên phim
Và một Phi Ngọc Ánh dịu dàng ngoài đời.
Sau 3 năm chỉ chuyên làm người đóng thế, Phi Ngọc Ánh cuối cùng đã lọt vào mắt xanh của các đạo diễn nhờ có khả năng diễn xuất, thanh sắc khá ổn. Được khuyến khích đi theo con đường diễn viên hành động chuyên nghiệp, Phi Ngọc Ánh đã có được những vai diễn trong phim truyền hình Vật chứng mong manh, Gai hồng, Hương cỏ dại, Cầu vòng đơn sắc, Vườn đời, Đại gia không chồng...
Kim Dung vai Liễu Thị trong phim Mỹ nhân kế 3D.
Sau 5 năm làm cascadeur, Kim Dung đã đóng thế trong 50 phim điện ảnh và truyền hình. Năm 2011, cô được đạo diễn Lê Bảo Trung chọn vào vai vệ sĩ cho một cậu con trai nhà giàu trong phim truyền hình Gọi yêu thương. Sau đó, Kim Dung hóa thân vào vai Liễu Thị - một trong 5 mỹ nhân của bộ phim điện ảnh Mỹ nhân kế 3D. Vì Kim Dung là cascadeur nên những cảnh phải bay, cô không cần hỗ trợ dây kéo như các bạn diễn nữ trong phim này. Mới đây Kim Dung xuất hiện trong vai một nữ giang hồ có nhiều màn đánh đấm ác liệt trong bộ phim Con gái vị thẩm phán.
Ngoài ra, còn có Trần Như Thục- người hai lần bay xe trên không thành công được ghi vào sách Những kỷ lục Việt Nam cũng đóng vai thứ chính trong các phim truyền hình như Vật chứng mong manh (vai Tí mặt quỉ),Hoa xương rồng (vai Hứa Phu), Vườn đời (vai Lộc "cá chốt")...
Tuổi trung bình làm nghề cascadeur chỉ khoảng 30, nữ giới có thể phải "hưu" sớm hơn, các diễn viên xuất thân là cascadeur đã theo học những khóa đào tạo diễn xuất và đầu tư sâu hơn cho nghề diễn viên. Hiểu rõ tình yêu với điện ảnh của những diễn viên đóng thế, nhiều CLB cascadeur đang định hướng cho các thành viên trong nhóm trở thành những diễn viên hành động được diễn xuất trên phim, thay vì chỉ thế thân đầy nguy hiểm.
Có một điểm chung ở các cascadeur là dù đã và đang khẳng định được vị trí của mình ở vai trò diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo võ thuật nhưng họ vẫn xem việc đóng thế là nghề không thể dứt bỏ, chỉ có thể chia tay khi sức khỏe không cho phép.
Theo zing
Những lần suýt bỏ mạng của cascadeur Việt Suýt rơi xuống vực, bỏng toàn bộ lưng, đa chấn thương... là chuyện thường xuyên xảy ra với các cascadeur. Nghề đóng thế ở Việt Nam Không chỉ ở Việt Nam, cascadeur - diễn viên đóng thế là một công việc đặc thù, tay nghề cao hay thấp đều được thể hiện trên màn ảnh qua các pha hành động mạo hiểm. Hầu...